‘Tôi chỉ là một tín đồ bình thường’

Oneway.vn – Tôi đặt bút xuống, hít một hơi thật sâu và cảm thấy bụng mình như quặn lên.

Vợ tôi và tôi vừa mua một căn nhà – chắc chắn đây là một dịp vui, nhưng tôi không thể nào thoát khỏi câu hỏi rằng: Chúng ta có nên bán hết không? Có phải chúng tôi đang thỏa hiệp khi muốn sống ổn định ở Mỹ? 

Chỉ một vài năm trước đó, chúng tôi sống ở nước ngoài, chia sẻ về Chúa Jêsus và thực hiện công tác môn đồ hóa đa văn hóa. Chúng tôi đang làm công việc mà tôi cho là có giá trị đối với vương quốc Đức Chúa Trời. 

Từ khi còn nhỏ, tôi đã muốn thực hiện sứ mạng của Chúa đối với những người ít được tiếp cận nhất trên thế giới. Bây giờ, sau hai năm trở lại Hoa Kỳ, tôi không thể thoát khỏi cảm giác bứt rứt vì chúng tôi muốn có cuộc sống dễ dàng. 

Tôi đã đánh đồng sự trung tín Lời Chúa và những công tác phi thường cho Đức Chúa Trời. Ban đầu, với tôi điều đó có nghĩa là tôi sẽ sống ở Nam Á. Nhưng giờ đây trong giai đoạn mới của cuộc đời và chức vụ, sự trung tín bắt đầu khác với tôi tưởng tượng. 

Chúng tôi đã sống ở Hoa Kỳ 15 năm nay, và cuộc đấu tranh của tôi vẫn tiếp tục. Tôi vẫn thích thú với việc theo đuổi những mục tiêu lớn táo bạo, tôi đấu tranh để tin rằng không phải lúc nào Chúa cũng muốn tôi làm nhiều hơn hoặc làm những việc lớn lao hơn. Nhờ ân điển Chúa, Ngài nuôi dưỡng một ước muốn mới trong tôi, rằng bên cạnh những mục tiêu, giờ đây tôi muốn bản thân trung tín và thỏa lòng với cuộc sống hiện tại. 

Tôi khao khát được kinh nghiệm Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Ngài, không phải trong các hoạt động đời sống thường ngày nhưng trong những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất. Tôi học được rằng Chúa muốn tôi sống một đời sống tín đồ Đấng Christ trung thành như được mô tả trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11–12.

Con đường trung tín của Phao-lô 

Lời của Phao-lô kêu gọi chúng ta trở lại với vẻ đẹp của sự bình thường. Trong phân đoạn này, ông đưa ra ba mệnh lệnh rõ ràng.

 

1. Sống yên lặng.

Phao-lô là một nhà truyền giáo đa văn hóa. Tại sao ông kêu gọi Hội Thánh Chúa sống yên lặng? Chúng ta không được kêu gọi để làm vang danh Chúa Jêsus hay để thay đổi thế giới sao? Có chứ, nhưng Phao-lô biết rằng ảnh hưởng sâu rộng nhất thường đến qua những cuộc đời không được nhìn thấy, không được biết đến và sống thầm lặng.

Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Ai là người để lại ảnh hưởng lâu dài đến bạn? Tôi đoán là họ không phải là siêu sao, mục sư nổi tiếng hay những người có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trong cuộc đời tôi, những người có ảnh hưởng lớn nhất là giáo viên, huấn luyện viên, mục sư và các thành viên trong gia đình có đức tin sâu sắc. Họ sống cuộc đời thầm lặng, đủ chậm để luôn có mặt với những người xung quanh.

Mệnh lệnh của Phao-lô về việc sống thầm lặng không phải là phải ra bờ biển để sống,  không phải là ăn chay. Ông kêu gọi chúng ta học cách sống có chủ đích dù hoàn cảnh có như thế nào. 

 

2. Săn sóc việc riêng mình. 

Phao-lô khuyến khích các tín hữu trong Hội Thánh tránh xa những điều không dính líu đến mình. Thật là một lời tiên tri dành cho thời đại văn hóa của chúng ta. Trong một thế giới mà mạng xã hội kết nối chúng ta với mọi câu chuyện mới nhất, một nền văn hóa tôn vinh và khen thưởng những lời nói khoa trương gây chia rẽ, chúng ta cần lời nhắc nhở này. Cơ Đốc nhân không được nghĩ rằng việc được người khác chú ý hay luôn bắt kịp xu thế mới nhất là điều tối quan trọng . Thay vào đó, chúng ta nên tránh tạo danh tiếng cho mình và hướng tấm lòng về công việc của Cha. 

 

3. Lấy chính tay mình làm lụng 

Cuối cùng, Phao-lô đề cập trực tiếp đến chủ đề công việc. Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca háo hức mong đợi sự trở lại của Đấng Christ, và thật có như vậy. Nhưng một số tín hữu không làm việc nữa. Họ cho sự trở lại sắp xảy ra của Chúa như một cái cớ để lười biếng. Họ lợi dụng sự hào phóng của anh em mình. 

Phao-lô kêu gọi những tín đồ này làm việc cách chăm chỉ và đóng góp vai trò ý nghĩa trong Hội Thánh. Ngài bảo họ “không lệ thuộc vào ai cả” (1 Tê 4:12 TTHD). Ông không nói rằng các Cơ Đốc nhân không bao giờ cần sự giúp đỡ hoặc sự hào phóng của nhau. Dạng tự cung tự cấp cách độc lập mà chúng ta coi trọng trong văn hóa Mỹ không được đề cập trong bài này. Sự khích lệ ở đây chỉ đơn giản là làm việc chăm chỉ để chúng ta có thể tham gia tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh.

 

Khó nhưng quan trọng 

Sự trung tín bình thường có thể khó. Tish Harrison Warren đã viết về cuộc đấu tranh của cô ấy khi đón nhận một cuộc sống bình thường sau khi trở về từ công việc truyền giáo ở Châu Phi:

Tôi dần nhận ra rằng, đối với tôi, ở trong một ngôi nhà cả ngày với một em bé sơ sinh và một đứa trẻ hai tuổi còn đáng sợ và khó hơn rất nhiều khi ở một ngôi làng Châu Phi bị chiến tranh tàn phá. . . . Đây là những gì tôi cần bây giờ: can đảm đối diện với một ngày bình thường — một buổi chiều ở cùng con nhỏ quấy khóc có thể khiến tôi cáu kỉnh với cậu con hai tuổi của mình và khó chịu với người hàng xóm ồn ào [,]. . . cần có sự dũng cảm để tin rằng một cuộc sống nhỏ bé vẫn là một cuộc sống có ý nghĩa, và ân sủng Chúa cho tôi biết ngay cả khi tôi không làm gì mạnh mẽ, táo bạo hay thú vị, nhưng Ngài vẫn dõi theo và tríu mến tôi, như thế đã đủ với tôi. 

Nếu bạn là một người mẹ và một ngày của bạn ngập tràn tã lót và những đứa trẻ la hét, nếu chức vụ tốt nhất của bạn nuôi dưỡng tấm lòng của cậu con trai ở tuổi thiếu niên, hãy biết rằng việc bạn nuôi dạy con cái cách trung tín làm vui lòng Chúa. 

Nếu bạn đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời, tự hỏi mình đã để lại ảnh hưởng lâu dài nào, đừng tìm đến những giao dịch bạn đã chốt hoặc sự giàu có mà bạn tích lũy được. Thay vào đó, hãy nhìn vào những điều nhỏ bé nhưng có ý nghĩa — gia đình bạn, nhà thờ cần bạn, đời sống thuộc linh được phát triển qua nhiều năm chăm sóc. Hãy biết rằng công việc của bạn là làm đẹp lòng Chúa. Cuộc sống yên lặng và trung tín của bạn có ý nghĩa.

Những lời của Phao-lô nói với Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca nhắc nhở chúng ta về phẩm giá và vẻ đẹp trong những gì chúng ta làm cho dù chúng ta làm việc trong lĩnh vực tài chính hay nông nghiệp, y học hay truyền giáo, bốc vác hay nuôi dạy con cái. Cuộc sống hiện tại và công việc hàng ngày của chúng ta quan trọng đối với Đức Chúa Trời. 

Trên thực tế, khi chúng ta trung thành với điều nhỏ bé, Đức Chúa Trời ban cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa phi thường.

 

Bài: Nathan Sloan ; dịch: Quỳnh Hương

(Nguồn: thegospelcoalition )


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *