Oneway.vn – Khi đại dịch COVID-19 đưa thế giới vào bế tắc, chúng ta thấy được cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nhân loại.
Chúng ta được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện hy sinh, như chuyện một linh mục đã nhường máy thở cho những bệnh nhân trẻ tuổi hơn với cái giá là chính mạng sống mình.
Nhưng cũng có những câu chuyện phơi bày mặt xấu xa nhất của loài người: tích trữ giấy vệ sinh, vui chơi bất chấp, chen chúc nhau trên các bãi biển và quán bar, thậm chí là chuyện phân biệt chủng tộc và bạo lực với người Mỹ gốc Á.
COVID-19 cũng giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác, nó nói lên chúng ta là ai: tốt hay xấu. Hơn nữa, nó không hề “phân biệt đối xử” khi tiết lộ bản chất thật của con người.
Thống đốc New York – Andrew Cuomo đã gọi virus này là “cán cân vĩ đại”, sau khi anh trai ông, nhà báo CNN Chris Cuomo được chẩn đoán mắc COVID-19. Nó tàn phá mọi quốc gia, cộng đồng, gia đình và giai cấp. Nó tước đi sự an ninh và địa vị mà chúng ta đang bám vào, phơi bày yếu điểm của chúng ta và các vị thần mà chúng ta đang tôn thờ.
Chủ yếu là tự thần tượng bản thân.
Thần tượng bản thân
Phương Tây cho rằng tự do cá nhân là ưu tiên cao nhất. Đây là lý do một số người vẫn thường xuyên lui tới quán bar, bãi biển và công viên trong khi đất nước đang kêu gọi cách ly xã hội. Nhiều người đáp rằng: “Nó chẳng ảnh hưởng gì đến tôi”. Khăng khăng giữ lấy tự do cá nhân là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự lây lan của virus.
Việc tích trữ hàng tạp hóa, khẩu trang và giấy vệ sinh cho thấy cách chúng ta coi trọng sự an ninh cá nhân hơn là cộng đồng. Lời kêu gọi kết thúc cách ly xã hội sớm hơn, với hy vọng bắt đầu phục hồi kinh tế, cho dù cái giá phải trả là mạng sống của người già hoặc người có nguy cơ cao; điều này tiết lộ rằng chúng ta sẵn sàng bắt những người khác phải chịu đựng, để mình được thoải mái.
Chúng ta cũng có thể thấy sự thần tượng bản thân ngay trong nhà mình. Những người cha, mẹ làm việc tại nhà có thể cảm thấy mất kiên nhẫn với con cái hoặc người phối ngẫu, phải vật lộn để sống vị tha trong những lúc căng thẳng và gần nhau 24/24 này. Những người khác cố làm giảm nỗi sợ hãi bằng cách theo dõi mạng xã hội hoặc tin tức, như một xu thế hiện nay: người ta không đóng góp cho cộng đồng bằng hành động phục vụ người khác, nhưng bằng cách suốt ngày lướt qua những tiêu đề căng thẳng trên màn hình điện thoại.
Thời gian cách ly và đại dịch này khiến chúng ta phải đối đầu với việc thần tượng bản thân. Đây không chỉ là tổn thất lớn về mặt tinh thần mà còn là vật chất. “Nghiện” tự do cá nhân đang làm cho tình trạng này tồi tệ hơn.
Ăn năn trong thời đại dịch
Virus này đã gây ra cái chết và hủy diệt nền kinh tế cũng như cuộc sống của con người, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong thế kỷ 21. Những hoạt động vui chơi giải trí giờ đã bị hạn chế (thể thao, đi chơi, phim ảnh, du lịch). Thay vì ám ảnh về việc khi nào đại dịch này sẽ kết thúc, chúng ta nên tìm cách để tận dụng thời gian này cho sự biến đổi.
Nhận thức được sự thần tượng bản thân sẽ dẫn chúng ta đến sự ăn năn. Chúa Jêsus đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho những người theo Ngài, điều đó đúng trong mọi bối cảnh, nhưng bây giờ lại đúng hơn bao giờ hết: “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 16: 24-25).
Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta đừng đề cao sự tự do của mình, nhưng phải hy sinh vì tình yêu dành cho người lân cận. Không lúc nào tốt hơn để làm điều đó hơn bây giờ. Thay vì dùng thời gian giãn cách xã hội để nuông chiều sự tự do bản thân, có lẽ thay vào đó chúng ta nên làm 3 việc này.
1. Tra xét lại tâm linh
Thay vì đau đầu suy nghĩ “tiếp theo nên xem phim gì” để đánh lạc hướng bản thân, hãy dành thời gian tra xét lại tâm linh để phơi bày các thần tượng khác. Cụ thể, hãy xem đại dịch này phơi bày điều gì về tâm linh bạn? Đâu là nơi dễ mất cân bằng và dễ tổn thương nhất trong đời sống gia đình, công việc hay suy nghĩ của bạn?
2. Yêu thương người lân cận vô điều kiện
Tình yêu Cơ Đốc là sự hy sinh (1 Giăng 3:16), và bây giờ chúng ta có cơ hội tốt để chứng minh điều đó. Hãy mang nhu yếu phẩm đến cho người hàng xóm lớn tuổi, dâng hiến cho Hội thánh, giúp đỡ một gia đình đang trong tình trạng tài chính khó khăn, hay đơn giản là ở nhà và hy sinh “khao khát vui chơi” của bạn.
3. Trao đi hy vọng
Trong thời kỳ khủng hoảng, người nào thần tượng bản thân sẽ khư khư giữ lợi ích cho riêng mình. Điều này có thể trông giống như xây hàng rào tích trữ; cũng có thể là quá sợ hãi và hoảng loạn, bị cơn sóng đưa đi trôi dạt.
Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân được kêu gọi để trở nên khác biệt; trở thành đại sứ hy vọng, biết rằng tương lai cuối cùng của mình là bình an trong Chúa. Khi nói chuyện với bạn bè hoặc đăng bài lên mạng xã hội, chúng ta có thể bày tỏ hy vọng thay vì tuyệt vọng, vui mừng hơn là hoài nghi. Thế giới rất cần điều này, và chúng ta có thể tuyên bố cả trong lời nói và cách sống hằng ngày: đó là niềm hy vọng rằng – dù là cái chết, sự sống hay đại dịch này cũng không thể tách chúng ta khỏi tình yêu Đức Chúa Trời qua Đấng Christ.
Bài: Eugene Park; dịch: Jennie
(nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply