“Ví” của bạn, có sẵn phần cho công tác Phúc Âm?

Oneway.vn – Đừng quá “cân đo đong đếm” khi dâng hiến.

Chúa Jêsus đã nêu lên vấn đề này nhiều lần bằng nhiều cách. Trong Bài giảng trên đất bằng, Ngài khuyên dạy đoàn dân đông: “Hãy cho, các con sẽ được cho lại; một đấu lớn đong đầy, nhận xuống, lắc cho đến khi đầy tràn, sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con lường cho người ta mực nào, thì các con sẽ nhận lại mực ấy” (Lu-ca 6:38).

Tương tự, trong Bài giảng trên núi, Ngài cũng cảnh báo: “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19–21).

Những lời này hẳn sẽ khiến các độc giả đang có công ăn việc làm phải tra xét lại mình – đặc biệt là những người như tôi, thuộc diện giàu nhất trong lịch sử thế giới. (Các chuyên gia kinh tế nói rằng thường dân Mỹ ngày nay giàu hơn nhiều – giàu hơn khoảng 90 lần – so với thường dân nước khác trong suốt lịch sử).

Của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó. Lời này dường như chạm đến nhiều người.

 

Số liệu không nói dối

Trung tâm Nghiên cứu Cơ Đốc giáo Toàn cầu năm 2022 báo cáo rằng tổng thu nhập của các Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới hiện nay là 53.000 tỷ đô la mỗi năm. Vậy mỗi năm chúng ta chi bao nhiêu cho các mục đích Cơ Đốc? 896 tỷ đô la—chưa đến 2% thu nhập của chúng ta.

Theo một khảo sát gần đây của Infinity Concepts và Grey Matter Research, 19% người Mỹ theo đạo Tin Lành (tin vào thẩm quyền của Kinh Thánh, tầm quan trọng của việc truyền giáo, sự thay thế hình phạt, và độc quyền phúc âm) không dâng vào Hội Thánh hay các tổ chức từ thiện. Trong số những người có thu nhập sáu con số, 10% không dâng gì cả trong 12 tháng qua. (90% còn lại dâng 4% thu nhập vào các Hội Thánh và tổ chức từ thiện. Còn khi các tín đồ khác không dâng gì, thì con số đó giảm còn 3,2%).

Hãy nhớ rằng các con số trên đã được một nhóm nhỏ những người dâng hiến rất nhiều thổi phồng lên. Con số trung bình còn tệ hơn. Nó chỉ là 1%, nghĩa là một nửa tín đồ Tin Lành dâng chưa đến 1% thu nhập cho các Hội Thánh và tổ chức từ thiện. (Người Mỹ nói chung ban cho như nhau; tín đồ Cơ Đốc cũng không khác biệt mấy khi đề cập đến lòng hào phóng).

Nếu chúng ta thấy vẫn chưa đủ thuyết phục đến mức phải cải thiện, thì Nhóm Barna cho biết rằng các Cơ Đốc nhân trẻ tuổi thậm chí còn dâng ít hơn so với những người lớn tuổi. 

Dẫn đến điều mà một số người bây giờ gọi là “khoảng cách hào phóng (generosity gap)”, báo hiệu một tương lai không mấy khả quan.

Hầu hết các tín đồ ngày nay nghĩ rằng Đức Chúa Trời muốn ban phước cho họ bằng tài chính. Vào năm 2018, LifeWay đã thực hiện một cuộc khảo sát, trong đó 69% Cơ Đốc nhân Mỹ khẳng định: “Chúa muốn tôi thịnh vượng về mặt tài chính”. Và khi họ càng đi nhóm nhiều, họ lại càng có khả năng sẽ nói rằng Chúa muốn ban cho họ sự thịnh vượng. Một nhóm Cơ Đốc nhân khác được phỏng vấn – lại xác quyết điều này một lần nữa – những người này chắc chắn về việc Chúa muốn ban phước cho họ bằng tiền bạc (75%).

Nhiều người dường như đã quên mất lời dạy của Chúa Jêsus được trích dẫn ở trên: “Vì các con lường cho người ta mực nào, thì các con sẽ nhận lại mực ấy”. Thật khó để lờ đi sự khác biệt giữa những gì họ cho đi và những gì họ mong được nhận lại.

“Thật khó để lờ đi sự khác biệt giữa những gì [tín đồ Tin Lành] cho đi và những gì họ mong được nhận lại”.

 

Trở lại với Kinh Thánh

Nhiều lần trong Kinh Thánh, Chúa nói rằng dâng hiến là dấu hiệu của việc tin cậy nơi sự quan phòng chăm sóc của Ngài và lòng biết ơn về sự chu cấp hàng ngày của Ngài. Đó cũng là cách mà Ngài muốn chúng ta bắt đầu giờ thờ phượng chung và quan tâm đến nhu cầu vật chất của người khác.

Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã cẩn thận thực hành quản lý tài chính – ít nhất là vào một số thời điểm. Mặc dù lịch sử dâng hiến của họ thay đổi theo thời gian và từ nơi này đến nơi khác. 

Mặc dù mỗi học giả Kinh Thánh trình bày mỗi khác về các chi tiết, song luật Môi-se yêu cầu phải dâng nhiều thứ phần mười và của dâng hàng năm: phần mười tốt nhất (hoặc phần mười; tiếng Hê-bơ-rơ: מעשר‎ maaser) từ hoa lợi và gia súc, lễ vật chuộc tội (tội và lỗi), lễ vật dâng hiến (nhiều loại dùng vào nhiều việc khác nhau) và lễ vật chung (cho tế lễ bình an, tế lễ thù ân, tế lễ cảm tạ hoặc tế lễ hứa nguyện). 

Những của lễ đó đã tôn vinh Chúa, trả công cho người Lê-vi và các thầy tế lễ, lo cho các chương trình thờ phượng chung trong đền tạm và đền thờ, và đáp ứng nhu cầu của người nghèo.

Hệ thống dâng hiến này còn tốn kém hơn khi được phát triển dưới thời của các thầy ra-bi nghiên cứu sách Talmud. Nhưng ngay cả trước đó, dân Y-sơ-ra-ên đã dâng hơn 10% thu nhập của họ. Ngày nay, ngay cả giới thượng lưu Do Thái cũng chi ít hơn nhiều cho các mặt hàng xa xỉ so với giới trung lưu Mỹ.

Vào thời Tân Ước, luật lệ Môi-se đã được nới lỏng cho các Cơ Đốc nhân ngoại bang. Tuy nhiên, các sứ đồ cũng thường xuyên dạy về vai trò quản gia và việc dâng hiến cách quân bình và cũng đầy thách thức hơn. 

Phao-lô khuyên người Cô-rinh-tô về việc quyên góp cho các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem: “Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên quyên góp tùy theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng” (II Cô. 9:6–7). 

Ông cũng nói điều tương tự với học trò của mình là Ti-mô-thê, người vốn tranh chiến với bản tính nhút nhát:

Hãy khuyên bảo những người giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng đặt hi vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật một cách dư dật để chúng ta vui hưởng. Họ phải làm việc thiện, làm nhiều việc phước đức, có lòng rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ; như vậy, họ tích lũy cho tương lai mình một nền tảng vững bền để nắm chắc sự sống thật. (I Ti. 6:17–19)

Anh chị em yêu dấu, là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta hãy áp dụng Lời Chúa dạy vào trong đời sống mình để tăng trưởng càng hơn. Hãy làm theo mọi điều Chúa Jêsus dạy. Hãy thực hành những gì chúng ta rao giảng. Thật đấy, chúng ta còn sống cho tư dục mình bao lâu nữa? Một ngày nào đó chúng ta sẽ phải khai trình về cách chúng ta đã sử dụng tiền bạc.

Vị môn đồ được Chúa Jêsus yêu, đến cuối đời, đã để lại cho chúng ta một câu hỏi cần đặt ra ngày hôm nay: “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được? Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật” (I Giăng 3:17–18).

Lạy Chúa Jêsus, nguyện ý Ngài được nên.

 

Bài: Douglas A. Sweeney; dịch: Ruth

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *