Tại sao tôi không nói với người khác rằng mình là ‘Cơ Đốc nhân’

Oneway.vn – Hiện giờ tôi đang tham gia phục vụ Chúa trong một chuyến truyền giáo ngắn hạn. Ở đất nước xa lạ này, tôi đã chia sẻ lời chứng của mình, đã cầu nguyện cho mọi người, và thậm chí còn công bố Phúc Âm.

cross

Tuy nhiên, tôi không nói với bất cứ ai rằng mình là “Cơ Đốc nhân”.

Không, tôi không sợ bắt bớ và chắc chắn tôi không xấu hổ khi gọi bản thân mình là “Cơ Đốc nhân” . Tôi chỉ hạn chế sử dụng từ ngữ đó vì tôi nhận ra trong cộng đồng địa phương này từ “Cơ Đốc nhân” thường bị liên hệ với những định kiến tiêu cực.

 “Cơ Đốc nhân” – bạn nghĩ rằng nó có nghĩa là gì?

Trước khi xưng nhận Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi của mình, tôi xem tất cả “Cơ Đốc nhân” đều là “những kẻ đi nhà thờ và cầu nguyện với Chúa“. Vâng, tôi biết – đây là một định nghĩa rất thô sơ. Ngay khi bản thân mình đã trở thành “Cơ Đốc nhân”, tôi bắt đầu giải thích từ ngữ này một cách khác.

Ngày nay, định nghĩa của tôi về từ ngữ này phức tạp hơn nhiều.

Tuy nhiên, trong chuyến truyền giáo này, tôi nhanh chóng học được rằng cách giải thích của tôi, hoặc cách giải thích theo lối phương Tây cho từ ngữ này, rất khác với lối giải thích của cộng đồng địa phương.

Là người Hồi giáo, dân địa phương tin rằng “Cơ Đốc nhân” là những cá nhân:

– Uống rượu bia và ăn thịt lợn;

– Ăn mặc không phù hợp;

– Yếu đuối trong sự vâng phục Đức Chúa Trời.

Theo đó, trong cộng đồng này, từ “Cơ Đốc nhân” liên hệ với những định kiến tiêu cực, và việc sử dụng của từ ngữ này sẽ là trở ngại cho việc loan báo Tin Mừng.

“Trở thành dân địa phương để chinh phục dân địa phương”

Để loại bỏ định kiến tiêu cực và tạo ra cơ hội để chia sẻ Tin Mừng, các nhà truyền giáo địa phương không ngừng áp dụng, và suy ngẫm, 1 Cô-rinh-tô 9: 19-23.

Họ tha thiết khẩn nài tôi cũng làm như vậy.

Trong những câu Kinh Thánh này, Phao-lô cho chúng ta biết rằng ông trở thành người Do Thái để chinh phục người Do Thái. Ông hạ mình dưới quyền pháp luật để chinh phục những người sống theo pháp luật. Thậm chí ông còn trở nên yếu đuối để chinh phục những kẻ yếu đuối.

Và tất cả mọi việc này đều được thực hiện vì cớ Phúc Âm.

Trong hoàn cảnh hiện tại của tôi, “trở nên giống như người dân địa phương” bao gồm:

– Luôn luôn mặc quần dài bất kể trời nóng đến đâu chăng nữa;

– Hạn chế những thứ tôi ăn, và cách tôi ăn uống;

– Chắc chắn rằng những lời tôi nói ra có tính gây dựng

– Sống trong nhà bình thường chứ không phải khách sạn; và cuối cùng,

– Sống một đời sống hoàn toàn thuận phục Chúa của tôi.

Rõ ràng lối sống như vậy đã thực sự thách thức những người dân địa phương.

Họ hỏi tôi: “Anh có phải là người Hồi giáo không”? Và tôi trả lời: “Không”. Căn cứ vào quốc tịch Trung Quốc của tôi, họ thường hỏi: “Vậy thì anh là người theo đạo Phật à”? Và tôi trả lời: “Không. Thực ra, tôi là một môn đồ của Chúa Giê-xu Christ”.

Lời nhận xét tiếp theo thường sẽ bắt đầu với: “Nhưng không phải tất cả các Cơ Đốc nhân đều… à?”

Gìn giữ bản sắc khi tôi đi xa

Người dân địa phương nhanh chóng biết rằng tôi tin vào Đức Chúa Trời của “Cơ Đốc nhân”, tuy nhiên, họ quan sát thấy rằng lối sống và phong cách hiện tại của tôi khác biệt với những gì họ tin là “Cơ Đốc nhân” .

Điều này góp phần khơi gợi nên nhiều cuộc trò chuyện tuyệt vời để xóa bỏ các định kiến tiêu cực liên quan đến Cơ Đốc giáo.

Là một du khách ngắn ngày, mục tiêu của tôi không nhất thiết là phải cải đạo mỗi một cá nhân riêng lẻ thành một tín đồ của Chúa Giê-xu Christ. Bốn tuần là không đủ.

Tuy nhiên, giúp loại bỏ một số định kiến tiêu cực liên quan đến “Cơ Đốc nhân”, và qua đó, giúp các nhà truyền giáo địa phương làm tốt công việc của họ, là điều tôi chắc chắn có thể góp phần vào.

Thảo Nguyên

Nguồn: http://www.christiantoday.com.au/article/why.i.have.refrained.from.telling.others.that.i.am.a.christian/23391.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *