Ý nghĩa của số 7 trong Kinh Thánh

Oneway.vn – Trong Kinh Thánh, số 7 là con số xuất hiện thường xuyên nhất.

Đức Chúa Trời tạo ra thế giới trong 7 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ (Sáng Thế Ký 1). Thực tế, số 7 xuất hiện hơn 700 lần trong suốt Kinh Thánh. Gia-cốp làm việc cho La-ban 7 năm để được kết hôn với con gái ông (Sáng Thế Ký 29). Số 7 cũng xuất hiện liên tục trong Khải Huyền liên quan đến ấn, kèn và nhiều điều khác.

Không chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, hãy xem số 7 có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc như thế nào trong Kinh Thánh. 

Những con số có ý nghĩa và tầm quan trọng gì trong Kinh Thánh?

So với ngày nay, các con số thường có ý nghĩa sâu sắc hơn trong nền văn hóa Y-sơ-ra-ên vào thời kỳ Kinh Thánh. 

Mặc dù không phải mọi con số đều có ý nghĩa sâu xa trong Kinh Thánh, nhưng những con số được sử dụng thường xuyên như 3, 7 và 12 thường có cơ sở lịch sử, triết học và tiên tri xuyên suốt Kinh Thánh.

Số 7 không phải là ngoại lệ. Nhiều nhà thần học coi số 7 là một con số thánh, thậm chí còn nói rằng đó là con số của Chúa.

Tại sao số 7 được gọi là con số của Chúa?

Số 7 thường liên quan đến các công việc thánh khiết của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tạo ra trái đất trong 7 ngày (Sáng Thế Ký 1). Ngài ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên “nhớ ngày nghỉ để giữ làm ngày thánh”, nghĩa là không làm bất cứ công việc gì vào ngày thứ 7 trong tuần, tức là ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

Số 7 cũng là đại diện cho một sự kiện đang được hoàn thành hoặc đã hoàn thành. Công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời đã hoàn thành vào ngày thứ 7. Số 7 cũng là đại diện cho quyền năng hoàn hảo và vô hạn của Đức Chúa Trời. 

Chúng ta hãy cùng xem xét 7 ý nghĩa cụ thể và quan trọng đằng sau những số 7 được sử dụng trong Kinh Thánh.

Số 7 là một con số thánh

Đức Chúa Trời mô tả ngày thứ 7 trong tuần – ngày Sa-bát – là ngày thánh (Phục truyền luật lệ ký 5:12-14). Loài người có thể làm việc trong 6 ngày, nhưng 6 là con số thường được kết hợp với loài người. Còn ngày thứ 7 được con người dâng lên cho Chúa, và 7 là con số dành cho Chúa.

Theo lịch Do Thái, ngoài 7 ngày trong tuần với một ngày nghỉ ngơi, họ cũng có một năm nghỉ ngơi sau 49 (7×7) năm làm việc. Trong Năm Thánh này (Lê-vi Ký 25), họ sẽ không làm bất cứ công việc gì, nô lệ sẽ được trả tự do, và tài sản sẽ được trao lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

7 ngày lễ của người Do Thái

Người Do Thái có 7 ngày lễ nổi bật trong Kinh Thánh:

Lễ Vượt Qua: Để kỷ niệm ngày ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên mỗi năm một lần sẽ tụ họp lại với nhau (Lê-vi Ký 23:5) để hiến một con chiên (tượng trưng cho Chúa Jêsus, Đấng đã hy sinh vào đúng khoảng thời gian Lễ Vượt Qua) và cùng nhau dùng bữa. Ngày nay Lễ Vượt Qua vẫn được tổ chức, bữa ăn bao gồm các loại thảo mộc đắng, bánh mì không men, và trứng nướng, cùng những món khác; để nhớ thời điểm ra khỏi Ai Cập.

Lễ Bánh Không Men: Ngay sau Lễ Vượt qua, Lễ Bánh Không Men (Lê-vi Ký 23: 6) bao gồm lễ kỷ niệm 7 ngày ăn bánh mì không men để ghi nhớ thời gian sau khi rời khỏi Ai Cập và lang thang trong đồng vắng.

Lễ Trái Đầu Mùa: Từ Lê-vi Ký 23:9-14, lễ này được tổ chức khi dân sự Chúa được vào Đất Hứa. Trong lễ này, dân Y-sơ-ra-ên sẽ dâng trái đầu mùa cho Chúa.

Lễ Các Tuần: 7 tuần sau Lễ Trái Đầu Mùa, dân sự Chúa sẽ dâng hai ổ bánh mì có men, sau này được gọi là Lễ Ngũ Tuần.

Lễ Thổi Kèn: Tiếng kèn vang lên là báo hiệu cho những người làm việc ngoài đồng trở về Đền thờ. Theo thuật ngữ Tân Ước, tiếng kèn cũng gắn liền với thời kỳ sau rốt (Khải Huyền 8-9).

Lễ Chuộc Tội: Đây là một trong những ngày lễ trọng đại nhất, khi mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ cùng nhau xưng nhận tội lỗi của họ (Lê-vi Ký 23:27).

Lễ Lều Tạm hoặc Lễ Mùa Gặt: Lễ thứ ba trong mùa lễ hội thu hoạch, để kỷ niệm sự chu cấp và bảo vệ của Đức Chúa Trời khi dân sự lang thang trong hoang mạc.

7 Giáo hội trong Khải Huyền

Sách Khải Huyền bắt đầu bằng việc đề cập đến 7 Hội Thánh khác nhau (Khải Huyền 2-3), đang ở các mức độ khác nhau trên linh trình theo Chúa. Một số Hội Thánh, như Si-miệc-nơ, đang bước đi mạnh mẽ trong đức tin (Khải Huyền 2), trong khi những Hội Thánh khác, như Lao-đi-xê, lại không có tiếng tốt vì tâm linh họ hâm hẩm (Khải Huyền 3:14-22).

7 x 10 (70) năm phu tù

Dân Y-sơ-ra-ên phải phục dịch tại Ba-by-lôn trong 70 năm (7×10, Giê-rê-mi 25:8-12). Mỗi 7 năm lại có 1 năm nghỉ ngơi (khác với Năm Thánh). Dân Y-sơ-ra-ên không tuân giữ 70 năm Sa-bát, vì vậy họ bị phu tù 70 năm. 

Số 7 liên quan đến con số 666

Số 6 thường được gắn liền với con người. Chúa tạo ra con người vào ngày thứ 6. Không phải số của Đức Chúa Trời (7), số của ma quỷ, hoặc số của con người chính là con số 666 (Khải Huyền 13:18).

Ngược lại, số 7 lớn hơn số 6. Mặc dù ma quỷ sẽ tạo ra các tôn giáo, chính phủ và hệ thống kinh tế sai lệch, số 6 vẫn không bao giờ vượt qua được số 7.

70 (7×10) tuần chờ đợi Đức Chúa Trời công bình đời đời

Đa-ni-ên 9 đề cập đến khoảng thời gian 70 tuần lễ được ấn định. Vào tuần thứ 70, Đức Chúa Trời mang lại sự công bình đời đời. Các nhà thần học vẫn chưa thống nhất về thời điểm bắt đầu hay kết thúc giai đoạn này, nhưng vào tuần thứ 70, Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt tội lỗi.

7 ấn, kèn, bát, và nhiều điều khác trong sách Khải Huyền

Sách Khải Huyền đề cập đến khá nhiều hình phạt trút cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời xuống trái đất. Xuyên suốt Khải Huyền, chúng ta thấy một khuôn mẫu cho sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Ấn thứ 7 mở ra 7 phán quyết hủy diệt bằng mưa đá và lửa. Kèn thứ 7 mở ra 7 thiên sứ cùng với 7 bát thịnh nộ của Chúa. Đức Chúa Trời thực sự có thể phán xét công trình sáng tạo của Ngài qua con số 7.

Cơ Đốc nhân nên ghi nhớ điều gì về số 7?

Số 7 là một con số thánh đại diện cho sự trọn vẹn hoặc hoàn hảo thiêng liêng. Đức Chúa Trời đã sử dụng con số 7 nhiều lần trong Kinh Thánh qua 7 lễ của người Do Thái, và Ngài vẫn chưa hoàn thành ở đó. 

Chúng ta sẽ trải nghiệm đầy đủ con số 7 trong tuần thứ 70 được đề cập trong Đa-ni-ên, cũng như chứng kiến ​​nhiều con số 7 khác nhau vẫn chưa diễn ra được đề cập trong Khải Huyền.

Nói chung, chúng ta nên nhớ rằng không phải bất cứ số 7 nào được đề cập trong Kinh Thánh đều là số 7 thánh. Chúng ta nên thận trọng khi nói đến chủ nghĩa tượng trưng trong Kinh Thánh và tra xét mọi điều dựa trên Lời Chúa và bối cảnh ban đầu.

Nhưng khi đọc qua Cựu ước và Tân ước, chúng ta có thể thấy Đức Chúa Trời sử dụng các con số để mang đến Vương quốc Ngài.

Qua phân tích những con số này, chúng ta có thể thấy những khuôn mẫu phức tạp mà Đức Chúa Trời đã sử dụng trong lịch sử, xuyên suốt Kinh Thánh và cả trong thời đại sau này.

Bài: Hope Bolinger; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *