Tôi có phải là ca “siêu lây nhiễm” nỗi sợ?

Oneway.vn – Với một loạt tin xấu liên tục bủa vây chúng ta những ngày này, đừng thêm dầu vào lửa.

Tin tức nóng hổi về COVID vừa nổ ra: một biến thể mới được phát hiện tại trung tâm mua sắm mà bạn và gia đình bạn vừa ghé vào tuần trước.

Bạn vội vàng hét to vào phòng khách: “Này! Ôi Chúa ơi! Mọi người đã xem tin tức chưa?”

Mọi người trong gia đình chạy đến với giọng điệu lo lắng: “Có chuyện gì??”

Bạn bắt đầu tường thuật lại bản tin với một giọng điệu tiêu cực, rằng mọi thứ đang trở nên quá tồi tệ. Và kỳ lạ thay, bạn cũng thấy hài lòng vì bạn là người nhanh nhất nắm được những tin tức sốt dẻo.

Tôi cũng từng phản ứng như vậy, đặc biệt là trong thời kỳ COVID này. Nhưng khi suy ngẫm lại, tôi thấy cách mình truyền đạt tin tức cho những người xung quanh đã vô tình gây ra sự sợ hãi và lo lắng – cả cho chính bản thân tôi và những người khác.

Với một loạt tin xấu liên tục bủa vây chúng ta những ngày này, tôi không muốn thêm dầu vào lửa. Tôi nghĩ rằng có nhiều cách giao tiếp tích cực hơn trong thời đại bất an này, và dưới đây là ba cách mà tôi muốn chia sẻ với bạn.

  1. Tìm kiếm hy vọng giữa những tin xấu 

Khi bạn gửi một tin tức như “30 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, trong đó 8 trường hợp chưa xác định nguồn lây” tới cho một người nào đó, nó có thể gây ra hoảng sợ nếu bạn không cân nhắc đối tượng nhận tin là ai, và cẩn thận với cách mà bạn truyền đạt thông tin cho họ.

Vậy chúng ta nên làm thế nào khi muốn thông báo một tin tức quan trọng?

Nếu bạn biết có một thành viên gia đình mình dễ bị hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc xử lý và chắt lọc thông tin quan trọng và liên quan đến họ theo cách ít gây lo lắng nhất.

Ví dụ: “Cha ơi, theo tin tức thì có vẻ như tình hình chưa được cải thiện. Nhưng chúng ta sẽ không hoảng sợ, và con nghĩ mọi thứ sẽ sớm được ngăn chặn”. Cách nói này thật sự khác biệt so với việc nói rằng: “Hàng nghìn người đã thiệt mạng ở nước láng giềng vì COVID, và chúng ta rất có thể là người tiếp theo!”

  1. Khích lệ nhau bằng những tin tốt lành

Nếu bạn buộc phải chia sẻ tin tức, hãy thử kết thúc bằng một dòng nhắn nhủ khích lệ.

Và không có cách khích lệ nào tốt hơn là thêm vào một câu Kinh thánh. Thi thiên 121:8 là lời động viên tuyệt vời: “Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, Từ nay cho đến đời đời”.

Bạn cũng có thể chủ động hỏi bạn bè hoặc gia đình xem họ có cần bạn giúp đỡ gì trong thời điểm này hay không.

Điều này sẽ tạo một tinh thần thoải mái khi bạn thông báo tin tức, và không gây ra cảm giác nặng nề trong lòng người khác.

Thậm chí điều này có thể mở ra cơ hội để bạn chia sẻ tình yêu thương của Chúa với bạn bè và gia đình và chúc phước cho họ theo những cách thiết thực.

  1. Chuyển hướng cuộc trò chuyện

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của việc chuyển hướng cuộc trò chuyện về COVID-19 sang trạng thái tích cực.

Bạn sẽ thấy rằng cuộc trò chuyện có xu hướng tiêu cực đi nếu bạn cứ để yên nó như vậy. 

Việc chủ động lắng nghe sẽ rất hữu ích. Đôi khi, việc đả kích hoặc phóng đại tin xấu chỉ là biểu hiện của sự lo lắng, khi một người cảm thấy rằng mình không kiểm soát được mọi thứ.

Nếu thấy cuộc trò chuyện đang sa đà theo hướng tiêu cực, bạn có thể tìm cách giảm bớt hoặc ngăn chặn điều đó. Ví dụ: bạn có thể nhắc anh chị em mình không nên nói những điều thiếu tôn trọng các nhà chức trách nếu cuộc nói chuyện đang đi theo hướng đó.

Nếu có người đang gặp nguy hiểm, hãy nhắc họ rằng chúng ta không những phải thận trọng và khôn ngoan, tuân thủ các hướng dẫn, cố gắng giảm thiểu tác động của COVID, mà còn phải chống cự nỗi sợ và không để nó làm tê liệt chúng ta.

Hãy chia sẻ những lời hứa của Chúa để an ủi họ. Hãy dành thời gian lắng nghe và xoa dịu nỗi sợ hãi của họ.

Lắng nghe và lựa lời mà nói là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi các cuộc trò chuyện về COVID liên tiếp diễn ra hiện nay.

Chúng ta cần quản lý và kiểm soát từng lời nói của mình, để không lan truyền thêm nỗi sợ và tiêu cực.

Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.” (2 Ti-mô-thê 1:7)

Từng bài báo hoặc thống kê mới xuất hiện trên màn hình điện thoại đã kéo theo quá nhiều sợ hãi cho cả thế giới rồi.

Vì thế, chúng ta đừng bao giờ làm tăng thêm nỗi sợ hãi đó, nhưng phải là người yên ủi, vì chính Chúa đã yên ủi chúng ta, để rồi chúng ta có thể yên ủi người khác trong thời điểm này, cho họ thấy tình yêu và ân điển Ngài (2 Cô-rinh-tô 1:4).

Cầu mong mỗi lời nói trên môi chúng ta đều tràn đầy ân điển.

 

Bài: Gabriel Ong; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thir.st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *