7 cách thiết thực để cùng con bạn vượt qua trầm cảm

Oneway.vn – Bạn đã nỗ lực hết mình để nuôi dạy con cái, hướng dẫn chúng trong đức tin và cố gắng bảo vệ chúng khỏi những tổn thương. Vì vậy, thật đau lòng khi thấy con mình đang phải tranh chiến về tinh thần, đặc biệt là với một vấn đề phức tạp và đầy thách thức như trầm cảm. Bạn có thể cảm thấy lạc lối, không biết phải làm gì và bị nhấn chìm trong lo lắng. Hãy biết rằng bạn không đơn độc; vẫn có hy vọng.

Dưới đây là 7 cách thực tiễn mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con mình vượt qua trầm cảm.

1️⃣. Nhận biết dấu hiệu và tìm kiếm chuyên gia hỗ trợ

Trầm cảm có thể biểu hiện khác nhau ở trẻ em so với người lớn. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn bã kéo dài, dễ cáu gắt, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, thay đổi giấc ngủ hoặc khẩu vị, khó tập trung, hoặc thậm chí các vấn đề thể chất như đau đầu. Đừng vội xem những thay đổi này chỉ là “một giai đoạn bình thường”.

Hãy tìm lời khuyên từ các chuyên gia. Một bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu có thể chẩn đoán chính xác tình trạng của con bạn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai. Đây không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là một bước dũng cảm hướng đến sự chữa lành. Hãy bắt đầu bằng cách đặt lịch hẹn với bác sĩ nhi khoa cho con bạn. Họ có thể kiểm tra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và giới thiệu bạn đến chuyên gia tâm lý nếu cần.

Hãy chuẩn bị để chia sẻ những ví dụ cụ thể về hành vi và triệu chứng của con bạn. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi về các phương pháp điều trị khác nhau, cũng như lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Tìm một chuyên gia trị liệu phù hợp với con bạn là điều rất quan trọng. Hãy xem xét các yếu tố như kinh nghiệm của họ với trẻ em và thanh thiếu niên, phương pháp trị liệu họ sử dụng và liệu họ có cùng giá trị với gia đình bạn hay không. Bạn có thể cần gặp gỡ vài chuyên gia trước khi quyết định. Hãy nhớ rằng con bạn cũng nên có tiếng nói trong việc chọn người mà chúng cảm thấy thoải mái để chia sẻ.

Hãy tìm hiểu về kế hoạch điều trị được đề xuất. Nếu con bạn được kê đơn thuốc, hãy hiểu cách thuốc hoạt động, các tác dụng phụ có thể có và tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng liều lượng. Nếu được khuyên trị liệu tâm lý, hãy tìm hiểu về phương pháp trị liệu và cách bạn có thể hỗ trợ con trong quá trình này ngay tại nhà.

2️⃣. Tạo môi trường an toàn và tràn đầy yêu thương

Ngôi nhà của bạn nên là nơi trú ẩn an toàn cho con – một nơi chúng cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và thấu hiểu. Gia-cơ 1:19 khuyên rằng: “Hãy mau nghe, chậm nói, chậm giận”.

Lắng nghe con một cách đồng cảm mà không phán xét. Hãy xác nhận cảm xúc của con, ngay cả khi bạn không hoàn toàn hiểu được. Hãy cho con biết rằng cảm thấy buồn hay tức giận là điều bình thường, và bạn luôn sẵn sàng khi con muốn tâm sự.

Khuyến khích giao tiếp cởi mở và tạo ra cơ hội để con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị chỉ trích. Hãy chú ý lắng nghe không chỉ lời nói mà cả ngôn ngữ cơ thể của con. Nhắc lại những gì bạn nghe được để đảm bảo bạn hiểu đúng điều con muốn truyền tải. Tránh ngắt lời hoặc đưa ra lời khuyên không cần thiết, trừ khi con bạn chủ động yêu cầu. Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể làm là chỉ đơn giản lắng nghe.

Hãy dành thời gian cho những trải nghiệm tích cực cùng con. Điều này có thể đơn giản như ăn tối cùng nhau, chơi một trò chơi hoặc đi dạo. Mục tiêu là tạo ra cơ hội để kết nối và khuyến khích sự giao tiếp.

Bày tỏ tình yêu thương và sự chấp nhận đối với con mà không điều kiện, bất kể những gì con đang phải trải qua. Hãy nhắc nhở con thường xuyên rằng giá trị của con không phụ thuộc vào tâm trạng hay hành vi. Đồng thời, hãy nhấn mạnh những điểm mạnh và phẩm chất tích cực của con để giúp con cảm thấy được khích lệ.

3️⃣. Cầu nguyện và khuyến khích con xây dựng đời sống thuộc linh mạnh mẽ

Cầu nguyện (nói chuyện với Chúa) và suy ngẫm (lắng nghe Chúa) là những công cụ mạnh mẽ giúp chữa lành và khích lệ. Hãy giúp con bạn hình thành thói quen cầu nguyện và suy ngẫm một cách vui vẻ. Phi-líp 4:6-7 khuyên rằng: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đấng Christ Jêsus”.

Hãy cầu nguyện cho sự chữa lành và khích lệ con, cũng như xin Chúa ban sự khôn ngoan cho bạn khi làm cha mẹ. Bên cạnh việc cầu nguyện và suy ngẫm, hãy dạy con bạn giá trị của việc đọc Kinh Thánh, lắng nghe nhạc thờ phượng và thực hành những thói quen thuộc linh khác để giúp con đến gần Chúa hơn.

Hãy giúp con tìm thấy sự an ủi và sức mạnh trong đức tin. Cầu nguyện cùng con thường xuyên, chẳng hạn như trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Khi cầu nguyện, hãy cùng con xin Chúa hướng dẫn và chữa lành. Đọc Kinh Thánh phù hợp với độ tuổi của con và cùng nhau thảo luận về ý nghĩa của những câu Kinh Thánh đó. Hãy giúp con tìm thấy sự an ủi và hy vọng trong những lời hứa của Chúa.

Bạn cũng có thể khuyến khích con viết nhật ký về những điều học được từ Kinh Thánh và cách áp dụng vào cuộc sống. Hãy đưa con tham gia vào Hội Thánh, tạo cơ hội cho con được ở trong một môi trường có những người yêu thương và hỗ trợ, giúp con cảm nhận được sự kết nối và thuộc về.

4️⃣. Giúp con hình thành thói quen lành mạnh để cải thiện sức khỏe

Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta trong 1 Cô-rinh-tô 6:19-20 rằng: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận lãnh từ Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi; vậy hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”.

Hãy giúp con xây dựng những thói quen lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống dinh dưỡng và ngủ đủ giấc. Những điều này có thể ảnh hưởng tích cực đáng kể đến tâm trạng và sức khỏe tổng thể của con.

Hãy khuyến khích con tham gia vào các hoạt động mà con yêu thích, chẳng hạn như thể thao, âm nhạc hoặc nghệ thuật, để giúp con tìm lại niềm đam mê của mình. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, nước có ga và caffeine vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và năng lượng của con. Hãy để con tham gia vào quá trình lên thực đơn và chuẩn bị bữa ăn để con thấy rằng việc ăn uống lành mạnh cũng có thể rất thú vị.

Hãy khuyến khích con vận động thể chất thường xuyên, từ chơi thể thao, đi bộ cho đến đạp xe.

Giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng. Hãy thiết lập lịch trình ngủ đều đặn, đảm bảo rằng con có đủ giấc ngủ cần thiết. Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Hãy tạo một môi trường ngủ thoải mái, mát mẻ và xây dựng thói quen thư giãn trước khi đi ngủ để giúp con ngủ ngon hơn.

5️⃣. Giới hạn thời gian màn hình và mạng xã hội

Việc liên tục tiếp xúc với mạng xã hội và so sánh bản thân với người khác có thể khiến con bạn cảm thấy chán nản hơn. Châm Ngôn 4:23 khuyên dạy cách khôn ngoan rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.

Hãy trò chuyện với con về những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần, bao gồm bắt nạt trực tuyến, sự so sánh xã hội và những kỳ vọng phi thực tế. Hãy khuyến khích con cân nhắc về cách mạng xã hội ảnh hưởng đến cảm xúc của mình.

Cùng con thiết lập những giới hạn hợp lý về thời gian sử dụng màn hình và mạng xã hội. Điều này có thể bao gồm việc đặt giới hạn thời gian, quy định khoảng thời gian cụ thể để sử dụng thiết bị hoặc tạo các “khu vực không màn hình” trong nhà. Hãy khuyến khích con tập trung vào những mối quan hệ và hoạt động thực tế mang lại sự kết nối thật sự, như tận hưởng thiên nhiên, theo đuổi sở thích cá nhân hoặc gặp gỡ bạn bè và gia đình trực tiếp.

6️⃣. Tìm kiếm sự hỗ trợ cho chính bạn

Việc chăm sóc một đứa trẻ đang trải qua trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức về mặt cảm xúc. Ga-la-ti 6:2 nhắc nhở rằng gánh nặng được san sẻ sẽ giúp nhau bước đi: “Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”.

Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ vợ/chồng, gia đình, bạn bè hoặc một người cố vấn. Bạn cần phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con, điều đó có nghĩa là bạn cũng cần chăm sóc nhu cầu cảm xúc và thuộc linh của mình. Hội Thánh có thể là một nguồn hỗ trợ và khích lệ quý giá.

Hãy buông bỏ những hoạt động không thực sự cần thiết trong lịch trình của bạn để ưu tiên những điều giúp bạn nạp lại năng lượng và kiểm soát căng thẳng, như dành thời gian cầu nguyện, đọc sách, tập thể dục, nghe nhạc hoặc theo đuổi một sở thích cá nhân. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ.

Bạn có thể cân nhắc tham gia vào nhóm hỗ trợ dành cho phụ huynh có con gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý. Kết nối với những người hiểu được những gì bạn đang trải qua có thể mang lại sự giúp đỡ to lớn. Đừng ngại tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp. Một chuyên gia có thể giúp bạn tìm thấy sự nâng đỡ, hướng dẫn và các chiến lược đối phó khi nuôi dạy một đứa trẻ đang vật lộn với trầm cảm.

7️⃣. Tập trung vào hy vọng và vui mừng trước những ‘chiến thắng’ nhỏ

Trầm cảm có thể khiến con bạn khó nhìn thấy hy vọng cho tương lai. Rô-ma 12:12 dạy rằng: “Hãy vui mừng trong hi vọng, nhẫn nhục trong hoạn nạn, bền lòng trong sự cầu nguyện”.

Hãy giúp con tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống, dù là những điều nhỏ bé. Ăn mừng những thành tựu của con, dù chúng có vẻ nhỏ nhặt. Nhắc nhở con về tình yêu và sự thành tín của Đức Chúa Trời, rằng sự chữa lành là có thể. Hãy chỉ cho con thấy hy vọng mà Chúa ban cho và khuyến khích con tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

Giúp con thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực bằng những quan điểm tích cực và thực tế hơn. Nếu con nói: “Con chẳng giỏi điều gì cả,” bạn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở con về những điểm mạnh và thành tựu mà con đã đạt được. Hãy khuyến khích con tập trung vào những gì con có thể làm, thay vì những gì con không làm được.

Hãy giúp con nhận diện và đối diện với những mô thức suy nghĩ tiêu cực. Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT) có thể rất hữu ích trong việc này, và một chuyên gia có thể hướng dẫn bạn và con bạn thực hành những kỹ thuật đó.

Hãy ghi nhận và ăn mừng ngay cả những bước tiến nhỏ nhất. Con bạn đã thức dậy và tắm rửa? Con đã hoàn thành một bài tập về nhà? Con đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ với một người bạn? Những điều tưởng chừng đơn giản này có thể là một thành tựu lớn đối với một người đang đấu tranh với trầm cảm. Hãy coi trọng những cột mốc này để củng cố hành vi tích cực và xây dựng sự tự tin cho con.

Hãy khen ngợi những nỗ lực và khả năng kiên trì của con trước mọi người. Nhắc nhở con về tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho con. Kể những câu chuyện trong Kinh Thánh về những người đã vượt qua hoạn nạn nhờ đức tin. Hãy khuyến khích con nắm giữ hy vọng trong mọi hoàn cảnh. Nhắc nhở con rằng sự chữa lành là một quá trình, và bạn sẽ luôn đồng hành cùng con trên chặng đường đó.

Việc nuôi dạy một đứa trẻ bị trầm cảm là một hành trình đầy thử thách, nhưng bạn không đơn độc. Đức Chúa Trời luôn ở cùng bạn, và xung quanh bạn có những người quan tâm – từ các chuyên gia y tế, các cố vấn cho đến gia đình và bạn bè – sẵn sàng hỗ trợ bạn và con. Sự chữa lành đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, nhưng điều đó là hoàn toàn có thể. Vì vậy, hãy nắm lấy hy vọng mà Chúa ban cho bạn và tiếp tục làm hết sức mình để giúp con vượt qua, cùng con ăn mừng những bước tiến trên hành trình chữa lành.

Bài: Whitney Hople; dịch: SD
(Nguồn: Crosswalk.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *