Oneway.vn – Mục tiêu của hàng ngàn người biểu tình trong tuần qua là vạch trần nạn phân biệt chủng tộc.
Phong trào dân quyền là cột mốc trong cuộc chiến chống lại phân biệt chủng tộc. Nhưng một lần nữa, những gì diễn ra trong vài tuần qua nhắc nhở chúng ta rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chưa hề bị khuất phục, nhưng chỉ rút lui vào bóng tối, âm thầm lăm le một cuộc chiến không ngừng đe dọa công lý và bình đẳng. Nọc độc của nó nguy hiểm và quỷ quyệt hơn bao giờ hết, bây giờ được giấu diếm dưới những hình thức tinh vi hơn.
Trong vài tháng qua, COVID-19 là mối đe dọa ghê gớm bởi vì nó lây lan mạnh mẽ và thường không có triệu chứng gì. Tương tự như vậy, dưới vỏ bọc của lý lẽ “từ chối chính đáng”, vấn nạn phân biệt chủng tộc khó có thể bị xóa bỏ triệt để. Có bao nhiêu người ngày nay thành thật thừa nhận mình là thủ phạm của nạn phân biệt chủng tộc?
Cũng như COVID-19, phân biệt chủng tộc phải được xác định và chẩn đoán mới có thể điều trị tận gốc. Cần phải vạch trần. Rất dễ dàng để “chẩn đoán” vấn nạn này trong cả hệ thống bất công xung quanh và đau đớn nhận ra mình cũng là một trong số đó.
Chúng ta không bao giờ giải quyết được nạn phân biệt chủng tộc ở cấp độ hệ thống, cho đến khi chịu thú nhận và ăn năn ở cấp độ cá nhân. Hãy bắt đầu với chính bản thân.
Tuần vừa qua, Chúa đã vạch trần tôi, phơi bày cả cuộc đời tội lỗi và oán giận mà tôi chưa bao giờ nhận biết.
Phong trào đòi quyền bình đẳng hiện nay kêu lên rằng: “Black Lives Matter/Người da đen cũng đáng sống!” Những sự kiện gần đây thể hiện rõ ràng rằng cuộc sống của người da đen không có giá trị gì với quốc gia hoặc xã hội, nhưng liệu họ thực sự có giá trị với bản thân tôi không? Từ quan điểm lý thuyết hoặc thần học, tất nhiên là có. Tôi biết cả nhân loại đều được tạo ra theo hình ảnh Chúa, có giá trị, phẩm hạnh Chúa ban. Nhưng nếu thành thật, tôi lại không thật sự hiểu tiếng khóc than của “Black Lives Matter” cho đến tận bây giờ.
Dưới lớp mặt nạ
Những năm tháng tuổi thơ, tôi là đứa trẻ châu Á hiếm hoi trong một cộng đồng chủ yếu là người da nâu. Hàng xóm của tôi là người Puerto Rico, Cuba và Dominica, họ có làn da ngăm đen. Ở mọi nơi tôi đến, tôi đều nghe thấy họ gọi: “Chino”.
Là một đứa trẻ 4 tuổi, tôi nghĩ rằng Chino là cách nói theo tiếng Tây Ban Nha của “Gene” – tên tôi và tôi hỏi mẹ làm sao mọi người biết tên tôi. Và mẹ nói họ chỉ trêu chọc tôi, đó là ký ức đầu tiên về sự xấu hổ và tức giận của tôi với người da nâu. Vài năm sau, mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi tôi bị bắt nạt. Lúc xe đạp của tôi bị đánh cắp, mẹ nói với tôi rằng không bao giờ được chơi với những đứa trẻ gốc Tây Ban Nha hay da đen nữa. Chúng tôi nhanh chóng chuyển đến một thị trấn mà người Hàn Quốc chiếm đến 40%.
Năm 11 tuổi, tôi xem tin tức với cha mẹ về vụ bạo loạn hoành hành ở Los Angeles. Những người bạn thân của cha mẹ tôi ở Koreatown/khu người Hàn bị cướp phá doanh nghiệp. Tôi hỏi cha rằng tại sao những kẻ bạo loạn lại tấn công các doanh nghiệp Hàn Quốc trong khi các sĩ quan da trắng mới là người giết Rodney King. Cha tôi trả lời rằng: “Vì họ là người xấu”. Các chủ cửa hàng Hàn Quốc đã tự vũ trang để bảo vệ doanh nghiệp của họ. Cha mẹ tôi có một cửa hàng quần áo ở Columbus Circle, vì vậy tôi hỏi rằng: “Nếu họ bắt đầu bạo loạn ở New York, cha có bắn họ không?” Ông trả lời không do dự: “Tất nhiên là có”. Điều đó làm tôi kinh hoàng. Đêm đó, tôi tuyệt vọng cầu nguyện Chúa bảo vệ cha mẹ tôi khỏi những người da đen xấu xa”.
Tại trường trung học và đại học, tôi lần đầu tiên bước chân vào văn hóa của người da đen. Tôi và các bạn thương tiếc cho cái chết của Tupac và Biggie; chúng tôi yêu mến Wu Tang và Gang Starr. Tôi đã đợi bốn tiếng đồng hồ bên ngoài Virgin Megastore ở Union Square để được gặp Ghostface Killah và nhận album mới của anh ấy. Nhưng khi đến lượt tôi, anh ta tròn mắt và từ chối chụp ảnh với tôi. Tôi xấu hổ, đau đớn và tức giận.
Là sinh viên chuyên ngành Lịch sử Hoa Kỳ tại Columbia, tôi tham gia một hội thảo cấp cao có tên “Chủng tộc và Màu da ở Hoa Kỳ”. Giáo sư và tất cả các bạn cùng lớp tôi đều da đen, chỉ có duy nhất một bạn gái da trắng. Cả học kỳ chẳng có một bài đọc hoặc thảo luận nào về người Mỹ gốc Á. Khi tôi hỏi giáo sư tại sao lại như vậy, ông không thể trả lời rõ ràng. Nhưng tôi đã hiểu rõ. Từ những gì tôi nghe được nơi ông, và tất cả những sự kiện trong cuộc đời mình, tôi biết tôi không có giá trị trong mắt họ.
Tuy không khăng khăng sống trên những ký ức này, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng đó chính là công cụ định hình quan điểm của tôi về cộng đồng người da đen. Tôi không bao giờ bực bội hay xem thường những người bạn da đen của mình vì chuyện cá nhân, nhưng định kiến tiềm ẩn vẫn luôn tồn tại và chỉ chực chờ nổi lên. Giống như cách tôi phản ứng thái quá khi xem Chris Rock dẫn chương trình Oscar, và lên án Hollywood vì không trọng dụng người Châu Á, hoặc cách mà tôi tham gia vào cuộc tranh luận trên mạng xã hội (không được rộng lượng lắm) vì họ nói về sự thiếu hụt sinh viên da đen tại Stuyvesant, mà lại không hề đề cập đến các sinh viên châu Á.
Nhưng khi sự tàn bạo của cảnh sát với cộng đồng da đen bắt đầu bị phơi bày, tôi lại thấy mình không thể thực sự đồng cảm. Tất nhiên điều đó thật bi thảm và bất công rõ ràng, nhưng có hàng triệu sự bất công khác để tôi trăn trở và cầu nguyện. Vấn đề này có gì quan trọng hơn những vấn đề khác?
Nhưng đây mới là điều thực sự đang diễn ra trong tấm lòng ích kỷ của tôi: “Tại sao họ lại quan trọng với tôi nếu tôi không hề quan trọng với họ?”
Nhìn thấy tấm lòng Chúa dành cho những người bị áp bức
Các sự kiện trong tuần vừa qua buộc tôi phải một lần nữa suy nghĩ về sự nhẫn tâm của mình. Và Chúa đã dịu dàng cởi bỏ mặt nạ của tôi. Ngài gỡ bỏ những “dải băng che mắt” của cái tôi ích kỷ, từ lâu đã ngăn cản tôi đáp trả sự bất công bằng lòng khiêm nhường và nhân từ, cũng như phơi bày những tội lỗi cố chấp và xấu xí của tôi.
Chúa nhật vừa qua trong buổi nhóm gia đình lễ bái, chúng tôi tình cờ học về dụ ngôn Người Samari nhân lành (Lu-ca 10). Khi kể câu chuyện này cho con trai 6 tuổi của mình, thay vì dạy suông rằng con phải bắt chước người Samari tốt bụng và không được giống thầy tế lễ hay người Lê-vi, tôi yêu cầu con tưởng tượng rằng mình đang bị đánh đập. “Hãy tưởng tượng con đang nằm trên mặt đất, chảy máu và sắp chết. Một người lẽ ra có thể giúp con nhưng ông ta chỉ nhìn và đi qua. Rồi thêm một người nữa cũng lướt qua như vậy. Cuối cùng, kẻ thù của con đến gần. Con cho rằng anh ta cũng sẽ bỏ đi, nhưng không. Anh ta dừng lại và cứu con, giống như Chúa Jêsus vậy”.
Và trong một khoảnh khắc thoáng qua, tôi tưởng tượng đứa con bé bỏng của mình bị đánh đập, chảy máu và sắp chết mà tôi không thể làm gì để cứu nó. Những người đáng ra có thể giúp đỡ lại chỉ nhìn rồi bỏ đi, khi con tôi nằm đó, yếu ớt kêu lên cầu xin sự giúp đỡ. Trong khoảnh khắc đó, Chúa đã cho tôi thấy tấm lòng Ngài dành cho những nạn nhân của sự bất công. Chúa cảm thấy thế nào khi George Floyd bị giết, trong khi những người như Tou Thao – một sĩ quan cảnh sát châu Á tại hiện trường, đáng ra đã có thể giúp đỡ anh ta, nhưng rốt cuộc lại không làm gì cả? Tại sao mạng sống của người da đen lại quan trọng với tôi? Vấn đề không phải tôi có quan trọng với họ hay không. Nhưng họ quan trọng bởi vì họ là con cái vô cùng quý giá trong mắt Chúa.
Khi nghĩ về điều này giữa cuộc biểu tình, tôi đã rơi những giọt nước mắt hối hận, về tội lỗi, về sự phân biệt chủng tộc và sự thờ ơ của tôi. Tôi hứa mình sẽ không còn im lặng, vô tâm lướt ngang qua những anh chị em da đen đang cầu xin sự giúp đỡ. Rồi đám đông bắt đầu hô vang tên các nạn nhân. Ahmaud Arbery! Breonna Taylor! George Floyd! Lần đầu tiên, tôi thật sự khóc cho Ahmaud, Breonna và George. Tôi khóc cho gia đình họ. Tôi khóc cho cộng đồng họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tôi thấu hiểu ý nghĩa thật sự của “Black Lives Matter”.
Trước khi bước vào cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chúng ta cần dành một chút thời gian để phơi bày và ăn năn sự phân biệt chủng tộc giấu kín trong chính tấm lòng mình. Hãy thành thật trò chuyện cùng nhau, thú nhận với nhau về định kiến và sự thờ ơ của chúng ta. Điều này sẽ giúp chúng ta đồng cảm với nhau, học hỏi lẫn nhau và luôn sát cánh cùng các anh chị em da đen.
Cuối cùng, hãy tiếp tục đặt hy vọng nơi Chúa Jêsus – Đấng ghét sự bất công, và tin rằng một ngày nào đó Ngài sẽ lau khô dòng nước mắt, khiến mọi sự trở nên mới, thiết lập nên một thế giới bình đẳng và an lành mãi mãi.
Bài: Gene Joo; dịch: Nhạn Võ
(nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply