Tìm thấy hình ảnh Chúa Jêsus qua cuộc đời Giô-suê

Oneway.vn – Sách Giô-suê tường thuật lại quá trình dân Y-sơ-ra-ên chinh phục xứ Ca-na-an.

Lời kể về những phép lạ lớn lao khiến sách Giô-suê trở nên quyền năng và đáng nhớ: phép lạ vượt sông Giô-đanh, tường thành Giê-ri-cô sụp đổ, hoặc mặt trời và mặt trăng dừng lại trên bầu trời… Giô-suê là một tấm gương tuyệt vời (mặc dù không hoàn hảo) về đời sống tin kính vâng phục Chúa.

Trong các câu chuyện lịch sử, một số phương diện về Giô-suê gợi cho ta thấy bản tánh và công việc của Chúa Jêsus:

  1. Nhà lãnh đạo tuân theo Luật pháp Đức Chúa Trời

Xuyên suốt sách Giô-suê, Đức Chúa Trời bảo ông phải dâng mình tuân theo luật pháp Ngài, “Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp… chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả … quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1: 6–8). Chúa hứa rằng ông sẽ thành công trên con đường mình nếu tuân theo luật pháp Ngài.

Mặt khác, Chúa Jêsus tuân giữ luật pháp một cách hoàn hảo, vui vẻ sống theo luật pháp Đức Chúa Trời. Đó là bánh, là thức ăn, là mục đích và sứ mệnh Ngài. Nếu Giô-suê lãnh đạo quân sự thành công bằng cách làm theo Lời Chúa, thì Chúa Jêsus, Đấng đã hoàn toàn vâng theo ý muốn của Cha Ngài, còn thành công hơn thế nữa.

  1. Cứu tinh cho tội nhân

Theo lẽ tự nhiên, Giô-suê có thể quên hoặc bỏ qua lời hứa bảo vệ Ra-háp trong trận chiến thành Giê-ri-cô. Nhưng Giô-suê đã giữ lời hứa này bằng cách phái những thám tử Ra-háp đã cứu đi cứu cô (Giô-suê 6: 22–23). Việc cô là kỵ nữa không ngăn cản Giô-suê cứu sống Ra-háp, nhà cha cô và tất cả những người thân của cô (Giô-suê 6:25).

Sau khi thành Giê-ri-cô và A-hi bị hủy diệt, những người Ga-ba-ôn gian xảo trước đó đã lừa dối Y-sơ-ra-ên, bây giờ lại cầu xin Giô-suê giải cứu (Giô-suê 10:6). Một thời gian ngắn trước đó, dân Y-sơ-ra-ên đã muốn xử tử dân Ga-ba-ôn vì ​​tính cách ngang ngược của họ (Giô-suê 9: 18–21).

Mặc dù vậy, Giô-suê vẫn trung thành với lời hứa của ông và giải cứu họ khỏi các vua ở miền nam Ca-na-an. Cả Ra-háp và người Ga-ba-ôn đều không tin vào lòng thương xót của Đức Chúa Trời, nhưng họ đều được Giô-suê giải cứu.

Chúa Jêsus cũng ban sự cứu rỗi cho những người tội lỗi. Phao-lô viết trong Rô-ma 5:6–8 về lòng thương xót của Đấng Christ đối với chúng ta: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

Giống như Giô-suê, Chúa Jêsus mang lại sự cứu rỗi cho những người không đáng được giải cứu.

  1. Chiến binh khiến kẻ thù khuất phục

Giô-suê thường được nhớ đến như một chiến binh, một nhà chinh phạt vĩ đại đã tiêu diệt các đội quân Ca-na-an. Tại trận chiến Ai Cập, ông đã thiêu rụi cả thành và xử tử vua (Giô-suê 8: 28–29). Ông đã giết các vị vua Ca-na-an ở phía nam (Giô-suê 10:26) và đốt cháy thành Hát-so ở phía bắc (Giô-suê 11:11). Lời hứa của Đức Chúa Trời với Giô-suê rằng sẽ không ai có thể chống lại ông trong suốt cuộc đời ông (Giô-suê 1: 5) đã được chứng minh là đúng trong suốt cuộc chinh phạt.

Đôi khi Chúa Jêsus cũng được nhắc đến một chiến binh chinh phạt trong Tân Ước, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực tâm linh: “Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ” (1 Giăng 3:8).

Tại thập tự giá, Đức Chúa Trời là Cha “đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:15). Chúa Jêsus đã đánh bại sự chết qua sự thương khó và phục sinh, để chúng ta có thể nói như sứ đồ Phao-lô: “Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (1 Cô-rinh-tô 15:55).

Và như Giô-suê đã đạp chân lên cổ kẻ thù của mình (Giô-suê 10:24), thì trong tương lai, Đấng Christ sẽ đặt mọi kẻ thù nghịch dưới chân Ngài (1 Cô-rinh-tô 15:25).

  1. Nhà tiên tri nói Lời Đức Chúa Trời

Giô-suê đóng vai trò một nhà tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên ở một số giai đoạn. Ông thay mặt Đức Chúa Trời nói chuyện với dân chúng, truyền đạt sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho họ (xem Giô-suê 3: 7–8, 9–13). “Giô-suê phát thề rằng: Phàm ai chỗi lên xây lại thành Giê-ri-cô nầy sẽ bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 6:26), lời này được ứng nghiệm nhiều thế kỷ sau đó trên Hi-ên ở Bê-tên (1 Các Vua 16:34). Đặc biệt nhất, Giô-suê đã ra lệnh cho mặt trời và mặt trăng đứng yên trên bầu trời trong khi dân Y-sơ-ra-ên đánh đuổi kẻ thù (Giô-suê 10: 12–14).

Chúa Jêsus cũng là nhà tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên theo cách thức tương tự. Ngài thay mặt Đức Chúa Trời nói chuyện với dân sự, nhưng cũng với tư cách là chính của Đức Chúa Trời (Giăng 1:18). Chức vụ của Chúa Jêsus rải đầy những lời tiên tri (Giăng 2:19; Ma-thi-ơ 20: 18–19; 24: 2). Việc làm dịu biển và làm cho kẻ chết sống lại chắc chắn đã đưa Chúa Jêsus vào hàng ngũ các nhà tiên tri Y-sơ-ra-ên, trong đó Giô-suê là một nguyên mẫu.

  1. Người chiến thắng chia sẻ quyền thừa kế cho dân mình

Việc Giô-suê chia đất Ca-na-an làm cơ nghiệp cho Y-sơ-ra-ên không chỉ đơn giản là câu chuyện tiếp nối sau cuộc chinh phạt. Đối với người Y-sơ-ra-ên cổ đại, đây là niềm hạnh phúc lớn lao mà họ đã tìm kiếm từ trước khi làm nô lệ ở Ai Cập. Lần đầu tiên sau hơn 400 năm, dân Y-sơ-ra-ên trở lại vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ như cơ nghiệp đời đời (Sáng thế ký 15:18; 17: 8). Sau khi Giô-suê lãnh đạo dân tộc chiến thắng kẻ thù, ông sát cánh cùng thầy tế lễ Ê-lê-a-sa khi Chúa mặc khải từng khu vực của Ca-na-an để trao cho các chi phái khác nhau. Cơ nghiệp hứa ban cho Y-sơ-ra-ên giờ đã trở thành hiện thực (xem Giô-suê 21: 43–45).

Sau khi chiến thắng sự chết, Chúa Jêsus đưa dân Ngài vào cơ nghiệp lớn.  Một phần cơ nghiệp ấy đã được trao cho chúng ta. Chúng ta đã được tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Đức Chúa Cha, được ban cho sự công bình của Đấng Christ, và được Đức Thánh Linh ngự trị. Chúng ta đã được nhận làm con cái Đức Chúa Trời, trở nên người thừa kế những lời hứa trong giao ước với Y-sơ-ra-ên (Ga-la-ti 3:29).

Phần cơ nghiệp còn lại sẽ được tiết lộ hoàn toàn khi Đấng Christ trở lại và kẻ chết sống lại. Khi Giô-suê cho dân tộc ông yên nghỉ trong đất hứa, thì Đấng Christ hứa ban cho chúng ta quê hương đời đời với Ngài trong Trời mới Đất mới vinh quang (Giăng 14: 1–2; Khải huyền 21–22).

  1. Đầy tớ trung thành làm theo ý Đức Chúa Trời

Một câu hỏi quan trọng trong sách Giô-suê là: liệu người kế vị Môi-se có sống theo đúng danh tiếng và di sản của mình đến cuối đời hay không. Mặc dù Giô-suê có những lúc thất bại, nhưng phân tích cuối cùng về cuộc đời của ông cho thấy ông đã sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “Sau các việc ấy, Giô-suê, con trai Nun, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời” (Giô-suê 24:29). Văn bia của Giô-suê không kể lại chiến công nào của ông; điều đó làm nổi bật cuộc đời phục vụ trung thành của ông với Chúa. 

Chúng ta cũng được chiêm ngưỡng bức tranh đầy quyền năng về Chúa Jêsus. Ngài đã nói về chính mình rằng: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). Chúa Jêsus là đầy tớ tối thượng của Đức Chúa Trời, Ngài đã tuân giữ luật pháp cách trọn vẹn và sống trọn vẹn vì sự vinh hiển của Cha Ngài.

Bài: Jonathan J. routley; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *