Oneway.vn – Những người liên tục ở trong trạng thái hẹn hò là những người nghiện dopamine.
Sự mê đắm của tuổi teen không phải điều vô hại. Thay vào đó, nó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng lâu dài trong hôn nhân. Bài viết dựa trên những nghiên cứu thông qua Kinh Thánh này sẽ giúp thanh thiếu niên nhận biết tầm quan trọng của việc ưu tiên mối quan hệ với Chúa, đồng thời, nhắc nhở chúng ta tỉnh thức trong việc hẹn hò và kết hôn.
Tại sao sự mê đắm của tuổi teen lại nguy hiểm? Đây là một ví dụ thực tế…
Gần đây, một người bạn cũ nhắn tin cho tôi nhờ tôi cầu thay. Anh đi làm về và không thấy vợ con ở nhà. Cướp đã tấn công và bắt cóc vợ con anh? Không! Người vợ đã bỏ anh ấy. Tôi hỏi liệu anh ấy có thấy điều đó sắp xảy ra không. Có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào không? Anh ấy nói đã rõ ràng là hai vợ chồng đã giải quyết xong vấn đề từ lâu. Tôi hỏi liệu có hy vọng hàn gắn nào không. Anh ấy không nghĩ vậy. Anh nghĩ kết quả tốt nhất có thể là quyền nuôi con chung. Mặc dù chúng tôi đã không nói chuyện nhiều và tôi chỉ gặp vợ anh ấy một lần nhưng trái tim tôi như thắt lại. Tôi chỉ có thể tưởng tượng bạn mình đang đau đớn như thế nào.
Tôi không biết chi tiết về tình hình của họ. Vì vậy, những gì tiếp theo không phải là bản cáo trạng đối với cặp vợ chồng đó. Nhưng bất cứ khi nào tôi nghe đến chuyện ly dị và bỏ rơi, tôi đều suy ngẫm về lời mời gọi nghiêm túc của hôn nhân. Vì thật không may, chúng ta thường xem nhẹ nó!
Tại sao sự mê đắm của tuổi teen có thể gây hại cho các mối quan hệ?
Nhiều người bước vào giao ước hôn nhân một cách thiếu kiên nhẫn và hời hợt. Vì sự mê đắm một cách mù quáng của tuổi trẻ, những áp lực và kỳ vọng đến từ gia đình, xã hội, họ không xem xét trách nhiệm mà mình đang nhận. Họ không ý thức được những lời hứa mà họ sẽ dâng lên trước Chúa và mọi người.
Trong phim ảnh, các nhân vật say xỉn thường ghé thăm những đám cưới được tổ chức trong các nhà thờ ở Las Vegas. Chúng ta cười nhạo sự ngốc nghếch của họ và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ hành động như vậy.
Nhưng thực tế, người ta vẫn thường kết hôn khi đang “say”. Chỉ có điều họ không bị ảnh hưởng bởi rượu mà bởi dopamine – sự mê đắm, thứ mà họ gọi là tình yêu và dục vọng. Cũng giống như một giao ước được lập khi say rượu thường không tồn tại lâu, những cuộc hôn nhân này cũng có khả năng đổ vỡ. Một người đàn ông và phụ nữ nên bước vào hôn nhân với một tâm trí và trái tim tỉnh táo. Họ cần phải nghiêm túc với những lời thề nguyện của mình.
Hôn nhân luôn cần sự chuẩn bị!
Trong Ê-phê-sô 5:15–21, Phao-lô khuyên nhủ:
“Vậy, hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại dột, nhưng sống như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vì vậy, đừng trở nên như người dại dột, nhưng phải hiểu rõ thế nào là ý muốn của Chúa. Đừng say rượu, vì say sưa dẫn đến buông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh. Hãy dùng thi thiên, thánh ca, và những linh khúc mà đối đáp với nhau; hãy hết lòng ca hát, chúc tụng Chúa. Trong mọi việc, hãy luôn nhân danh Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ mà dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha. Vì kính sợ Đấng Christ, hãy thuận phục nhau.”
Sau đó, Phao-lô trình bày các quy tắc gia đình quen thuộc, bắt đầu với mối quan hệ giữa vợ và chồng. Trước khi ông viết về hôn nhân, ông vẽ nên một bức tranh đẹp về sự tỉnh táo.
Phao-lô kêu gọi các tín đồ Cơ Đốc giáo cẩn trọng trong cách sống và đừng dại dột. Chúng ta phải tận dụng tốt nhất thời gian của mình, không nên sống một cách hời hợt, mù quáng mà phải hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời.
Rồi Phao-lô tóm tắt bức tranh về sự tỉnh táo này: “Đừng say rượu, vì say sưa dẫn đến buông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh”. Lời khuyên này chuẩn bị chúng ta để đón nhận bức tranh về một hôn nhân phản ánh mối quan hệ đẹp đẽ giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Chỉ có những người nam và người nữ tỉnh táo, đầy dẫy Thánh Linh mới có thể chấp nhận được lời dạy “Hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa” (Ê-phê-sô 5:22).
Say “dopamine”
Chất hóa học dopamine trong não dẫn đến cảm giác mê đắm. Đó là niềm say mê hoặc sự ái mộ mãnh liệt nhưng ngắn ngủi đối với ai đó hoặc điều gì đó. Sẽ rất nguy hiểm khi chúng ta nhầm lẫn nó với tình yêu cần có để bước vào hôn nhân.
Những người liên tục ở trong trạng thái hẹn hò là những người nghiện dopamine. Họ hẹn hò khoảng sáu tháng và tận hưởng trải nghiệm hưng phấn mà một mối quan hệ mới mang lại. Sau đó họ chia tay khi cuộc sống thực bắt đầu và sự mê đắm kết thúc. Quá trình này cứ diễn ra liên tục. Họ liên tục say đắm. Liên tục bước vào tình yêu. Liên tục đổ vỡ. Và tiếp tục đắm say.
Việc hẹn hò như vậy thường gây khó khăn trong việc đưa ra quyết định đúng đắn cho việc bước vào hôn nhân. Hôn nhân là một sự cam kết. Và việc cam kết với một người đồng nghĩa với việc từ bỏ trải nghiệm mà họ khao khát. Họ đã sống trong trạng thái say sưa với dopamine và giờ đây, việc có một mối quan hệ cam kết và ràng buộc với một người nào đó sẽ ngăn họ tiếp tục trải nghiệm cảm giác thăng hoa đó.
Khi bạn so sánh tác động của việc say rượu với tác động của sự say mê, bạn sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Say rượu gây ra hành vi phi lý (Sáng Thế Ký 9:20-22). Nó làm suy giảm lương tâm của chúng ta (Sáng Thế Ký 9:24-25). Và nó làm giảm khả năng đưa ra quyết định tốt của chúng ta (Châm Ngôn 31:4-5).
Điều tương tự cũng đúng với sự say mê và dục vọng. Những người bị thúc đẩy bởi say mê và dục vọng thường hành động phi lý. Họ đi ngược lại những gì lương tâm mách bảo là đúng và sai. Và họ thường đưa ra những quyết định tồi tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phần còn lại của cuộc đời.
Thoả lòng và đặt Chúa làm trung tâm: tiết độ và khôn ngoan
Một cuộc sống lấy Chúa làm trung tâm là chìa khóa cho một lối sống tiết độ. Những người độc thân phải suy nghĩ cách cẩn thận lời kêu gọi và cảnh báo của Chúa liên quan đến hôn nhân trong cộng đồng với những người tin Chúa khác. Nếu Chúa làm thỏa mãn chúng ta vô hạn hơn cả những mối quan hệ quan trọng, vợ/chồng, và tình dục, thì chúng ta sẽ tiếp cận hôn nhân với một tâm trí tiết độ, một trái tim khiêm nhường, và một tâm hồn vững vàng.
Trong các bức thư của mình, Phao-lô thường đề cập đến việc tiết độ. Những người có tâm trí tiết độ thực hành sự tự chủ, nghiêm túc, và khả năng phán đoán đạo đức đúng đắn. Phao-lô khuyên nhủ Ti-mô-thê trẻ tuổi rằng “hãy tiết độ trong mọi sự” (2 Timôthê 4:5). Khi chúng ta tiếp cận hôn nhân với một tâm trí tiết độ, tỉnh thức, chúng ta sẽ đón nhận tầm nhìn về cuộc sống và hôn nhân mà Kinh Thánh đã nói đến.
Quyền tối cao của Chúa trong việc hẹn hò
Một hôn nhân được xây dựng từ sự say mê nhất thời thì không làm sáng danh Chúa. Họ đã coi người bạn đời của mình là điều tối thượng, thay vì Chúa. Số phận của họ cũng tương tự như những người lạm dụng rượu, đau khổ, xung đột, than vãn, và tổn thương nếu không ăn năn (Châm Ngôn 23:29–35).
Vấn đề của người nghiện rượu rất đơn giản: Họ nghĩ rằng rượu lớn hơn bất cứ thứ gì trong vũ trụ. Họ chìm đắm trong men rượu để quên đi những vấn đề, thử thách và thất vọng trong cuộc sống. Tương tự, những người độc thân và những người đã kết hôn chìm đắm trong tình yêu mù quáng sẽ coi nhau là điều tối thượng thay vì Chúa.
Cuối cùng, người nghiện rượu không có vấn đề về rượu. Và những người say tình yêu không có vấn đề về dopamine. Cả hai đều có vấn đề về sự thờ phượng. Quan điểm của họ về Chúa quá thấp. Họ đã trao ngôi vương trong lòng mình cho ai đó hoặc điều gì đó không đủ để thỏa mãn những khao khát của tâm hồn họ. Đó là lý do tại sao sự say mê của tuổi teen (và bất kỳ loại say mê nào) lại nguy hiểm đến vậy.
Hãy đặt Chúa lên trên hôn nhân của bạn!
Kinh Thánh trình bày một cái nhìn cao quý về hôn nhân. Các đôi vợ chồng được yêu cầu rời gia đình của riêng mình và gắn bó với nhau (Sáng Thế Ký 2:24). Nhưng dù Kinh Thánh có đánh giá cao hôn nhân đến đâu, thì quan điểm của Kinh Thánh về Đức Chúa Trời còn cao hơn vô hạn.
Với hôn nhân và những nỗ lực tốt đẹp của chúng ta đối với mối quan hệ thiêng liêng này, hãy đặt những điều đó ở vị trí số 2. Hãy nhớ rằng, tình yêu của chúng ta với Chúa luôn là điều quan trọng nhất. Đức Chúa Trời là Đấng ghen tương, và Ngài là đủ cho chúng ta hơn bất kỳ sự thoả mãn nào mà hôn nhân có thể đem lại. Ngài đã tạo ra hôn nhân, ít nhất là một phần, để khẳng định điều đó.
Khi chúng ta thể hiện cho thế giới thấy rằng chúng ta yêu Chúa vô hạn hơn chúng ta yêu hôn nhân, chúng ta tôn vinh Chúa và thể hiện giá trị của Ngài. Hơn nữa, thật khôn ngoan nếu chúng ta đặt nền tảng cho hôn nhân của mình bằng cách xây đắp gốc rễ nơi Đấng Tạo Hóa của hôn nhân, thay vì sự tôn thờ sai lạc hôn nhân.
Vì vậy, hãy nhắc nhở giới trẻ (và cả người lớn) rằng hôn nhân là dành cho những người có tâm trí tỉnh thức và tiết độ. Hãy giúp họ bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm của sự say mê tuổi niên thiếu. Và nhắc họ rằng cách duy nhất để bước vào hôn nhân với một tâm trí tỉnh thức là đặt Chúa làm trung tâm của cuộc sống của họ. Bởi điều đó, Đức Chúa Trời sẽ tể trị và chúc phước cho hôn nhân của chúng ta.
Bài: Phillip Holmes; dịch: Ngân Nguyễn
(Nguồn: churchleaders.com)