Nàng Vibia Perpetua: ‘Tôi không thể là ai khác, hãy gọi tôi là Cơ Đốc nhân’

Oneway.vn – Nhiều người nam và nữ trong Hội Thánh đầu tiên đã dũng cảm đối diện với cái chết vì đức tin. Vibia Perpetua là một trong số đó, và tấm gương của bà khơi dậy lòng cảm kích cho chúng ta hôm nay.

(Ảnh: wikipedia.org)

Tertullian, một giáo phụ của Hội Thánh đầu tiên, đã viết: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống của Hội Thánh”.

Trong ba thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, Đế quốc La Mã tràn ngập sự đau khổ và cái chết đối với những người theo Chúa. Người La Mã coi Cơ Đốc nhân như một mối đe dọa đối với “Pax Romana” – sự hòa bình của đế quốc. Bởi vì các Cơ Đốc nhân từ chối cúng tế các thần La Mã, nên họ sợ rằng việc từ bỏ các thần này sẽ mang lại sự trừng phạt cho đế quốc, vốn đang trên đà suy tàn. Nối gót Ê-tiên – vị tử đạo đầu tiên của Hội Thánh (Công-vụ 7), những người nam và nữ này đã can đảm đối diện với cái chết, tuyên bố lòng trung thành đối với Cứu Chúa Jêsus.

Cơ Đốc giáo lan truyền nhanh chóng khắp đế quốc, chinh phục tâm hồn của mọi người thuộc mọi chủng tộc, địa vị và tầng lớp. Vibia Perpetua là một trong những người nữ đó. Và tấm gương đức tin của bà vẫn khiến lòng người rung động đến tận hôm nay.

Tác phẩm của Perpetua

Không nhiều thông tin về phụ nữ trong lịch sử Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu, vì đa số họ không biết chữ, nên rất ít nhật ký hoặc tài liệu của họ được lưu giữ. Nhưng câu chuyện về Perpetua và người hầu của bà, Felicitas, có thể được xác minh nhờ vào các tác phẩm của chính Perpetua và những người tử đạo cùng bà.

Perpetua xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Carthage, Bắc Phi, được giáo dục kỹ lưỡng, thông thạo tiếng Latin và Hy Lạp. Bà kết hôn và có một con trai khi qua đời ở tuổi 21. Những ghi chép hiếm hoi của bà mô tả thời gian ở trong tù, những khải tượng kỳ diệu và các cuộc trò chuyện với cha, anh trai và bạn tù. Những tác phẩm này được xác nhận bởi lời khai của Saturus, một người bạn tù đã tử đạo cùng bà và cũng ghi lại các sự kiện lúc đó. Các tác phẩm của Perpetua được dịch trong nhiều tài liệu lịch sử, là một trong những văn bản sớm nhất còn tồn tại do một người phụ nữ viết.


Đức tin nơi ngục tù

Năm 202, Hoàng đế Severus ban hành sắc lệnh cấm cải đạo sang Do Thái giáo hoặc Cơ Đốc giáo trong Đế quốc La Mã. Ngay sau đó, các quan chức bắt giữ nhiều người Cơ Đốc nhâno ở Carthage và giam họ trong tù. Trong số đó có Perpetua và người hầu của bà – nàng Felicitas .

Sau khi bị bắt, cha già của Perpetua đã nhiều lần đến thăm bà trong tù, van xin bà từ bỏ đức tin và trở về nhà với gia đình yêu thương và con trai nhỏ. Ông và anh trai của bà năn nỉ bà nghĩ về ảnh hưởng của cái chết đối với gia đình. Nhưng bà trả lời: “Tôi không thể là ai khác, hãy gọi tôi là một Cơ Đốc nhân”. Mặc dù mang danh phận công dân La Mã, con gái, vợ, mẹ và một người phụ nữ có học thức, nhưng bà khẳng định rằng danh phận chính của mình là một “Cơ Đốc nhân”.

Bất chấp sự nài nỉ của các quan chức và cha của mình, Perpetua không hề từ bỏ đức tin. Không lâu sau đó, bà bị đưa vào ngục tối, và đương nhiên trở nên rất u sầu. Bà viết: “Tôi rất sợ hãi vì chưa từng cảm thấy bóng tối như thế. Ôi, một ngày thật kinh hoàng… Tôi vô cùng lo lắng vì đứa con nhỏ của tôi”.

Minh họa nàng Perpetua và người hầu – Felicitas (Ảnh: .indiancatholicmatters.org)

Hai phó tế đã thành công trong việc chuyển Perpetua và Felicitas đến một khu vực tốt hơn trong tù và được phép mang đứa con của bà vào thăm, điều này mang lại niềm an ủi lớn cho Perpetua. Trong tù, bà có một giấc mơ sống động mà bà và các bạn tù đều giải nghĩa rằng họ sẽ bị tử đạo. Cuối cùng, bà giao con mình cho người thân chăm sóc.


Sẵn sàng tử vì đạo

Felicitas, cô hầu của Perpetua, đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Cô cũng đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo và quyết tâm thuận phục ý muốn của Chúa, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cái chết. Cả hai người phụ nữ đều lo lắng vì Felicitas đang mang thai khi bị bắt. Một tháng trước ngày dự sinh, cô nhận ra rằng người La Mã sẽ hoãn lại việc xử tử cô vì theo luật không được hành quyết một phụ nữ mang thai.

Cô và các bạn tù đã cầu nguyện để cô sinh sớm để có thể giao con cho người thân và cùng chết với Perpetua. Theo lời cô kể, ngay sau lời cầu nguyện, cô đã chuyển dạ và sinh ra một bé gái. Ba ngày sau, họ chuẩn bị cho cái chết. Trong bữa ăn cuối cùng, họ tổ chức một bữa tiệc tình yêu (agape), một nghi thức thường thấy của Hội Thánh đầu tiên.

Theo các nhân chứng, hai người phụ nữ đã dũng cảm đối mặt với cái chết. Một con bò điên đã được chuẩn bị để thả vào đấu trường. Nhưng khi hai người phụ nữ bước vào đấu trường, đám đông kinh hoàng thấy Felicitas còn sữa chảy từ ngực do mới sinh con, điều này khiến ngay cả người La Mã cũng cảm thấy ghê tởm. Các quan chức đã gọi hai người phụ nữ trở lại và cho họ mặc những chiếc áo choàng khiêm tốn hơn.

Sau đó, Perpetua và Felicitas trao nhau nụ hôn bình an, sẵn sàng cho cái chết và chuẩn bị để con thú tấn công. Những nạn nhân khác bị giết bằng gươm. Con bò tấn công Perpetua, và sau đó một người lính đến gần bà với thanh gươm. Bà cầm lấy gươm và hướng vào cổ mình, chết ngay lập tức.

(Ảnh: amedievalwomanscompanion.com)

Tiếp tục làm chứng

Hai người nữ ấy đã hy sinh vào tháng 3 năm 203. Câu chuyện về cái chết của họ lan truyền nhanh chóng khắp đế quốc. Người La Mã cảm thấy ghê tởm trước vụ hành quyết tàn bạo hai phụ nữ trẻ này. Tertullian, rút ra từ những cái chết của họ và các vị tử đạo khác, đã viết: “Ôi những vị tử đạo dũng cảm và phước lành, các bạn đã bước ra khỏi ngục tối để bước vào một ngôi nhà khác. Ngục của các bạn đầy bóng tối, nhưng các bạn là ánh sáng. Ngục của các bạn có xiềng xích, nhưng Đức Chúa Trời đã giải phóng các bạn tự do”. Theo Diana Severance, có khoảng 950 người tử đạo trước năm 313 sau Công nguyên, và trong số đó có 170 phụ nữ đã dũng cảm chịu đựng sự đau khổ lớn lao về thể xác để không chối bỏ Chúa của họ.

Không có nghi ngờ gì rằng đây là một sự kiện lịch sử, không phải là một huyền thoại hay truyền thuyết. Một thánh đường đã được xây dựng tại Carthage nhiều năm sau đó để tưởng nhớ Perpetua. Và ngày kỷ niệm tử đạo của bà đã trở thành một phần của lịch phụng vụ của Hội Thánh La Mã.

Câu chuyện về cái chết dũng cảm của hai người phụ nữ đã khích lệ mạnh mẽ các tín hữu khác đang phải đối mặt với số phận tương tự trên khắp đế quốc. Sự đau khổ can đảm của họ thể hiện quyền năng siêu nhiên của niềm tin Cơ Đốc và đã mở đường cho nhiều người khác bước theo.

Câu chuyện của Perpetua và Felicitas là lời nhắc nhở về sự bách hại vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới ngày nay. Ở những quốc gia cấm đạo, các tín hữu phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn vì đức tin của mình nơi Chúa Jêsus. Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho họ và đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một cuộc đời tuận đạo vì Danh Chúa Jêsus.

Tác giả: Susie Hawkins; dịch: SD
(Nguồn: research.lifeway.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *