Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 07/01: Khi Đối Diện Với Cái Chết

    Không có sự khó khăn, mất mát nào lớn cho bằng cái chết của một người thân yêu. Dễ lắm khi đối diện với điều này, nhiều người trong chúng ta cảm thấy ray rứt, hối hận, cay đắng và oán trách. Cũng có khi chúng ta trách Chúa vì tại sao Ngài không chữa lành người thân yêu của mình. Nhưng Chúa luôn có bài học để dạy chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

    “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” (Rô-ma 12:15)

    Tôi bước vào phòng nha một cách vui vẻ như mọi lần. Và đúng như tôi mong đợi, đó là trong khi cô nha tá đang làm các bước vệ sinh răng miệng cho tôi thì vị nha sĩ bắt đầu trò chuyện và hỏi tôi tại sao mỗi lần đến đây cứ luôn thấy tôi vui vẻ, tươi cười. Tôi đã tới lui phòng nha này được vài tháng và có vẻ như nha sĩ cùng với nhân viên của ông lấy làm lạ vì tôi không giống như những bệnh nhân khác mà ông thường điều trị.

    Vị nha sĩ cũng nói với người phụ giúp mình là thường hay thấy tôi lẩm nhẩm, ngân nga cái gì đó trong lúc ông làm việc. Thực ra là tôi cầu nguyện, đôi lúc tôi để tâm suy ngẫm một số câu Kinh Thánh hoặc hát Thánh ca với mục đích là để lái sự tập trung mình sang hướng khác thay vì những dụng cụ y khoa đang ở trong miệng.

    Thế là vị nha sĩ hỏi: “Trông em lúc nào cũng có tâm trạng tốt. Làm thế nào mà em luôn lạc quan được vậy?”

    Nghĩ đây là cơ hội để làm chứng nên tôi trả lời ngay, “Dạ, đối với em không ngày nào là xấu cả bởi vì mỗi ngày đều là món quà mà Chúa ban tặng cho em. Với em mỗi ngày được sống đều là phép lạ. Khoảng hai năm trước, em tưởng như đã chết vì bị tai biến mạch máu não. Nhờ ơn Chúa, em đã sống sau ca phẫu thuật não, trí nhớ của em đã được phục hồi và thực sự phải nói rằng việc em được chữa lành hoàn toàn là một phép màu!”

    Ngay khi tôi kết thúc câu nói của mình, chị nha tá thốt lên một lời khiến tôi như đứng hình. “Mẹ của chị lại không được như vậy”.

    Những lời rất chân thật của chị làm lòng tôi nặng trĩu và khiến không gian trở nên tĩnh lặng.

    Chắc chắn, tôi không thể bắt chị chung vui với câu chuyện của tôi, nhưng tôi cảm nhận là Chúa muốn tôi phải làm gì đó để bày tỏ sự đồng cảm với người phụ nữ đáng thương này.

    “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” (Rô-ma 12:15)

    Tôi thầm nguyện trong đầu, “Chúa tôi, con phải nói gì với chị ấy bây giờ?” Hít một hơi thật sâu, tôi quay mặt lại nhìn vào mắt của chị và hỏi, “Chị có thể kể rõ hơn chuyện gì đã xảy ra được không?”

    Tôi lắng lòng lại ít phút, lắng nghe câu chuyện của chị. Chị kể một cách trôi chảy, mạch lạc về những khoảnh khắc cuối đời của mẹ mình. Bà mất vì bị tai biến mạch máu não. Chị nha tá kể lại một cách bình tĩnh rằng hôm đó, bạn của mẹ chị có mặt trong lúc bà bị tai biến. Nhưng vì hoảng sợ, bối rối, người phụ nữ kia đã đứng ngây người ra, không có bất kỳ phản ứng nào. Và vì sự chậm trễ trong việc gọi cấp cứu nên mẹ của chị đã không qua khỏi. Và sự việc ấy đã diễn ra được bảy năm rồi. Chị đã mãi mãi mất đi người thân yêu nhất của mình.

    “Em rất lấy làm tiếc vì chuyện đã xảy ra cho chị” – tôi an ủi. Và rồi, tôi hỏi không biết chị có mở lòng, tha thứ cho bạn của mẹ mình hay không.

    Sau một chút ngập ngừng, chị nha tá nói “Chị đã giận bà ta nhiều năm vì bà đã lãng phí những phút giây quý giá để gọi cấp cứu và có thể mạng sống của mẹ chị đã được cứu. Nhưng giờ thì chị không còn trách bà ấy nữa. Mà phải nói thật lòng là khi tha thứ thì chị cũng cảm thấy nhẹ lòng, bình an và thanh thản”.

    Phải, Lời Chúa đã nói rõ:
    “Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con” (Ma-thi-ơ 6:14).

    Đó không phải là lần duy nhất tôi nghe ai đó chia sẻ về việc mất đi người thân yêu của mình. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy lạ lùng. Nó cho tôi thấy quyền tể trị rất đỗi lớn lao của Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh, mọi cuộc đời. Càng nghe nhiều câu chuyện, tôi càng nhận biết ân điển diệu kỳ mà Chúa dành cho tôi.

    Dù rõ ràng tôi không có câu trả lời tại sao những người kia lại ở trong hoàn cảnh như vậy, tại sao Chúa không chữa lành tất cả, nhưng giờ đây tôi lại có thêm những bài học cho mình, có thêm lời để khích lệ những ai đang sống với sự cay đắng về quyền năng của sự tha thứ, là phương thuốc chữa lành tấm lòng.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ gì để đối diện với cảnh chia ly, mất mát. Đôi khi chúng con cay đắng, buồn giận và trách Chúa tại sao Ngài không cứu giúp, không chữa lành người thân yêu của chúng con. Nhưng xin giúp chúng con luôn tin cậy vào quyền tể trị tuyệt đối và sự khôn ngoan vô hạn của Ngài. Xin biến đổi tấm lòng cay đắng của chúng con để chúng con có thể nhận được sự bình an và niềm vui về mỗi ngày mới Ngài ban cho. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

    Bạn thân mến, có điều gì bạn cảm thấy cay đắng, buồn giận và thậm chí oán trách Chúa hay không? Ngay giờ này đây, bạn hãy mở lòng và xin Chúa tha thứ, phục hồi chính mình. Và nếu bạn đang cay đắng với ai đó, phương cách duy nhất để bạn được bình an, nhẹ nhàng là hãy tha thứ cho họ.

    Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *