Vứt bỏ sự yếu đuối để nhận lấy sức mạnh Chúa ban

Oneway.vn – Vài năm trước chuyến đi xuyên quốc gia đầu tiên, chồng tôi – Róp đã đưa tôi đi hẹn hò tại một trung tâm giải trí ngoài trời.

Anh ấy muốn mua cho tôi một chiếc ba-lô. Chúng tôi đã lên kế hoạch đi xuyên qua miền Tây nước Mỹ với các điểm dừng ở De-lô-xơ-tôn, Gơ-ran Tê-tôn và Róc-ki. Róp rất hào hứng khi mua sắm trang bị leo núi cho tôi.

Róp là một người say mê leo núi. Anh lướt qua dãy túi đeo, chọn lấy chiếc to nhất từ trên móc và hớn hở đưa nó cho tôi: “Chiếc này trông tuyệt đấy! Thử đi em!”.

Tôi đeo chiếc túi màu lính lên lưng và đi xung quanh dãy quần áo. Dây đai vừa khít trên vai và dây thắt lưng co giãn thoải mái. Mặc dù kích thước có vẻ hơi to nhưng tôi thích kiểu dáng này và sẵn sàng thử nó.

Chúng tôi lên kế hoạch đi du lịch gọn nhẹ, và chỉ cần một vài kiện hành lý.

Một nhân viên bán hàng gần đó lịch sự đề nghị: “Bạn có muốn thử sức nặng thêm chút không?”

Nhân viên ấy bắt đầu cho vào ba-lô vài túi cát. Chiếc ba-lô phồng nặng lên và Róp mỉm cười. Anh ấy có thể hình dung ra cảnh chúng tôi leo núi rồi. Nhưng khi người nhân viên kéo ba-lô lên lưng tôi, tôi biết không ổn.

Tôi cố gắng đứng thẳng nhưng bị chao đảo. Róp đỡ lấy tôi khi tôi nghiêng ngã dưới sức của gánh nặng trên vai. “Em thử đi loanh quanh một chút thôi sẽ quen với nó” – anh khuyến khích.

Tôi nghiêng người về phía trước, xốc lại chiếc ba-lô và cố gắng đi vòng qua giá treo quần áo. Lần này, tôi lê chân vài bước rồi dừng lại. Nó quá nặng. Tôi phải thú nhận: “Em không thể mang được”.

Những thứ chúng ta mang theo

Khi nghĩ về những gì phải mang theo, tôi thường cảm thấy quá sức chịu đựng. Ngay cả trước khi COVID-19 ngập tràn bản tin, những gánh nặng mà tôi mang theo không hề nhẹ. Tám tháng trước, Róp đã mất trong một tai nạn trên chuyến đi bộ đường dài. Nuôi dạy con, công việc và nỗi sầu thảm đè nặng lên tôi. Cuộc sống của tôi không còn chỗ cho bất kỳ áp lực nào nữa.

Và hiện nay, tôi đang tự cách ly với nguồn cung cấp thức ăn hạn chế và hiếm hoi tương tác xã hội. Tôi phải dạy học tại nhà cho con mà chỉ được báo trước vài ngày trong khi vừa phải cố gắng làm việc. Tôi lo lắng và suy nghĩ về tương lai, trăn trở về cách ly, tức giận chính đáng trước sự đổ vỡ của thế giới.

Tất cả những điều này và còn hơn thế nữa lấp đầy cuộc sống tôi bằng một gánh nặng kinh khủng đến mức tôi muốn khuỵu ngã. Thành thật mà nói, tôi quá mệt mỏi. Tuy nhiên, tôi vẫn đấu tranh để tồn tại. Tôi cố gắng hoàn thành vòng lặp của cơm áo gạo tiền, dồn hết can đảm đối diện với tình hình khủng hoảng, cắn chặt môi và gượng thẳng vai vì “thời thế tạo anh hùng”.

Bằng cách nào đó, tôi bị thuyết phục rằng thời điểm khó khăn cho chúng ta thấy chúng ta xứng đáng với điều gì. Và hơn hết, tôi muốn mình xứng đáng. Xứng đáng được chấp nhận, xứng đáng với tình yêu, xứng đáng với thành tựu vì đã vượt qua tất cả.

Ngoại trừ một điều là tôi không thấy Lời Chúa chỗ nào có thông điệp tương tự. Không nơi nào Chúa yêu cầu tôi phải làm việc sấp mặt và cố gắng vượt qua nỗi đau với những gánh nặng trên vai. Không nơi nào nói rằng tôi được kêu gọi để cố với lấy mục tiêu bằng việc mang vác gánh nặng.

Trao gánh nặng để được nghỉ ngơi

Thay vào đó, hết lần này đến lần khác, Chúa Jêsus kêu gọi tôi trao hết gánh nặng cho Ngài. Để Ngài gánh lấy sức nặng của sự tức giận, thất vọng, đau khổ và lo lắng tôi mang theo. Để Ngài đau buồn vì sự tự do, linh hoạt, đặc quyền, và vị trí mà tôi đánh mất. Để Ngài loại bỏ khỏi tôi những thứ có vẻ nặng trĩu và để tôi đặt những gánh nặng dưới chân Ngài.

Nếu tôi tìm sự an nghỉ giữa lúc khó khăn, tôi phải bắt đầu từ đây. Tôi phải rũ bỏ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ và thừa nhận rằng tôi cần “ách dễ chịu” của Chúa Jêsus.

Trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của tuổi trẻ, một người bạn lớn tuổi khôn ngoan khuyến khích tôi cầu nguyện bằng đôi tay của mình. Hệ phái của cô ấy thường biểu lộ cảm xúc rõ ràng hơn, và cô ấy cũng nói chuyện với đôi tay của mình một cách tự nhiên. Từ nhỏ, tôi đã luôn cầu nguyện với đôi tay chắp lại – một cử chỉ được khuyến khích, để giữ những ngón tay nhỏ bé đứng yên. Tôi không biết cô ấy có nhìn lén khi chúng tôi cầu nguyện cùng nhau không, nhưng tôi thường siết chặt bàn tay. Nhưng cũng có khi tôi gần như không giữ chặt.

Khi ngồi cùng nhau, bạn tôi chỉ tôi cách cô ấy đặt tay lên đùi khi nói chuyện với Chúa Jêsus. Tư thế cởi mở này nhắc nhở cô trao hết tất cả những gì cô mang theo cho Chúa. Khi cầu nguyện, cô ấy giơ hai tay, lòng bàn tay hướng lên trên, như thể đang đặt nhu cầu của mình vào tay Chúa.

Đức tin thể hiện bằng hình thể một cách đẹp đẽ của cô khuyến khích cô suy nghĩ và trò chuyện với Chúa. Giống như Đa-vít gỡ bỏ bộ giáp hạng nặng của Sau-lơ và trao lại nó, người bạn thân yêu của tôi đã trút bỏ gánh nặng qua lời cầu nguyện và trao lại cho Chúa những điều nặng nề mà chỉ Ngài mới có thể mang lấy. Không có sự giả vờ, không có sự buông xuôi buồn bã, không có sự khó xử nào mà cô không thể vượt qua. Chỉ còn sự khuây khỏa. Khi giải phóng gánh nặng, cô có thể tìm thấy sự an yên cho tâm hồn mình.

Tôi có thể nhận “ách dễ chịu” mà Chúa Jêsus ban cho, nghỉ ngơi kể cả lúc yếu đuối và tận hưởng vẻ đẹp của năng quyền Ngài.

Những ngày này, rõ ràng là có những thứ ngoài tầm kiểm soát của tôi. Chính phủ cấm nhiều hoạt động trong khi trách nhiệm cuộc sống bủa vây. Tôi không thể xóa bỏ cảm xúc và sự quan tâm cứ theo đuổi tôi mỗi ngày.

Nhưng trong tất cả những điều ngoài tầm kiểm soát của tôi, tôi có thể chọn điều này: Tôi thừa nhận rằng tôi đã theo đuổi một tư tưởng thế gian khiến tôi gánh vác quá sức chịu đựng của mình. Tôi có thể giơ tay cầu nguyện, cầu xin, sầu khổ, lo lắng, mệt mỏi và dâng những gánh nặng của mình cho Chúa Jêsus. Và tôi có thể nhận được “ách dễ chịu” mà Chúa Jêsus ban cho, nghỉ ngơi kể cả lúc yếu đuối và tận hưởng vẻ đẹp của năng quyền Ngài.

Bài: Clarissa Moll; dịch: Janebie

(Nguồn: thegospelcoalition)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *