Chỉ Bởi Đức Tin 19/11: Hãy Tha Thứ Và Bạn Sẽ Được Tha Thứ

    Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 6:14-15
    “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.”


    Trong phần Kinh Thánh này, có thể một số người sẽ tự hỏi tại sao Đấng Christ lại đính kèm một điều kiện như vậy: “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi.”

    Ngài đã không kèm theo điều kiện tương tự nào trong các phần còn lại của bài cầu nguyện. Ngài đã có thể phán rằng: “Xin ban bánh cho chúng con mỗi ngày như khi chúng con cho con cái chúng con.” Hoặc là “Đừng để chúng con bị cám dỗ và chúng con sẽ không cám dỗ người khác.” Hoặc “Xin cứu chúng con khỏi điều ác, như khi chúng con cố giúp đỡ người khác.” Không, không có phần nào trong bài cầu nguyện có điều kiện kèm theo giống như phần này. Ấn tượng của chúng ta có lẽ là chúng ta chỉ nhận được sự tha tội mình bằng cách tha thứ cho người khác. Vậy thì điều này có ý nghĩa gì với giáo lý cho rằng sự tha tội chỉ đến qua Đấng Christ và chỉ được nhận bởi đức tin?

    Chúa Giê-xu phán lời cầu nguyện này, để sự tha thứ của Đức Chúa Trời được liên kết với sự sẵn lòng tha thứ người khác qua chúng ta khiến cho việc yêu thương lẫn nhau trở thành một nhiệm vụ của Cơ Đốc nhân. Chúng ta nên luôn luôn tha thứ cho người khác. Sau đức tin nơi Đấng Christ, yêu thương và tha thứ cho người khác nên là mối quan tâm chính của chúng ta. Đừng nên gây ra nỗi đau cho người khác, mà hãy nhớ tha thứ cho họ ngay cả khi họ khiến chúng ta đau khổ, như chúng ta vẫn thường kinh nghiệm trong đời sống mình.

    Nếu như chúng ta không sẵn lòng tha thứ, hầu như chúng ta có thể chắc chắn rằng chính mình cũng không được tha thứ. Nếu chúng ta tràn đầy oán hận và thù địch, thì lời cầu nguyện sẽ bị hư hoại và mọi sự cầu xin trong lời ấy cũng sẽ bị từ chối. Chúng ta phải thành lập một cam kết yêu thương mạnh mẽ và bền vững với những Cơ Đốc nhân khác để giữ chúng ta được hiệp một. Khi chúng ta đến với Chúa trong sự cầu nguyện, chúng ta không nên phân chia thành những nhóm tách biệt khác nhau. Thay vào đó, chúng ta hãy để tình yêu thương dẫn dắt, chấp nhận những ý kiến bất đồng và duy trì sự hiệp một.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *