Tôi là con của Chúa

Oneway.vn – Là một mục sư, tôi dành nhiều thời gian cho cộng đồng trung tâm Florida, một cộng đồng đa dạng với những người xuất thân từ nhiều nguồn gốc, văn hóa, quốc gia và tôn giáo khác nhau.

Bất kể họ tin theo hay phản đối tôn giáo nào, tất cả đều đồng ý một điều: mọi người đều là con cái Chúa.

Vâng, mọi người thật sự là con Đức Chúa Trời theo nghĩa là những sinh vật được tạo ra theo hình ảnh Ngài, “chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời” (Công vụ 17:29). 

Tuy nhiên, không phải ai cũng là con cái Chúa về mặt tâm linh, được Đức Thánh Linh tái sinh và Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi qua sự công bình không thể chối cãi của Con Một  của Ngài.

Hầu hết, thậm chí nhiều người xưng là Cơ Đốc nhân tin rằng tất cả chúng ta đều là con cái Chúa theo cách thiêng liêng, nhưng Lời Chúa nói rõ rằng chỉ những người hiệp nhất với Đức Chúa Con mới là con nuôi của Đức Chúa Cha. 

Đó là những người mà Phao-lô đã nói tới: “Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha!” (Ga-la-ti 4: 6; xem Giăng 1:12; Rô-ma 8: 14-21; 9: 8; Ga-la-ti 3:26).

Được nhận làm con nuôi

Khi Chúa Jesus dạy chúng ta cầu nguyện bằng ngôn từ của “Cha chúng ta” (Ma-thi-ơ 6: 9), Ngài đã dạy cách sâu sắc về Chúa và mối quan hệ chúng ta với Ngài. Chúa không chỉ đơn thuần là Cha; Ngài là “Cha chúng ta”.

Khi được Chúa nhận làm con nuôi, chúng ta cũng bước vào gia đình Ngài. Khi dâng lời cầu nguyện lên Cha chúng ta, chúng ta được nhắc nhở rằng mình không đơn độc và là một phần của một gia đình vĩ đại.

Chúa tạo ra chúng ta như một con người vì cộng đồng, và nhờ công việc của Đức Thánh Linh tái sinh chúng ta trở nên thành viên mới trong gia đình của Chúa.

Vì lý do đó, Chúa kêu gọi  chúng ta cùng họp mặt nhau để tôn thờ Ngài. Khi cùng nhau thờ phượng, chúng ta được nhắc nhở rằng mình không đơn độc, mình là một phần quan trọng của cơ thể sống, cộng đồng giao ước của các tín đồ.

Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời dạy chúng ta gọi Cha Ngài là “Cha chúng ta”, điều đó thật khiêm nhường. Nhưng với nhiều người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất, họ thấy đó là kiêu ngạo. 

Với họ, thật kì quặc khi Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là Cha, vì điều đó ngụ ý rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:14; 8:19; 14: 7). Một số học giả lập luận rằng việc Chúa Jesus dạy các môn đồ gọi Chúa là “Cha chúng ta” bị các giáo sĩ Do Thái coi là kiêu ngạo và báng bổ.

Do đó, khi quở trách những người Pha-ri-si đã từ chối Ngài, Chúa Jesus nói rõ, không những Đức Chúa Trời không phải là Cha họ, mà họ còn là con của ma quỷ (Giăng 8: 39,-47). 

Họ không hiểu làm sao Đức Chúa Trời không phải là Cha họ vì họ không tin rằng Chúa Jesus đến từ nơi Cha. Trong trạng thái tự nhiên trước mặt Chúa, họ không tin vì Đức Thánh Linh không cho họ tai nghe, mắt thấy hay tấm lòng nhận thức rằng Chúa Jesus là dòng dõi được người nữ được mong chờ từ lâu, là Con Đức Chúa Trời ( Sáng thế ký 3:15; Ê-sai 9: 6). 

Cũng vậy, trong trạng thái tự nhiên trước Chúa, chúng ta vẫn là kẻ thù cho đến khi Chúa chinh phục và biến chúng ta thành bạn hữu Ngài và nhận chúng ta làm con trai, con gái trong Đấng Christ.

Chào mừng và chúc phước

“Đức Chúa Trời là Cha chúng ta khi chúng ta được hiệp nhất với Đức Chúa Jesus Christ, Đức Chúa Con bằng đức tin. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1: 3-4).

Cha chúng ta là một Người Cha nhân hậu và rộng lượng, chăm sóc, kỷ luật chúng ta theo cách mà người cha trần gian không thể, bởi vì Ngài yêu chúng ta theo cách mà những người cha trần gian không thể (Hê-bơ-rơ 12: 9 Rô-ma 5: 8). 

Ngài biết được những ham muốn và tội lỗi tận sâu tấm lòng chúng ta, Ngài có thể uốn nắn chúng ta theo hình ảnh Đấng Christ bằng những cách chính xác mà chúng ta phải tuân theo.

Chúng ta thường cho rằng có những điều Cha sẽ không ban cho chúng ta, và do đó chúng ta không bao giờ cầu xin. Chúng ta đối xử với bản thân như trẻ mồ côi mặc dù Chúa nhận chúng ta làm con cái Ngài. Vì khi Chúa nhận chúng ta vào gia đình vĩ đại, Ngài không chỉ gọi chúng ta là con nuôi; mà là con trai, con gái Ngài. 

Mê-phi-bô-sết bị què quặt và thù hằn vua mình; nhưng Đa-vít đã chào đón và chúc phước cho Mê-phi-bô-sết. Đức Chúa Trời cũng đã chào đón và ban phước cho chúng ta – những người “què quặt”, Ngài đưa chúng ta vào, cho chúng ta nghỉ ngơi tại bàn Ngài, để được Ngài rửa chân, dùng bữa với Ngài và ở với Ngài đời đời (2 Sa-mu-ên 9; Giăng 13: 1-20).

Cha vinh hiển trên thiên đàng

Chúa Jesus cũng dạy rằng Đức Chúa Trời là Cha, nhắc nhở rằng Cha chúng ta là Đấng trọn vẹn trong vinh quang Ngài, Đấng siêu việt, Ngài ở trong cõi thiêng liêng thiên đàng, nhưng không xa cách mà gần gũi chúng ta, luôn có mặt và sẵn sàng lắng nghe, trò chuyện với bạn (Thi-thiên 145: 18; Giê-rê-mi 23:23; Công vụ 17:28; Gia-cơ 4: 8). 

Do đó, chúng ta không coi Ngài là một Đấng quyền lực xa xôi, không lắng nghe, không ở bên, hay quá bận rộn. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Bất cứ lúc nào, bất kể ngày hay đêm, bạn luôn có thể kêu cầu Đấng Tạo Hóa Hằng Sống của vũ trụ, Đức Chúa Trời toàn tri, toàn năng, dâng lời cầu nguyện cách khiêm nhường và mạnh dạn lên Cha.

Khi Chúa Jesus dạy chúng ta kêu cầu Chúa là Cha chúng ta, Ngài cũng dạy chúng ta kêu gọi Cha trong danh thánh Ngài. Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu hằng hữu (Xuất 3:14). Việc chúng ta nhận biết hay kêu cầu danh thánh Ngài không khiến danh Ngài nên thánh, nhưng danh ấy vốn đã thánh vì chính Chúa đã tuyên bố như vậy.

Danh Ngài là thánh bởi không có thẩm quyền hay quyền lực nào lớn hơn chính Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 6:13). 

Danh Ngài là thánh bởi vì Ngài là thánh. Danh Ngài không chỉ đơn giản là cách chúng ta gọi Ngài, nhưng danh ấy nói lên Ngài là ai: Yahweh – Đấng tự hữu hằng hữu. 

Khi kêu cầu Chúa bằng danh thánh Ngài; chúng ta cũng xưng nhận Ngài là ai, khẳng định sự tôn kính mình đối với danh thánh Ngài. 

Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện với Cha chúng ta trên thiên đàng, danh Ngài là danh Thánh, hãy an tâm rằng Ngài là Cha chúng ta, và rằng một khi Ngài đã nhận chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ con Ngài (Phục truyền 31: 6; 13: 5).


Bài: Burk Parsons; dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *