Tha thứ cho cha mẹ về những tổn thương thời thơ ấu

Oneway.vn – Cha mẹ nào cũng muốn làm điều tốt nhất cho con cái. Nhưng do bản chất tội lỗi sa ngã của con người (Rô-ma 3:23), ngay cả những bậc cha mẹ tin kính nhất cũng có thể mắc sai lầm

Chúng ta sẽ đi sâu vào những lý do khiến cha mẹ làm tổn thương con cái (vô tình hoặc cố ý), cũng như tìm hiểu xem Kinh thánh nói gì về việc tha thứ cho cha mẹ, và cách hòa giải với nhau.

Tại sao cha mẹ làm tổn thương con cái?

Dù cố ý hay không, hầu hết chúng ta đều mang những vết sẹo từ thời thơ ấu. Có thể do cha mẹ là người mê công việc, không dành đủ thời gian và sự quan tâm cho con. Có thể cha mẹ đã đặt quá nhiều áp lực ép con phải thành công, khiến con rơi vào trạng thái lo lắng vì lúc nào cũng phải nỗ lực giành được sự công nhận của cha mẹ.

Hoặc nghiêm trọng hơn, cha mẹ có thể làm tổn thương con cái về mặt thể chất hoặc tâm lý qua những hành động bạo lực hoặc lạm dụng. Đó là những vết thương mà con cái có thể mang theo suốt đời.

Sau đây là một số lý do tại sao cha mẹ lại làm tổn thương chúng ta:

 

  • Họ muốn tránh lặp lại điều cha mẹ họ đã làm.

 

Nếu họ chưa từng được cha mẹ quan tâm khi còn thơ ấu, họ sẽ có xu hướng làm điều ngược lại với con mình: đảm bảo rằng họ tham dự vào tất cả những gì con cái họ làm, đến mức quá đáng.

Cũng có thể, cha mẹ họ quá dễ dãi với họ khi còn thơ ấu, nên bây giờ họ quyết định cai trị con cái mình bằng roi vọt. Hoặc ngược lại.

Mỗi thế hệ thường có xu hướng nổi loạn chống lại các thế hệ trước, và chúng ta chứng kiến ​​điều này khi nói đến mối quan hệ cha mẹ – con cái.

 

  • Có thể họ chưa lành vết thương.

 

Có lẽ cha mẹ đã mang theo vết thương thời thơ ấu vào cuộc hôn nhân của họ. Cơ Đốc nhân thường nhầm lẫn khi tin rằng hôn nhân có thể giải quyết mọi vấn đề. Không! Thực tế, hôn nhân thường làm trầm trọng thêm vấn đề.

Nếu cha mẹ chưa chữa lành vết thương thời thơ ấu một cách đúng đắn, họ có thể đặt ra những kỳ vọng nhất định vào con cái. Và sau đó, họ sẽ chìm vào thất vọng khi con cái không đạt được điều đó.

Vì thế, nếu cha mẹ chưa chữa lành vết thương của chính mình, họ không những không thể giúp được con cái, mà còn làm tổn thương con. 

 

  • Cha mẹ không biết mình đang làm tổn thương con.

 

Chúng ta thường không thấy được hành động của mình có thể ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào.

Ngay cả những bậc cha mẹ tốt nhất cũng có thể vô tình làm tổn thương con cái, theo một cách nào đó. Có lẽ những thói quen xấu hoặc những gương xấu trong cách nuôi dạy con cái mà họ đã chứng kiến ​​(1 Cô-rinh-tô 15:33) đã vô tình ăn sâu cách giáo dục con cái của chính họ.

Vâng, còn nhiều lý do khác để giải thích tại sao cha mẹ lại làm tổn thương con cái. Nhưng sự thật là hầu hết chúng ta đều lớn lên với những vết thương lòng. Vậy chúng ta nên làm gì?

Kinh thánh nói gì về việc tha thứ cho cha mẹ?

Kinh thánh nói rất nhiều về việc vâng lời cha mẹ, nhưng còn tha thứ cho họ thì sao?

Không có bất kỳ câu Kinh thánh cụ thể nào dạy chúng ta cách tha thứ cho cha mẹ, nhưng Lời Chúa có nói về việc tha thứ cho những người phạm lỗi với chúng ta:

Ma-thi-ơ 6: 14-15, “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.”

Mác 11:25 “Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi.

Ê-phê-sô 4: 31-32 “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.

Kinh thánh nói rõ rằng chúng ta nên tha thứ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm tổn thương chúng ta. Nhưng làm sao để thực hiện điều này?

4 cách để tha thứ cho cha mẹ

Hãy khám phá một số cách để tha thứ cho cha mẹ và hướng tới con đường hòa giải. Nhưng hãy biết rằng họ có thể không muốn như vậy. Hãy đặt mọi sự trong tay Chúa và tin rằng bạn đã làm hết sức để hàn gắn mối quan hệ này.

  1. Nhận biết cách Chúa dùng cha mẹ để uốn nắn bạn.

Hãy xem gương của Giô-sép. Các anh trai đã bán ông làm nô lệ, và ông ở Ai Cập một mình trong suốt thời thơ ấu và thiếu niên. Chính nhờ họ đặt Giô-sép vào tình huống đó, Đức Chúa Trời đã sử dụng ông để cứu cả Ai Cập và nhiều vùng xung quanh khỏi nạn đói.

Sau đó, ông hòa giải với chính những người anh em đã bán mình làm nô lệ.

  1. Cầu nguyện cho cha mẹ và thấu hiểu những tổn thương của họ.

Kinh thánh dạy chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù mình (Ma-thi-ơ 5:44), và đôi khi, cha mẹ cũng nằm trong trường hợp này. Chúng ta cần hiểu rằng người bị tổn thương thường có xu hướng làm tổn thương người khác.

Có thể chúng ta là niềm hy vọng duy nhất để cha mẹ được nghe về Đức Chúa Jêsus Christ, hoặc giúp cha mẹ có cơ hội đổi mới đức tin nếu họ đang đi sai hướng. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho cha mẹ.

  1. Đối diện với cha mẹ trong tình yêu.

Kinh thánh dạy: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người” trước khi đưa những người khác vào cuộc (Ma-thi-ơ 18:15). Hãy thành thật về việc cha mẹ đã làm tổn thương bạn như thế nào, sau đó bày tỏ tinh thần tha thứ và hòa giải.

  1. Hiểu rằng cha mẹ có thể không chấp nhận hòa giải.

Bạn cố gắng làm mọi cách để hòa giải với cha mẹ, nhưng họ vẫn có quyền từ chối. Họ có thể không thừa nhận những tổn thương đã gây ra cho bạn và những sai lầm của họ.

Trong trường hợp đau đớn đó, hãy tiếp tục nhiệt thành cầu nguyện để Chúa xoa dịu tâm hồn cha mẹ bạn.

Không có bậc cha mẹ nào là hoàn hảo cả. Cha mẹ luôn muốn làm điều tốt nhất cho con, nhưng rốt cuộc, họ vẫn có thể làm tổn thương con.

Kinh thánh khuyến khích chúng ta tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình. Tha thứ là việc của chúng ta, nhưng hòa giải thì cần cả hai bên chấp thuận. Và dù kết quả là gì, thì khi chúng ta đã dang tay tha thứ, hãy biết rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch cho mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ, và rằng Ngài đang hành động, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy.

Bài: Hope Bolinger; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *