Từ Câu Chuyện Cà Phê

Oneway.vn: Thời tiết miền Trung đã vào mùa giá lạnh, một buổi sáng cuối tuần, mấy anh em chúng tôi cùng ngồi uống cà phê trong một quán nhỏ tại góc đường. Qua một tuần không được gặp nhau, những câu chuyện cứ tiếp nối với nhau hầu như không thể chấm dứt. Người thì đang thuận lợi trong công tác, người mới từ xa trở về sau một chuyến đi dài ngày, người đang phải đối đầu với những khó khăn trong công việc… Nhưng bầu không khí “tọa đàm”của chúng tôi vẫn sôi nổi và vui vẻ, bởi ai cũng để những lo toan, phiền muộn qua một bên để có được những phút giây ấm cúng bên bạn bè.

oneway3

Ở miền Nam, người ta hay dùng cà phê với nhiều đá, ngược lại ở đây, mọi người hay dùng cà phê với một ít đá, có lẽ đó là điểm tương đối đặc biệt. Chất lượng cà phê dù ngồi ở một quán sang trọng hay một quán cóc vỉa hè hình như không khác nhau là mấy. Tuy vậy, chúng tôi cũng thường hẹn gặp nhau tại một quán nhỏ cuối một con phố, không gian yên tỉnh và nhất là ít bị dàn âm thanh át tiếng nói như những quán khác. Trong khi trò chuyện, một người bạn, chợt hỏi chúng tôi: “Mấy ông uống cà phê cả đời (?), vậy có biết câu chuyện gì hấp dẫn về cà phê không?” Có tiếng đáp lại: “Chuyện cà phê Trung Nguyên chứ gì?” “Không phải”. Cả bọn đoán già đoán non, cuối cùng cũng không đi đến đâu. Người bạn mới nói: “Mình đọc câu chuyện này trên một tờ báo rất lâu rồi, mà trên mạng cũng nhiều, nhắc lại cho các ông nhớ, để mà suy gẫm”. Cả bọn đồng ý.

Đây là một câu chuyện về bài học mà một người cha dạy cô

con gái 

cách vượt qua những khó khăn cuộc đời đem đến, những khó khăn đã khiến cô gái muộn phiền và nhiều lần toan nghĩ đến việc chối bỏ cuộc sống này.

Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng rồi đun để chúng tiếp tục sôi mà không nói một lời. Người con gái sốt ruột không biết cha định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn trong khi ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng bát khác nhau. Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ”, cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

– Điều này nghĩa là gì vậy cha? Cô gái hỏi.

– Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.

oneway2

Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm. Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn. Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: “Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh?”. Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực? Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn? Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon. Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?”

Tôi không nói lại về thông điệp mà câu chuyện này muốn nhắn gởi đến mỗi chúng ta, tuy vậy, ở một góc độ khác, câu chuyện như một lời nhắc nhỡ chúng ta khi đứng trước mỗi thử thách của cuộc sống, nhất là khi chúng ta là con dân của Chúa. Chúa đặt để chúng ta ở giữa thế gian này không phải để chúng ta vỡ tan ra, chịu bó tay trước những nan đề của cuộc sống, hoặc co mình lại, cô lập, hoàn toàn không có mối quan hệ giao tiếp với “thế gian” mà là để chúng ta tạo một ảnh hưởng rộng lớn về nếp sống Cơ-đốc trong lòng của mọi người. Trong những tháng năm thi hành chức vụ, dấu chân Chúa Jêsus hầu như có khắp các vùng đất Do Thái.Chúa tiếp xúc với mọi người, từ người thâu thuế đến quan binh, từ người đàn bà tà dâm đến những người có học thức. Tất cả, đều nhận được ở Chúa một sự nhu mì, tình yêu thương và sự tha thứ tuyệt vời. Chúa muốn chúng ta, ngày hôm nay, cũng như vậy. Chúa muốn đời sống của mỗi người con dân Chúa phải có một ảnh hưởng nhất định đối với những người chung quanh, để họ cũng chiêm nghiệm được, cảm nhận được hương thơm của một đời sống Cơ-đốc là như thế nào. Và Chúa cũng muốn chúng ta phải ra đi, đến với  mọi người, đem tình yêu của Chúa đến với họ, bày vẽ, hướng dẫn, giới thiệu cho họ về con đường cứu rỗi mà họ cần phải đến.

Muốn được như thế tất nhiên chúng ta cũng phải theo gương Chúa Jêsus, ra đi rao giảng Tin lành cho đồng bào mình (Phúc âm Luca 8:1). Đã có rất nhiều anh em, dâng mình hầu việc Chúa, lên đường, đến các vùng xa xôi để rao giảng Tin lành. Họ là những người có tâm tình nóng cháy, sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc, công sức cho công cuộc truyền giáo. Tôi rất vui khi quen biết được nhiều người mà việc ra đi làm chứng về Chúa cho đồng bào hầu như gắn liền mới máu thịt, hơi thở của họ. Đa số không khá giả lắm, nhưng bên cạnh họ còn có những người anh em, con cháu… luôn hỗ trợ, góp sức để bước chân họ thêm vững vàng trước thử thách “cơm áo gạo tiền” của thực tế cuộc sống. Tôi cũng đã chứng kiến một chứng đạo viên khi về nước Chúa, một HT đã kính cẩn đặt vòng hoa với dòng chữ “Chiến sĩ thập tự”. Vinh quang trên trời chắc nhiều hơn thế, nhưng những điều trân trọng nhau trên trần thế cũng góp phần động viên tinh thần cho các anh em chứng đạo.

Coffee_and_Tea_Wallpapers_www.boerse.bz

Chỉ khi nào con dân Chúa thật sự gắn bó với công tác truyền giáo thì lúc đó chúng ta mới thấy được sự phục hưng của việc giảng rao Tin lành cho đồng bào. Nhiều người nói, tôi bận làm việc quá nên không có thời gian ra đi làm chứng cho đồng bào mặc dầu muốn lắm. Chắc có lẽ bạn đọc không thể hình dung được một người bán bánh mì tại HTTL Chi hội Vĩnh Phước đã làm chứng cho bao nhiêu người tin Chúa, dầu rằng chị tất bật cả ngày buôn bán. Bí quyết: Trong tủ của chị luôn có sẵn truyền đạo đơn, hễ ai đến mua bánh mì là chị tranh thủ làm chứng về Chúa cho họ. Hình ảnh đó cho chúng ta một bài học kinh nghiệm quí báu, đó là phải gắn liền công tác truyền giáo với đời sống hằng ngày của Cơ-đốc nhân. Vâng, chúng ta phải gắn liền công tác truyền giáo với công việc hằng ngày, tôi cho đó là một giải pháp rất hay. Khi chúng ta thực hiện điều đó, một người xe ôm cũng có thể làm chứng cho khách đi xe của mình, một chị bán hàng rong cũng có thể làm chứng cho người mua, một người nhân viên cũng có thể tranh thủ những lúc nói chuyện với đồng nghiệp mà giới thiệu về Tin lành cứu rỗi cho đồng nghiệp mình…

Một tín hữu lâu năm, gia đình đã tin Chúa nhiều đời, thật thà thú nhận với tôi, mặc dầu năm nay anh đã trên 50 tuổi rồi, tuy có tham gia công tác chăm sóc tín hữu nhưng chưa một lần làm chứng về Chúa cho ai cả. Nhiều người rất ngại ngùng, thiếu tự tin khi làm chứng cho người khác. Đó cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm cho những ai chưa một lần nói ra đi truyền giáo. Tôi cũng không phải là một chứng đạo viên “chuyên nghiệp”, nhưng tôi chắc chắn với bạn rằng, lần đầu tiên bạn có thế nói không trôi chảy, nhưng qua vài lần làm chứng cho thân hữu, bạn sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều, và sẽ đến lúc bạn cũng không ngờ được rằng mình đã làm chứng cho một người tin Chúa. Chúa Jêsus đã từng ví sánh công trường thuộc linh với hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, nhưng con gặt thì ít (Tin lành Mathiơ 9:37-38). Dù đã hai ngàn năm trôi qua nhưng hình ảnh đó vẫn phản ánh đúng thực tế của chúng ta hiện nay, còn biết bao linh hồn cần được cứu rỗi, song người ra đi làm chứng còn quá ít ỏi.

Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy mạnh mẽ lên vì chúng ta biết chắc rằng Chúa cùng đi với ta trên mỗi chặng đường (Tin lành Mathiơ 28: 20b) và hãy hát lên bài Thánh ca 325 “Gánh lúa về”: Ban mai hăng hái lên đường… trên mỗi bước đi.

Vũ Hướng Dương

Vài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *