Tha Thứ Không Có Nghĩa Là Quên Lãng

Oneway.vn: Một trong những câu Kinh Thánh thách thức nhất mà Chúa Giê-xu đã từng nói ở Ma-thi-ơ 6:14-15: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Còn nếu anh em không tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em.” Đây là câu Kinh Thánh mà có lẽ các bạn chưa từng thấy được in trên áo thun, cốc cà phê, hay màn hình vi tính với hoa hồng làm nền phía sau.

Tha Thứ Không Có Nghĩa Là Quên Lãng

Đây không phải là câu gốc phổ biến với tất cả mọi người vì nó đi sâu vào nơi nhạy cảm nhất trong tâm hồn mỗi chúng ta. Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết rằng, nếu chúng ta nhận lãnh ơn phước của Chúa, thì chúng ta cũng phải chúc phước lại cho người khác. Ngài đã giao cho chúng ta một thử thách, đó là nếu bạn không thể tha thứ cho người khác, điều ấy chứng tỏ bạn chưa thật sự nhận được sự tha thứ từ nơi Chúa.

Hoặc là, suy nghĩ tích cực hơn, thì Ngài đang dạy cho chúng ta rằng: cách thực tế nhất để cho thế giới thấy rằng bản thân chúng ta hiểu rất rõ về sự tha thứ trong Kinh Thánh, đó là phải học cách tha thứ.

Vậy, tha thứ là gì? Một trong những định nghĩa hay nhất về sự tha thứ đến từ Wikipedia, nói rằng: “Đó là quá trình chủ ý và tự nguyện mà nạn nhân phải chịu đựng một sự thay đổi trong cảm xúc và thái độ liên quan đến hành vi phạm tội, quên đi việc trả thù, và nhiều khả năng là sẽ mong muốn những điều tốt đẹp xảy đến với người phạm lỗi.”

Wow! Sự tha thứ thật không đơn giản chỉ là vượt qua cơn giận, nỗi cay đắng và oán hận, nhưng tha thứ cũng có nghĩa là mong muốn những người đã làm tổn thương chúng ta nhận được điều tốt nhất. Tôi có thật sự cầu nguyện với Chúa cho ai đó không? Không chỉ cầu thay và thông báo cho Ngài biết tội lỗi họ gây ra nhưng thực chất phải xin Chúa ban phước cho người đó. Bây giờ thì điều đó trở nên thật sự khó khăn rồi, đúng chứ?

Hãy thành thật đi nào! Chúng ta thường không thể tha thứ cho những việc rất ngớ ngẩn và vô cùng tầm thường. Tuy nhiên, có những câu chuyện vô cùng đau đớn, đáng thất vọng. Trong tình huống này, sự tha thứ chỉ có thể đến từ nơi Chúa vì nó cần sự tha thứ nhiều đến mức chỉ có Ngài mới làm được. Những câu chuyện như thế này thường liên quan đến những lời đồn về sự tha thứ  gây trở ngại, bối rối cho chúng ta và ngăn chúng ta trải nghiệm chiến thắng thật sự.

Vì thế, hãy cùng điểm ra các lời đồn liên quan tới sự tha thứ, và hãy gọi nó bằng cái tên của chúng: những lời đồn.

Lời đồn: Tha thứ có nghĩa là bạn phải quên đi

Thật đáng tiếc là bạn không có Neuralizer giống như anh chàng trong bộ phim Men In Black để bạn có thể quên đi ký ức của mình bằng cách nhìn vào ánh đèn flash. Ký ức là thứ gì đó rất thật, đặc biệt là khi nó gắn liền với nỗi đau. Nó có thể sẽ luôn luôn tồn tại. Tuy nhiên, có một cơ hội tuyệt vời để thực hành lối sống tha thứ, bằng cách nói: “Tôi không thể quên, và tôi có thể nhớ chúng rất rõ, nhưng vì ân điển của Chúa tôi vẫn chọn con đường tha thứ.”

Lời đồn: Tha thứ có nghĩa là bạn đang bao che cho họ

Đã nhiều lần chúng ta cảm thấy rằng: tha thứ đồng nghĩa với việc mọi thứ người khác làm với bạn đều ổn, không vấn đề gì cả. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một lời đồn, không hơn không kém. Tha thứ nghĩa là tin Chúa là quan xét công bằng nhất. Chúa biết rất rõ làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn của chúng ta. Sau tất cả, Ngài là chuyên gia trong việc đương đầu với phạm nhân và tội lỗi, không phải chúng ta. Đừng bao giờ quên Ngài đã làm thế nào để tha thứ cho hành động tội lỗi của chúng ta đối với người khác.

Lời đồn: Tha thứ có nghĩa là bạn là người bị khinh rẻ

Đôi khi, chúng ta sợ rằng việc tha thứ sẽ khiến bản thân bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Tuy nhiên, tha thứ không đồng nghĩa với việc tôi bắt buộc bản thân phải bị lợi dụng liên tục. Trong thực tế, tôi sẽ cảm thấy có lỗi khi tạo điều kiện cho người đó có cơ hội khinh rẻ tôi. Tha thứ có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ bản thân bằng cách không mang những nỗi cay đắng, ấm ức theo mình.

Lời đồn: Tha thứ có nghĩa là bạn phải kết bạn

Tha thứ không có nghĩa là bạn phải liên tục làm quen hoặc kết những người bạn thân mới với ai đó. Đôi khi, điều tốt nhất cho hai người đó chính là khoảng cách. Chúng ta học được trong Kinh Thánh rằng phải biết tha thứ và đối xử tốt với người khác; tuy nhiên, không câu nào trong Kinh thánh khuyên chúng ta nên làm bạn với tất cả mọi người.

Lời đồn: Tha thứ đến từ câu xin lỗi

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chỉ với hai từ “Xin lỗi” là đã có thể chữa lành mọi niềm đau. Tuy nhiên, sự tha thứ thật sự không đơn giản chỉ là câu nói ngắn gọn như thế, nhưng nên là điều đến từ Đấng toàn năng. Chúa sẽ tha thứ cho người biết tha thứ đầu tiên, thì sau đó người ấy mới có thể cảm nhận sâu sắc sự tha thứ từ nơi Chúa.

Lời đồn: Tha thứ dựa trên hành động của người khác

Thông thường, mọi người hay nói rằng: “Tôi sẽ tha thứ cho người ấy nếu họ cầu xin tôi và làm điều gì đó xứng đáng với tấm lòng khoan dung của tôi.” Tuy nhiên, đây không phải là điều ta nên làm, vì chúng ta được ra lệnh rằng phải tha thứ, mặc dù có người ấy cầu xin chúng ta hay không. Sự thành công ấy đến từ việc vâng phục Đức Chúa Trời, hoàn toàn không phải từ hành động của ai đó. Hãy luôn nhớ rằng, ơn phước là thứ để ban cho người khác, mặc dù lúc ấy họ không hề xứng đáng.

Lời đồn: Tha thứ là việc rất dễ dàng

Thật đáng tiếc thay, việc tha thứ cho một ai đó không hề đơn giản một chút nào. Tuy nhiên nó cũng không qua phức tạp hay khó khăn. Bình thường, chúng ta luôn giữ bên mình sự cay đắng, oán trách và không thể tha thứ cho ai đã làm tổn thương đến mình hay người thân của mình, bởi vì ở một mức độ nào đó, điều đó làm cho chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn có thể làm chủ được sự việc. Chúng ta muốn người đó phải chịu đau khổ như họ đã làm với chúng ta. Thật không đơn giản để chúng ta tự mình thay đổi những suy nghĩ, cảm giác này. Tuy nhiên, tin vui là chúng ta có Chúa là Đấng có thể biến điều tưởng như không thể thành có thể. “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được”. (Lu-ca:1:37)

Mặc dù có rất nhiều lời đồn xoay quanh việc tha thứ, nhưng chỉ có duy nhất một sự thật. Sự thật là những đắng cay, oán trách vô cùng nặng nề và chúng ta không thể cứ giữ chúng mãi bên mình được. Vì thế, đây là lúc chúng ta nên thật sự tận hưởng cảm giác chiến thắng khi tha thứ ai đó, mà cảm giác này chỉ có thể tìm thấy trong Christ bằng cách để những gánh nặng xuống trước chân Chúa. “Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng”. (Ma-thi-ơ:11:30)

Dịch: Jéssie Nguyen.

Nguồn: Relevant Magazine.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *