10 Mục sư bị tù vì cáo buộc “cưỡng ép trẻ em cải đạo”

Oneway.vn – Tháng 5/2017, 10 Mục sư Ấn Độ và đồng nghiệp bị bắt và buộc tội “bắt cóc và ép buộc trẻ em cải giáo”…

Trên đường tới trại hè ở Madhya Pradesh, nhóm những người hướng dẫn và hơn 60 trẻ em bị cảnh sát ngăn chặn. Mặc dù luật sư đã nhấn mạnh “tất cả phụ huynh đã đồng ý cho con họ tham gia kỳ trại Cơ Đốc” này. Vậy tại sao 10 Mục sư vẫn bị bắt giữ? Viễn cảnh nào cho Cơ Đốc giáo tại Ấn Độ?

Theo David Robin – luật sư tổ chức từ thiện tự do tôn giáo ADF International – trường hợp này “đã được dàn xếp”, nên việc truy tố vẫn diễn ra cho dù có sự đồng ý rõ ràng của các phụ huynh. “Căn nguyên của vụ án là cáo buộc việc ‘cải đạo’ cho các em. Tuy nhiên, tất cả phụ huynh đều nói họ tin theo Đấng Christ, thì làm sao họ có thể kết luận các Mục sư ‘cải giáo’ cho con họ?” – ông Robin nói.

Dạy Kinh Thánh cho các em thiếu nhi Ấn Độ. (Nguồn: Christiantoday).

“Vụ án rất nghiêm trọng bởi các Cơ Đốc nhân bị trừng phạt vì tội mà họ không phạm. Trường hợp này gióng hồi chuông cảnh báo về việc đối xử bất công với các tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ. Hy vọng nó sẽ giúp củng cố quyền hiến pháp cho việc tự do tôn giáo” – ông Robin cho biết.

Nhiều luật “chống cải giáo” có hiệu lực tại 6 tiểu bang ở Ấn Độ, và thái độ dửng dưng của chính phủ với bạo lực đám đông đã làm gia tăng liên tục các cuộc tấn công nhằm vào Cơ Đốc nhân.

“Điều luật kiểm soát cải giáo và yêu cầu mọi sự cải giáo phải được nhà nước điều tra xem có bất kỳ sự thúc ép, gian lận hoặc dụ dỗ nào không. Nhà nước trở thành trọng tài cuối cùng cho dù đức tin mà tôi chọn có chính xác hay không” – ông Robin nói với Christian Today – “Hơn nữa, thuật ngữ này được định nghĩa một cách thiển cận, dẫn đến các hành động quấy rối tín hữu – những người đang thực hành và truyền bá đức tin của họ”.

Theo phó giám đốc ADF International – ông Paul Coleman: “Vụ việc này là một phần của xu hướng gia tăng thù địch với các nhóm tôn giáo thiểu số. Đáng buồn thay, đây không phải trường hợp riêng lẻ. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng với những gì đang xảy ra ở Ấn Độ”.

Tổ chức Open Doors theo dõi và nhận thấy những hành động ngược đãi Cơ Đốc nhân Ấn Độ gia tăng liên tục. Hiện tại, Ấn Độ đang đứng đầu danh sách 15 quốc gia áp bức Cơ Đốc nhân tồi tệ nhất trên thế giới.

Giám đốc điều hành Open Doors – bà Lisa Pearce nói: “Áp bức tôn giáo gia tăng ở Ấn Độ đã ảnh hưởng đến hàng triệu Cơ Đốc nhân” – bà thêm: “Những người theo chủ nghĩa tôn giáo dân tộc cố gắng hướng mọi người theo tôn giáo chủ đạo của đất nước họ, trở thành xu hướng bạo lực khi họ phân biệt đối xử và đàn áp tôn giáo. Điều này không có tác dụng trong việc áp đặt niềm tin tôn giáo vào Cơ Đốc nhân”.

Tổ chức từ thiện Cơ Đốc Compassion bị buộc phải rời Ấn Độ vì cáo buộc “ép người khác cải đạo”, khiến tổ chức này phải từ bỏ hơn 50 dự án và khoảng 145.000 trẻ em.

Tổ chức Compassion với sứ mệnh “Giải cứu trẻ em khỏi đói nghèo”. (Nguồn: Woodlands Church)

Ông Robin khuyên các nhóm tín hữu nên chú trọng sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh trước khi làm việc với trẻ em, nhưng ông cũng cảnh báo rằng đây là điều “không đảm bảo”.

“Tuy nhiên, phản ứng quan trọng nhất là nâng cao ý thức giữa các cộng đồng tôn giáo. Sự hồ nghi phải bị phản đối bởi sự minh bạch” – ông thêm: “Chúng ta cần mang sự bức hại ra trước tòa, nhằm đảm bảo công bằng cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Ở Ấn Độ, mỗi nhóm tín ngưỡng được phép truyền bá niềm tin của họ. Đây không phải ý nghĩ mơ hồ mà là hiến pháp. Chúng ta cần bênh vực nó, và đảm bảo quyền con người cơ bản này được các tầng lớp chính trị và cộng đồng chấp nhận”. “Nhà nước Ấn Độ phải đảm bảo rằng không ai bị tấn công vì đức tin của họ”.

Diệu Trang dịch.

(Nguồn: Christiantoday.com)

* Mọi thông tin phản hồi hay câu chuyện thực của chính bạn, của người thân, của tín hữu trong Hội Thánh làm chứng hoặc những người xung quanh mà bạn biết rõ; vui lòng gửi về: [email protected]. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả những chia sẻ, những ý kiến đóng góp và bài vở của Quý vị!

Ban Biên Tập

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *