Không chỉ là đại sứ hòa bình, chúng ta còn là người hòa giải!

Oneway.vn – Chúng ta vừa là đại sứ vừa là người kiến ​​tạo hòa bình

Trong 2 Cô-rinh-tô 5:20, Phao-lô nói rằng chúng ta là “đại sứ của Đấng Christ”. Trong Ma-thi-ơ 5:9, Chúa Jêsus nói chúng ta là “người hòa giải”. Trong cả hai trường hợp, Chúa cho chúng ta biết danh tính của mình.

Có những danh tính khác Chúa ban cho chúng ta trong Kinh thánh, nhưng hai danh tính này là quan trọng nhất. Kinh Thánh khẳng định lời kêu gọi và sự cần thiết của việc sống đúng theo hai vai trò này.

Tuy nhiên, trong suốt lịch sử Hội thánh, chúng ta đã tập trung vào một trong hai danh tính này đến mức bỏ quên bản sắc còn lại.

Đại sứ của Đấng Christ

Là đại sứ của Đấng Christ, chúng ta vừa đón nhận vừa công bố ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận được món quà trọn vẹn: sự tha thứ qua cái chết của Chúa Jêsus. Ân điển Đấng Christ xóa bỏ món nợ tội lỗi và ban cho chúng ta sự công bình Ngài. Chỉ riêng ân điển là đủ để hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời.

Nhiều người tin rằng mục đích chính của Cơ Đốc nhân là công bố Phúc âm cho một thế giới không tin và chứng kiến những tội nhân bị hư mất được cứu. Nhưng khi tập trung quá nhiều vào “đời sau” của một cá nhân, chúng ta có thể bỏ qua sự bất công, phân biệt chủng tộc, áp bức và lạm dụng hiện tại. Trong trường hợp này, ân điển chỉ có nhiệm vụ duy nhất là hòa giải một tội nhân sa ngã với Đức Chúa Trời giận dữ.

Chúng ta phải đặt câu hỏi: một Phúc âm chỉ tập trung vào việc hòa giải những người sa ngã với Đức Chúa Trời có thực sự là Tin Lành trong Kinh thánh không? Nếu việc trở thành đại sứ của Đấng Christ chỉ đơn thuần là tuyên truyền thông điệp về một ngày mai tươi sáng hơn, thì chúng ta chỉ đang bày ra niềm hy vọng xa vời, và đại diện cho một Đức Chúa Trời thờ ơ với những tai ương, đau khổ của ngày hôm nay.

Người hòa giải trong Đấng Christ

Giống như ân điển, bình an có nhiều khía cạnh. Đối với nhiều người, bình an đồng nghĩa với thoải mái, nhưng định nghĩa trong Kinh thánh mạnh mẽ hơn nhiều. Bình an (hay “shalom”) không có nghĩa là thoát khỏi đau đớn và áp bức. Theo Nicholas Wolterstorff, bình an là sự hiện diện sống động của “sự hòa hợp và vui vẻ trong tất cả các mối quan hệ của một người”. Đó là mối quan hệ với Chúa, với người khác, mối quan hệ giữa các nền văn hóa khác nhau, với mọi tạo vật và với chính chúng ta. Trong một thế giới đầy rẫy tội lỗi, rối loạn, phân biệt chủng tộc và nhiều đau khổ, thật kỳ diệu khi tưởng tượng về “sự hài hòa và vui thích” trong các mối quan hệ này! 

Tuy nhiên, một số người lại cố gắng theo đuổi sự bình an đến mức họ chỉ tập trung vào việc cứu các hệ thống hỏng hóc. Phần lớn công việc của họ không có mối liên hệ trực tiếp với Chúa Jêsus hoặc mối quan tâm về sự sống đời đời. 

Họ tập trung vào việc tội lỗi làm hư hỏng các hệ thống và ảnh hưởng đến cộng đồng, nhưng lại quên quan tâm đến tội lỗi cá nhân. Phần lớn phong trào của họ tập trung vào việc cứu giúp và giải phóng các nhóm bị cô lập khỏi áp bức, và không quan tâm đến sự cứu rỗi linh hồn của các cá nhân. Trong trường hợp này, sự bình an không còn ràng buộc với ân điển Đấng Christ. Nó chỉ còn là một khái niệm không có tiền thân hay nguồn gốc hợp lý.

Không có gì thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ hơn là sự hiện diện của Đức Thánh Linh cùng với sự cứu rỗi. Hơn nữa, chỉ có một điều bảo đảm chiến thắng sự dữ và bất công, đó là thân thể Đấng Christ. Vì lý do này, tất cả những ai theo đuổi công lý bình an nhưng lại nằm ngoài quyền năng và bản thể của Chúa Jêsus sẽ không thể tạo ra những thay đổi lâu dài và đáng kể.

Phong trào Phúc âm xã hội trong thế kỷ 19 đã thúc đẩy hòa bình. Đó là những nỗ lực xóa bỏ đói nghèo và áp bức trong khi tạo ra công lý và bình an. Những người ủng hộ phong trào gần gũi hơn với cộng đồng đau khổ. Không chỉ đầu tư vào truyền giáo, họ quan tâm hơn đến việc mang đến hòa bình. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực của họ đã tách rời khỏi bản thể và quyền năng của Đấng Christ và Lời Ngài. Họ đầu tư vào công việc trông giống như của Đấng Christ, nhưng lại trở nên xa lạ và không có bất kỳ mối liên hệ cá nhân nào với Ngài.

Có những phong trào lịch sử tập trung vào giả thuyết rằng Đấng Christ sắp trở lại, và do đó, tình trạng thế giới hiện tại này không quan trọng bằng việc cứu những tội nhân hư mất. Ngày nay, một số “chiến binh công bằng xã hội” đang cố duy trì một Phúc âm xã hội của riêng họ. Hành trình tìm kiếm công lý của họ đã tạo ra một Chúa Jêsus mới. Liệu có Tin Lành và bình an lâu dài cho thế giới tan vỡ này không, nếu mối quan hệ trực tiếp với Vua hòa bình không tồn tại? Một nền hòa bình không có Đấng Christ cũng giống như vẻ ngoài hào nhoáng nhưng không có trái tim — hấp dẫn nhưng thiếu sức sống.

Khi bị giam trong ngục của Hê-rốt, Giăng Báp-tít đã sai các môn đồ đến để xác định xem Đức Chúa Jêsus có thực sự là Đấng Mê-si không. Ông đang nghi ngờ về chính mình. Ông cần Đức Chúa Jêsus xác nhận xem mình có thực sự là niềm hy vọng được cả thế giới mong đợi từ lâu hay không. Lúc đó, Đức Chúa Jêsus có thể đưa ra vô số bằng chứng để xác thực Ngài là ai. Nhưng thay vào đó, Ngài đã đưa ra một tuyên bố sâu sắc:

“Hãy về thuật lại cho Giăng những điều các ngươi đã thấy và nghe: Người mù được sáng, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, người nghèo được nghe Tin Lành. Phước cho người nào không vấp phạm vì cớ Ta!” (Lu-ca 7:22–23)

Đức Chúa Jêsus biết chúng ta sẽ đọc những lời này hơn 2000 năm sau. Tuyên bố của Ngài tập trung vào việc Ngài đã mang Tin Lành đến, ngay tại đây và ngay bây giờ, bằng cách trao cho cho mọi người niềm hy vọng và bình an giữa những thử thách và đổ vỡ. Tất nhiên, sự cứu rỗi chỉ đến qua thập tự nhuốm máu và ngôi mộ trống. Và chính ở đây, chúng ta thấy được sự kết hợp của ân điển và bình an hài hòa với cả những yêu cầu hiện tại và tương lai. 

Cầu mong rằng chúng ta – con dân Đấng Christ ngày nay – sẽ thực hiện được cả hai sứ mệnh loan báo ân điển và truyền bá hòa bình.

Bài: Ben Sciacca; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *