Chân Dung Người Phục Vụ Số 1540: Mục Sư Đoàn Văn Miêng (Phần 4)

    PTV: Dạ Uyên – BTV: Kim Sang


    Mục Sư Đoàn Văn Miêng

    Ông từ Đà Nẵng vào Vĩnh Long dự Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ 28 họp tại nhà thờ Vĩnh Long từ 14-17/8/1960 với tư cách Thủ quỹ Tổng Liên Hội kiêm Chủ nhiệm Trung Hạt. Sau hai ngày bồi linh là 14 và 15, thì đến hai ngày thảo luận và bầu cử là 16 và 17. Nhưng Hội đồng lần này có thay đổi thứ tự là bầu cử trước và thảo luận sau. Ông đắc cử Hội trưởng là việc ngẫu nhiên, vì Mục sư Lê Văn Thái đương kim Hội trưởng nhất định không ra tái ứng cử. Ông thưa với Chúa như tiên tri Giê-rê-mi: “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va, này con chẳng biết nói chi vì con là con trẻ”. Ông thật lúng túng ngờ nghệch khi phải đứng lên hướng dẫn cuộc bầu cử Thư ký và các Nghị viên Tổng Liên Hội. Khó khăn hơn nữa là ông phải chủ toạ giờ thảo luận của Hội đồng. Ông chưa nắm vững các đề nghị, chưa chuẩn bị gì cả cho việc đó. Vả lại, ông chưa từng chủ toạ giờ thảo luận của Hội đồng Địa Hạt mà bây giờ lại phải chủ toạ giờ thảo luận của Hội đồng Tổng Liên Hội, là một việc quá sức của ông. Ông chới với như một người bị ném giữa dòng sông. Nếu ai để ý nhìn sẽ thấy ông là người vừa buồn cười, vừa thương hại. Thật lúc đó Chúa đã thêm sức cho ông vừa với công việc Ngài đã giao. Ngoài ra cũng nhờ các đại biểu cảm thông ông nên Hội đồng đã bế mạc một cách vui vẻ. Khi trở về Đà Nẵng, các con ông rất vui mừng, song sự vui mừng hơn hết của chúng là nhận định tinh thần chí công vô tư của Hội Thánh. Một người con đã nói: “Chỉ trong Hội Thánh Tin Lành, ba mới đắc cử Hội trưởng. Nếu trong các tổ chức khác, ba phải có thế lực, vây cánh của anh em, thân thích”. Ông liền nhớ lại lời của Sau-lơ trình bày với Sa-mu-ên: “Tôi chỉ là một người Bên-gia-min, là một chi phái nhỏ hơn hết trong Y-sơ-ra-ên, nhà tôi lại là hẹn mọn hơn hết các nhà của chi phái Bên-gia-min” (I Sa-mu-ên 9:21). Câu đó rất đúng đối với ông. Bà con ruột thịt của ông trong Hội Thánh chưa đủ đếm hết trên mười đầu ngón tay, nên ông đắc cử Chủ nhiệm Trung Hạt và Hội trưởng Tổng Liên Hội là một việc kỳ diệu. Điều đó nói lên Hội Thánh Tin Lành là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, và Ngài đã đặt tay trên ông một cách mạnh mẽ, xức dầu lên ông một cách mới mẻ, để ông phục vụ Ngài. Ông rất vững lòng tin cậy Chúa và hăng say theo Ngài.
    Mục sư bàn giao chức vụ Chủ nhiệm lại cho Mục sư Phó Chủ nhiệm rồi vào Sài Gòn, tạm trú trong một phòng của cơ sở An Đông. Ông đã lấy Lời Chúa phán với Na-tha-na-ên và với Ma-thê mà áp dụng cho mình: Ngươi sẽ thấy việc lớn hơn việc đó…Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng, nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (Giăng 1:50; 11:40). Đây là cơ hội áp dụng thưa với Chúa: “Xin cho con thấy việc lớn hơn việc này nữa. Xin cho con thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như La-xa-rơ sống lại”.
    Vào đầu tháng 10 năm 1960, ông đi thăm các Hội Thánh trong hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá suốt mười ngày. Mọi sự bình an, vui vẻ, nên ông quên cả mệt nhọc. Một sáng sớm từ Long Xuyên về Sài gòn, ông cảm thấy bị nhuốm lạnh. Ngay sau đó, cơn sốt nổi lên, đầu đau, miệng đắng, trong người khó chịu; nhưng đã về đến nhà bình an. Lúc còn khoẻ, mỗi ngày ông ra ngoài ăn cơm quán, tối về ngủ. Lần này, ông không dám ra khỏi phòng, vì lạnh và chóng mặt, phải nhờ người giữ nhà bên cạnh mua cháo ăn đỡ. May mắn đúng lúc có ông Phan Văn Triết, thư ký của Hội Thánh Long Xuyên, cũng là Đông y sĩ nhân dịp đến Sàigòn ghé qua thăm ông. Sau khi xem mạch, ông Triết cho toa và dặn ông uống nhiều lắm là ba thang thì khỏi bịnh. Ông nhờ một tín hữu đến tiệm người Hoa hốt thuốc. Cô ta đi khá lâu mới về, nói: “Tôi đến hai tiệm thuốc đầu, không ai chịu hốt thuốc theo toa này, vì uống vào sẽ chết. Đến tiệm thứ ba, chủ tiệm vùng vằng một hồi mới chịu hốt”. Ông nhờ cô sắc thuốc, cũng hơi ngại về lời của các chủ tiệm thuốc đã nói vì họ là Đông y sĩ. Vả lại, ban đêm ở trong phòng một mình, nếu bị thuốc phản ứng, không ai giúp đỡ thì nguy. Dù vậy, sau khi cầu nguyện, ông cứ uống thuốc rồi đi nằm. Vì ba đêm trước ít ngủ nên đêm đó ông ngủ vùi một giấc cho đến gần sáng. Khi nghe tiếng động cơ của các loại xe bên ngoài, ông không mở mắt nổi, không cựa quậy được, vì suốt đêm nằm một chiều nên tay chân tê cứng. Ông nửa tỉnh nửa mê, không nhớ mình đang ở đâu, còn sống hay chết. Trong vài phút chi đó, ông cố gắng để nhận biết, lần lần tai nghe rõ hơn, biết mình còn thở, ông mở mắt ra và bắt đầu cựa quậy. Bấy giờ mới biết chắc mình còn sống. Cảm tạ Chúa. Cuối năm 1960, Ban Trị sự Tổng Liên Hội họp lại biểu quyết tổ chức lễ Ngũ Thập Chu Niên, kỷ niệm ngày Tin Lành đến Việt Nam (1911-1961) cùng lúc với Hội đồng Tổng Liên Hội tại nhà thờ Sài gòn vào tháng 6 năm 1961. Lại một công tác vượt quá khả năng của ông. Từ năm 1960, Ban Trị sự Tổng Liên Hội đã quyết định mua một căn nhà tại Sàigòn để làm văn phòng Tổng Liên Hội và tư thất Hội trưởng. Nhờ số tiền Tổng Liên Hội đã dành dụm nhiều năm, nên giấy tờ mua căn nhà tại số 30 Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn) được làm xong ngày 1 tháng 6 năm 1961, kịp thời với việc tổ chức lễ Ngũ Thập Chu Niên. Lễ Ngũ Thập Chu Niên, kỷ niệm 50 năm Tin Lành đến Việt Nam được tổ chức tại nhà thờ Sài gòn ngày 11 tháng 6 năm 1961. Tiếp theo đó là Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ 29. Mục đích của buổi lễ là trình bày bằng hình ảnh và lời lẽ về sự thành lập và phát triển của Hội Thánh qua từng giai đoạn, để cảm tạ, ca ngợi ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Đây là một việc quá to tát, không ai có đủ khả năng làm trọn, vì không ai có thể biết hết, nhớ hết, không ai có thể giải thích nổi công trình huyền nhiệm của Thánh Linh như gió muốn thổi đâu thì thổi, người nghe tiếng động, nhưng “chẳng biết gió đến từ đâu và cũng chẳng biết đi đâu” (Giăng 3:8). Dù vậy, có rất nhiều nhân chứng là các cụ Mục sư, Truyền đạo và tín hữu thuộc hàng niên trưởng đã tin Chúa từ năm Tin Lành mới đến Việt Nam. Ngoài ra còn có bằng chứng cụ thể qua hình ảnh các nhà thờ rải rác từ Cao Bằng đến Cà Mau, từ trung châu đến cao nguyên, cùng những cơ sở như Thần Học Viện, Cô Nhi Viện, Chẩn Y Viện, Bệnh viện Cùi, Nhà in và Nhà Xuất bản. Ông là một người rất tầm thường lại phải đảm đương một việc rất phi thường, năm mươi năm mới có một lần. Quá vụng về trong vấn đề tổ chức, lại không kinh nghiệm bao nhiêu, nên không những ông băn khoăn, mà mọi người cũng băng khoăn dùm ông. Song cảm tạ Chúa Giê-hô-va Di-Rê, Ngài đã dự bị mọi sự. Nhờ đó, ông nói được rằng khi Chúa sai chúng ta làm việc gì, đồng thời Ngài cũng thêm ân tứ và khả năng cho chúng ta để ai nấy có thể làm trọn việc đó. Diện tích của nhà thờ có hạn, Ban Tổ chức phải làm sao để có đủ chỗ cho số người bằng ba, bốn lần lúc bình thường hợp lại. Trong thành phố nhỏ hẹp, nhà cửa chật chội, Ban Tổ chức phải làm sao để có đủ chỗ cho trên dưới 3.000 người ngủ nghỉ? Thật là những việc gần như bất năng. Ngoài ra số chi phí lại cao nhất xưa nay, vì có những việc bất thường, song rất cần thiết. Hơn nữa, nếu có tiền mà không có người, cũng chẳng làm chi được. Phải có ban tiếp tân, trật tự, âm thanh, ánh sánh, trang trí, triển lãm, bích chương, biểu ngữ, báo chí, nhất là các ca đoàn. Để cho đồng bào các giới biết ý nghĩa hai chữ Tin Lành, và sinh hoạt của tôn giáo Tin Lành, Ban Tổ chức mượn phòng triển lãm của đô thành ở đường Tự Do để triển lãm sinh hoạt của Hội Thánh trong năm mươi năm qua. Điều cảm tạ Chúa hơn hết là mọi thành phần trong Hội Thánh đều tán đồng và hoan nghênh Lễ Ngũ Thập Chu Niên. Do đó, việc quyên tiền rất là dễ dàng và kết quả dư dật. Ngoài ra, có nhiều người đóng góp ý kiến, cung cấp tài liệu, giúp đỡ phương tiện. Hội Thánh vùng Đà Nẵng đã bao nguyên một toa xe lửa để vào Sài gòn. Ai nấy náo nức chờ đợi ngày đại lễ. Vì vậy, Ban Tổ chức được khích lệ lớn, hăng say phục vụ, quên cả nhọc nhằn, vì đây là một cơ hội hiếm có. Ngày đại lễ đã đến, các Mục sư hưu trí, các cụ tín đồ già nua, đầu tóc bạc phơ, chân mỏi gối chùn đã từ xa gần đi đến. Các Mục sư, Truyền đạo đương chức và tín hữu từ Bến Hải đến Cà Mau, từ cao nguyên đến trung châu nô nức đổ về dự lễ. Số người tham dự vào khoảng 4.000. Nhà thờ được trang trí một cách uy nghi, hùng vĩ và ý nghĩa. Cổng chào hình chữ A, bày tỏ Chúa là Alpha (đầu tiên). Bên trong có cây nho sai trái là kết quả đạo đức, có lưới nhiều cá là nhiều người được cứu, có mão triều thiên là phần thưởng trên trời. Từ tinh sương hàng ngàn tín hữu đã lần lượt vào nhà thờ. Bên ngoài, tín hữu đứng chật lề đường Đề Thám và Trần Hưng Đạo. Xe cộ ngừng chạy trên đường Đề Thám trong giờ hành lễ.
    Quan khách đến dự có Tổng trưởng Tài chánh, đại diện chính quyền, các dân biểu Quốc Hội, ngoại giao đoàn, đại diện các Hội Thánh bạn tại Việt Nam, đại diện các Hội Thánh bạn từ Mỹ, Pháp, Miến Điện, trong đó có hai đại diện của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp mà một là tiến sĩ Louis L. King. Một tuần trước, đài phát thanh quốc gia đã loan tin ngày đại lễ của Tin Lành. Sau buổi lễ, báo chí Việt ngữ và ngoại ngữ đã đăng tải hình và tin tức, cùng bản tường thuật buổi lễ, đã phát hành hàng vạn số trong toàn quốc. Buổi lễ đã diễn ra một cách trang nghiêm và trọng thể. Có các ca đoàn Mỹ, Hoa, Thượng, Việt tôn vinh Chúa Ba Ngôi qua những bài thánh ca đặc biệt. Đại ý của buổi lễ là cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời đã thương xót dân tộc Việt Nam mà trước đây 50 năm, Ngài đã kêu gọi một số Giáo sĩ Mỹ, Pháp, Anh, Gia-nã-đại và sai họ đến Việt Nam truyền giảng Tin Lành. Họ đã đến Việt Nam như Phao-lô đã đến Ma-xê-đoan. Chúa đã chuẩn bị lòng người Việt Nam như Ngài đã chuẩn bị lòng bà Ly-đi, nên ngay từ ban đầu, lúc họ đặt chân trên đất Việt Nam tại Đà Nẵng, đã có người sẵn sàng tiếp nhận Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Không những đến Việt Nam, còn có một số Giáo sĩ đã bỏ mình tại Việt Nam như bà Homera Homer Dixon, cụ J.D. Olsen, bà W.C. Cadman, cậu David Jeffrey.
    Phòng triển lãm về sinh hoạt của Hội Thánh mở cửa từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 6 năm 1961. Có đủ các giới và các sắc dân Anh, Ấn, Mỹ, Pháp, Hoa, Việt vào xem. Hàng ngàn sách báo được trao tận tay mỗi người, và hơn một trăm ngàn truyền đơn chứng đạo được phổ biến. Có 16.149 người vào phòng triển lãm, trong đó có 21 người quỳ gối tin nhận Chúa Giê-xu. Có người cho biết đây là lần đầu mình được nghe nói về Tin Lành.
    Kết quả của Lễ Ngũ Thập Chu Niên là do tài sản và công lao của con cái Chúa từ Bến Hải đến Cà Mau đóng góp vào. Tài sản đã là đáng kể, công lao của mỗi người còn đáng kể hơn, song không thể nào kể hết, chỉ Chúa mới biết hết và Ngài sẽ ban thưởng xứng đáng cho mỗi người. Đó là việc của Chúa đã làm trong mỗi người. Nguyện vinh hiển thuộc về Ngài cho đến đời đời! Lễ Ngũ Thập Chu Niên của Hội Thánh vừa xong, ông được mời đi dự Hội nghị Tin Lành Đông Nam Á do Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp tổ chức tại Zamboanga, Phi Luật Tân, từ 15 đến 20 tháng 7 năm 1961. Ông mệt nhoài vì toàn là những việc vượt quá khả năng và kinh nghiệm của ông. Đây là lần đầu tiên ông ra khỏi nước, mặc dù năm 1954 ông đã đi Kampuchia với tư cách Đoàn trưởng Thanh niên Nam Hạt, nhưng lúc đó chưa kể là xuất ngoại, vì bấy giờ Việt Nam và Kampuchia còn nằm chung trong khối Đông Dương. Cùng đi với ông có Chủ nhiệm Nam Hạt Mục sư Phan Văn Tranh và Nghị viên Nam Hạt ông Nguyễn Văn Vạn. Rất tiếc, Chủ nhiệm Trung Hạt Mục sư Y Hăm không lo kịp giấy tờ. Phía Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp tại Việt Nam có Hội trưởng Hội Truyền giáo Mangham, và Phó Hội trưởng P.E. Carlson. Đại biểu của mười hai Hội Thánh thuộc mười hai quốc gia có mặt là: Ai Lao, Ấn Độ, Nam Dương, Jordanie, Kampuchia, Cộng Hoà Ả Rập, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Thái Lan, Tân Ghi Nê và Việt Nam. Ông được mời giảng cho Hội nghị một bài với đề tài bắt buộc: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊXU, và một bài cho Hội Thánh Zamboanga vào sáng Chúa Nhật, qua sự thông dịch của Giáo sĩ P.E. Carlson.
    Ông được khích lệ nhiều qua báo cáo của các Hội Thánh tại Hồng Kông, Đài Loan, Nam Dương, Nhật Bản, Phi Luật Tân. Ngay khi đó, ông đã quyết định sẽ nỗ lực truyền giảng Tin Lành cho đồng bào Việt Nam, vì lúc nào cũng thấy mình chậm trễ quá. Trở về Manila, các đại biểu được đưa đi thăm đài phát thanh Tin Lành Viễn Đông. Ông cố học hỏi, lượm lặt, nên không dám nói là đã chia sẻ cho ai, mà là được chia sẻ rất nhiều. Bước đầu đi ra nước ngoài, giao thiệp với các Hội Thánh ở các quốc gia đã đem lại cho ông nhiều sự dạy dỗ rất quý báu. Vì Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là thành viên của Hội Thánh Tin Lành Thông công Thế giới, nên ông với tư cách là Hội trưởng, được mời dự Hội nghị tổ chức tại Hồng Kông từ ngày 24 tháng 1 đến 2 tháng 5 năm 1962. Có Giáo sĩ J.S. Sawin cùng đi với ông để hướng dẫn. Nói là Hội nghị Thế giới, song chỉ có đại biểu của Hội Thánh thuộc mười hai quốc gia gồm hai mươi bảy người đến dự. Đại biểu của các Hội Thánh thuộc các quốc gia khác không đến được vì thiếu tài chánh. Ông nhận thấy bất cứ Hội Thánh nào thuần tuý Tin Lành cũng đều nghèo, không lạ gì. Song Hội Thánh Việt Nam có đại biểu tham dự Hội nghị mới là lạ. Ngồi trong nhà thờ, ông tự hỏi: “Tôi là ai mà được ngồi đây?” Ông xúc động trước tình thương của Chúa. Ngài đã lập Hội Thánh Việt Nam, Ngài cho ông đại diện Hội Thánh Ngài. Ngài thúc đẩy nhiều người giúp chi phí để được đến đây. Ông sung sướng vô cùng vì được thuộc về Hội Thánh là đại gia đình của Chúa. Ông nhớ bài Tín điều các Sứ đồ: “Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của tín đồ…”, và quyết định: “Tôi yêu Chúa, tôi yêu Hội Thánh Ngài, tôi yêu đồng bào tôi và ước ao họ được cứu như tôi”.
    Điều ông cảm tạ Chúa hơn hết là các diễn giả đã căn cứ vào Kinh Thánh mà khích lệ mọi người thông công, hiệp tác với nhau trong việc giảng Tin Lành như: Giảng ở đâu? Giảng cách nào? Giảng cho ai? Không phải chỉ Mục sư, Truyền đạo mới giảng mà toàn thể tín hữu phải nói trong lòng: “Nếu tôi có bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu khả năng và ân tứ cũng sẵng sàng trút hết vào việc truyền giảng Tin Lành. Không có gì quý bằng Tin Lành, nên không có gì quan trọng bằng truyền giảng Tin Lành”.
    Tham dự Hội nghị, ông không có gì chia sẻ mà chỉ nhận lãnh. Ông nghĩ rằng đây là một lần đủ cả, không ai muốn mời ông dự Hội nghị nữa. Song lạ thay, lần Hội nghị kế tiếp, Ban Tổ chức vẫn còn mời ông tham dự, không phải vì cá nhân ông mà vì ông là đại diện cho Hội Thánh Việt Nam. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ra đi, ông chưa học được bao nhiêu khôn, song biết mình “dại hơn ai hết, dại hơn bao giờ hết, dại quá sức tưởng tượng”. Ông cứ tiếp tục học mãi mà vẫn chưa thấy khôn bằng ai. Dù vậy, ông hôm nay đã hơn ông hôm qua, và mong rằng ông ngày mai sẽ hơn ông ngày nay. Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ 30 họp tại nhà thờ Thần Học Viện Nha Trang từ ngày 15 đến 19 tháng 6 năm 1962, ông tái đắc cử Hội trưởng. Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ 31 họp tại nhà thờ Sài gòn từ ngày 9 đến 13 tháng 6 năm 1963 đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho các dân tộc miền cao nguyên và cho các lân bang như Lào, Kampuchia và Thái Lan qua Hội Thánh Việt kiều tại đó. Sau Hội đồng nói trên, Ban Trị sự Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp tại Nữu Ước mời ông tham dự Hội nghị Tin Lành toàn Phi Châu và thăm Hội Thánh Chúa tại Hoa Kỳ trong vòng hai tháng. Ông rời phi trường Tân Sơn Nhất ngày 7 tháng 1 năm 1964, được nhiều ông bà Giáo sĩ, Mục sư, Truyền đạo và giáo hữu tiễn đưa. Niềm ưu ái của Hội Thánh chung đã an ủi ông rất nhiều.
    Từ phi trường Madras, Ấn Độ đến thành phố rất xa, lại phải đến chỗ họp của Hội đồng Tin Lành Thông công Ấn Độ, nên vừa xuống xe, thì thấy Hội đồng đứng lên hát bài cuối cùng để giải tán. Ông chỉ kịp lên toà giảng có mấy lời chào mừng Hội đồng bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Hội đồng có khoảng 2.000 người tham dự mỗi tối, còn ban ngày thì ít hơn. Sáng hôm sau, ông đến một chỗ gọi là Red Hill cách Madras mười dặm Anh để dự Hội đồng các nhà lãnh đạo Hội Thánh. Có chừng bảy mươi đại biểu của hai mươi lăm giáo phái Tin Lành tại Ấn Độ họp lại, gồm có Giáo sĩ, Mục sư, Truyền đạo và giáo hữu có chức vụ lãnh đạo một cơ quan của Hội Thánh. Trước khi giải tán, ông có xin đứng lên trước Hội đồng làm chứng ơn phước Chúa cho ông tại đó, về nhu cầu của Hội Thánh Việt Nam, về chương trình thăm viếng của ông để xin Hội đồng cầu nguyện. Ông nói trong nước mắt tràn dâng và thấy ai nấy lắng nghe, có người gật đầu, có người lộ vẻ cảm động. Thật là một giờ phút khó quên.
    Đến phi trường Abidjan của Côte D’Ivoire, ông được các Giáo sĩ đón tiếp và đưa về thành phố. Kể từ đây, Cụ phải dùng tiếng Pháp để thuyết trình, giảng luận và chuyện trò. Có mười một nhà lãnh đạo Hội Thánh từ các nước Congo, Gabon, Haute Volta, Mali, Guiné và Côte D’Ivoire cùng với các Giáo sĩ cùng họp lại trong một tuần lễ. Khi nghe ông làm chứng về Hội Thánh tại Việt Nam, họ được khích lệ cảm tạ Chúa. Cụ cũng cùng đi với ông bà Hội trưởng Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp là tiến sĩ Nathan Bailey, Giáo sĩ George G. Klein và Giáo sĩ S.T. Burns bằng xe hơi, khứ hồi hơn 2.000 cây số để thăm mười địa điểm có Hội Thánh tại hai xứ Haute Volta và Mali. Tại một nơi có nhiều Mục sư, Truyền đạo và tín hữu họp lại, ông giảng và làm chứng về Hội Thánh Việt Nam, sau đó trả lời các câu hỏi của họ. Buổi họp kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ. Ai nấy lấy làm thích thú nghe về sự tiến bộ và các tổ chức của Hội Thánh Việt Nam. Sau một tháng làm việc, ông thấm mệt, cơ thể ông lại chịu nóng hơn chịu lạnh, nên từ Phi Châu quá nóng đến Âu Châu quá lạnh, vì nhằm mùa đông, ông bị cảm ngay khi xuống phi trường Paris. Ông được Giáo sĩ Daniel Bordreuil đón tiếp ân cần, nồng hậu hiếm có, đưa ông đến khách sạn, đến bác sĩ. Tại Paris, ông đã có dịp đến thăm nhà sách Les Bons Semeurs, do em của cụ Giáo sĩ Jean Funé làm quản lý, mà ông đã được quen biết qua thư tín từ năm 1938, thăm toà báo Décision, nhà thờ Tabernacle, trụ sở Sinh viên Việt Nam và trụ sở Sinh viên Tin Lành Việt Nam, thăm các nhân vật trong Hội Thánh, cũng thăm vài công trình kiến trúc của Pháp như điện Elysée, tháp Eiffel v.v…
    Chúa Nhật ngày 2 tháng 2 năm 1964, Mục sư Daniel Bordreuil đưa ông đến thăm Hội Thánh Pháp tại nhà thờ Tabernacle. Ông thay mặt Hội Thánh Việt Nam đứng lên chào thăm Hội Thánh Pháp. Sau giờ thờ phượng, Mục sư của Hội Thánh Pháp dẫn đứng lên đến thăm vài người bạn của ông. Mục sư giới thiệu ông với họ như vầy: “Đây, ông Hội trưởng của Hội Thánh Việt Nam, một Hội Thánh mà tín đồ không hề hút thuốc lá”. Họ đồng cười rộ, xem như một việc hiếm có. Trong cuộc trò chuyện, ông không đề cập đến thuốc lá, mà chỉ nói về ân điển của Chúa. Dù bị cảm lạnh, một tuần lễ tại Paris ông phải đi lại luôn nên bệnh chưa dứt. Xuống phi trường New York, ông đi không vững. Tại đó có Giáo sĩ Paul E. Carlson, bà Giáo sĩ T.G. Mangham, ông bà nguyên Giáo sĩ Van Hine, ông R.M. Chrisman đón tiếp ông cách vui vẻ, lo liệu cho ông mọi nhu cầu, đưa ông về khách sạn nghỉ ngơi. Hôm sau, Ban Trị sự Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp mở tiệc trọng thể khoản đãi ông tại nhà hàng Harvard Johnsons. Trước khi ăn, có bốn vị đại diện tỏ lời chào mừng, an ủi và khích lệ ông trong chức vụ. Kế đó, họ đưa cho ông chương trình thăm viếng trong vòng một tháng, có Giáo sĩ P.E. Carlson hướng dẫn và thông dịch. Ông ăn không được bao nhiêu mặc dù thức ăn nhiều và ngon. Tối hôm đó về phòng, ông không ngủ được vì quá mệt. Khi mở tờ chương trình ra đọc, ông cảm thấy mệt hơn, vì biết rằng không thể nào thực hiện nổi. Ông cố gắng quỳ xuống bên giường khóc với Chúa và nài xin Ngài giúp, đừng để ông làm cho ai vấp phạm. Ông bắt đầu thăm viếng Trường Thần Học Nyack, được gặp vài anh chị em Việt Nam và vài Giáo sĩ đã từng phục vụ Chúa tại Việt Nam nên rất được an ủi. Ông lần lượt thăm các Hội Thánh tại các thành phố thuộc nhiều tiểu bang. Cũng thăm Thần Học Viện Saint Paul, Thần Học Viện Simpson, vài trường trung học tiểu học văn hoá do tín đồ làm hiệu trưởng. Đi hoặc bằng phi cơ, hoặc bằng xe hơi, đến nơi nghỉ ngơi, ông lại làm chứng cho Hội Thánh hay cho cơ quan của Hội Thánh. Suốt hai mươi tám ngày, ông đã làm chứng hai mươi hai lần, không kể những lần nói chuyện với các phóng viên nhà báo, với các Mục sư và giáo hữu, với các học sinh trung tiểu học, trên đài truyền thanh, truyền hình. Nhớ khi vừa đến New York, Ban Trị sự Hội Truyền giáo thấy ông đã mệt nhiều trong những ngày ở Phi Châu, lại bị cảm lạnh tại Paris, nên ai nấy đều quả quyết ông không thể nào đủ sức thực hiện đầy đủ chương trình quá nặng mà họ đã ấn định. Ông R.M. Chrisman xin Giáo sĩ P.E. Carlson sẵn sàng giảng thay ông khi nào ông không giảng được. Ông nói: “Nếu ông Miêng không giảng được, thì sự có mặt của ông tại đó đủ khiến cho Hội Thánh vui rồi”. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng (Ê-phê-sô 3:20). Ông càng đi, càng làm chứng, thì càng khoẻ mạnh. Cuối cùng, ông đã thực hiện trọn chương trình đã ấn định, mà còn thêm những mục không có trong chương trình nữa. Vì phải qua thông dịch, nên những bài làm chứng của ông chỉ trên dưới hai mươi phút. Sau lời làm chứng là lời kêu gọi Hội Thánh Chúa tại Mỹ hết lòng cảm tạ Chúa, vì công khó của họ không phải là vô ích; kêu gọi mọi người thêm cầu nguyện, thêm dâng tiền, và thêm Giáo sĩ cho Việt Nam. Ông không hề thấy có người nào bỏ chỗ ra về trước giờ giải tán, ai nấy đều lắng nghe một cách chăm chỉ, và có người chịu cảm động đến rơi lệ. Nhiều lần, ông đang giảng hoặc làm chứng, nghe trong hội chúng hoặc nơi Mục sư Chủ toạ ngồi phía sau ông có tiếng Amen! Amen! Amen!
    Ông rất hân hạnh được gặp lại các Giáo sĩ đã từng hầu việc Chúa tại Việt Nam như ông bà Van Hine, cô A.B. Bailey, ông bà B.R. Henry, ông bà cụ I.R. Stebbins, ông bà cụ W.A. Pruett, ông bà J.S. Sawin, ông bà cụ H.H. Hazlett, bà cụ J.D. Olsen. Khi nghe ông nói tiếng Việt Nam, bà cụ Olsen khóc. Bà nói qua hàng nước mắt: “Mỗi khi nhận được thư từ Việt Nam, tôi khóc, tôi muốn trở lại Việt Nam”. Đối với ông, ông bà cụ P.E. Carlson là người quen thân nhất từ năm 1936. Ông bà đã cổ động học bổng cho ông luôn ba khoá, còn giúp tiền nuôi ba con ông ở tại nhà. Cụ rất thoả lòng về những ngày thăm viếng các Hội Thánh ở Ấn Độ, Phi Châu, Pháp, và Mỹ. Ông được hậu đãi như trên đã kể, nào phải vì cá nhân của ông đâu, mà vì ông là đại diện của Hội Thánh Việt Nam. Chúa đã ban cho ông đặc ân mà ông không đáng được, chỉ vì tình thương vô hạn vô lượng của Ngài. Ông cảm động mỗi khi hát thánh ca số 364: “Nầy, là bài mà đời đời lòng hoan ca mãi. Ôi sao Giê-xu yêu được kẻ khốn nạn này?”

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *