Oneway.vn – Bạn sẽ làm gì nếu tình cờ phát hiện đứa con 6 tuổi của mình đang có hành vi thủ dâm? Bạn sẽ hoảng hốt, lo lắng, la mắng, thậm chí đánh phạt chúng? Hay bạn sẽ im lặng vì cho rằng đó là sự phát triển sinh lý bình thường?
Thi Thiên 127:3 chép: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông trái của tử cung là phần thưởng”. Tin rằng tất cả những ai làm cha mẹ đều sẽ ý thức được trách nhiệm Chúa giao trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để xây dựng và phát triển cơ nghiệp Chúa ban trong thời điểm xã hội đang có quá nhiều biến đổi, những quan niệm lệch lạc về chuẩn mực đạo đức? Theo tôi, cách duy nhất để biết chắc con cái chúng ta đang được dạy dỗ theo đường lối đúng đắn, đó là dựa trên sự dạy dỗ và chuẩn mực đạo đức Kinh Thánh.
Hỏi: Thủ dâm có phải là tội? Kinh Thánh dạy gì về hành vi thủ dâm?
Trả lời: Kinh Thánh không có chỗ nào lên án hành vi này một cách cụ thể. Dù vậy, thủ dâm chính là sự dâm dục đang diễn ra trong tâm trí. Nói cách khác, hành vi thủ dâm cũng được kể là phạm tội tà dâm trong tư tưởng; và điều này được dạy rất rõ ràng trong Kinh Thánh: “Những điều thuộc về thế gian như khêu gợi nhục dục, thèm muốn của mắt… Những điều ấy không phải từ Cha mà đến đâu, nhưng từ thế gian ra” (I John/1 Giăng 2:16). Hay “Anh chị em yêu dấu, tôi xin anh chị em, là khách tha hương và kẻ lưu lạc trong trần gian, chớ để cho dục vọng xác thịt lôi cuốn vì nó chống nghịch với linh hồn anh chị em” (I Peter/1 Phi-e-rơ 2:11); “Vậy hãy làm chết các chi thể của anh chị em dưới đất nầy như gian dâm, bẩn tục, đam mê nhục dục, ham muốn xấu xa…” (Colossians/Cô-lô-se 3:5).
Hỏi: Một đứa trẻ 6 tuổi có hành vi thủ dâm có bị coi là phạm tội tà dâm?
Trả lời: Theo tâm lý, từ 3 tuổi trở lên trẻ con bắt đầu tìm hiểu và khám phá một số vùng nhạy cảm trên cơ thể chúng. Ban đầu, những thử nghiệm mang tính khám phá này tạo cho trẻ cảm giác vui thích một cách ngẫu nhiên, sau đó trẻ sẽ có khuynh hướng thường xuyên tìm kiếm hoặc tái tạo lại các cảm giác này. Ngoài lý do khám phá bản thân, hành vi thủ dâm xảy ra ở trẻ còn để chống lại sự lo lắng, sợ hãi.
Thông thường, trẻ có hành vi sờ mó, cọ quẹt bộ phận sinh dục của mình để cảm thấy được trấn an, được an ủi bởi cảm giác dễ chịu, chúng cảm thấy được làm chủ cơ thể mình. Vậy nên, hành vi thủ dâm của trẻ tiền dậy thì không gắn với tình dục. Mức độ cảm giác mà chúng đạt được cũng rất xa với cảm giác tình dục. Thủ dâm ở tuổi thiếu niên hoặc người lớn thường kết thúc bằng xuất tinh, nhưng thủ dâm ở trẻ con chỉ là để đạt được cảm giác dễ chịu cho cơ thể. Vậy nên, cha mẹ đừng quá hốt hoảng, lo lắng khi tình cờ bắt gặp con cái có hành vi này. Tuy nhiên, nếu chăm sóc và dạy dỗ con không đúng cách, cha mẹ cũng là nhân tố góp phần tạo nên hành vi thủ dâm ở trẻ. Và nếu hành vi này cứ được trẻ liên tục thực hiện cho đến khi trưởng thành, trở nên thói quen xấu, có hại cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ, dần dà dẫn đến việc phạm tội tà dâm trong tư tưởng.
Cha mẹ cần lưu ý một số điều có thể ảnh hưởng đến trẻ, dẫn chúng đến hành vi thủ dâm như: một số cha mẹ có thói quen âu yếm, thậm chí hôn vào bộ bận sinh dục của con khi tắm rửa hay vệ sinh cho trẻ. Hành động này vô tình tạo ra sự nhạy cảm rất lớn trên con trẻ. Bên cạnh đó, việc cho trẻ ngủ chung, để chúng tình cờ chứng kiến những cảnh âu yếm của cha mẹ cũng là nguyên nhân thứ hai đưa đến cảm giác tò mò, kích thích và bắt chước.
Ngoài ra, việc cha mẹ không kiểm soát, ngăn chặn trẻ tiếp xúc những hình ảnh gợi cảm trong phim ảnh, dẫn đến sự phát triển sinh lý bất thường ở trẻ. Thêm vào đó, hành vi thủ dâm cũng xuất hiện ở trẻ từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục, từng chứng kiến bạo lực gia đình… khiến trẻ ám ảnh, sợ hãi, tìm cách giải tỏa bản thân thông qua hành vi tự thoả mãn. Chính vì thế, cha mẹ cần hết sức thận trọng trong việc chăm sóc và dạy dỗ con trẻ, để chúng được trưởng dưỡng một cách trọn vẹn cả thể chất lẫn tâm linh.
Hỏi: Làm cách nào giúp trẻ thoát khỏi tình trạng thủ dâm?
Trả Lời: Cha mẹ có thể ghi nhớ và thực hiện 5 bước sau:
- Thông cảm: Trước khi trò chuyện với con, cha mẹ cần có thái độ thông cảm. Đừng đến với con trẻ bằng tâm thái áp đặt tiêu cực, đừng vội kết luận con đang phạm tội. Hãy dùng tâm thế yêu thương và cảm thông đến với trẻ.
- Trò chuyện: Cha mẹ cần khéo léo gợi mở, giúp trẻ nói ra hành vi của mình, hay cho trẻ cơ hội trình bày cảm xúc, cảm giác… khi thực hiện hành vi ấy. Đừng quát tháo, la mắng, đe doạ hay cấm đoán… nhằm tạo áp lực lên trẻ. Hãy để trẻ thấy cha mẹ đang rất yêu thương, cảm thông và muốn giúp chúng.
-
Tư vấn: Cha mẹ phải là người giúp trẻ thoát khỏi những nỗi sợ bằng nhiều cách. Cần giúp trẻ nhận biết hành vi thủ dâm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần, mối quan hệ và việc học. Trường hợp nếu trẻ có những biểu hiện quá mức, cha mẹ có thể đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc nhà tâm vấn để có phương cách hướng dẫn, giúp đỡ.
-
Thay đổi: Cha mẹ cần xem xét, điều chỉnh thái độ, cách chăm sóc và dạy dỗ con cái phù hợp lời Chúa. Cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày nếu thấy chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của trẻ.
-
Thực hành: Cha mẹ cần là người thực hành lời Chúa trong gia đình, gương mẫu cho con cái trong lời nói, hành động, nuôi dưỡng trẻ bằng lời Chúa mỗi ngày, để quyền năng của Lời Ngài hướng dẫn, dạy dỗ và bảo vệ trẻ từ khi chúng còn ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Con cái là cơ nghiệp, là tài sản Chúa ban. Chúng ta sẽ phải giải trình trước Chúa về cách quản lý tài sản mà Ngài đã giao. Kinh Thánh có rất nhiều bài học về dạy dỗ con cái. Trên thực tế có những người cha thất bại trong việc dạy con như thầy tế lễ Hê-li, nhưng cũng có những người thành công như bà và mẹ của Ti-mô-thê. Chắc chắn ai cũng muốn con cái mình được phát triển một cách vui vẻ, khỏe mạnh, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội và Hội Thánh. Đừng nản lòng hay bỏ cuộc khi thấy con trẻ có những biểu hiện khác thường về tâm sinh lý. Hãy nhờ cậy nơi Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày cho con cái.
Ban Tâm vấn
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!