Oneway.vn – Bất cứ khi nào bạn bè nghe tôi nói rằng tôi vẫn còn là một thực tập sinh mặc dù đã tốt nghiệp đại học hơn một năm trước, họ thường hỏi: “Rồi làm sao đủ sống?”
Tôi vẫn chưa được nhận mức lương toàn thời gian, vì vậy thu nhập hàng tháng rất ít ỏi nhưng chi tiêu cơ bản lại nhiều hơn một chút so với số tiền tôi kiếm được.
Nhìn lại, tôi thật ngạc nhiên. Cách duy nhất tôi có thể sống sót là nhờ ân điển Chúa. Ngài đã tạo cơ hội việc làm để tôi kiếm thêm thu nhập, ban phước cho tôi với một gia đình và cộng đồng luôn hỗ trợ, sẵn sàng giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Chúa luôn ban cho tôi chính xác những gì tôi cần.
Dù trải qua nhiều phép lạ chu cấp của Chúa, tôi vẫn thỉnh thoảng lo lắng và bất an khi cố dâng vấn đề tài chính của mình lên cho Ngài giải quyết.
Kinh Thánh chép rõ ràng rằng, chúng ta không thể vừa làm tôi tớ Chúa vừa làm tôi tiền bạc (Ma-thi-ơ 6:24), và tôi biết điều đó. Nhưng thật sự, việc thoát khỏi ách tôi tớ của tiền bạc là một hành trình dài và khó khăn.
Sau đây là ba bài học từ Lu-ca 12: 29-31.
1. Thoả lòng
Đầu tiên, đừng tìm kiếm những gì thế gian tìm kiếm.
Hầu hết bạn bè tôi đã nhận được mức lương toàn thời gian. Ấy vậy mà một số vẫn luôn than thở rằng họ luôn thiếu thốn. Mặc dù thu nhập của họ không nhiều, nhưng vẫn đủ chi trả một số khoản tiền mà tôi không tài nào kiếm được với mức lương thực tập của mình. Điều này khiến tôi tự hỏi, sao họ có thể thiếu thốn được nhỉ?
Tôi nhận ra rằng họ “thiếu thốn” vì họ không thể có được những thứ xa xỉ trong cuộc sống. Hoặc là một cuộc sống thoải mái mà ai cũng mong muốn có được, có thể là đi du lịch nước ngoài, mua đồ hiệu và ăn sáng “sang chảnh”.
Khi để tiền bạc định hình lối sống và dùng tiền “mua danh vọng”, chúng ta trở thành nô lệ của nó. Chúng ta tích trữ nó trong ngân hàng vì sợ mình không thể theo kịp thế gian. Chúng ta cảm thấy thiếu thốn khi so sánh những gì mình có với những gì thế giới ngoài kia định nghĩa là “giàu có”, và cuối cùng luôn cảm thấy thiếu thốn.
Khi hiểu được điều này, tôi đã hài lòng với những gì mình có. Tôi ngừng so sánh mức lương của mình với bạn bè hay để ý xem thế gian này nói rằng tôi đáng giá bao nhiêu. Thay vào đó tôi chăm nhìn vào sự thật: Chúa đã ban cho chúng ta mọi thứ. Chúa Jesus đã chuộc mua chúng ta bằng huyết báu của Ngài.
Thỏa lòng có nghĩa là tìm kiếm sự an ninh không phải ở những gì chúng ta có, mà là biết rõ Đấng chúng ta thuộc về. Đừng chú tâm vào những thứ trần tục, nhưng là những giá trị đời đời.
2. Tin cậy
Tôi từng cảm thấy mình bị hạn chế trong việc phục vụ Chúa vì thiếu tài chính. Tôi đã không đám đăng ký những chuyến đi truyền giáo vì mình không đủ tiền mua vé máy bay. Những kỳ trại và hội họp của Hội thánh cũng quá đắt đỏ, vì vậy tôi cũng không buồn đăng ký.
Tay tôi luôn luôn siết chặt quanh đồng tiền của mình, không dám lỏng tay vì nghĩ rằng mình sẽ mất tiền và cuối cùng sẽ không đủ để chi trả cho bản thân mình. Tôi đã rất tập trung vào những thứ nhỏ bé mình có trong tay đến nỗi không thể thấy được những điều lớn lao mà Chúa dành cho tôi.
Cuối cùng khi tôi học được cách buông bỏ và tin cậy Chúa, bởi đức tin liều mình đăng ký vào các các kỳ và chuyến đi truyền giáo, Ngài đã luôn chu cấp và tôi không bao giờ thiếu thốn.
“Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25)
Chúa Jesus biết chúng ta được tạo ra không chỉ để tồn tại; sự sống quý giá hơn nhu cầu vật chất. Ngài giúp định nghĩa lại những gì trước đây chúng ta hiểu nhầm là quan trọng.
Bây giờ tôi hiểu rằng cuộc sống này cốt là để tìm kiếm nước Chúa và sự công bình của Ngài trước tiên, và Chúa sẽ ban cho tôi mọi điều khác nữa. (Ma-thi-ơ 6:33)
3. Cương vị quản gia
Điều tiếp theo mà tôi phải học là làm thế nào để quản lý tài chính cách khôn ngoan.
Dụ ngôn về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25: 14-30 là minh họa hoàn hảo cho việc quản lý tài chính khôn ngoan và trung thành. Trong câu chuyện này, chủ đã giao cho ba đầy tớ các ta-lâng. Hai đầy tớ đã làm lợi ra từ số ta-lâng của mình, qua hoạt động giao dịch buôn bán và được chủ khen ngợi. Nhưng đầy tớ còn lại đã chôn vùi ta-lâng và bị phạt.
Dụ ngôn dạy chúng ta rằng, người quản gia trung thành không chỉ giữ khư khư những gì Chúa ban, nhưng phải làm lợi ra từ đó, như hai đầy tớ đã đi ra để tận dụng tối đa những ta-lâng của họ.
Đây không có nghĩa là dùng tiền để kiếm nhiều tiền hơn với mục đích tích lũy của cải. Hai đầy tớ đã dùng những ta-lâng chủ giao cho, và làm lợi ra cho chủ nhân của họ. Mục đích đằng sau việc làm lợi tài sản ra đều tập trung vào chủ của họ. Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải đặt Chúa làm trọng tâm trong việc quản lý tài chính.
Số tiền mà cha mẹ chu cấp hoặc thu nhập chúng ta tự kiếm được khi làm việc, cuối cùng vẫn là do Chúa ban. Và tiền bạc được trao để chúng ta làm lợi vương quốc Chúa. Do đó, hãy khôn ngoan sử dụng tài chính cách rời rộng cho những mục đích của Chúa.
Dù cuộc hành trình có thể không dễ dàng, nhưng hãy luôn xin Chúa bảo vệ tấm lòng, để tiền tài không thể chiếm lấy ngai vàng trong cuộc đời chúng ta.
Bài: Ocineo Justine; dịch: Nhạn Võ
(nguồn: thir.st)