Oneway.vn – Tôi tin rằng với mỗi bước chúng tôi tiến về phía Chúa, gánh nặng của những kỷ niệm đó sẽ dần được trút bỏ từng chút, từng chút một.(Ảnh minh hoạ)
Lớn lên với tư cách là Cơ Đốc nhân thế hệ thứ ba, JESSIE NG bị vấp phạm bởi lối sống “hai mặt” của cha mẹ và bắt đầu xem thường họ vì họ hời hợt thuộc linh.
Nhưng sau khi mẹ qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng, và các thành viên còn lại trong gia đình đã sống theo lối riêng của mình nhằm thoát khỏi nỗi đau… Chúa đã bắt đầu hành động trong đời sống của từng người.
Tôi đã từng nghe qua quan điểm này về các gia đình Cơ Đốc: thế hệ đầu tiên là thế hệ trung tín nhất, và mỗi thế hệ qua đi thì đức tin của gia đình sẽ tự động suy yếu.
Là một người lớn lên trong gia đình Cơ Đốc, tôi phần nào đồng ý với quan điểm này.
Trong gia đình, tôi thấy thể nào ông bà bày tỏ đức tin thánh khiết. Tuy nhiên, đến đời cha mẹ tôi, tôi lại thấy đời sống gia đình đầy dẫy xung đột, về chuyện tiền nong, hôn nhân hay mối quan hệ dâu-rể.
Dù cha mẹ tôi nói là đã dâng cả gia đình cho Chúa, nhưng đôi khi tôi thấy chúng tôi không khác những gia đình ngoại đạo là mấy. Trên thực tế, có vẻ chúng tôi còn tệ hơn.
Dù cha mẹ tôi nói là đã dâng cả gia đình cho Chúa, nhưng đôi khi tôi thấy chúng tôi không khác những gia đình ngoại đạo là mấy.
Khi còn nhỏ, tôi nhớ có lần Mục sư đến thăm, tôi thấy ngượng ngùng khi cha mẹ tôi cư xử khác ngày thường, họ khiêm nhường lắng nghe Mục sư nói và yên lặng cầu nguyện. Cảnh tượng đó sao quá lạ lẫm với tôi.
Xung đột trở nên trầm trọng hơn khi tôi và chị gái bước vào tuổi nổi loạn của thiếu niên, trong nhà thường xuyên có những trận cãi nhau. Điều đó khá đặc trưng cho những năm thiếu niên của tôi, ngay cả khi tôi đã bắt đầu hành trình tìm kiếm đức tin của riêng mình.
Tôi đã bắt đầu hiểu về đạo Cơ Đốc khi lên cấp ba, sau khi tôi bắt đầu đọc và hiểu Kinh Thánh.
Tôi nhờ các chị em trong Hội Thánh giúp tôi biết khái quát về Lời Chúa, sau đó tôi bắt đầu tham gia các buổi nhóm thông công và góp phần nhiệt thành hơn trong Hội Thánh.
Nhưng mẹ tôi lo ngại như vậy sẽ ảnh hưởng đến điểm số của tôi, vì vậy bà phản đối tôi tham gia các hoạt động trong Hội Thánh.
Đức tin lại trở thành một nguyên nhân khác làm cho chúng tôi xung đột.
Cha mẹ đối phó với những năm tháng nổi loạn của con đã đủ khó, nhưng còn khó hơn khi con mình sau khi tự học biết về đức tin Cơ Đốc, đã trở nên kiêu ngạo và bắt đầu xem thường cha mẹ.
Giờ đây khi tôi đã biết khá nhiều về Kinh Thánh (hoặc tôi nghĩ vậy), tôi bắt đầu chỉ trích cha mẹ về cách họ nuôi dạy tôi.
Tôi cảm thấy như họ đã không “dạy [tôi] trong sự khuyên dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4). Họ thiếu kiến thức Kinh Thánh, không tôn kính Chúa lại còn khá hai mặt trong cách sống.
Sự kiêu ngạo của tôi đã khiến tôi bất kính với cha mẹ; thật ra tôi đang nổi loạn chống lại họ, nhưng tôi đã khoác lên mình vẻ bề ngoài “tin kính” để phán xét những thất bại của họ.
Một giai đoạn tăm tối chưa từng có
Không lâu sau, mẹ tôi bị ung thư buồng trứng và qua đời.
Năm mẹ mất, tôi vừa tốt nghiệp cấp ba và được chọn đi nghĩa vụ quân sự ba tháng.
Đó là lần đầu tiên tôi xa nhà lâu như vậy, và tôi bắt đầu nhận ra rằng mẹ quan trọng với tôi như thế nào.
Mẹ dành cho tôi rất nhiều tình yêu thương và luôn hy sinh để đáp ứng nhu cầu của gia đình.
Ngày mẹ mất đã trở thành một bước ngoặt đối với chúng tôi. Chúng tôi đã không nhận ra rằng gia đình chúng tôi đang bước vào một giai đoạn tăm tối chưa từng có.
Mặc dù nhà chúng tôi có treo tấm bảng ghi “Đấng Christ là trung tâm của gia đình”, nhưng thực ra đó cũng chỉ là một tấm bảng.
Tất cả chúng tôi đều tự tìm cách riêng để thoát khỏi nỗi đau này.
Cha thì hoàn toàn tuyệt vọng; ông buồn rầu và suy sụp tinh thần trong một thời gian.
Chị gái và tôi chuẩn bị chuyển ra ngoài để theo đuổi việc học, điều này có nghĩa là cha sẽ ở nhà một mình.
Chị tôi bắt đầu ăn uống vô độ và không giao du với ai. Chị ấy không hiểu được tại sao Chúa lại cất mẹ đi.
Đến mức chị ấy nói rằng nếu ma quỷ bảo chị phải đổi mạng sống để đem mẹ trở về, thì chị cũng sẽ đồng ý.
Đây là lúc gia đình chúng tôi cần nhau nhất nhưng cũng là lúc chúng tôi không dám đối diện với nhau.
Mặt khác, tôi đã bước vào một môi trường mới trong đại học và bị cuốn vào những điều thuộc về thế gian.
Khi tôi học chuyên ngành văn học, các giáo sư đã dạy chúng tôi về những tư tưởng thế gian như thuyết tương đối, các triết học và tôn giáo khác, tất cả đều chỉ ra rằng không có sự thật tuyệt đối trên thế giới này.
Tất cả chúng đều tác động mạnh mẽ tới tôi và thử thách đức tin tôi.
Tôi vẫn đang xoay xở với việc mất mẹ, và để xoa dịu nỗi đau, tôi bắt đầu hẹn hò với nhiều người khác nhau và tiệc tùng với bạn bè.
Đây là lúc gia đình chúng tôi cần nhau nhất nhưng cũng là lúc chúng tôi không dám đối diện với nhau.
Mỗi khi chúng tôi ngồi với nhau, chiếc ghế trống trên bàn và bộ đồ ăn chỉ còn lại ba (thay vì bốn) như là lời nhắc nhở đau đớn, nhói buốt rằng mẹ không còn ở đây nữa.
Chúa vẫn đang hành động trên chúng tôi
Tôi cảm thấy như Chúa đã quên và từ bỏ chúng tôi. Nhưng thực ra, Ngài đang dẫn chúng tôi băng qua lửa, qua nước (Thi Thiên 66:12).
Để hoàn toàn biến đổi chúng tôi, Chúa phải lột bỏ vẻ ngoài mộ đạo mà chúng tôi đã khoác lên, khiến chúng tôi phải trực tiếp đối diện với những vấn đề trong cuộc sống, để từ đó chúng tôi buộc phải thật sự tìm kiếm Ngài.
Tôi không biết chính xác mọi thứ đã thay đổi từ khi nào, nhưng sau một thời gian, cha tôi bắt đầu xem xét lại đức tin của mình cách nghiêm túc. Tôi bắt đầu nghe ông đề cập đến sách Thi-Thiên, là sách đã an ủi cha sau cái chết của mẹ.
Chúa phải lột bỏ vẻ ngoài mộ đạo mà chúng tôi đã khoác lên, khiến chúng tôi trực tiếp đối diện với những vấn đề cuộc sống, từ đó chúng tôi buộc phải thật sự tìm kiếm Ngài.
Vì cha thường xuyên đi nhóm, nên Chúa đã giúp đỡ ông qua nhiều người bằng nhiều cách khác nhau; ông bắt đầu không chỉ biết về những việc của Chúa, mà ông còn biết về chính Chúa.
Cha bắt đầu đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày, và bảo chúng tôi phải tạ ơn Chúa, cầu nguyện và tin cậy nơi Ngài.
Cha cũng hướng dẫn gia đình cầu nguyện bất cứ khi nào chúng tôi đi xa.
Và sau khi chuyển đến một thành phố khác, tôi đã gặp được Chúa cách cá nhân.
Hội Thánh mà tôi tham gia nằm trong một thành phố có nhiều trường đại học, vậy nên nhiều câu hỏi của tôi về Cơ Đốc giáo và đức tin đã có lời giải đáp.
Tôi sẽ thảo luận các câu hỏi với các anh chị em khác trong Đấng Christ và thưa chuyện với Mục sư – người hướng dẫn chúng tôi học Kinh Thánh.
Nhờ mọi điều đó, Chúa đã đem tôi trở về với chính Ngài, khiến tôi nhận biết và ăn năn tội lỗi.
Khi biết lẽ thật, tôi nhận ra rằng trong quá khứ mình đã rất kiêu ngạo, vì biết một vài điều mà tôi đã nghĩ rằng mình rất mộ đạo.
Nhưng giờ đây, tôi được gặp các bậc trưởng lão tin kính và bạn bè đồng trang lứa trong Hội Thánh, là những người có kiến thức sâu rộng và thực hành lẽ thật thực tế vào trong đời sống.
Khi từ trường đại học về nhà, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho cha, và chúng tôi nói về Chúa, về mẹ và Hội Thánh.
Tôi thấy mình rất thích nói chuyện với cha và bắt đầu học cách yêu thương. Cha tôi cũng bắt đầu cởi mở hơn với tôi và bày tỏ sự quan tâm đến nhu cầu của tôi.
Tôi học cách tôn trọng và vâng lời ông, trong khi ông bắt đầu thể hiện thẩm quyền và sự chỉ dẫn đầy yêu thương của một người cha.
Chúng tôi lại bắt đầu chia sẻ cuộc sống với nhau và trân trọng những khoảng thời gian bên nhau.
Từng bước tiến về phía Chúa
Lần này khi Mục sư lại đến thăm, Cha không còn ngượng ngùng, khó chịu nữa mà bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng, và chia sẻ những điều ông biết về Chúa.
Tôi ngồi cạnh cha và mọi người, chúng tôi đã nhận được sự khích lệ của Mục sư dành cho chúng tôi.
Sau lần thăm viếng đó, chúng tôi nghe theo lời khuyên của Mục sư và bắt đầu buổi nhóm gia đình lễ bái đầu tiên. Dù Cha vẫn chưa quá sâu nhiệm về Kinh Thánh và thần học, nhưng tôi biết rằng Thánh Linh ở cùng chúng tôi khi chúng tôi hát Thi Thiên, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cùng nhau.
Ngày nay, “Đấng Christ là trung tâm của gia đình này” không còn là một câu nói vô nghĩa hay để đánh lừa người khác nữa, bởi vì cha tôi đang thực sự dùng chính đời sống mình để làm chứng về Đức Chúa Trời – Đấng thành tín và đáng tin cậy.
Sau khi cha mất đi mẹ, ông đã trăn trở về cuộc đời này, nhưng Chúa đã thay đổi để ông không còn quá sợ hãi về cái chết nữa.
Qua đời sống cha đã dạy tôi nhiều điều, khích lệ tôi tìm kiếm Chúa khi đối diện với những ẩn số của cuộc đời, tin vào tấm lòng Chúa và đón nhận kế hoạch của Ngài dù cuộc đời có ném vào tôi điều gì đi nữa.
“Ngài để người ta cỡi trên đầu chúng tôi, chúng tôi phải băng qua lửa, qua nước. Nhưng Ngài đã đem chúng tôi đến chỗ thịnh vượng”. (Thi Thiên 66:12)
Nhìn lại, có nhiều kỷ niệm vẫn làm lòng tôi nhói đau, và một trong số những kỷ niệm ấy là những kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ muốn nhớ đến.
Tổn thương, thất vọng và tan vỡ trong quá khứ sẽ không thật sự tan biến.
Nhưng, như cha từng nói, trong Chúa chúng tôi được sống, vậy nên chúng tôi đầu phục chính mình cho Chúa Jêsus Christ.
Ngày nay, “Đấng Christ là trung tâm của gia đình này” không còn là một câu nói vô nghĩa hay để đánh lừa người khác nữa
Tôi tin rằng với mỗi bước chúng tôi tiến về phía Chúa, gánh nặng của những kỷ niệm đó sẽ dần được trút bỏ từng chút, từng chút một.
Sự sáng của Ngài an ủi và chữa lành chúng tôi; tình yêu của Ngài sống trong chúng tôi và sẽ dạy chúng tôi biết yêu thương.
Tôi trông đợi ngày chúng tôi được lên thiên đàng và đoàn tụ với mẹ; khi đó chúng tôi có thể đến với nhau, chuyện trò về ân điển và lòng thương xót của Chúa cuối cùng đã đưa chúng tôi đến chỗ thịnh vượng, là chỗ không còn nước mắt, đớn đau.
Bài viết này được xuất bản lần đầu trên YMI và đã được cho phép tái bản. Bài viết gốc được viết bằng tiếng Trung Giản Thể.
NGHĨ + NÓI
- Làm thế nào để giải quyết xung đột trong gia đình bạn?
- Khuôn mẫu Kinh Thánh nào cho gia đình bạn giao tiếp và giải quyết những bất đồng?
- Theo những gì tác giả đã chia sẻ, một điều bạn có thể làm khác đi trong gia đình để khiến Chúa vui lòng là gì?
- Tuần này, hãy thực hiện một bước thiết thực để mang văn hóa của Chúa vào văn hóa gia đình bạn.
Bài: JESSIE NG; dịch: Ruth
(Nguồn: thirst.sg)