Vợ chồng nên có kế hoạch về việc ban cho

Oneway.vn – Giáng sinh – đây là khoảng thời gian mà các cặp vợ chồng Cơ Đốc nhớ về sự giáng sinh của Chúa và suy tính dành ra một số tiền để tặng quà cho trẻ nhỏ, đi nghỉ dưỡng hoặc tặng quà cuối năm cho các tổ chức từ thiện.

Dường như tiền bạc là một trong những khía cạnh dễ gây bất đồng nhất trong hôn nhân. Kinh Thánh không tránh né chủ đề này. Từ Sáng Thế Ký 41:34-36 đến I Phi-e-rơ 5:2 ( và trong hơn 120 chỗ khác nữa), Đấng Sáng Tạo ban sự khôn ngoan và dẫn dắt cách chúng ta suy nghĩ về tiền bạc. 

Tại sao vậy? Bởi vì việc sử dụng tiền bạc và sống cuộc đời kết quả có mối liên hệ chặt chẽ. Đức Chúa Trời dạy rằng đức tin và tài chính là hai điều không thể tách biệt (Ma-thi-ơ 6:25, 33). 

Là một cặp vợ chồng, chúng tôi (Bob và Leslie) đã dành nhiều năm nói chuyện với nhau về những gì Lời Đức Chúa Trời dạy trong việc ban cho, những suy nghĩ và thực hành chúng tôi nhìn thấy từ người khác, cũng như những điều chúng tôi học được trong cuộc sống.

Chúng tôi có những cuộc trò chuyện vui vẻ và cả những thời điểm căng thẳng. Và qua đó, vợ chồng chúng tôi đã học được một vài điều, hy vọng và cầu nguyện rằng những suy nghĩ này sẽ thúc đẩy và đem đến bạn sự khích lệ.

5 Tiền đề

Chúng tôi bắt đầu với năm tiền đề: 

1. Đức Chúa Trời sở hữu tất cả. Do đó, câu hỏi không phải là cho bao nhiêu mà là chúng ta đang giữ bao nhiêu. 

2. Cơ Đốc nhân không phải là công dân của thế gian – chúng ta chỉ là khách trọ. Chúng ta chỉ ở trên đất một thời gian ngắn và sẽ về với thiên đàng vĩnh cửu.

3. Cơ Đốc nhân không thể mang tiền bạc theo khi chết, nhưng chúng ta có thể gửi nó đi trước (Ma-thi-ơ 6:19-21). 

4. Chúa ban cho chúng ta được thịnh vượng không phải để nâng cao mức sống mà là nâng cao mức độ cho đi (Randy Alcorn). 

5. Trong gia đình mình, chúng tôi luôn học cách sống ban cho khi còn có thể. Chúng tôi muốn ban cho tất cả. 

Việc quyết định dựa trên năm tiền đề này đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc ban cho và sống thỏa lòng.

Điều này không có nghĩa là chúng tôi luôn hoàn toàn đồng ý với nhau về việc ban cho và kết quả. Trên thực tế, trong nhiều năm, đây là nguồn gốc của những bất đồng và những cuộc tranh cãi. 

Ví dụ, Leslie muốn đưa ra một danh sách ngắn các tổ chức cần được giúp đỡ. Mặt khác, Bob muốn giúp đỡ mọi tổ chức. Leslie thích đưa ra các dự án một lần; Bob thích trở thành nguồn đóng góp hàng năm cho các tổ chức. Theo thời gian chúng tôi đã học được cách hiệp nhất và tôn trọng quan điểm của nhau.

Các thông số hữu ích

Mặc dù không phải là một công thức nghiêm ngặt, nhưng trong nhà của chúng tôi, mỗi người quyên góp khoảng 20 phần trăm số tiền của mình và cùng nhau quyết định 60 phần trăm còn lại. 

Giống như nhiều người trong số các bạn, chúng tôi dâng cho nhiều mục vụ khác nhau. Ít nhất 90 phần trăm số tiền quyên góp của chúng tôi là dành cho các tổ chức về đức tin. Chúng tôi tìm kiếm sự cân bằng giữa truyền giáo và môn đệ hóa, giữa việc nuôi dưỡng người nghèo về tâm linh lẫn người nghèo về thể xác trong danh Chúa Jêsus. Chúng tôi cố gắng ban cho trong phạm vi rộng hơn, mặc dù phần lớn là ở Hoa Kỳ và Trung Đông.

Sự dâng hiến của chúng tôi có thể được sắp xếp theo hình kim tự tháp – một vài món quà lớn (ba đến năm món) cho các tổ chức mà chúng tôi tham gia cố định (có thể là phục vụ trong ban điều hành), nơi chúng ta biết rõ về chức vụ, tin tưởng ban lãnh đạo và công tác có hiệu quả cao. 

Tiếp theo là những tổ chức mà chúng tôi ít tham gia hơn nhưng vẫn biết và tin tưởng vào công việc, và cuối cùng là danh sách các tổ chức hoặc cá nhân mà chúng tôi hỗ trợ ít nhất.

Quy trình làm việc

Qua quá trình thảo luận và thực hiện, chúng tôi đề nghị áp dụng quy trình sau:

1. Hãy cùng cầu nguyện.

Hãy nhớ đây là tiền của Chúa và chúng ta là quản gia trung thành. Nhắc nhở bản thân về 5 tiền đề mà chúng ta đã đề cập trước đó.

2. Tôn trọng và lắng nghe nhau. 

Hãy lưu tâm cách Chúa hành động trong tấm lòng bạn – đôi khi cùng nhau, đôi khi riêng lẻ.

3.Thực hiện chiến lược quốc gia, chứ không chỉ là dựa vào cảm xúc. Nghiên cứu những cơ hội tiềm năng (website tổ chức, 990s,…) và cẩn thận với tín hiệu cảnh báo. 

Tiến hành tìm hiểu chứ không chỉ nghe. Xem xét việc xây dựng một dự án quyên góp lâu dài.

4.Hãy tham gia vào các hoạt động quyên góp để tránh cảm thấy mình như một cuốn séc hay không còn vui thích khi ban cho.  

Nếu có thể hãy tận dụng cơ hội để phục vụ cho tổ chức, hoặc kiểm tra sự tiến triển của công việc.

5. Cho và nhận nhiều hơn. 

Hãy mở lòng với những ý tưởng của người phối ngẫu và từ Đức Thánh Linh. 

Quyên góp cho một số tổ chức kéo dài trong một mùa, và có thể quyên góp cho cá nhân trọn đời. 

Câu chuyện ngụ ngôn về các ta-lâng nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến việc chúng ta tài giỏi như thế nào (Ma-thi-ơ 25:14-30). 

Rốt lại, Chúa muốn biết chúng ta trung tín đến mức nào. 

Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xem việc ban cho qua lăng kính của ba sự thật: (1) Cuộc đời ngắn ngủi, (2) nhu cầu cấp bách và (3) chi phí cao. 

Bob đã dành cả sự nghiệp của mình trong lĩnh vực kinh doanh quản lý đầu tư và đã thu được lợi nhuận đáng kể từ các khoản đầu tư. Nhưng chúng tôi biết những điều đó không quan trọng bằng việc đóng một vai trò nhỏ trong việc giúp một người nào đó, một gia đình nào đó, một cộng đồng nào đó tìm thấy Chúa Jêsus hoặc kinh nghiệm Chúa nhiều hơn.

Cầu xin Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh, thách thức bạn làm “hết sức mình”, như Ngài vẫn luôn làm cho chúng ta! Tại sao? Vì sự vinh quang của danh Ngài, vì lợi ích của chúng ta và vì lợi ích của vô số người khác mà chúng ta có thể không gặp được cho đến khi lên thiên đàng.

 

Bài: Bob Doll Leslie Doll; dịch: Quỳnh Hương 
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *