Một trong những điều Đức Chúa Trời gớm ghiếc

Oneway.vn – Không ai muốn bị lừa dối, nhưng chúng ta lại nhiều lần nói dối. Chúa chúng ta, Đức Chúa Trời của lẽ thật gớm ghiếc sự gian dối.

Chúa ghét nói dối. Châm Ngôn chương 6 liệt kê 7 điều Chúa gớm ghiếc, và 2 trong số đó liên quan đến không thành thật: “Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, Và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ huyết vô tội, lòng toan những mưu ác, chân vội vàng chạy đến sự dữ, kẻ làm chứng gian và nói điều dối, cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em” (Proverbs/Châm ngôn 6:16-19).

Chúa Jesus phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (John/Giăng 14:6). Trong khi đó, satan (ma quỷ) là “cha sự nói dối” (John/Giăng 8:44). Do đó, khi gian dối, chúng ta không phải con của Lẽ Thật mà như con của ma quỷ.

Bạn có đang nói dối không? Hồ sơ lý lịch của bạn có trung thực? Bạn có báo cáo khác những gì đã làm? Đó là tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời. Chúa không nói rằng khi nói dối, bạn không thể thờ phượng Ngài. Nếu thật vậy, không ai có thể thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng nói dối sẽ cản trở mối tương giao của bạn với Chúa. “Tôi không bao giờ nói dối” là một lời nói dối. Tất cả chúng ta đều từng nói dối nhiều cách, nhiều hình thức.

Chúng ta rất dễ nói dối khi “ngồi lê đôi mách”, “buôn dưa lê”. Nhiều lời “chém gió” có sức ảnh hưởng mạnh mẽ: làm hôn nhân tan vỡ, hủy hoại sự nghiệp, lật đổ chính phủ, phá hoại danh tiếng. Nghi ngờ nảy sinh sẽ kéo theo nhiều điều tiêu cực. Một nửa sự thật không phải sự thật. Nhiều người ngụy trang sự dối trá bằng một chút thông tin có vẻ đáng tin. Sau đó, họ thêm vào nhiều điều sai trật. Để hợp lý hóa tin đồn, họ thường nói: “Tôi không tin, nhưng nghe nói rằng…” hoặc “Tôi không định nói, nhưng không nói không được”. Đôi khi, có những lời nói dối với “phiên bản” thuộc linh như “Tôi chỉ nói với bạn điều này để cầu nguyện cho…”. Châm ngôn 20:19 chép: “Kẻ ngồi lê đôi mách hay tiết lộ bí mật, Vậy chớ giao du với kẻ hở môi” (NVB). Khi có người tiết lộ thông tin về ai đó, hãy hỏi họ: Nguồn tin từ đâu? Họ đã gặp trực tiếp để biết quan điểm của người đó chưa? Tôi có thể nói lại cho người đó điều sắp nghe không? Nếu câu trả lời là không, đừng nghe gì cả.

Một cách nói dối khác là nịnh hót, tâng bốc. Nịnh hót là nói dối cách công khai. Người nịnh hót đã biến nói dối thành hình thức nghệ thuật. Nịnh hót, tâng bốc không phải lời nói ân hậu (Colossians/Cô-lô-se 4:6). Đó là một hình thức nói dối: dùng lời nói không đúng sự thật, không thật lòng để đạt mục đích riêng.

Phóng đại (nói quá) cũng là nói dối. Mỗi câu chuyện được “thêm mắm dặm muối”, trở nên kịch tính, thu hút người nghe hơn. Người kể trở thành người hùng trong câu chuyện, cho thấy họ khôn ngoan thế nào, đúng đắn ra sao. Kéo căng sự thật lên một chút là nói dối.

Im lặng đôi khi cũng là nói dối. Khi nghe điều gì về người khác, chúng ta biết không đúng sự thật nhưng vẫn giữ im lặng, không có bất cứ động thái nào, đó là một dạng nói dối. Một người bạn bị vùi dập vì lời bịa đặt, và chúng ta biết sự thật nhưng không nói ra, đó là sự vu khống bằng cách im lặng. Đó là đồng lõa qua sự thụ động.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự chân thật vô cùng xa xỉ. Con người khao khát thành công, lợi ích, vật chất đến mức sẵn sàng trộm cắp, gian dối, làm hại người khác. Có tội lỗi giấu kín nào khiến bạn mặc cảm? Có sai lầm nào bạn ray rứt khôn nguôi? Chúa sẵn sàng tha thứ cho bạn. Hãy thưa với Chúa: “Chúa ơi, con biết con đã làm sai và con xin lỗi vì… Xin Chúa tha thứ cho con. Con tin Chúa Jesus đã trả giá cho tội lỗi của con, giờ đây con muốn đặt đức tin nơi Ngài. Trong Danh Chúa Jesus, Amen!”.

Nguyện Chúa soi sáng, dẫn dắt và gìn giữ bạn trong từng ý tưởng, lời nói.

NCMV dịch

(Nguồn: faithwire.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *