Tôn vinh Chúa trong mọi nghề nghiệp

Oneway.vn – Khi nghe thấy từ “truyền giáo”, chúng ta thường nghĩ về mục sư, nhà truyền đạo hoặc diễn giả Cơ Đốc. Tuy nhiên, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được kêu gọi trở thành “nhà truyền giáo” trong bất kỳ nghề nghiệp nào chúng ta đang làm, từ điều dưỡng, giáo viên đến thợ mộc và doanh nhân.

Hầu hết chúng ta dành rất nhiều thời gian ở nơi làm việc. Thực tế, một người mỗi ngày dành trung bình 7,6 giờ cho công việc – nghĩa là 90.000 giờ làm việc trong suốt cuộc đời. Khi một số cá nhân được kêu gọi bước vào chức vụ hầu việc Chúa, thì đại đa số Cơ Đốc nhân sẽ làm những công việc không liên quan đến Hội Thánh, nhưng họ vẫn có thể tôn vinh Chúa, truyền giáo cho người khác và phản chiếu sự tốt lành của Đấng Christ trong những môi trường như vậy.

Phao-lô nói rõ rằng tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành “người giảng hoà” trong bất cứ lĩnh vực gì chúng ta đang làm. 2 Cô-rinh-tô 5: 17-19 chép: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi”.

Dù nghề nghiệp của chúng ta là gì, Chúa muốn chúng ta làm với lòng nhiệt tình, đức tin và sự xuất sắc. Khi đó, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ chép trong Ma-thi-ơ 5:16: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời”.

 

1. Bất kể nghề nghiệp của bạn là gì, mục tiêu của bạn luôn là tôn vinh Chúa.

Kinh Thánh chép rõ ràng rằng mục đích của công việc không phải để đạt được thành công về tài chính hay sự ca ngợi của trần gian, mà là để tôn vinh Chúa và phục vụ người khác (Lu-ca 10:27). Là người theo Chúa, chúng ta phải làm việc của mình một cách xuất sắc và hết lòng, “như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).

Nhiệm vụ này thể hiện rõ ràng trong Kinh Thánh: Cô-rinh-tô 10:31 chép: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”. Trong Ê-phê-sô 1: 11,12, Phao-lô nhắc nhở rằng: “Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán, hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen”. 

Là người theo Chúa, chúng ta tin rằng Chúa đã tạo ra dân Ngài để làm việc – và mỗi người phải là một đại sứ mang hình ảnh Đấng Christ. Xuyên suốt Kinh Thánh, Chúa kêu gọi mọi người hiệp nhất với Ngài trong mọi khía cạnh cuộc sống, cả về cá nhân lẫn nghề nghiệp. Đó là lý do là chúng ta được kêu gọi xem công việc của mình là điều Chúa giao phó.

Khi xem công việc của mình là một chức vụ để tôn vinh Chúa và phục vụ người khác, chúng ta sẽ phản chiếu hình ảnh Đấng Christ ngay cả trong những công việc trần tục hay tầm thường nhất.

 

2. Chúa ban cho chúng ta tất cả những món quà độc đáo

Chúng ta không cần phải làm việc trong nhà thờ, mục vụ hoặc tổ chức truyền giáo để làm công việc Chúa. Thực tế, nhiều Cơ Đốc nhân được kêu gọi làm các nghề nghiệp thế tục như kinh doanh, xây dựng, điều dưỡng, nội trợ hoặc kỹ thuật.

Jon Bloom viết: “Trong Tân Ước, Chúa không phân biệt nghề nghiệp thiêng liêng hay thế tục trong nhà hội.

Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân” (Hê-bơ-rơ 2:17). Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người” (1 Ti-mô-thê 2: 5). Chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm: ‘thánh khiết, vô tội, hoàn toàn tách biệt khỏi những kẻ tội lỗi và được tôn cao trên trời, Đấng đã hy sinh thân mình như của lễ một lần đủ cả cho tội lỗi loài người (Hê-bơ-rơ 7: 26, 27; 10:12) và được nên thánh bởi Đức Chúa Trời vĩ đại. Còn tất cả Cơ Đốc nhân đều là “đồng nghiệp” của Đức Chúa Jesus, cùng thực hiện Đại Mạng Lệnh của Ngài.

Mỗi người lao động đều quan trọng với Chúa. Cho dù là mục sư hay y tá, thợ mộc hay nhân viên ngân hàng, binh lính hay kỹ sư, công việc của chúng ta đều có ý nghĩa sâu sắc. Dù là công việc gì, chúng ta – con cái Chúa – đều được kêu gọi trở thành muối và ánh sáng cho thế gian đang hư hoại, tội lỗi (Ma-thi-ơ 5: 13-16).

 

3. Làm việc như một cơ hội để làm chứng nhân cho Chúa

Ngay cả những Cơ Đốc nhân sùng đạo nhất đôi khi cũng trở thành con mồi với những rắc rối không thể tránh khỏi tại nơi làm việc. Thật không may, kết quả là nhiều người tự xưng mình là Cơ Đốc nhân đã không sống theo đúng danh tính đó tại nơi làm việc.

Làm sao để tham gia vào văn hóa thế gian trong khi vẫn trung thành nắm giữ Phúc âm?

Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17).

Dù công việc của chúng ta là gì, “hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16-18).

Phao-lô đang thúc giục chúng ta nêu gương tình yêu cho người lân cận qua cách tương tác với đồng nghiệp, nói lời gây dựng với người xung quanh. “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

Khi chúng ta đưa sứ mệnh môn đồ hoá vào nơi làm việc, và tìm cách sử dụng mọi nghề nghiệp để tôn vinh Chúa, hãy nhớ mục tiêu cuối cùng không chỉ đơn thuần là một khoản tiền lương, nhưng chính là để tích luỹ kho báu trên thiên đàng.

Đức Chúa Jesus phán: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6: 19-21).

 

Dịch: Jennie Võ

(Nguồn: Christianpost.com)

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *