Oneway.vn – Như một vận động viên thể dục dụng cụ Olympic. Bất luận có bao nhiêu cú xoay người hay lộn vòng trên không, khoảnh khắc quyết định thành bại là cách bạn tiếp đất.
Điều này cũng tương tự diễn ra với các tân sinh viên. Học kỳ đầu tiên sẽ rất vất vả; đòi hỏi sự chuẩn bị và sáng suốt. Giờ đây, sau khi đã nộp đơn vào các trường, thi tốt nghiệp, chuẩn bị hồ sơ, và cuối cùng bạn được đặt chân đến trường. Liệu những nỗ lực “trên không” mà bạn đã thực hiện cho đến thời điểm này có mang lại kết quả không? Bạn sẽ tiếp đất thành công chứ?
Sau đây là cách một sinh viên Cơ Đốc có thể nắm lấy để có học kỳ đầu tiên tốt đẹp.
1. Nhanh chóng tìm kiếm một Hội Thánh vững mạnh
Nếu trường đại học mang bạn ra khỏi Hội Thánh bạn vẫn nhóm lại lâu nay, hãy tìm một đến một Hội Thánh gần nơi bạn học hiện tại.
Đầu tiên, hãy tìm kiếm. Hỏi thăm mục sư tại Hội Thánh bạn để được giới thiệu đến các Hội Thánh gần trường. Nếu ông không rõ, hãy hỏi ông về các hệ phái và mạng lưới Hội Thánh chính thống mà ông biết, hoặc nhờ các anh chị đi trước giới thiệu, kết nối.
Thứ hai, giới hạn thời gian bạn dành ra để “tham quan Hội Thánh”.
Hãy đến nhóm tại hai đến bốn Hội Thánh đầu tiên bạn được kết nối. Giữ trung tín trong sự nhóm lại. Hãy trò chuyện với những người chung quanh và ban tiếp tân của Hội Thánh. Hỏi về điều gì khiến họ yêu mến Hội Thánh họ, và chăm chú lắng nghe câu trả lời.
Hãy lắng nghe cách mỗi Hội Thánh nói về Kinh Thánh, đảm bảo rằng họ xem đó là Lời thẩm quyền của Chúa và “thẳng thắn giảng dạy lời chân lý” (2 Ti 2:15).
Lắng nghe bài giảng. Mục sư chỉ giảng lướt qua hay đào sâu vào Lời Chúa? Bài giảng chỉ để góp vui, hay giải thích rõ ràng và áp dụng phân đoạn Kinh Thánh?
Ngoài việc giảng dạy, hãy chú ý đến văn hóa của Hội Thánh. Mọi người có biết về nhau không? Nơi đó có sự khiêm nhu và chân thật không? Mọi người có yêu mến Chúa và yêu mến lẫn nhau không?
Phải biết rằng bạn sẽ không thể tìm được một Hội Thánh hoàn hảo. Không có Hội Thánh hoàn hảo. Bạn chỉ đang tìm một Hội Thánh vững mạnh và trung tín. Vậy sau khi đến nhóm vài Hội Thánh, hãy lượng giá. Quyết định một Hội Thánh bạn sẽ nhóm lại. Tìm cơ hội để phục vụ. Mời bạn bè đến. Và tránh sự hấp tấp để rồi sau khi rất lâu vẫn không tìm được Hội Thánh.
Cây không thể phát triển tốt nếu không ngừng được đâm rễ và vun trồng. Cơ Đốc nhân cũng vậy.
2. Làm quen với sự “cô đơn”
Một trong những nghịch lý khi lên đại học là bạn được làm quen với nhiều người, nhưng với một tân sinh viên, bạn sẽ không tránh được cảm giác cô đơn, không được chú ý đến, và bối rối.
Những tháng đầu tiên của tôi khi học đại học là một sự mơ hồ về bạn bè, phiêu lưu và khám phá, nhưng một ngày nọ trong học kỳ đầu tiên đó, mọi thứ sụp đổ. Tôi nhận ra rằng không ai trong số các người bạn mới này thực sự biết tôi.
Cuộc sống tôi gồm các kiểu tình bạn 4 tuần. Bạn bè mới không biết gì về quê tôi, anh em tôi và 99% về câu chuyện của tôi. Xa nhà gầm 1300km, tôi cảm thấy rất cô đơn. Sẽ có những lúc trong học kỳ đầu này, bạn cũng sẽ rất cô đơn.
Hãy xem nỗi cô đơn không thể tránh khỏi đó là lời mời gọi để bạn bước vào mối tương giao mật thiết hơn với Chúa. Hãy nương náu trong Đấng Christ và phát triển tình bạn với Ngài. Đọc và học Lời Ngài. Cầu nguyện mỗi ngày. Và biết rằng Chúa vẫn luôn hiện diện cho bạn cũng như Phao-lô khi ông cô đơn: “Không có ai ủng hộ ta cả…. Nhưng Chúa đã đứng bên ta và ban năng lực cho ta” (2 Ti 4:16-17). Tình bạn của Chúa với bạn cũng sẽ giống như của Đa-vít với Chúa, ông viết, “Đức Giê-hô-va kết bạn cùng người kính sợ Ngài” (Thi 25:14).
Bạn sẽ thấy cô đơn. Khi đó, hãy nương dựa vào Chúa. Ngài là nơi nương náu của bạn. Ngài là Chúa của mọi niềm an ủi. Ngài ở gần bạn.
3. Sống với sứ mạng.
Chúa đưa bạn đến đại học – thời kỳ và ranh giới Chúa ấn định (Công 17:26-27). Nắm lấy điều này với mục đích là việc sống với sứ mạng. Trong Cô-lô-se 4, Phao-lô trình bày điều này như sau:
“Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Ngài, công bố sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Chính vì sự mầu nhiệm đó mà tôi bị xiềng xích. Cũng xin cầu nguyện để tôi có thể bày tỏ rõ ràng điều tôi phải nói. Hãy cư xử một cách khôn ngoan với những người ngoại, và tận dụng thì giờ. Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người”. (câu 3-6)
Hãy chú ý đến ba việc Phao-lô làm gương trong đoạn này: cầu nguyện, bước đi, và rao giảng.
Đầu tiên, cầu nguyện cho cơ hội được mở ra. Trong quyền tể trị của Chúa, không có sự ngẫu nhiên cho những điều được xảy ra. Hãy cầu nguyện với lòng hi vọng cho những người xung quanh bạn. Cầu nguyện xin Chúa ban cho bạn cơ hội để chia sẻ Phúc Âm. Thứ hai, bước đi cách khôn ngoan giữa người ngoại. Cuộc sống sinh viên là một xã hội đa nguyên phức tạp. Lắng nghe cẩn thận trước khi nói. Đọc sách về những gương mẫu truyền giáo khôn ngoan. Khi đọc, bạn sẽ học được cách bước đi can đảm của Spurgeon và sự dịu dàng của nhà biện giáo Rebecca McLaughlin. Cuối cùng, rao giảng với lòng ân hậu, điều chỉnh sứ điệp cho từng người bạn gặp gỡ.
Có lẽ những lời khôn ngoan của bạn trong một cuộc trò chuyện ngắn sẽ giúp cho tấm lòng của một người được mở ra khi lần sau anh ấy gặp một Cơ Đốc nhân. Và có lẽ Chúa sẽ cho phép bạn có những tình bạn ý nghĩa và khiến bạn trở thành người kéo một tội nhân trở về với Chúa.
Hỡi những tân sinh viên, hãy can đảm. Tôi tin bạn sẽ tiếp đất tốt vì Phúc Âm. Phao-lô nói rằng nếu bạn tin cậy Đấng Christ, “sự sống của mình (bạn) đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Cô 3:3). Điều này có nghĩa là đời sống bạn không còn bị đánh giá bởi khả năng, thành công, hay thậm chí là tội lỗi của bạn.
Ba hoặc bốn năm tiếp theo không phải để bạn tìm kiếm chính mình, bởi Chúa đã tìm bạn rồi. Đại học không phải để bạn chứng minh bản thân, bởi sự công chính toàn hảo của Đấng Christ đã được ban cho bạn. Bạn thuộc về Ngài.
Vậy khi bắt đầu năm học mới, hãy xác định rõ về nơi bạn sinh hoạt, lòng tận hiến, và sứ mạng. Nhưng cũng biết rằng Ngài giữ bạn khi bạn “trên không” và sẽ nâng đỡ khi bạn tiếp đất.
Bài: Vince Greenwald; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply