Oneway.vn – Khi đại dịch toàn cầu kéo dài, mục sư Rick Warren tin rằng một tội lỗi đã có từ lâu đời và hiện diện ở khắp nơi đang một lần nữa lộ ra diện mạo xấu xí của nó.
Kinh Thánh đề cập đến tội lỗi này là sự thiên vị, nhưng chúng ta còn biết nhiều từ đồng nghĩa với nó: định kiến, phân biệt đối xử, võ đoán.
“Khi gặp khủng hoảng, con người thường tìm người khác để đổ lỗi và họ trở nên cảnh giác hơn, thậm chí sợ những người không giống như mình”, mục sư Warren giải thích trong một bài giảng gần đây có tựa đề: “Đức tin thể hiện sự tôn trọng với mọi người”.
Thiên vị là gì?
Mục sư Warren định nghĩa thiên vị là “bày tỏ sự ưu ái và nghiêng về một số người, trong khi thể hiện định kiến và kỳ thị đối với những người khác”.
Mục sư giải thích rằng khi con người trải qua căng thẳng trong một thời gian dài (như hoàn cảnh của chúng ta trong cơn đại dịch), nó có xu hướng “làm lộ ra những gì tồi tệ nhất trong chúng ta”. Không chỉ thế, dưới sức ép hay sự căng thẳng, “bản tính thiên vị của chúng ta có xu hướng tăng lên… chúng ta dễ dàng có sự kỳ thị người khác hơn”. Mục sư Warren nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi trong thời gian này, “căng thẳng văn hóa và chủng tộc đã thực sự gia tăng khi mọi người bị dồn đến đường cùng và bức xúc cao độ”.
Một số ví dụ như vụ giết Ahmaud Arbery và những vết thương về văn hóa đã khiến cho nan đề này tái xuất hiện. “Không ai trong chúng ta muốn sống trong nền văn hóa như thế”, nơi mà sự bất công có thể ngang nhiên diễn ra. “Chúng ta nên lo lắng cho sự an toàn của anh chị em của chúng ta thuộc mọi màu da, cả trong hội thánh địa phương lẫn Hội thánh chung, tức thân thể của Đấng Christ”.
Việc nhận ra những định kiến hoặc kỳ thị trong chính con người chúng ta không phải là điều dễ dàng, vì nó không tự nhiên. Mục sư Warren đã đưa ra một số câu hỏi để cho thấy tội lỗi này có thể hoạt động cách tinh vi:
Bạn có nhanh chóng đánh giá người khác dựa vào quần áo, đầu tóc mà bạn cho là khác lạ không?
Bạn nghĩ gì về những người có hình xăm hoặc xỏ khuyên trên cơ thể?
Bạn nghĩ gì về những người quá béo hay quá ốm?
Bạn nghĩ gì về những người có cách ăn mặc khác thường?
Bạn nghĩ gì về những người có tôn giáo khác với bạn?
Bạn nghĩ gì về những người nhập cư?
Bạn nghĩ gì về những người trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn bạn?
Bạn nghĩ gì về những người kiếm được nhiều tiền hơn hay ít hơn bạn?
Chúng ta có thể thắc mắc rằng những sự thiên vị này có gì to tát không. Mục sư Warren nhấn mạnh có lý do để gọi đây là một tội lỗi. Đây là một vấn đề lớn đối với Đức Chúa Trời và là chủ đề của Gia-cơ chương 2. Theo Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:17, Đức Chúa Trời không bao giờ đối xử nghiêng lệch, không bao giờ bất công, không bao giờ thành kiến.
Bởi vì Ngài là Đấng như thế nên Kinh Thánh II Sử Ký 19:7 cho biết rằng Ngài không dung thứ cho sự bất chính, thiên vị hay tham nhũng. Nói cách khác, sự thiên vị hay định kiến là một điều nghiêm trọng đối với Chúa.
Tại sao Đức Chúa Trời lại ghét sự thiên vị đến vậy?
Theo mục sư Warren, có ít nhất bốn lý Đức Chúa Trời xem tội thiên vị là điều nghiêm trọng:
Thiên vị đi ngược lại với sự sáng tạo của Đức Chúa Trời
Chúa có mục đích của Ngài khi tạo nên những sự khác biệt trong chúng ta. Nếu chúng ta muốn người khác suy nghĩ giống mình hoặc trông giống như mình, về cơ bản, chúng ta đang tỏ ra rằng mình hiểu biết hơn Đức Chúa Trời.
Thiên vị là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết
Mục sư Warren nói: “Nếu tôi có định kiến hay kỳ thị về ai đó, tôi đang thể hiện sự ngu dại của mình. Tôi đang không hiểu chương trình của Đức Chúa Trời, không hiểu mục đích của Ngài, không hiểu dân của Ngài”.
I Giăng 2:11 chép rằng những ai ghét anh em mình là đang ở trong bóng tối và không biết mình đang đi đâu. Ngược lại, trong Gia-cơ 3:17, chúng ta được dạy rằng sự khôn ngoan thật là không có thành kiến và sự đạo đức giả (sự giả hình). “Chúng ta không khôn ngoan khi cho rằng người khác thấp kém hơn hay cao hơn mình. Tất cả chúng ta đều như nhau”.
Thiên vị là bất tuân Đại điều răn
Chúa Jêsus đã phán với chúng ta về Điều răn lớn nhất, đó là: Yêu
Đức Chúa Trời hết lòng và yêu người lân cận như chính mình. Mục sư Warren nói:
“Trong đời tôi, tôi chưa nhìn thấy có lúc nào mà sự chia rẽ, bè phái và những lời nói giận dữ nhiều như trong thời điểm chúng ta đang trải qua”. Khi người Pha-ri-si hỏi Chúa Jêsus về cách đối xử với người lân cận, Ngài đã kể câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa-ma-ri nhân lành, một câu chuyện với trọng tâm là sự hòa giải chủng tộc. “Hội thánh phải là câu trả lời cho sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, định kiến kinh tế hay bất kỳ thể loại định kiến nào”.
Thiên vị là một tội nghiêm trọng. Tội định kiến làm cho Đức Chúa Trời nổi giận. Gia-cơ 2:9 cho biết những ai thiên vị là người phạm tội và vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời.
Mục sư Warren chia sẻ rằng khi đi khắp nơi trên thế giới, ông nhìn thấy sự định kiến là tội lỗi phổ biến nhất.
Đáp ứng của Cơ Đốc nhân đối với sự kỳ thị và định kiến
Đắc thắng tội thiên vị là trọng tâm của Phúc âm. Nói cách khác, “sự kỳ thị là nan đề của tội lỗi chứ không phải của màu da”.
Theo mục sư Warren, giải pháp cho sự thiên vị là học cách nhìn người khác bằng đôi mắt của Chúa. Điều này không hề dễ dàng, vì con người tự nhiên của chúng ta không như thế.
Đây là điều chúng ta phải học và cầu xin Chúa giúp đỡ, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng nó khả thi. Một thí dụ cho điều này là Phi-e-rơ thay đổi thành kiến của mình. “Chúa có chỉ cho bạn thấy rằng không chủng tộc nào là thấp kém hay không tinh sạch, như Ngài đã bày tỏ với Phi-e-rơ, không?”
Chương trình của Đức Chúa Trời để đưa con người lại với nhau chính là Hội thánh. “Chúng ta được kêu gọi để làm gương về sự hiệp nhất, sự hòa giải và tình bằng hữu cho cả thế giới”. Khi thế giới bị chia rẽ, Hội thánh được kêu gọi phải hiệp một (I Cô-rinh-tô 12:13, 27).
Hội thánh cần là nơi hiểu rõ nhất về sự cần thiết của mọi bộ phận trong cơ thể hoặc của mọi thành viên trong một tập thể. Vì là con người nên chúng ta tìm thấy chính mình thông qua mối quan hệ.
Mọi người trên khắp thế giới gặp khủng hoảng trong nhận thức về bản thân do sự chia rẽ và hậu quả của đổ vỡ mối quan hệ. “Khi mối quan hệ bị đổ vỡ, người ta không còn biết mình là ai nữa”.
Người tin theo Đấng Christ nên có nhận thức vững chắc về việc mình là ai. Nếu bạn đã được cứu, danh phận trước tiên của bạn đó là một thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời. Mục sư Warren nói: “Tôi có nhiều điểm chung với những người thuộc về gia đình Đức Chúa Trời hơn những người cùng quốc tịch, cùng chủng tộc, cùng điều kiện kinh tế với tôi.
Bởi vì những điều đó không thể tồn tại mãi. Tôi sẽ không là một người Mỹ mãi mãi, nhưng tôi sẽ luôn là một người thuộc trong nhà Đức Chúa Trời cho đến đời đời”.
Mặc dù nhận thức về thân phận và sự hiệp nhất cần phải là dấu hiệu nhận biết của Cơ Đốc giáo, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào điều này cũng xảy ra. Mục sư Warren khích lệ: “Đối với những ai bị đối xử bất công vì chủng tộc, tuổi tác, gia cảnh, giới tính, điều kiện kinh tế… của mình, tôi muốn các bạn biết rằng: Bạn có một Đấng Cứu Rỗi hiểu rõ bạn, và Ngài cũng từng bị đối xử bất công như vậy!”
Nghe bài chia sẻ của Mục sư Rick Warren về chủ đề này trên:
Tác giả: Megan Briggs là một nhà văn và biên tập viên cho Churchleaders.com. Kinh nghiệm của cô trong mục vụ, đặc biệt ở nước ngoài, đã mang đến cho cô một cái nhìn độc đáo về Hội thánh toàn cầu. Cô học được bản tính kiên trì chịu đựng và lòng vị tha từ những người bạn và nhà truyền giáo nước ngoài để có một tấm lòng biết ơn khiêm nhường. Megan luôn sốt sắng học biết và rao truyền chân lý. Ngoài việc viết lách, cô yêu thích khám phá cõi sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời.
Bài: Megan Briggs; Dịch: Blessie
(Nguồn: Churchleaders.com)
Leave a Reply