Trả lời những nghi ngờ về sự tái lâm của Chúa Jêsus

Oneway.vn – “Nếu Chúa Jêsus thực sự sẽ trở lại, thì chẳng phải bây giờ Ngài đã trở lại rồi sao?”Trong cương vị mục sư, tôi đã nhiều lần trả lời câu hỏi này. Và thành thật mà nói, chính bản thân tôi cũng từng tự hỏi câu hỏi này. Tôi đoán là bạn cũng vậy.

Có vô vàn lý do khiến người ta nghi ngờ về sự tái lâm của Chúa Jêsus. Khi bi kịch khủng khiếp xảy đến – dù trong phạm vi toàn cầu, chẳng hạn như trận động đất kinh hoàng, hay ở mức độ cá nhân hơn, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối – chúng ta dễ lắm tự hỏi liệu Chúa có đang phó mặc cho thế giới lụi tàn bởi thực trạng sa ngã của loài người hay không.

Trước đây, người ta đã tin vào những lời tiên đoán về thời điểm Chúa Jêsus trở lại, công bố bởi các Cơ Đốc nhân nổi bật như William Miller, Edgar Whisenant, hay Harold Camping, tuy nhiên rốt cuộc họ chỉ nhận lại nỗi thất vọng. Điều này đã làm lung lay niềm tin của nhiều người nơi Chúa Jêsus, Kinh Thánh hoặc các nhà lãnh đạo Cơ Đốc.

Nếu không được kiểm soát, những mầm mống nghi ngờ về sự tái lâm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

Những người nghi ngờ sẽ dễ đưa ra kết luận rằng: chẳng có tương lai tràn đầy hy vọng nào cho thế giới này cả; rằng cuộc đời này là tất cả những gì chúng ta có; và cho dù Chúa có tồn tại đi nữa, thì Ngài cũng chẳng hề quan tâm đến thế giới này đâu.

May thay, những câu hỏi về sự tái lâm của Chúa không phải là điều mới mẻ. Thực tế, người ta vốn đã ngờ vực ngay sau khi Chúa Jêsus phục sinh và thăng thiên. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những hoài nghi này trong Kinh Thánh Tân Ước.

Đáp lại những hoài nghi bằng lẽ thật

Vấn đề này được nhắc đến trong 2 Phi-e-rơ 3. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo rằng “những kẻ nhạo báng” sẽ xuất hiện và giễu cợt những người vẫn chờ đợi Chúa Jêsus trở lại: “Họ sẽ nói: “Lời hứa về sự quang lâm của Chúa ở đâu?’” (3:4).

Chúng ta nên suy nghĩ thế nào về sự tái lâm của Đấng Christ trong khi thế gian thì nhạo báng và chính tâm trí chúng ta cũng đang nghi ngờ?

Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra ba câu trả lời trên phương diện thần học để chúng ta suy ngẫm.

1. Đức Chúa Trời đang hành động (2 Phi. 3:5–7)

Có vẻ như Chúa không hành động trong thế giới của chúng ta, dường như Ngài đang tránh xa khỏi mớ hỗn độn mà loài người đã gây ra.

Nhưng Phi-e-rơ bác bỏ điều này. Chúa luôn quan tâm đến thế giới của chúng ta. Qua công trình sáng tạo của Chúa, Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta rằng Ngài vẫn luôn hành động trong quá khứ.

Trận lụt thời Nô-ê là chứng minh rằng Chúa đã can thiệp vào thế giới này, và hiện tại Ngài vẫn đang hành động.

Phi-e-rơ nói rằng thế gian đã được Đức Chúa Trời “giữ vững” và “nâng đỡ” cho đến ngày phán xét (xem Cô-lô-se 1:17; Hê-bơ-rơ 1:3).

Điều đó có nghĩa, chúng ta chẳng có lý do gì để nói rằng Chúa không hành động trong thế giới này, hoặc trong cuộc sống chúng ta. Sáng nay mặt trời vẫn mọc như mọi ngày. Bạn thức dậy, trái tim vẫn đập và lá phổi vẫn thở. Tất cả những thứ điều, và hơn thế nữa, là những món quà vô giá từ Đấng Tạo Hóa – Đấng Giữ Vững chúng ta.

Nếu trong quá khứ, Đức Chúa Trời luôn luôn hành động qua công việc sáng tạo và phán xét, thì ngày nay và trong tương lai, Ngài cũng sẽ luôn luôn hành động. Giống như khi Ngài sáng tạo nên muôn vật, hiện Ngài cũng đang nắm giữ vững muôn vật. Giống như Ngài đã mang đến sự phán xét và sự cứu rỗi trong quá khứ, Ngài cũng sẽ mang đến sự phán xét và sự cứu rỗi trong tương lai.

2. Đức Chúa Trời là Đấng đời đời (2 Phi-e-rơ 3:8–9a)

Tiếp theo, Phi-e-rơ khẳng định rằng Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Hữu trường tồn.

Đức Chúa Trời là Đấng không có khởi đầu và không có kết thúc. Khái niệm thời gian của Ngài khác với chúng ta. Như Matthew Barrett đã nói, Chúa “vượt thời gian, vĩnh hằng với thời gian và vĩnh hằng phi thời gian.”

Tất nhiên, điều này không áp dụng với con người. Chúng ta bị ràng buộc bởi thời gian. Người ta có thể du hành thời gian trên phim ảnh, nhưng trong thế giới thực, từng khoảnh khắc chúng ta sống cứ trôi qua, không thể quay lại hay tiến nhanh hơn. Chúng ta là hữu hạn, nhưng Chúa là vô hạn.

Vậy chúng ta là ai mà dám phán xét thời điểm của Chúa? Giống như câu trả lời của Phao-lô về thái độ chống đối kế hoạch của Chúa (Rô-ma 9:19–21), Phi-e-rơ nhắc nhở rằng những tạo vật hữu hạn như chúng ta không có tư cách để phán xét chính Đấng Tạo Hóa vô hạn.

3. Đức Chúa Trời nhẫn nại (2 Phi-e-rơ 3:9)

Tại sao Chúa Jêsus vẫn chưa trở lại? Vì Đức Chúa Trời nhẫn nại. Lòng nhẫn nại yêu thương của Ngài thôi thúc Ngài chờ đợi để cả nhân loại đều có cơ hội ăn năn.

Ngày nay Phúc Âm được rao giảng khắp thế giới. Ngày càng có nhiều người được nghe Tin Lành về công việc của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, và ngày càng có nhiều người đáp lại bằng đức tin ăn năn. Để điều đó tiếp tục diễn ra, Đức Chúa Trời đã trì hoãn sự phán xét của Ngài (xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:30).

Bạn có thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời không hủy diệt mọi tạo vật ngay sau khi A-đam và Ê-va phạm tội không? Vì Chúa nhẫn nại. Tại sao Chúa không phán xét ngay lập tức, để cho những tội ác khủng khiếp tiếp tục hoành hành trên thế giới? Bởi vì Ngài nhẫn nại. Tại sao Chúa không hủy diệt bạn và tôi ngay lúc này mặc dù chúng ta là kẻ thù của Ngài khi chưa tin cậy nơi Đấng Christ? Vì Chúa nhẫn nại. Đức Chúa Trời đã trì hoãn sự phán xét công bình của Ngài để nhân loại có thể làm hòa với Ngài qua việc nhận lãnh Phúc Âm.

Xây dựng đời sống nhẫn nại, thánh khiết

Vậy thì chúng ta nên phản ứng thế nào trước những hoài nghi của người khác và chính mình về sự tái lâm của Chúa Jêsus? Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời đang hành, vậy nên Ngài không bỏ đi đâu cả. Đức Chúa Trời là Đấng vĩnh hằng, vậy nên Ngài không cần phải theo ý chúng ta hay theo khái niệm thời gian của loài người. Và Đức Chúa Trời nhẫn nại, vậy nên chúng ta cũng hãy học theo Ngài.

Bạn và tôi được kêu gọi sống kiên nhẫn, thánh khiết và tin cậy vào lời hứa kiên định của Đức Chúa Trời, rằng cuối Ngài cùng mang lại sự cứu rỗi trọn vẹn cho chúng ta và đổi mới mọi điều (2 Phi-e-rơ 3:10-13).

Hãy cố lên hỡi các thánh đồ yêu dấu! Vì Chúa Jêsus đang trên đường trở lại với chúng ta.

Bài: CODY WILBANKS, dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *