Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 09/05: Phải Sống Thánh Khiết

    Kinh Thánh: “Nhưng như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình.” (I Phi-e-rơ 1:15)


    Phải Sống Thánh Khiết

    Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: I Phi-e-rơ 1:13-17
    “Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra. Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội.  Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình,  bởi có chép rằng: Hãy nên thánh,vì ta là thánh. Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy.”
    Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong I Phi-e-rơ 1:15
    “Nhưng như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình.”
    Sống thánh khiết là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài. Chúng ta đã được nên thánh trong địa vị và đã được ban cho bản chất mới để có thể sống thánh khiết trên trần gian này (I Phi-e- rơ 1:2, 3). Sống thánh khiết không phải là một lý tưởng mơ hồ, nhưng là một thực tế rõ ràng cho những ai đã thật sự là con cái của Chúa. Điều này biểu hiện qua cả hai phương diện: Qua tâm trí dẫn đến hành động.
    Trước hết, tâm trí của chúng ta phải luôn chuẩn bị để hành động đáp ứng lại những điều sẽ xảy ra. Theo nguyên nghĩa, câu 13 có thể dịch là “thắt lưng tâm trí của anh em.” Từ ngữ “thắt lưng” chỉ sự gọn gàng, sẵn sàng để dễ di chuyển, vì người xưa thường mặc áo choàng dài. Vì vậy, “thắt lưng tâm trí của anh em” nói đến sự sẵn sàng trong tâm trí của con cái Chúa khi phải đối diện với cuộc sống không có Chúa của những Dân Ngoại chung quanh họ. Chúng ta có một lối sống khác người, nhưng điều đó không làm chúng ta ngã lòng, vì hy vọng của chúng ta đặt nơi chính Chúa và sự trở lại của Ngài.
    “Thắt lưng tâm trí của anh em” cũng bày tỏ qua sự tiết độ và tỉnh táo, không bị lôi cuốn bởi những niềm tin sai lạc. Thay vì phải thuận phục Chúa nhiều hơn, nhiều người lại cho rằng chúng ta phải tự cố gắng nhiều hơn để sống trong sạch trước mặt Chúa.
    Sau khi tâm trí của chúng ta đã chuẩn bị, và chúng ta đã quyết tâm sống cho Chúa, hoàn toàn đặt hy vọng vào sự trở lại của Chúa Giê-xu, thì chúng ta phải thể hiện điều đó qua nếp sống hằng ngày. Cụ thể là, chúng ta “chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong chúng ta ngày trước” (câu 14). Theo nguyên nghĩa, chữ “dâm dục” chỉ những ham muốn hay đòi hỏi của xác thịt trong các lãnh vực tự nhiên như ăn uống và tình dục. Mặc dù xã hội và tiêu chuẩn đạo đức của thế gian có thể không ràng buộc chúng ta, nhưng Chúa và bản chất thánh khiết của Ngài phải là ánh sáng soi sáng các hành vi của chúng ta. Con cái Chúa được kêu gọi phải “thánh trong mọi cách ăn ở mình.” Đời sống của chúng ta phải có một sự thay đổi thật sự. Không phải chúng ta chỉ khác người chưa tin Chúa ở việc chúng ta đi nhà thờ, dâng hiến, phục vụ trong Hội Thánh…Chúng ta phải thật sự khác họ trong cách sống hằng ngày, cụ thể là trong việc kiểm soát dục vọng của mình, là những nhu cầu đòi hỏi tự nhiên của con người. Những điều này không còn là chủ của chúng ta, nhưng chính Chúa mới là Đấng chúng ta muốn làm vui lòng. Ngài sẽ trở lại để xét đoán, và Ngài sẽ không tây vị ai hết. Vậy, hãy hết lòng, “vừa kính, vừa sợ” mà sống trong thời kỳ ở trọ đời này. Hơn cả sự sợ hãi, là con cái của Chúa, chúng ta muốn giống với Cha của mình. Đó là điều tự nhiên “mới” mà chỉ có Chúa mới có năng quyền ban cho chúng ta.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *