Oneway.vn – Thật là một điều may mắn khi có cơ hội được nuôi dạy con cái. Điều này đúng với cả những người tin vào Đấng Christ, lẫn những người không có mối liên hệ với Đức Chúa Trời.
Nhưng nếu bạn là người có đức tin, thì bạn cần phải để lại một di sản thuộc linh cho con bạn – điều mà chúng có thể truyền lại cho thế hệ sau.
10 lời khuyên mà tôi chọn cho bài viết này chắc chắn không phải là một danh sách đầy đủ, nhưng là những điều tôi tin cần thiết để nuôi dạy con bạn theo đường lối Cơ Đốc. Chúng không nhất thiết phải theo thứ tự quan trọng nhưng hãy xem xét những điều sau:
1. Đặt Đấng Christ là đầu tiên trong đời sống bạn
Tất nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Dù vậy, chúng ta phải luôn ý thức được rằng chúng ta đang dạy con trẻ trong mọi thời điểm. Ý tôi là ngay cả khi chúng ta ngồi trước TV, chúng ta cũng đang dạy chúng điều gì đó (chẳng hạn như điều gì là hài hước, phù hợp hoặc thú vị). Khi nuôi dạy con cái, chúng phải luôn đặt Đấng Christ lên hàng đầu trong mọi việc chúng ta làm, kể cả thời gian và tiền bạc (dạy và cho con cái thấy rằng bạn trung tín dâng hiến cho Hội thánh địa phương).
2. Hãy là một Cơ Đốc chân thật
Kinh Thánh nói về việc Đức Chúa Trời là Đấng Thánh và khích lệ chúng ta cũng nên thánh. Chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo như Chúa Jêsus, nhưng thánh thiện không có nghĩa là hoàn hảo (như Chúa Jêsus) mà là một ý nghĩa “được biệt riêng”. Chúng ta phải khác biệt với thế giới bên ngoài. Mọi người có thể nhận thấy rằng chúng ta tin vào Chúa Jêsus. Không phải vì chúng ta kiêu hãnh và ngoan đạo như những người Pha-ri-si đứng ở góc phố cầu nguyện, mà bạn bè và hàng xóm sẽ thấy chúng ta khác biệt qua cách chúng ta hành động và tương tác với nhau và với thế giới. Cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ khác biệt (đáng buồn là tỷ lệ ly hôn trong Hội thánh hiện nay rất cao). Đấng Christ yêu cô dâu của Ngài (Hội Thánh) và đã hy sinh mạng sống vì Hội Thánh. Con cái của chúng ta chắc chắn sẽ biết rằng chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng nên biết rằng chúng ta là người chân thật (thực tế cả trong cuộc sống hàng ngày và vào sáng Chúa Nhật).
3. Ưu tiên gia đình
Mối quan hệ của chúng ta với Chúa là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là sự cam kết của chúng ta với gia đình và thứ 3 là sự cống hiến của chúng ta cho công việc. Gia đình chúng ta phải là ưu tiên. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng những Cơ Đốc nhân thường gặp khó khăn trong lĩnh vực này, khi chúng ta bận rộn cố gắng yêu thương người khác đến nỗi đôi khi chúng ta bỏ bê chính gia đình ở nhà.
Tôi biết đây là cuộc đấu tranh của nhiều mục sư trong Hội Thánh (trong đó có tôi). Luôn luôn có điều gì đó để tham gia… hoặc ai đó để nói chuyện… hoặc một cuộc họp để tham dự… hoặc một nhóm để lãnh đạo. Tất cả chúng ta đều phải hiểu rằng gia đình cần được ưu tiên nếu chúng ta muốn có mối quan hệ lành mạnh với Chúa. Con bạn có thể nhận biết liệu chúng có thực sự là ưu tiên hay không.
4. Dạy con về Kinh Thánh và về Chúa
Việc cho con bạn học Kinh thánh và nhận biết về tình yêu của Chúa phải đến từ bạn với tư cách là cha mẹ. Chắc chắn nhà thờ sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc này, nhưng đừng bỏ bê bổn phận và trách nhiệm dạy dỗ con cái của bạn về Chúa. Nhà thờ cũng là nguồn lực tuyệt vời cho việc này nhưng trước tiên nó phải bắt đầu từ chúng ta – với tư cách là cha mẹ.
5. Hãy chắc rằng bạn được kết nối với một Hội Thánh
Bạn và con cái bạn cần được kết nối với một Hôi Thánh. Đó là một phần trong mạch sống của chúng ta với tư cách là những Cơ Đốc nhân, được kết nối với những tín hữu khác. Điều này cũng rất quan trọng đối với con bạn vì chúng thường có những người bạn khác bên ngoài nhà thờ, những người không được nuôi dạy theo đường lối tin kính và có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chúng. Những đứa trẻ Cơ Đốc khác chắc chắn sẽ không hoàn hảo nhưng thường sẽ có hệ thống giá trị Cơ Đốc tốt hơn so với những đứa trẻ bên ngoài nhà thờ. Một số cha mẹ cảm thấy chỉ cần đưa con đến nhà thờ và mình trở về nhà ngủ là đủ, mặc cho những điều con học, con tham gia. Đây là một thông điệp xấu cho con bạn và chúng sẽ nhanh chóng nhận ra điều này. Nếu việc đến Hội Thánh không đủ quan trọng với bạn thì con bạn cảm thấy việc chúng đến đó cũng không quan trọng lắm.
6. Thường xuyên đến nhà thờ
Có quá nhiều Cơ Đốc nhân có thói quen tự nhận mình là Cơ Đốc nhân nhưng lại sống cho chính mình. Tôi không cố phán xét nhưng tôi tin những gì lời Đức Chúa Trời nói trong Hê-bơ-rơ 10:24-25: “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Điều quan trọng là chúng ta phải dạy con cái rằng chúng ta cùng với gia đình của Chúa – anh em cũng niềm tin đang thờ phượng Chúa như một thân hiệp nhất.
7. Khích lệ con học hỏi và bày tỏ nếp sống Cơ Đốc
Điều này có thể đến dưới hình thức các cô, chú, ông bà, giáo viên và những tín đồ khác. Khuyến khích con bạn không chỉ nhìn và nghe Chúa qua cuộc sống của bạn mà còn qua những người khác biết và yêu mến Chúa. Điều này sẽ mang lại cho chúng một góc nhìn rộng hơn và cho các con thấy rằng điều quan trọng là phải nhận biết Chúa cách cá nhân, trung tín thờ phượng Ngài và qua chúng, người ta sẽ nhận thấy tình yêu Đấng Christ.
8. Cầu nguyện thường xuyên với/cho con
Cầu nguyện là điều quan trọng đối với mọi tín hữu. Thời gian cầu nguyện ở nhà sẽ là thời gian giảng dạy ích lợi cho con cái của bạn. Giúp con trẻ bày tỏ lòng biết ơn Chúa, giúp con nhận biết mọi điều đều đến từ Ngài (lời cầu nguyện trước bữa ăn, cảm ơn Chúa vì sự cung cấp hàng ngày). Và những lời cầu nguyện thường xuyên dạy con trẻ tin rằng có một Đấng luôn muốn trò chuyện và muốn có mối liên hệ với các con. Điều này rất quan trọng khi chúng lớn lên, đến tuổi trưởng thành và quyết định xem liệu việc tiếp tục niềm tin vào Chúa có quan trọng hay không. Nếu bạn không cầu nguyện nhiều cho con mình, bạn sẽ làm gương cho chúng điều gì đó cản trở sự tăng trưởng đức tin của chúng.
9. Phục vụ người khác cùng với con
Kinh Thánh liên tục dạy rằng, với tư cách là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải là những người phục vụ. Chính Đấng Christ đã đến và phục vụ người khác khi Ngài còn sống trên đất này. Chúng ta cũng cần phải phục vụ mọi người. Tôi khuyến khích bạn tìm những dự án mà bạn có thể cùng con mình phục vụ Chúa. Ngay cả khi chúng còn rất nhỏ và không thể giúp đỡ quá nhiều thì vẫn có những việc nhỏ khác, như giúp bạn trao cho người vô gia cư những suất cơm, đem đến cho ai đó một chai nước, bộ đồ mới… Hãy giúp con bạn hiểu rằng cuộc sống không chỉ có chúng ta. Chúng ta sống đời này với tầm mắt hướng tới đời sau. Cuộc sống không chỉ là sự hài lòng của cá nhân chúng ta mà còn là về người khác và quan trọng nhất là về Chúa.
10. Chia sẻ đức tin của bạn với người xung quanh con bạn
Đoạn Đại Mạng Lệnh trong Ma-thi-ơ 28 là dành cho tất cả chúng ta. Ma-thi-ơ 28:18-20 chép: “Đức Chúa Jêsus đến và phán với họ rằng: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế”. Chia sẻ đức tin của bạn trước mặt con cái sẽ dạy chúng rằng con có thể nói về Chúa với người khác. Chúng ta yêu thương con trẻ nhiều đến nỗi chúng ta muốn chúng sống đời đời với Chúa và với chúng ta nữa. Đây là một phần quan trọng khác trong quá trình phát triển của con bạn để trở thành một thanh niên hay thiếu nữ có đức tin.
Danh sách này chắc chắn có thể tiếp tục. Tôi hy vọng điều này mang lại cho bạn một số ý tưởng về cách đầu tư nuôi dạy con cái bạn trên nền tảng đức tin. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta thường làm rất tốt việc chăm sóc các nhu cầu thể chất của con mình (nơi ngủ và chế độ dinh dưỡng tốt để giúp chúng phát triển), nhưng thường cảm thấy mất hứng thú trong việc cung cấp cho những dưỡng chất tâm linh. Hãy song hành cả hai!
Bài: Daryl Evans; dịch: Sarah Doan
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)
Leave a Reply