Oneway.vn – Chúng ta thích nghĩ rằng mình là Bạch Tuyết. Nhưng rất có khả năng chúng ta đang là hoàng hậu độc ác.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây về các truyện cổ tích được yêu thích nhất thế giới, Jonathan Pageau đã bình luận về Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn cùng đồ vật thần kỳ thu hút sự chú ý của hoàng hậu: chiếc gương thần.
Hoàng hậu nói: “Gương kia ngự ở trên tường”, và luôn mong được nghe rằng mình là người đẹp nhất vương quốc, chỉ là một ngày bà phát hiện có kẻ đe dọa vị thế đẹp nhất của bà. Lòng ghen tị nổi lên đã khiến bà tìm giết Bạch Tuyết.
Trong hàng ngàn năm, con người đã tưởng tượng ra một đồ vật đầy thu hút dấy lên lòng kiêu hãnh của một người. Trong truyện Bạch Tuyết, chiếc gương phục vụ cho hai mục đích: (1) tâng bốc hoàng hậu bằng cách khẳng định vẻ đẹp của bà và (2) giúp bà theo dõi động thái của mọi người, để bà có thể duy trì quyền kiểm soát vương quốc. Tâng bốc và giám sát.
Tác phẩm kinh điển của Disney năm 1937 cho thấy chiếc gương được gắn trên tường. Nhưng các phiên bản khác của truyện với hình ảnh chiếc gương cầm tay.
Ngày nay, tưởng tượng đã trở thành thực tế. Tôi có một chiếc gương thần trong túi. Và bạn cũng vậy.
Điện thoại của bạn được thiết kế để hàng ngày, hàng giờ nói cho bạn biết rằng bạn là trung tâm của vũ trụ. Nếu điện thoại là thế giới của bạn, nếu mọi cài đặt, ứng dụng đều phù hợp với bạn và sở thích của bạn, thì bạn đang sống trong một thế giới xoay quanh mình.
Không gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy khó đặt điện thoại sang một bên. Vì không có thứ gì khác có thể khiến chúng ta trở thành trung tâm. Không thứ gì khác khiến chúng ta cảm thấy kiểm soát hơn, giống Chúa hơn, hiểu biết hơn, kết nối hơn giống như điện thoại.
Điện thoại giống như một chiếc gương nhỏ, một sự cám dỗ để trở nên kiêu căng. Sức mạnh của nó giống như sức mạnh của hồ nước đã bắt lấy Narcissus, người mê đắm hình ảnh phản chiếu khuôn mặt mình cho đến khi nó tiêu diệt anh.
Andy Crouch nói: “Mối nguy sâu xa hơn của màn hình điện thoại, đó là sự tâng bốc. Màn hình điện thoại, ngày càng chú ý đến chúng ta. Chúng đảm bảo rằng có ai đó, hoặc ít nhất điều gì đó quan tâm bạn”.
Sự rủa sả dành cho việc tâng bốc này là tự giam hãm, tự nhốt mình trong chiếc hộp nhỏ nhất của tâm trí. Như hoàng hậu, nếu liên tục soi gương và hy vọng nhìn thấy vẻ đẹp của mình, chúng ta sẽ đánh mất khả năng “tự bỏ mình đi”. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chính mình và giá trị thực sự. `
Chúng ta không thể tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trừ khi nó làm nền cho một bức ảnh tự sướng. Chúng ta không thể vùi mình vào một quyển sách kích thích tư duy vì điện thoại luôn ở đó, vẫy gọi chúng ta bằng sự phân tâm và tâng bốc. Chúng ta không thể cùng nhau suy nghĩ và giãi bày tâm tư qua thư từ hoặc trò chuyện vì lòng chúng ta đã héo hon và tâm trí chúng ta hết chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác trên màn hình điện thoại.
Điện thoại không chỉ tâng bốc khi chúng ta xây dựng danh tính trên mạng; nó còn như chiếc gương thần trong truyện Bạch Tuyết, giúp chúng ta liên tục giám sát các mối quan hệ xã hội, các vương quốc bé nhỏ của chúng ta, nơi mà tất cả đều tìm cách duy trì vị thế tối cao của mình.
Dù đó là số lượt thích và bình luận trên Instagram, mức độ lan truyền của một video giải trí trên TikTok, cú “ratioed” của ai đó trên Twitter hay lượng người theo dõi và “tương tác” trên Facebook – tất cả chúng ta đều đang tham gia vào một trải nghiệm xã hội khổng lồ, biến tất cả chúng ta thành ngôi sao trong buổi diễn của chính mình, một Buổi Diễn Của Truman thực sự ngoại trừ việc chúng ta im lặng và tận hưởng sự chú ý.
Sự phù phiếm của hoàng hậu trong truyện Bạch Tuyết không chỉ dừng lại ở sự tự luyến; nó đã chạm ngưỡng ghen tị và giận dữ. Bởi, suy cho cùng, gương thần không chỉ nói cho bạn biết bạn xinh đẹp và yêu kiều dường nào—mà nó còn cho bạn biết những người khác xinh đẹp và yêu kiều hơn ra sao.
Khi lướt qua bài đăng của bạn bè và gia đình, những người dường như luôn có cuộc sống tốt đẹp nhất; khi thấy bạn bè có sự nghiệp thăng tiến theo cách mà bạn chưa có; khi các đồng nghiệp dường như giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, năng động hơn, hạnh phúc hơn; bạn nhận ra rằng bạn không phải là người tuyệt nhất. Gương thần tâng bốc bạn, sau đó đánh gục bạn.
Và, cũng như hoàng hậu, chúng ta cũng chuẩn bị cho lòng ghen tị hủy hoại tâm hồn và cảm giác đố kị sôi sục lên để đáp trả lại việc bị hạ bệ cùng sự chán nản – đôi khi chúng ta rơi vào tình trạng ngã lòng, và thường sẽ bùng phát ra những lời cay nghiệt. Hoàng hậu không thể khen ngợi vẻ đẹp của người khác; bà ta phải hạ người đó xuống.
Có lẽ đây là lý do tại sao giới truyền thông mạng xã hội là một cái nồi của những tệ nạn đội lốt đạo đức, dành quá nhiều năng lượng để dìm người khác xuống. Chúng ta ngày càng đánh mất khả năng khen ngợi những điều tốt đẹp mà chúng ta thấy nơi người khác, vì vẻ đẹp đã bị biến thành một công cụ cạnh tranh.
Chúng ta đã dành nhiều thì giờ để nhìn chăm vào những chiếc gương thần – đã quen với việc liên tục được tâng bốc và giám sát cẩn thận – tội phù phiếm chí tử này làm suy yếu tâm linh và hao mòn tâm hồn chúng ta.
Ngày càng có nhiều nhà xã hội học, nhà tâm lý học, mục sư và nhà thần học nhận ra mối nguy của mạng xã hội và ảnh hưởng của điện thoại, đặc biệt là với thanh thiếu niên.
Song chúng ta hãy cố gắng mở rộng mối quan tâm của mình xa hơn những thách thức về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên để thấy rằng đa số mọi người ngày nay, dù ở độ tuổi nào, đều kết nối quá chặt chẽ với “chiếc gương thần” của họ. Chúng ta bị trói buộc nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Gương thần kể cho chúng ta nghe những câu chuyện bịa đặt và làm lu mờ dần hình ảnh mà Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.
Chúng ta thích nghĩ rằng mình là Bạch Tuyết. Nhưng rất có khả năng chúng ta là hoàng hậu độc ác ấy.
Vậy giải pháp là gì? Hãy “nhìn ra cửa sổ”, chứ không phải nhìn vào gương. Các thói quen của tâm trí và tấm lòng sẽ hướng cái nhìn của chúng ta qua khung cửa sổ để thấy vinh quang của một điều gì đó khác hơn bản thân chúng ta, cũng như nhìn thấu các cám dỗ từ “chiếc gương thần”.
Sức sống tâm linh liên quan đến việc từ bỏ cái tôi và hướng về Chúa, mỗi ngày hãy nhắc nhớ rằng chúng ta được dựng nên để nhận biết và yêu kính Chúa, rằng chúng ta được dựng nên để được Chúa biết đến và yêu thương, và rằng Chúa (chứ không phải chúng ta) là trung tâm của mọi sự.
Hãy nhìn qua khung cửa sổ của Chúa và Lời Ngài cho đến khi chúng ta thấy vẻ đẹp sáng tạo và cứu chuộc của Ngài. Chỉ nơi đó chúng ta mới tìm thấy sự thỏa lòng lâu dài. Chỉ nơi đó, chúng ta mới thấy câu chuyện của mình có vị trí thế nào trong bản sử thi mà Ngài đang tạo nên.
Thế giới có nhiều thứ thần kỳ hơn chiếc gương của bạn. Thế giới ngoài cửa sổ của chúng ta rất hấp dẫn, chỉ cần chúng ta hướng mắt nhìn xem.
Bài: Trevin Wax; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply