Oneway.vn – Bảy câu nói cuối cùng của Chúa Giê-xu trong lúc Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá ở đồi Gô-gô-tha – nơi Chúa đã phó chính mình để chịu chết vì tội lỗi của con người.
Trong nhiều thế kỷ, những cụm từ này đã chạm đến tấm lòng của hàng triệu người trên thế giới, biến đổi những tấm lòng đổ vỡ nhất và cũng mở mắt những người mù tâm linh. Ngày nay, lời của Đức Chúa Giê-xu cũng vẫn còn thực hữu và có sức mạnh biến đổi hàng triệu tấm lòng như hàng ngàn năm trước, để lại cho chúng ta một tấm gương lâu bền về nếp sống Cơ Đốc mà chúng ta phải noi theo.
1. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34)
Đức Chúa Giê-xu nói những lời này trong khi đang phải chịu sự bức hại từ tay kẻ thù nghịch mình, Ngài đã hoàn thành lời tiên tri về mình rằng “Chúa sẽ cầu thay cho những kẻ phạm tội” (Ê-sai 53:12). Mặc dù trong cơn đau đớn, mối quan tâm của Chúa Giê-xu vẫn là sự tha thứ cho những kẻ thù ghét và khinh bỉ Ngài. Bởi lòng nhân từ và thương xót vô hạn của Ngài, Ngài vẫn yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho họ khi họ tự hạ mình xuống và ăn năn.
Vậy thì, chúng ta có thể học được gì từ cụm từ này? Bởi tội lỗi chúng ta cũng trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời nhưng Ngài sẵn sàng và sẵn lòng tha thứ tội lỗi chúng ta theo như những lời Chúa Giê-xu đã chứng minh. Khi chúng ta hiểu được tình yêu bao la vô biên và sâu rộng mà Chúa Giê-xu, điều ấy cũng sẽ khiến chúng ta không chần chừ hay nao núng trong việc “yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình” (Ma-thi-ơ 5:44)
2. “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43)
Đây là câu Đức Chúa Giê-xu đã nói trong lúc Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giữa hai kẻ cướp và cả hai đều đáng phải chết. Tuy nhiên, trong khi một tên tội phạm mắng nhiếc và sỉ nhục Chúa Giê-xu thì người còn lại đã được trải qua sự biến đổi tấm lòng và thú nhận sự kết án của họ và sự vô tội của Đức Chúa Giê-xu “Người này không làm một điều gì ác” (câu 41). Bên cạnh đó, người này cũng tuyên xưng đức tin rằng Đấng Christ sẽ trở lại và cai trị đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời – “Hỡi Giê-xu, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” (câu 42).
Đức Chúa Giê-xu đáp lại người này bằng cách ban cho ông lời hứa về Thiên Đàng – phần thưởng dành cho những ai, giống như tên trộm trên thập tự giá đã ăn năn tội lỗi của mình và tuyên xưng đức tin vào Đấng Christ. Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu chết, đắc thắng sự chết và cuối cùng Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết có thẩm quyền tha thứ tội lỗi chúng ta, ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự trông mong chắc chắn về sự sống đời đời. Thật vậy, sự cứu rỗi ở những giây phút cuối đời này là một lời nhắc nhở chúng ta rằng không bao giờ là quá muộn để cúi đầu, hạ mình xưng nhận tội lỗi trước mặt Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
3. “Hỡi đờn bà kia, đó là con của ngươi!” (Giăng 19:26-27)
Đối với bà Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-xu, không có nỗi đau bằng khi phải chứng kiến con trai mình bị khinh dễ, từ chối và chế nhạo bởi những người Ngài đến tìm và cứu chuộc. Kinh thánh cho biết bà Ma-ri đã ở đó, bên cây thập tự và chứng kiến toàn bộ thời khắc và câu chuyện con trai mình, Đức Chúa Giê-xu chịu chết vì tội lỗi của nhân loại trên cây thập hình. “Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu, có mẹ Ngài đứng đó.” (Câu 25)
Theo như cụm từ này, Đức Chúa Giê-xu đã nói với môn đồ yêu dấu của mình là Giăng rằng, “Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình”. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sứ đồ Giăng/John đã đem bà Ma-ri về nhà, và chăm sóc cho bà như trách nhiệm của một người con trai (câu 27). Khi Đức Chúa Giê-xu chịu đau đớn trên thập tự giá, Ngài vẫn nghĩ về những nhu cầu của mẹ mình, người đã yêu thương, chăm sóc Ngài và đảm bảo rằng từ rày về sau bà sẽ được sứ đồ Giăng chăm sóc.
Thật vậy, điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng và yêu thương cha mẹ mình, cũng như điều răn mà Chúa đã ban cho: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12)
4. “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46)
Đức Chúa Giê-xu thấu hiểu nỗi cô đơn của chúng ta và chính Ngài cũng đã phải trải qua nỗi cô đơn tột cùng ấy. Trong lúc chịu đóng đinh trên thập tự giá, Ngài cảm biết sự cách biệt lớn khủng khiếp với Đức Chúa Cha bởi vì ngay trong giờ khắc ấy Chúa Giê-xu đã phải mang lấy tội lỗi của thế gian và vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh khiết nên Chúa Giê-xu không thể gần Ngài lúc ấy. Trong khi nỗi đau thể xác mà Đức Chúa Giê-xu phải trải qua đã quá lớn thì nỗi đau tâm linh Ngài chịu lại càng lớn hơn. Nhưng, Đức Chúa Giê-xu đã sẵn sàng chịu đựng và vì Ngài nhìn thấy được niềm vui chờ đợi mình ở phía trước, và Ngài biết rằng qua sự đớn đau và chịu chết của mình, con người chúng ta sẽ được tự do đến với Đức Chúa Trời và sẽ chẳng còn điều gì có thể ngăn cách chúng ta đến với Chúa. Sự đớn đau tột cùng mà Chúa Giê-xu đã chịu để chuộc tội cho nhân loại đã cho chúng ta biết rằng chúng ta được Chúa yêu nhiều đến dường nào. Đức Chúa Giê-xu thấu hiểu cảm giác cô đơn và bị từ chối, vì thế Ngài luôn ban cho chúng ta sự thông hiểu và thêm lên đức tin để chúng ta vượt qua những hoàn cảnh như vậy.
Tác giả John Piper cũng lưu ý rằng lời này của Đức Chúa Giê-xu không phải là tiếng kêu tuyệt vọng, bởi vì sự tuyệt vọng đến từ tội lỗi, điều này giống như: “Ngay cả trong những đêm tối của cuộc đời con, Đức Chúa Trời vẫn là “Chúa của con”, dầu cho không có một dấu hiệu nào để con nhìn biết Ngài và mặc dù nỗi đau con đang chịu che khuất đi lời hứa thành tín của Chúa dành cho cuộc đời con, thì ở đâu đó thẳm sâu trong tâm hồn mình con biết luôn có một sự đảm bảo chắc chắn rằng Đức Chúa Trời đang gìn giữ và nắm lấy con. Và cũng giống như Chúa Giê-xu, cuộc đời ông Áp-ra-ham cũng là một tấm gương đầy lòng tin và trông cậy nơi Đấng Thành tín để chúng ta noi theo, “Người cậy trông khi chẳng còn lẽ trông cậy, cứ tin, và trở nên cha của nhiều dân tộc, theo lời đã phán cho người rằng: Dòng dõi ngươi sẽ như thể ấy.” (Rô-ma 4:18)
5. “Ta khát.” (Giăng 19:28)
Khi nói cụm từ này, Đức Chúa Giê-xu đã làm ứng nghiệm lời tiên tri được chép trong Thi thiên 69:21: “Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, Và cho tôi uống giấm trong khi khát.”
Chúa cũng chứng minh rằng Ngài thấu hiểu sự đau khổ của con người và do đó Ngài cũng hiểu được những đau đớn và nhu cầu thể chất của chúng ta. Chúng ta cùng xem câu Kinh Thánh được chép trong Giăng 4:14 “nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”
Tác giả Ray Pritchard viết: “Đây là một trong những điều mỉa mai vô cùng trong câu chuyện Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu đã kêu rằng “Ta khát.” Trong khi chính Ngài là nguồn nước sống giờ đây lại phải chết vì khát.”
6. “Mọi việc đã được trọn.” (Giăng 19:30)
Khi Đức Chúa Giê-xu thốt ra những lời này, thì Ngài đang gần đến khoảnh khắc hoàn thành công việc cuối cùng của Ngài đó là phó chính mình làm của lễ chuộc tội. Chúa Giê-xu hy sinh, chịu chết vì tội lỗi của chúng ta để chúng ta được trở nên con cái yêu dấu của Ngài. Và sau tất cả, Chúa Giê-xu đã đắc thắng và sống lại từ ngôi mộ trống; “Nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12: 2)
Tác giả BF Westcott viết: “Đời sống thế tục đã được đưa đến vấn đề của nó. Mọi điểm quan trọng trong bức chân dung tiên tri của Đấng Mê-si-a đã được thực hiện (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:29). Sự đau khổ cuối cùng cho tội lỗi đã được gánh thay. Sự kết thúc của mọi sự đã được trọn. Không có gì chưa hoàn thành hay chưa được làm cả. Sự vắng mặt của một chủ thể nhất định buộc người đọc phải gọi tên từng công việc mà giờ đã chấm dứt. “
Trong lúc trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giê-xu cũng đóng ấn số phận của Sa-tan. Chính qua sự chịu chết của Chúa Giê-xu mà “Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Giê-xu cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ,” (Hê-bơ-rơ 2:14).
7. “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46)
Lời cuối cùng của Đức Chúa Giê-xu là những lời của đức tin và sự phó thác trọn vẹn cho Đức Chúa Trời – giờ đây Ngài không còn bị bỏ rơi nữa; Đức Chúa Cha đang nắm lấy tay Ngài và chào đón Con Một của mình. Tác giả John Piper có viết: “Sự hy sinh đã hoàn tất, bức màn bị xé làm đôi từ trên xuống, và con đường đến với Đức Chúa Cha đã mở ra một lần đủ cả, Thi thiên 31:5 trong nguyên ngữ, không có chữ Abba, nhưng Chúa Giê-xu đã nhắc đến Đức Chúa Cha cách rõ ràng: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46).”
Và cũng theo như lời tiên tri, sau ba ngày, Đức Chúa Trời khiến Đức Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại. Ngài thăng thiên trong sự vinh hiển chói lòa, hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một gương hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài. Giống như Chúa Giê-xu, bạn có đang phó thác trọn đời sống mình trong tay Chúa, hoàn toàn tin cậy vào chương trình tốt đẹp và tuyệt hảo Đức Chúa Trời đã sẵn dành cho bạn chưa?
Tố Quyên dịch
(Nguồn: gospelherald.com)
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!
Leave a Reply