Oneway.vn – Ngày nay người ta ít đọc sách hơn, và số lượng những người đọc sách cũng ít hơn trước.
Vậy thì vấn đề này có ảnh hưởng gì đến quyển sách quan trọng nhất – Kinh Thánh?
Mất hiểu biết về Kinh Thánh
Brad East từng nói rằng những Cơ Đốc nhân muốn chia sẻ Kinh Thánh với thế hệ tiếp theo phải đối mặt với một thách thức lớn: “khả năng đọc bị giảm đi một nửa”.
Thứ nhất, sự hiểu biết về Kinh Thánh đang suy giảm. Trong chuyến viếng thăm Bảo tàng Kinh thánh cùng với con gái tôi, chúng tôi đã trải nghiệm “Tiết lộ về Washington”, một thước phim dẫn dắt bạn “bay” khắp thành phố, cho thấy nhiều tài liệu tham khảo Kinh Thánh được khắc trong các tòa nhà và tượng đài nổi tiếng.
Ngoài những dấu hiệu trên các tượng đài, bạn cũng tìm thấy nhiều ám chỉ về Kinh Thánh trong các ghi chép lịch sử, các bài phát biểu của tổng thống và các hiện vật văn hóa của chúng ta. Hamilton của Lin-Manuel Miranda trích dẫn khải tượng của George Washington về mọi người dưới cây nho và cây vả của chính họ, một hình ảnh xuất phát từ ba tài liệu tham khảo trong Cựu Ước (1 Các Vua 4:25; Mi-chê 4:4; Xa-cha-ri 3:10).
Kiến thức lướt qua về Kinh Thánh – các đặc điểm và chủ đề chính, những câu trích dẫn và câu chuyện quan trọng – đã từng là một nét đặc trưng của đời sống bình thường của chúng tôi. Nhưng bây giờ không còn nữa. Brad East tuyên bố rằng ngay cả những sinh viên lớn lên trong Hội Thánh ông cũng cảm thấy xa lạ với cuốn Kinh Thánh mà họ tin cậy.
Mất khả năng đọc hiểu
Mất khả năng đọc Kinh Thánh là một mất mát. Nhưng thách thức lớn hơn là mất khả năng đọc nói chung. Brad East viết:
“Thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 ngày nay nhìn chung không phải là… những người đọc sách. Thực tế, họ đọc không ngừng, nhưng quá trình đọc của họ diễn ra trong khoảng thời gian từ 5–15 giây trên một thiết bị phát sáng, trước khi lướt sang hình ảnh tiếp theo. Những bộ óc đã quen với điều này từ khi còn nhỏ sẽ trở nên thiếu sức chịu đựng, chưa kể đến mong muốn đọc để giải trí trong một khoảng thời gian dài”.
Và vì vậy, chúng ta nên xem xét lại kỳ vọng của mình khi góp phần trong sứ mệnh môn đồ hóa, mỗi Cơ Đốc nhân sẽ phát triển một thói quen mới mà người đó chưa bao giờ thực hiện (dành hàng giờ để “nghiên cứu văn học có chủ ý” hoặc “trung tín đọc sách nghiên cứu sâu”) . Nếu 80% các gia đình người không mua hoặc không đọc một cuốn sách vào năm ngoái, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các Cơ Đốc nhân không dành nhiều thời gian để tự mình đọc Kinh Thánh?
Nếu việc đọc và học hỏi Kinh Thánh cá nhân không phải là cách thức chính để thế hệ tín đồ tiếp theo gắn kết với Lời Chúa, thì vai trò môn đồ hóa tập trung vào Kinh Thánh sẽ ra sao?
Tôi tự hỏi liệu East có hơi quá bi quan khi cho rằng việc mất khả năng đọc là một kết quả không thể tránh khỏi. Đúng là anh ấy đang ở tuyến đầu với các sinh viên đại học, và tiếp xúc rất gần với những thói quen suy nghĩ cũng như xu hướng trong giới này. Nhưng tôi không muốn từ bỏ hy vọng (và anh ấy cũng vậy) rằng ít nhất một số người trẻ sẽ trở thành “những độc giả siêu hạng, những bậc thầy thiêng liêng, giống như thế hệ mẹ, bà và bà cố của chúng ta”. Đúng là nền văn hóa giúp tạo ra mức độ chú ý và tận tâm với Lời Chúa đã biến mất, nhưng tôi hy vọng các trường cao đẳng và đại học Cơ Đốc có thể ngăn chặn vấn nạn này bằng cách tạo ra một môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng những thói quen như vậy.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trong những năm tới, một trong những đặc điểm nổi bật của những người trẻ Cơ Đốc là đọc sách?
Hội Thánh bị “bão hòa” Lời Chúa
Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại những gợi ý của East về cách chúng ta có thể đổi mới tầm nhìn, xem việc đọc Kinh Thánh như một phần của đời sống Cơ Đốc. Điều này làm tôi nhớ đến cuốn sách của Jonathan Leeman – Hội Thánh lấy Lời Chúa làm trung tâm, được xuất bản lần đầu với tựa đề “Reverberation”, chứa đựng một tầm nhìn tương tự:
Sứ mệnh “rao truyền Lời Chúa”… bắt đầu trên bục giảng, nhưng sau đó phải được tiếp tục trong suốt đời sống của Hội Thánh, khi Lời Chúa trở thành trung tâm tuyệt đối trong đời sống của các tín đồ và tác động qua lại với nhau. Lời Chúa vang dội xung quanh, như trong một hẻm núi.
Sẽ có vấn đề nếu việc đọc Kinh Thánh và học hỏi nghiêm túc Lời Chúa trở nên ít phổ biến hơn trong đời sống của mỗi cá nhân.
Hãy nhớ rằng: mặc dù là một phước hạnh tuyệt vời, nhưng “thời gian tĩnh nguyện” buổi sáng để đọc Kinh Thánh riêng tư là việc chỉ mới phát triển gần đây.
Chỉ trong vài trăm năm trở lại đây, (1) Cơ Đốc nhân đã đủ hiểu biết để tự đọc Kinh Thánh và (2) Cơ Đốc nhân có quyền tiếp cận với Kinh Thánh bất cứ lúc nào. Trong các thời đại trước đó, Cơ Đốc nhân phải học Kinh Thánh thông qua việc ghi nhớ, nghe giảng Kinh Thánh trong các buổi nhóm tại nhà thờ, cũng như thông qua việc cầu nguyện và hát tôn vinh.
Câu hỏi dành cho các lãnh đạo Hội Thánh
Vậy thì các mục sư và lãnh đạo Hội Thánh nên tự hỏi: Nếu bạn biết rằng hầu hết các tín đồ sẽ chỉ tiếp cận với Lời Chúa thông qua phần Kinh Thánh mà bạn chia sẻ trong buổi thờ phượng sáng Chúa Nhật, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn như thế nào?
Điều đó có thay đổi cách bạn đọc Kinh Thánh không? Có thay đổi độ dài các bài đọc Kinh Thánh của bạn không? Điều đó có thay đổi các bài hát ca ngợi bạn chọn không, có khiến bạn đầu tư tìm các bài Thánh ca chứa đựng những câu trích dẫn âm vang trong Kinh Thánh? Điều đó có thay đổi bài giảng của bạn không, có khiến bạn muốn đảm bảo rằng bạn đang giúp Hội Thánh tiếp cận với Lời Chúa từ đầu đến cuối bài giảng của mình không? Điều đó có thay đổi quan điểm của bạn về việc học Kinh Thánh trong các nhóm nhỏ và các lớp Trường Chúa Nhật không?
Giả dụ như bạn là đầu bếp và mọi người đã ngồi vào bàn sẵn sàng để ăn, và bạn biết rằng trong suốt cả tuần, hầu hết mọi người chỉ “ăn vặt” những phần rất nhỏ của Lời Chúa (nếu có!) qua một ứng dụng Cơ Đốc hoặc tóm tắt dưỡng linh, thì buổi thờ phượng sáng Chúa Nhật chính là bữa tiệc. Hãy cho họ được ăn no nê và đầy đủ dinh dưỡng, thay vì chỉ là những món tráng miệng qua loa.
Thử thách trước mặt chúng ta
Tôi nghĩ chúng ta không nên giảm kỳ vọng hoặc không khuyến khích các tín hữu học hỏi Kinh Thánh cách cá nhân. Trong những năm qua, tôi đã dành nhiều tâm huyết để phát triển một chương trình giảng dạy giúp người ta đọc và hiểu Kinh Thánh. Tôi tham gia vào ủy ban dịch thuật Kinh Thánh Tiêu chuẩn Cơ Đốc. Tôi đã phát triển các nguồn miễn phí với mục tiêu giúp chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về Kinh Thánh. Nguyện xin Chúa sử dụng tất cả những công cụ này để phát triển con dân của Ngài.
Nhưng Brad đã đúng về thử thách phía trước. Nếu thế hệ tiếp theo không thường xuyên đọc và học Kinh Thánh một cách cá nhân, thì chúng ta nên đảm bảo rằng thế hệ ấy được nghe Lời Chúa trong sự thờ phượng kỉnh kiềng và học kiến thức cơ bản về Kinh Thánh qua những giáo viên đáng tin cậy, qua các bài giáo lý và lớp học, qua việc học thuộc lòng và các bài Thánh ca vang vọng chân lý Kinh Thánh.
Đây không phải là lúc để kỷ luật những người trẻ tuổi không đọc sách đủ nhiều. Dù chúng ta có đau buồn đến đâu khi thế hệ sau mất đi khả năng đọc hiểu, thì việc trừng phạt vẫn không giải quyết được gì. Nhưng cũng không có nghĩa rằng chúng ta sẽ xem các buổi lễ thờ phượng như một phương tiện hỗ trợ cho vấn đề ít đọc Kinh Thánh. Cách nghĩ đó sẽ càng làm giảm khả năng tiếp cận Kinh Thánh hơn nữa.
Thay vào đó, chúng ta cần đổi mới tâm trí bằng cách lấy ý tưởng từ các lãnh đạo Hội Thánh trước đây đã mang Kinh Thánh đến với mọi người, cũng như tìm kiếm những cách thức mới để tăng cường tiếp xúc và gắn kết với Kinh Thánh trong thời đại mai một khả năng đọc hiểu.
Bài: TREVIN WAX; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition)
Leave a Reply