Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 12/05: Trong Sạch Trong Lời Nói

    Kinh Thánh: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.” (I Phi-e-rơ 2:22)


    Trong Sạch Trong Lời Nói

    Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: I Phi-e-rơ 2:20-24
    “Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời.  Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài;  Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình;  Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.”
    Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong I Phi-e-rơ 2:22
    “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.”
    Đời sống của Chúa Giê-xu thật không chỗ trách được. Ngay cả trong lời nói, Chúa cũng không hề phạm tội.
    Chính những môn đệ thân tín nhất của Ngài, những người cùng đi với Ngài, cùng chia sẻ mọi giây phút vui buồn, mọi tình huống trong đời sống của Ngài, đã chứng quyết điều này (Gia-cơ 3:2; I Phi-e- rơ 2:22; I Giăng 3:5).
    Mục đích của thư I Phi-e- rơ là khuyến khích con cái Chúa phải sống trung tín và vững vàng giữa một xã hội luôn tìm cách bức hại họ. Nêu lên gương của Chúa Giê-xu, Sứ đồ Phi-e- rơ dạy rằng: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa” (câu 23). Ông đưa ra hai lý do khiến Chúa có thể làm vậy. Thứ nhất, Chúa tin cậy và phó mình cho Đấng xử đoán công bình. Mặc dù là Đấng vô tội, Ngài không cần biện minh cho mình vì Đức Chúa Trời, là Đấng công bình hơn hết, sẽ xét xử cả thế giới này trong ngày cuối cùng. Thứ hai, Ngài bằng lòng chịu khổ để hoàn thành sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Kinh Thánh cho chúng ta biết, nhân những lằn đòn của Ngài, chúng ta được chữa lành, cả về thuộc thể lẫn thuộc linh.
    Chúa Giê-xu từng bị chính những người quen biết Ngài thời thơ ấu bày tỏ sự khinh khi, nói bóng nói gió (Mác 6:2-4). Khi thành công trong chức vụ, Ngài lại bị những người chung quanh chỉ trích rằng Ngài ham ăn mê uống, kết bạn với người xấu nết (Ma-thi-ơ 11:19). Những người trong giới tôn giáo lại đưa ra những lời độc ác, cho rằng Ngài nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ (Mác 3:22). Đến giai đoạn cuối của cuộc đời trên trần gian này, Ngài bị vu cáo bởi kẻ thù, bị cười chê và nhiếc móc bởi đám dân chỉ biết hùa theo số đông (Ma-thi-ơ 26:62-63; 27:39-44).
    Mỗi người trong chúng ta ít nhất một lần bị chỉ trích, vu oan, nói xấu. Phương tiện truyền thông ngày nay cũng góp phần không kém cho sự tấn công này. Chúng ta đã phản ứng ra sao? Chúng ta đã noi theo gương Chúa thế nào? Không ai bị chà đạp nhục nhã như Chúa Giê-xu. Cũng không ai hoàn hảo như Chúa Giê-xu. Trong khi đó, mỗi chúng ta đều có ít nhiều lầm lỗi, và sự tấn công bức hại mà chúng ta phải chịu không thể so được với Chúa. Vậy thì, chúng ta đã đáp lại thế nào? Lời nói của chúng ta có thánh khiết, đầy ơn như Chúa Giê-xu không?
    Bí quyết của Chúa Giê-xu là gì? Tấm lòng và tâm trí của Chúa Giê-xu là thánh khiết. Những điều “tuôn ra” từ Chúa Giê-xu không thể là những điều tội lỗi gian ác. Nếu Ngài có “lỡ lời,” những lời đó sẽ đầy ơn huệ và chân lý. Chúa Giê-xu dạy rằng: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, người dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra” (Lu-ca 6:45). Là một con cái của Chúa, trong trường hợp “lỡ lời,” bạn sẽ tuôn ra điều gì? Cha của chúng ta là trọn vẹn, chúng ta cũng phải trọn vẹn, đặc biệt là trong lời nói của mình.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *