Chân Dung Người Phục Vụ Số 1539: Mục Sư Đoàn Văn Miêng (Phần 3)

    PTV: Dạ Uyên – BTV: Kim Sang


    Mục Sư Đoàn Văn Miêng

    Khi vừa được bình phục, Mục sư Đoàn Văn Miêng xin cấp trên cho trở lại chức vụ. Bấy giờ Hội Thánh Sóc Sãi, tức Hàm Long ngày nay đã bị bỏ trống tám tháng, không ai đến được. Ông bàn với ông Đoàn Văn Liễu về việc ông sẽ đi Sóc Sãi. Ông Liễu hưởng ứng ngay và nói một cách quả quyết: “Tôi sẽ lấy ghe đưa ông bà và gia đình lên đó”. Với lòng tin mạnh mẽ, ông không hề đề cập đến những rủi ro và nguy hiểm mà mình có thể gặp. Mục sư cảm thấy bình an lắm. Trước khi gia đình ông lên Sóc Sãi, ông đã nhờ ông Đoàn Văn Liễu đưa ông lên đó trước. Ông gặp Ban Trị sự Hội Thánh, ai nấy rất hoan nghênh vì đã quen biết nhau lâu rồi. Trở về, ông cầu nguyện và chuẩn bị. Vào một ngày của tháng 1 năm 1948, lúc một giờ sáng, gia đình ông xuống chiếc ghe mà ông Đoàn Văn Liễu thường dùng đánh cá để đi Sóc Sãi. Ông Liễu chèo lái, người cháu chèo mũi. Thật là mạo hiểm! Nếu tàu tuần của Pháp bắt gặp, họ có thể bắn ngay, cho là bộ đội Việt Minh di chuyển vì đã có lệnh cấm thuyền bè lưu thông trên sông Hàm Long từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng. Ghe phải đi sát vào bờ, núp dưới những tàng cây rậm. Cảm tạ Chúa, vừa rạng đông, gia đình Ông đến nơi bình an. Khi ghe vào rạch nhỏ, đồng bào đổ ra hỏi dồn dập: “Ghe ở đâu tản cư đến đây? Chỗ nào bị động đó?” Khi biết ông là Mục sư Tin Lành từ Bến Tre đến, ai nấy an lòng. Hội Thánh tiếp đón ông một cách ân cần, niềm nở. Ông đến trình diện với chính quyền huyện Sóc Sãi và được chấp thuận, vì Hội Thánh đã xin phép trước. Vả lại, một số tín đồ đã và đang tham gia đắc lực với kháng chiến. Bấy giờ, Hội Thánh bắt đầu họp lại trong nhà của một tín đồ. Có nhiều anh chị em xin chịu báp tem, nhiều thanh niên nam nữ xin cưới gả. Số người đến thờ phượng Chúa mỗi lúc một đông hơn, kẻ ngồi người đứng, kẻ trong người ngoài, song ai nấy rất thoả lòng, không ngớt cảm tạ ơn Chúa. Ban Trị sự Hội Thánh quyết định tìm mua ba căn nhà cũ: một làm nhà thờ, một làm tư thất, và một dành cho các lớp Trường Chúa Nhật trên khoảnh đất của một tín đồ. Trong vòng một tháng, mọi sự xong xuôi, nào là mua nhà, đắp nền, rồi tháo gỡ nhà đã mua ra đem về dựng lại, đóng mặt tiền bằng gỗ cho ra vẻ nhà thờ, quét nước vôi cho sạch sẽ và sáng sủa. Mọi người làm việc một cách vui vẻ và hăng say, quên cả mệt nhọc. Họ nói với ông: “Ông Mục sư không cần làm gì, chỉ có mặt của ông ở đây với chúng tôi là đủ”. Nhìn qua các nhà, bàn ghế và các vật dụng cần thiết đều chưa có. Ban Trị sự nhờ ông vào đồn Pháp thăm nhà thờ tại chợ Sóc Sãi để biết những gì còn mất bao nhiêu, sau gần mười tháng bị bỏ hoang. Nhà thờ ở gần đồn Pháp, mà đồn Pháp bị bao vây, bị cô lập hoàn toàn nên đồn khoá cổng chắc chắn, canh phòng nghiêm nhặt, hễ thấy bóng một người nào là bắn ngay. Vì vậy, vào đồn Pháp lúc này là một điều rất nguy hiểm.
    Sau khi đọc sách Xa-cha-ri 4:6-7, ông cầu nguyện, nghiên cứu, rồi quyết định ra đi. Cho người liên hệ với du kích quân, xin họ đừng bắn phá khi ông vào đồn. Ông mặc bộ y phục trắng, đội nón trắng, ông Nguyễn Văn Mão chèo ghe cũng mặc như vậy. Từ đằng xa, lính canh đã thấy Ông. Nhiều người trong đồn, cả nam lẫn nữ đổ ra xem như một sự lạ vì sáu tháng qua, chưa hề có ai vào đồn. May mắn là ông Mão trước đó đã ở giữ nhà thờ được hai tháng, rồi bị lính trong đồn đuổi về, bây giờ họ thấy mặt ông biết là quen nên an lòng. Ông trưởng đồn người Pháp chất vấn ông nhiều điểm. Cuối cùng ông ta hỏi ông: “Ông từ Bến Tre đến đây, vậy ông có biết đại tá của chúng tôi tên là gì không?” Rất tiếc, ông không đem giấy phép đi đường của đại tá theo mà cũng quên mất tên của ông ấy. Nhưng vì thường gặp viên đại úy trưởng phòng nhì, nên ông đã nói đúng tên của viên đại úy ấy. Viên trưởng đồn tiếp: “Nếu không có ông già này (chỉ ông Mão), tôi giữ ông lại đây, vì ông ở Bến Tre mà không biết tên đại tá của tôi”. Về sau, ông này rất tử tế với ông, có lẽ nhờ cấp trên của ông ta nói lại. Ông đến nhà thờ, thật là thê thảm: nhà thờ chỉ còn là một mái ngói, vách ván bốn phía không còn, bàn ghế, tủ giường mất hết, thậm chí nền gạch một phần đã bị gỡ ra và đem đi. Ông Mão vừa đi vừa khóc mếu máo. Sau chuyến đi ấy, sáu tháng sau ông Mão qua đời. Ông đau đớn xót xa vì mất một người quý mến. Ông Mão ở Hàm Long, cũng như ông Liễu ở Bến Tre là hai thánh đồ của Chúa. Đời sống của họ đã khích lệ ông rất nhiều.
    Đến tháng năm, mùa mưa bắt đầu, ông bị cảm lạnh, rồi qua sốt rét nặng, cả ngày không uống được chút nước mà cứ mửa ra đến mật. Trong vùng giải phóng không có bác sĩ, thuốc men không đủ, tưởng sẽ không qua khỏi, song cảm tạ Chúa đã cứu ông. Ngài dùng anh em trong Hội Thánh nâng đỡ Ông mọi mặt, nên chẳng bao lâu ông được lành. Sau đó, ông đến thành phố Bến Tre, dẫn theo hai tín hữu mắc bệnh. Ông vào phòng mạch của một bác sĩ tư và được vị bác sĩ tận tâm giúp đỡ. Vị bác sĩ nói: “Tôi biết trong vùng giải phóng khí hậu ẩm thấp, nóng bức nên đa số đồng bào bị bịnh sốt rét, nếu để lâu trở thành kinh niên, biến chứng thì rất nguy cho tính mạng. Tôi đề nghị ông mua thuốc về chích cho họ để kịp thời cứu chữa, vì từ vùng giải phóng ra thành phố rất khó khăn”. Ông phải ngạc nhiên trước lòng tốt của một bác sĩ, nhưng ông từ chối, vì không biết chích cũng không biết thuốc. Vị Bác sĩ vội vàng lấy giấy, viết chỉ dẫn ông cách chích và ghi tên các thuốc chữa bệnh sốt rét cho ông. Nhờ đó, Mục sư Đoàn Văn Miêng đã giúp đỡ gia đình và đồng bào xung quanh một thời gian. Đầu tháng tám, một cuộc bố ráp lớn của quân đội Pháp diễn ra, khiến cho nhà thờ tràn ngập người tị nạn. Riêng Hội Thánh có hai thanh niên đã lập gia đình bị thiệt mạng, sáu người khác bị bắt giữ tại Bến Tre. Hội Thánh đã khóc rất nhiều, xin Chúa an ủi hai tang quyến. Sau đó, ông phải xuống Bến Tre, can thiệp bên cạnh Phòng Nhì của Pháp, để xin trả tự do cho các tín đồ. Cảm tạ Chúa, ông đã sống hơn bốn năm ở Bến Tre và Sóc Sãi, quen biết nhà cầm quyền, nên họ đưa ông vào trại giam, hễ ông chỉ ai là tín đồ, thì họ cho ra ngay. Chỉ các tín đồ xong, Ông chỉ thêm một người ở gần nhà thờ và nói với viên trung úy Pháp: “Anh này không phải là tín đồ, song tôi biết anh ta là một thường dân”. Viên trung úy đáp: “Ông chỉ nên lo cho tín đồ mà thôi”.
    Tháng 10 năm 1948, Hội Thánh được phép tháo gỡ nhà thờ từ chợ Sóc Sãi đem về chỗ mới, cách chợ hai cây số. Số con cái Chúa họp lại mỗi sáng Chúa Nhật càng đông hơn nên Hội Thánh phải xây thêm một gian phía sau để có đủ chỗ. Thế là nhà thờ phân nửa lợp lá, phân nửa lợp ngói. Dù nhà thờ không được khang trang, thiếu tiện nghi, vật chất, song đối với hoàn cảnh chiến tranh, thì đó là một nơi tốt đẹp nhất cho con cái Chúa, vì chỉ có tại đó, họ tìm được an ủi. Đến lễ Giáng sinh, Hội Thánh tổ chức một cách trọng thể, tiếp theo là lễ Phục sinh cũng vậy. Thật là một cảnh tưng bừng, náo nhiệt, ai nấy hồ hởi, phấn khởi. Hội Thánh tiến bộ là chọc tức ma quỉ. Nên tháng 5 năm 1949, một bọn cướp mang dao găm, lựu đạn, súng trường, xông vào tư thất trong ban đêm, cướp đoạt tiền của. Sau khi đã vơ vét hết, chúng cũng chưa vừa lòng, nên tra khảo mọi người trong nhà: bà thân ông bị đâm bằng dao găm vào bàn toạ, cô tín đồ con nuôi của ông bị đá và đạp vào vách rất nặng, Bà bị đánh bầm mình suýt chết. Ông bị dí dao găm vào cổ làm rách da, dọa sẽ đâm họng, rồi bị đập một bá súng vào mặt, máu chảy ra ướt áo, bầm cả hai mí mắt, lại bị đánh vào ngực và lưng phải khạc ra máu hai tuần sau mới hết. Con trai ông 15 tuổi cũng bị đánh, buộc phải chỉ chỗ giấu vàng bạc. Sở dĩ bọn cướp tra khảo ông, vì họ biết nhiều tín đồ đã mang vàng bạc gởi nhờ ông giữ, bởi không nhà nào giữ được vàng bạc trong lúc loạn lạc. Hơn tháng sau, một bọn cướp khác cũng làm như vậy, nhưng không vơ vét được bao nhiêu, vì còn chi mà vơ vét! Chúng liền bắt ông, trói lại, hạch hỏi dữ tợn. Không kết quả, chúng bịt mắt ông lại, dẫn ra đồng để bắn. Ông nghĩ, nếu họ giết ông, không ai làm gì giữa thời loạn lạc. Nên ông thầm nguyện như Ê-tiên: “Lạy Chúa Giê-Xu, xin tiếp lấy linh hồn con”. Ông đứng yên để chờ chết, chờ mãi không nghe gì, Ông đoán là họ đã đi nên lần mò về nhà.
    Sau lần bị cướp này, mỗi tối ông phải đến nhà tín đồ để ngủ hơn một tuần như vậy. Địa Hạt đề nghị Ông đem gia đình về thành phố Bến Tre mướn nhà ở, mỗi sáng Chúa nhật đến Sóc Sãi giảng cho Hội Thánh. Ông cầu nguyện rất nhiều và tự hỏi hai câu: (1) Mỗi tuần làm việc bảy ngày mà chưa thấy kết quả thoả lòng, phương chi mỗi tuần chỉ làm việc một ngày thì sao? (2) Nếu đem gia đình mình đến một nơi an toàn để sống, còn các gia đình tín đồ thì sao? Ông thấy không thể hành động một cách ích kỷ như vậy được nên quyết định sống hoặc chết giữa anh em ông, chớ không nỡ nào bỏ họ. Sau ba lần bị cướp, lần chót nhẹ, ông còn bị một nỗi đau đớn khủng khiếp hơn. Ngày nọ, ông lên Sài gòn tìm mua một chiếc đàn phong cầm cho Hội Thánh. Ông đi hôm trước, thì hôm sau có tin con trai ông 15 tuổi bị thổ tả nặng. Cảm thấy xót xa vô cùng, song ông cố nén lòng để chờ xong việc. Lên xe về, Ông chuẩn bị tinh thần, có lẽ con ông đã chết. Khi xe còn ở bên này cầu đò Mỹ Tho – Rạch Miễu, một nữ tín hữu tại Sóc Sãi từ cầu đò đi lên, thấy ông đang ngồi trên xe, chạy ngay lại nói: “Ông ơi, em Lực đã về với Chúa”. Ông lịm đi, không nói được một lời, trước mặt ông trời đất đều tối tăm và quay cuồng. Ông lảo đảo như người say. Sau vài phút, Ông lấy lại bình tĩnh, mượn lời của Gióp thưa với Chúa: “Dẫu Chúa giết con, con cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15). Cảm tạ Chúa, con ông không vĩnh biệt Ông. Nó không thể trở lại với ông, song ông sẽ đến với nó một ngày gần đây.
    Hội Thánh đã mua nửa mẫu vườn, dành một phần cho việc xây nhà thờ, tư thất và Trường Chúa Nhật. Trường Chúa Nhật cũng là phòng họp của thanh thiếu niên. Thấy đất còn rộng, ông xin Hội Thánh xây thêm phòng cho nhi đồng. Ai nấy tập tành phục vụ Chúa để tự gây dựng và gây dựng nhau như hướng dẫn giờ thờ phượng, chia sẻ Lời Chúa, thuật lại ơn phước, hát ngợi khen, dâng tiền, cầu nguyện, chứng đạo. Trường Chúa Nhật tổ chức 12 lớp, với 18 giáo viên chính thức và dự khuyết. Số học viên được ghi tên vào sổ gần 200, bao gồm từ em bé 6 tuổi đến ông già 70. Sau khi giải tán giờ thờ phượng mỗi sáng Chúa Nhật, Ban Giáo Viên và Ban Trị sự Trường Chúa Nhật ở lại ăn chung nhau tại tư thất, rồi nghiên cứu bài học để ai nấy có đủ thì giờ suy gẫm trọn một tuần trước khi dạy lại cho học viên. Con cái Chúa hăng say đến nhà thờ học Lời Ngài. Khi cổng của đồn bót chắn ngang lộ chưa mở, tín đồ đã chực sẵn tại đó để đến kịp giờ cầu nguyện và Trường Chúa Nhật. Một ông tín đồ đã nói: “Sáng Chúa Nhật, gia đình tôi không ai chịu giữ nhà, nên tôi phải sắp đặt luân phiên, vì ai nấy muốn được đi nhà thờ”. Phải chăng việc đó đã đem đến kết quả là nhiều thanh niên nam nữ đi học Trường Kinh Thánh, mà còn có nhiều người phục vụ Chúa cách đặc biệt như Phạm Văn A, Phạm Văn Đơ, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn văn Xoàn, Nguyễn văn Thưởng?
    Sau hơn bốn năm, ông nghĩ là đã đến lúc phải dời nhà thờ ra đường cái để tránh nước ngập, đồng thời có phương tiện truyền giảng cho đồng bào, cũng thuận lợi cho cả quận Sóc Sãi họp lại. Hội Thánh đã tìm được khoảng đất gần hai mẫu của tín đồ bỏ hoang vì chiến tranh, nằm trên ngã ba đường đi lên chợ Sóc Sãi, xuống Bến Tre, qua Thành Triệu, với một giá vừa phải. Hội Thánh đã lạc quyên đủ tiền mua đất. Thanh niên, thiếu niên, tráng niên, lão thành đều nổ lực đào đất, đắp nền nhà thờ và tư thất, làm luôn cả buổi tối cho đến 9 giờ. Phụ nữ lo nấu ăn. Công việc tiến hành một cách rất mau lẹ. Biểu quyết nhà thờ cố định tại nơi này, nên Ban Trị sự đã mua một nhà cũ lợp ngói, song cột kèo còn chắc chắn đem về xây tư thất, đồng thời dự định nhà thờ sẽ xây rộng lớn hơn, vững chãi hơn. Suốt năm năm, lúc nào Hội Thánh cũng quyên tiền xây cất, mở rộng, sửa chữa, mua vườn đất, đóng bàn ghế, mở hội nhánh v.v…Khi chiến tranh xảy ra ngay trong xứ, nền tài chánh của Hội Thánh bị sụp đổ, nên Hội Truyền giáo có chương trình phụ cấp hàng tháng cho các Mục sư, Truyền đạo Chủ toạ. Giữa năm 1949, Ông chịu cảm động bởi Lời Chúa, mời Ban Tri Sự Hội Thánh họp lại và trình bày đại ý như sau: “Tôi đến đây phục vụ Chúa với Hội Thánh, là muốn sống chết với Hội Thánh. Con cái Chúa ở bên Mỹ đã dâng tiền nuôi Mục sư của họ, còn dâng tiền gởi Giáo sĩ đem Tin Lành cho chúng ta. Đáng lẽ chúng ta phải dâng tiền nuôi Giáo sĩ, nhưng vì hoàn cảnh, chúng ta không làm được điều đó thì chúng ta phải lo cho Mục sư của mình. Tôi không thoả lòng phục vụ Chúa với Hội Thánh Việt Nam mà ăn lương của Hội Thánh Mỹ, mặc dù chỉ một phần nhỏ. Vậy, kể từ nay tôi không nhận phụ cấp của Hội Truyền giáo nữa. Hội Thánh dâng đủ, tôi sống đủ, Hội Thánh dâng thiếu, tôi sống thiếu; tôi không đòi hỏi cũng không từ chối. Tôi muốn làm như Phi-e-rơ là bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa (Ma-thi-ơ 14:23-33). Cảm tạ Chúa, Ngài không để tôi thiếu thốn, nên đã dùng nhiều người đứng lên dâng hiến và tôi được đầy đủ mọi nhu cầu thiết yếu.
    Thời gian 5 năm và 5 tháng tại Sóc Sãi, con lớn ông bị thất học, đã 19 tuổi, học lớp bảy tại Bến Tre, phải bỏ học trở về, vì không có tiền trả phạn phí. Vả lại, Hội Thánh Sóc Sãi đã bước sang giai đoạn tương đối dễ dàng hơn trước, nên ông xin cấp trên thuyên chuyển nơi khác, mong có trường để con học, vì chúng đã lớn.
    Hơn năm năm hầu việc Chúa với Hội Thánh Sóc Sãi, nhiều kỷ niệm cùng sự cưu mang cho con cái Chúa tại đây. Nhưng vì được Hội Thánh Long Xuyên mời nên cuối tháng 6 năm 1953 gia đình Mục sư Đoàn Văn Miêng từ giã Hội Thánh Sóc Sãi để đến phục vụ Chúa với Hội Thánh Long Xuyên. Khi ra đi với nhiều nước mắt, như sự yêu thương bị chia cắt. Thế nhưng, gia đình vẫn đi với sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ra đi với đức tin đây là chương trình tốt đẹp của Ngài, bởi ý muốn Chúa. Về việc truyền giảng, Long Xuyên là một cánh cửa đang mở rộng.
    Nhân cơ hội này, ông mở cửa nhà thờ giảng mỗi đêm. Có vài binh sĩ vào phá phách, làm ồn, mất trật tự. Anh em nản lòng, xin ông đừng giảng nữa. Ông nghĩ đến các Giáo sĩ đi giảng cho những dân tộc bán khai hay dã man trong rừng sâu không pháp luật nào bảo vệ mình, họ có thể bị bắt bớ, bị giết chết, song họ cứ giảng cho đến khi có người được cứu. Còn ông, ở trong thành phố, có pháp luật bảo vệ thì tại sao lại nản lòng? Ông cứ nhẫn nại giảng luôn. Sau đó, nhờ cấp trên cảnh cáo, nên các binh sĩ không còn phá phách làm ồn nữa mà vào nghe rất chăm chỉ. Trước khi đoàn quân này di chuyển đi nơi khác, đã có hai người đến xin cầu nguyện tin Chúa, đúng như Kinh Thánh dạy (II Tim. 4:2-5; Thi 126:5-6).
    Hội Thánh Long Xuyên đối với gia đình ông rất trọng hậu về mọi phương diện. Ông Khúc Văn Sến là Đông y sĩ đã chữa bịnh bao tử cho ông năm 1953. Sức khoẻ của gia đình ông đều được anh em nhà thuốc Hiệp Thiên và Phước Thọ chăm sóc. Tại Long Xuyên ông được bồi dưỡng nhiều cho công tác mới. Hội Thánh Núi Sập thật đáng thương, người đã ít lại nghèo nàn, song ai nấy cố gắng hiệp nhau xây nhà thờ và tư thất với đầy đủ tiện nghi để tiếp đón ông đến phục vụ Chúa. Ngó nhà thờ và tư thất tưởng tín đồ khá giả, nhưng khi đến nhà họ mới biết không phải như mình tưởng, họ rất nghèo. Tiền bạc của họ rất eo hẹp nhưng lòng họ lại rất rộng rãi. Mỗi lần vào thãm Hội Thánh Núi Sập, ông được tiếp đãi nồng hậu hơn điều ông ao ước, hơn điều ông xứng đáng được hưởng. Có lần vợ chồng ông đi Núi Sập bằng đò máy, dọc đường bị bộ đội Hoà Hảo xét hỏi. Khi biết là ông, họ giữ ông lại, bảo đò cứ đi; nhưng ông chủ đò nhất định không đi, yêu cầu bộ đội cho ông cùng đi. Ông biết, nếu ông bị giữ lại, sẽ bị giết ngay đêm đó. Sau hơn một tiếng đồng hồ, bộ đội cho ông đi. Cảm tạ Chúa, về sau Hội Thánh Núi Sập xin tự lập và xin mời ông. Hội Thánh Mỹ Luông còn đáng thương hơn, vì chưa có nhà thờ và tư thất chi cả. Thêm vào đó, tín đồ ít ỏi, yếu đuối cả thể xác lẫn tâm linh. Ban đầu, chỉ có vài ông bà họp lại trong phòng ngủ của một tín đồ. Sau một thời gian, số người họp lại đông hơn, nên có người đã dâng một căn phố cũ và được sửa sang lại làm nhà thờ. Về sau Hội Thánh này được tự lập và có Chủ toạ riêng. Ôn lại mười sáu năm phục vụ Chúa với các Hội Thánh Trà Ôn, Giá Rai, Lộc Thuận, Bình Đại, Mỹ Tho, Tân Thạch, Bến Tre, Sóc Sãi và Long Xuyên, ông hết lòng ca ngợi ân điển dư dật, vô hạn của Chúa đối với ông. Ông không đáng được như đã được, vì ông yếu đuối, ngu dại, thiếu thốn mọi bề, khả năng không tương xứng với công tác Chúa giao. Quyền năng của Chúa đã hành động trong ông và qua ông để gây dựng Hội Thánh của Ngài, song lúc nào ông cũng thấy mình có nhiều lỗi lầm, thiếu sót. Ông phải luôn luôn thưa với Chúa rằng: “Con không ra chi, không có chi. Mọi điều con có là Chúa cho, mọi điều con làm là Chúa làm. Con là người như thế nào là chỉ nhờ ân điển của Ngài. Con không có một cớ nào dù rất nhỏ để khoe khoang, song có biết bao cớ rất lớn để tự kiểm, tự trách, tự hạ nơi chân Ngài và xin Ngài giữ con luôn tại đây.”
    Ông cũng hết lòng biết ơn các Hội Thánh đã hiệp tác, chia sẻ gánh nặng với ông, đã an ủi, khích lệ ông trong những cơn đau yếu nặng nề. Ông còn sống đây, còn được phục vụ Chúa thế này là nhờ các Hội Thánh đã dự phần gây dựng đời sống và chức vụ của ông trong Chúa. Ông có những người bạn rất quý. Ông đã thấy những tín đồ sống cuộc đời tin kính Chúa mà thèm khát được như họ. Họ không phải là ông, song họ giúp cho ông thành công. Khi ông từ giã nơi nào thì rất ước ao trở lại thăm viếng anh em nơi đó. Chúa đã thương xót cho ông được toại nguyện. Nơi nào anh em cũng dành cho ông cảm tình thân mật. Tháng 7 năm 1956, gia đình ông đến Trường Kinh Thánh Đà Nẵng theo lời mời của Mục sư Đốc Học, được Địa Hạt và Tổng Liên Hội chấp thuận. Con đường từ Long Xuyên đến Sài gòn không có gì đáng nói, và từ Sài gòn đến Nha Trang cũng dễ dàng vì có xe lửa, nhưng vất vả nhất là từ Nha Trang đến Đà Nẵng. Gia đình ông mười một người, nên Mục sư Đốc Học cho xây thêm một chái bên cạnh để gia đình ông được thoải mái. Ông luôn vui vẻ trong mọi việc, vì chỉ nhằm một mục đích là phục vụ Chúa. Ông đã đến trường ba lần với tư cách là học sinh, lần này ông trở lại với cương vị là giáo sư làm cho ông nửa mừng nửa sợ. Mừng vì có môi trường thuận tiện để phục vụ Chúa và học hỏi thêm, sợ vì không có đủ ân tứ và khả năng tương xứng với công tác mới. Vốn liếng hiểu biết của ông quá ít, không thấm vào đâu để đầu tư vào công trường thuộc linh quá to này. Vì vậy, ngoài việc học tập, nghiên cứu để chia sẻ, ông hoà mình với học sinh trong những giờ cầu nguyện sáng sớm. Nhờ đó, ông được tiến bộ và giúp người khác tiến bộ. Từ mười chín năm trước, ông đã học được câu này: “Đừng xin Chúa cho mình một công việc vừa sức, mà phải xin Chúa cho mình sức vừa với công việc. Nếu xin một công việc vừa sức thì công việc nhỏ quá vì sức đâu có bao nhiêu, song xin sức vừa với công việc thì công việc có lớn đến đâu, Chúa cho sức đến đó”. Thật Chúa đã làm cho ông như vậy.
    Bốn tháng hè năm 1957, ông được nhà trường cử về các Hội Thánh ở miền Nam để thăm viếng, giảng dạy và cổ động học sinh. Cảm tạ Chúa, nơi nào ông cũng được Hội Thánh tiếp đón ân cần, tử tế. Hè năm 1958, ông được các bạn đồng lao mời đến thăm các Hội Thánh thuộc tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ông rất sung sướng được dự phần gây dựng Hội Thánh của Chúa. Một lần nọ, ông đến Trường An giảng cho Hội Thánh vào sáng Chúa Nhật, sau đó xuống sông cử hành lễ báp têm cho một số tín hữu. Mùa hè, trời nắng gắt, nước sông lạnh, sau khi giảng ông bị mệt, mồ hôi ra nhiều, lúc xuống sông đứng lâu, ông bị cảm nặng. Chiều hôm đó, Mục sư Chủ Toạ qua trước bên kia sông chuẩn bị cho buổi truyền giảng tối. Trưa và chiều, ông bị mệt không ăn được, lại phải qua sông, rồi đi xe đạp đến địa điểm truyền giảng. Sau khi giảng xong, ông toát mồ hôi và lạnh cả người, chỉ uống được chút sữa, rồi đi nằm. Đêm đó cứ tưởng ông có thể về với Chúa, nhưng nhờ Mục sư Chủ Toạ cho ông một viên thuốc cảm mạnh, uống xong, ông ngủ được, nên khỏi bịnh.Trung tuần tháng 9 năm ấy, tức là sau khi khai giảng khoá học, bịnh trĩ của ông từ mấy năm trước, bây giờ tái phát. Những mụn trĩ sưng lên, ra máu và mủ làm cho ông đi, đứng, nằm, ngồi đều bất tiện. Trọn một tuần lễ, ông bị đau nhức ngày đêm, ăn uống, nghỉ ngơi rất ít, nên sức khoẻ ngày càng suy kém. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng làm việc vì là những ngày đầu khoá. Ông có xin học sinh cầu nguyện Chúa giải cứu ông bằng một phép lạ, nếu không, ông phải vào Nam, nhờ lương y điều trị. Đang khi bị đau đớn, ông phải chích thuốc trụ sinh cho đỡ để chờ cơ hội vào Nam. Toàn thể học sinh được Chúa cảm động tự ý quyên tiền giúp ông bồi dưỡng và thiết tha cầu nguyện cho ông, đến nỗi có người đã kiêng ăn cầu nguyện. Ngoài ra, họ còn gởi thư về gia đình và Hội Thánh, xin cầu nguyện cho ông. Cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đấng có thể làm dư dật, vượt quá mọi sự chúng ta cầu xin và suy tưởng. Đúng mười ngày sau, bịnh ông bắt đầu thuyên giảm, qua mười lăm ngày thì lành hẳn. Mùa Hè năm 1959, ông được dịp ra thăm các Hội Thánh tỉnh Thừa Thiên, nhất là được tham dự Chiến dịch Tin Lành tại Quảng Trị. Không được kết quả như các tỉnh khác, công cuộc truyền giảng tại tỉnh Quảng Trị đã có kết quả một cách khiêm nhường. Tuy nhiên lòng kiên nhẫn đã được thưởng. Về sau, ngoài Hội Thánh Huế đã có từ trước, dần có thêm các Hội Thánh thành lập ở hai tỉnh này như Phú Bài, Sịa, Long Quang, An Thơ, Gio Linh và ngay tại thành phố Quảng Trị. Trong bốn khoá tại Trường Kinh Thánh, ông chỉ dạy theo những bài đã có, vì ông không đủ khả năng soạn những bài mới. Ông cũng không giải thích nổi ý nghĩa cao sâu của Kinh Thánh, song nhờ quyền năng của Thánh Linh làm cho ý nghĩa được rõ ràng và tươi mới. Sức mạnh của ông là sự hiện diện của Chúa trong mỗi giờ học. Ông luôn xin Chúa phán dạy trực tiếp với mỗi linh hồn, qua môi miệng và đời sống của ông. Sự ao ước thiết tha của ông là muốn nói như PhaoLô đã nói với Hội Thánh Phi-líp: “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em” (Phi-líp 4:9). Ông rất sung sướng được phục vụ Chúa bốn khoá tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Ông tiến bộ về nhiều phương diện, nên ước ao cứ được tiếp tục phục vụ Chúa lâu dài tại đây. Song ý tưởng của Chúa chẳng phải là ý tưởng của ông, đường lối của ông chẳng phải là đường lối của Chúa.
    Tháng 2 năm 1960, ông đi dự Hội đồng Địa Hạt Trung Phần họp tại Tam Kỳ. Đến giờ bầu cử Chủ nhiệm, có vài Mục sư đã tự ý rút lui. Sau một hồi lâu thảo luận mà không kết quả, Hội đồng mời cụ Mục sư Hội trưởng lên chủ toạ cuộc bầu cử Chủ nhiệm trong những người còn lại. Quang cảnh buồn bã, không khí ngột ngạt, vẻ lo âu hiện rõ trên mặt của mỗi người. Chưa có lần nào trong đời, ông bàng hoàng sợ hãi về phương diện thuộc linh như lần này, tức là sợ mình đi sai ý Chúa. Trước đó, ông chẳng bao giờ nghĩ đến việc ra ứng cử Chủ nhiệm. Bấy giờ, ông tự hỏi: “Nếu Hội đồng bầu mình làm Chủ nhiệm thì sao?” Cụ không biết hậu quả sẽ đến đâu. Vậy thì, ông có nên rút lui khỏi phòng họp hay không? Chúa liền nhắc lại cho ông một câu mà chính ông đã từng nói ra trong những tình huống tương tự. “Trong khi quốc gia hữu sự, không một công dân nào được phép chối từ nhiệm vụ đã dành cho mình. Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong giai đoạn này cũng vậy, không một tín đồ nào được phép chối từ bất luận một công tác nào Chúa dành cho”. Trong những năm phục vụ Chúa tại Trường Kinh Thánh, ông cũng đã lập lại câu đó với học sinh. Bây giờ ông mới thấy rằng ông đã vô tình tạo một sợi dây xích quá chắc để rồi tự trói mình bằng chính sợi dây xích đó. Và ông đã ngồi yên như một kẻ bị trói! Kết quả, Hội đồng đã bầu ông làm Chủ nhiệm và ông bất khả kháng. Ông bước lên toà giảng một cách nặng nề uể oải, không dám nhìn cụ Đốc Học, nét buồn hiện rõ trên gương mặt. Sau khi Hội đồng bế mạc, ông ở lại họp Ban Trị sự Địa Hạt hai ngày rồi trở về Đà Nẵng. Mang một tâm trạng buồn, ông bước vô cổng trường, thấy mọi vật đìu hiu, từ giáo sư cho đến học sinh chẳng hề có ai hoan nghinh ông đắc cử Chủ nhiệm, thậm chí gia đình ông cũng vậy. Sau khi đắc cử Chủ nhiệm vào tháng 2 năm 1960, ông tiếp tục phục vụ Chúa tại Trường Kinh Thánh cho đến mãn khoá vào cuối tháng 4 năm 1960. Mỗi Chúa Nhật, ông dùng xe máy đi thăm các Hội Thánh. Khi Trường Kinh Thánh mãn khoá, gia đình ông dọn ra trụ sở Địa Hạt. Dù ban đầu rất ngại ngùng vì chưa quen, nhưng sau một thời gian, ông cảm thấy thích và hăng say bởi được tương giao nhiều với tín hữu và các Mục sư, Truyền đạo. Phần thưởng của người phục vụ Chúa là cứ được phục vụ Chúa bất luận ở đâu và lúc nào, mặc dù sự khó khăn ở đâu và lúc nào cũng có. Trong thời gian này, ông được đi thăm các Hội Thánh suốt dọc con đường dài, từ Quảng Trị đến Phan Thiết, nhất là các Hội Thánh ở xa như Quế Sơn, Khánh Bình, Phúc Bình, Quế Phương, Phước Ngọc, Phước Lãnh, Phước Sơn, Trà Thung .v.v… Nhân đó ông biết sự đi lại của Mục sư, Truyền đạo và tín hữu, cùng cảm thông sự nghèo thiếu của anh em mình mà thêm phần cầu thay cho họ.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *