Oneway.vn – Nó vừa khó xử, vừa xấu hổ và cũng giải tỏa căng thẳng – mọi thứ cùng lúc. Điều đó ít khi được nói đến hay thú nhận trong nhóm nhỏ nhưng lại thường thấy trong mọi gia đình: cha mẹ nóng giận.
Có thể bạn từng tự cho mình là một người nhẫn nại, cho đến khi bạn có con. Từ nhu cầu thể chất của những đứa nhỏ, đến những thách thức của lứa tuổi đi học hay những phản ứng khó hiểu của thiếu niên, con trẻ luôn tạo ra áp lực một cách mới mẻ.
Đức Chúa Trời dùng con trẻ một cách độc đáo để làm rõ bản chất của chúng ta. Và thường thì nó không được đẹp đẽ, bởi những từ ngữ khắc nghiệt mà chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy kinh ngạc và sợ hãi khi nghĩ lại
Là cha của bốn đứa con nhỏ và sau này là bốn thiếu niên, tôi nhớ mình đã nghĩ “Chờ đã. Chúa phán tôi không được giận dữ? Vậy thì tôi nên làm sao?” Nhờ ơn Chúa, sau khi tìm kiếm Kinh Thánh trong tuyệt vọng, tôi đã tìm thấy một số cách giúp tôi thay đổi, thêm phần nhẫn nại.
Ba điều sau đây giúp các bậc phụ huynh kìm giữ cơn nóng giận ở mức bình thường. Tuy nhiên, chúng không áp dụng được với những người có xu hướng lạm dụng bạo lực. Với việc đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức từ các cơ quan pháp lý và tâm lý.
Ba lẽ thật quan trọng đó là gì?
1. Nhìn nhận sự thật về cơn giận
David Powlison đã giúp chúng ta định nghĩa sự tức giận: Một thái độ do bạn chủ động đưa ra để phản đối điều mà bạn đánh giá là quan trọng và sai lầm. Lưu ý rằng sự tức giận xuất phát từ mong muốn của chúng ta, nó là hành động chủ động chống lại điều gì đó mà chúng ta tin là quan trọng và sai lầm.
Điều này giúp chúng ta hiểu một lý do tại sao sự giận dữ của Đức Chúa Trời là chính đáng và tại sao Chúa Jêsus lại tức giận với những người Pha-ri-si. Ngài hoàn toàn hiểu và xác định được điều gì là quan trọng, là đúng sai. Điều này cũng lý giải cho việc Đức Chúa Trời phán: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội; đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Bản thân cơn giận có thể không phải tội lỗi, nhưng nó lại có vị trí đặc biệt khiến chúng ta phạm tội.
Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự tức giận thường chứa đầy tội lỗi.
2. Nhìn nhận sự tức giận như kẻ thù
Cơn giận đầy tội lỗi là kẻ thù của chúng ta.
Chúa Jêsus dạy chúng ta rằng tức giận anh em mình cũng đáng bị tòa án xét xử – như tội giết người (Ma-thi-ơ 5: 21, 22), những lời độc ác khi giận dữ làm buồn Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30), và cơn giận do chính cái tôi xác thịt điều khiển (Ga-la-ti 5:20).
Cơn giận cũng chẳng giải quyết được vấn đề (Gia-cơ 1:20) và làm tổn thương người khác (Châm Ngôn 12:18).
Ed Welch nhận xét: “Nóng giận chính là phá hoại”. Sự tức giận của tôi phá hủy sự bình an, sự tin tưởng của con tôi, không chỉ vậy, nó còn hủy hoại đời sống chứng nhân cho Đấng Christ của tôi.
Là cha mẹ, thật dễ dàng để biện minh rằng tôi tức giận là chính đáng, và nhanh chóng bỏ qua hậu quả của sự nóng giận. Nhưng cơn giận dữ đầy tội lỗi là một kẻ thù nguy hiểm mà tôi phải từ bỏ hàng ngày nhờ sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh.
Tuy nhiên, nếu đó là suy nghĩ duy nhất của chúng ta thì chúng ta đang tự đưa mình vào thất bại bởi chưa tìm hiểu đầy đủ Kinh Thánh. Kinh Thánh thường trình bày vấn đề một cách cân bằng qua nhiều khía cạnh
3. Nhìn nhận cơn nóng giận như người bạn
Tôi có nói rằng sự tức giận là kẻ thù, nhưng nếu hiểu chính xác, đôi khi cơn giận cũng có thể là bạn của chúng ta. Hãy tham khảo lại định nghĩa cơn giận một lần nữa: nó là một chỉ báo cho thấy một việc gì đó quan trọng và sai lầm. Đó là cảm xúc mà Chúa đã ban cho chúng ta. Nhưng cơn giận dùng để đánh bại vấn đề, chứ không phải để công kích người khác.
Cha mẹ tin kính không phải là những thiền sứ. Đó là một sự thiếu sót nếu một người cha không có phản ứng gì khi nhìn thấy cậu con trai trả treo với mẹ. Một người mẹ cũng làm ô danh Chúa khi lờ đi chuyện đứa trẻ 6 tuổi của mình đánh một người bạn nhỏ hơn.
Dù vậy, thay vì bộc phát sự nóng giận, hãy để cơn giận thúc đẩy bạn tự hỏi: “Tôi đang giận dữ vì điều gì? Điều gì là quan trọng, điều gì là sai trái”.
Khi mong muốn trở thành nhu cầu
Gia-cơ 4:1-2 cho biết tranh chiến, xung đột đến từ những mong muốn của chúng ta.
Đoạn Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu rõ để đánh giá khi nào những mong muốn của chúng ta trở thành dục vọng.
Không phải tất cả các mong muốn của cha mẹ đều là tội lỗi. Có những cái tốt: Con cái nên vâng lời chúng ta, chúng cũng nên hoàn thành tốt bài tập về nhà. Chúa kêu gọi cha mẹ huấn luyện và môn đệ hóa con cái, điều đó có nghĩa là con cái cần sự điều chỉnh của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta thật bất cẩn trong bổn phận làm cha mẹ khi không chỉ ra hậu quả nào về việc không vâng lời hoặc lơ là của con cái.
Có lẽ khi nhìn lại khoảnh khắc tức giận, mong muốn của chúng ta đã trở thành nhu cầu. Nhưng bản thân mong muốn không phải là vấn đề. Cha mẹ khôn ngoan nên để cảm xúc buồn bã thúc đẩy họ đưa ra giải pháp cho vấn đề.
Vào những năm 1990, tôi là lập trình viên cho một ngân hàng. Trong những ngày trước khi có internet, tôi thường nhận những một cuộc gọi báo lỗi vào giữa đêm. Khi điều đó xảy ra, tôi đã thực hiện hai bước: một là khắc phục sự cố để ngân hàng có thể mở cửa vào buổi sáng. Bước thứ hai xảy ra vào sáng hôm sau. Tôi sẽ xem xét những gì đã xảy ra và sau đó đưa ra một giải pháp ngăn chặn cuộc gọi đó trong tương lai. Tôi cho rằng vấn đề sẽ xảy ra một lần nữa và vì vậy tôi đã sử dụng thời gian để xem xét các hoạt động.
Theo cách tương tự, khi nói về vấn đề vâng lời hay trách nhiệm, giả sử mong muốn của chúng ta là tốt, thì sự phiền não chỉ ra điều chúng ta cần thay đổi: có thể là bản thân tôi, hoặc con cái tôi hay là với cách mà tôi quản trị gia đình mình. Chúa kêu gọi tất cả chúng ta, cả người nam lẫn nữ, quản trị tốt gia đình mình. Sự nóng giận thường khiến tôi vừa giải quyết một tình huống và cũng đưa ra một kế hoạch khi tôi lãnh đạo gia đình.
Những “cỗ máy thánh hóa” bé nhỏ
Đức Chúa Trời và các con đã nhẹ nhàng bỏ qua những lỗi lầm của tôi.
Cho đến khi Chúa Jêsus trở lại, cuộc sống gia đình của chúng ta vẫn sẽ lộn xộn. Nhưng chúng ta nên nỗ lực trong việc trở nên giống Chúa Jêsus.
Con cái chúng ta là những “cỗ máy thánh hóa” bé nhỏ mà Chúa ban để giúp chúng ta ngày càng giống Chúa hơn. Nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể trưởng thành trong việc đánh bại cơn giận tội lỗi, và trở nên những môn đồ nhẫn nại trong chính gia đình chúng ta.
Bài: Chap Bettis; dịch: Janebie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply