Chúa ở đâu?

Oneway.vn – Chủ Nhật, 9/4/2017, một tuần trước Phục Sinh, những kẻ ném bom tự sát đã tấn công 2 nhà thờ ở Ai Cập, giết chết 44 người. Đó là ngày tang tóc nhất của đất nước Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua, ISIS cũng đã nhận trách nhiệm cả hai vụ đẫm máu này.

Vụ nổ đầu tiên xảy ra ở Nhà thờ St. George ở Tanta, giết chết 27 người và làm bị thương 78 người khác. Chỉ hai giờ sau đó, tại Nhà thờ Chính thống giáo St. Mark ở Alexandria, vụ nổ thứ hai đã làm 16 người thiệt mạng và 41 người bị thương.

Chúa rất ghét cái ác

Chắc chắn không ít người trong chúng ta sẽ hỏi: Đức Chúa Trời toàn tri, toàn năng và đầy yêu thương hẳn phải biết, sao Ngài không ngăn chặn các tội ác kinh thiêng động địa này? Tại sao Chúa lại để cho đau khổ xảy ra? Nếu Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, yêu thương, khôn ngoan và công bằng, tại sao thế giới này lại đầy dẫy hận thù, giết chóc và bất công?

Chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời không gây ra chuyện này – mà chính là những kẻ khủng bố. Đức Chúa Trời là Đấng ghét, thậm chí “gớm ghiếc” tội ác. Bạn có thể thấy rất rõ điều này xuyên suốt Kinh Thánh: “Chúa ghét hết thảy những kẻ làm ác (…). Đức Jehovah gớm ghiếc người đổ huyết và kẻ gian lận ( Thi thiên 5:5-6); “Đức Jehovah thử người công bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung bạo” (Thi Thiên 11:5); “Vì Đức Jehovah gớm ghiếc kẻ gian tà” (Châm Ngôn 3:32a); “Có sáu điều Đức Jehovah ghét, và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ huyết vô tội – Lòng toan những mưu ác, chân vội vàng chạy đến sự dữ” (Châm Ngôn 6:16-18); “Sự kính sợ Đức Jehovah, ấy là ghét điều ác” (Châm Ngôn 8:13a); “Đường lối kẻ ác lấy làm gớm ghiếc cho Đức Jehovah” (Châm Ngôn 15:8a)…

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình có tên Early Show, phóng viên Jane Clayson đã hỏi bà Anne Graham, con gái của nhà truyền giáo lừng danh – mục sư Billy Graham: “Bà vui lòng cho biết tại sao Chúa lại để cho các vụ khủng bố ghê sợ xảy ra?”. Và bà trả lời: “Tôi tin chắc rằng cũng như nhân loại, Chúa rất đau buồn vì các vụ khủng bố. Tuy nhiên, xin quý vị hãy hồi tâm suy nghĩ lại. Biết bao năm qua chúng ta đã mời Chúa ra khỏi hệ thống học đường, hệ thống chính quyền, và khỏi đời sống của mỗi người chúng ta. Vì Chúa là Đấng lịch sự, nên tôi tin rằng Ngài đã âm thầm rời xa chúng ta. Làm sao chúng ta có thể kỳ vọng rằng Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sự bảo vệ của Ngài, khi mà chúng ta yêu cầu Ngài hãy để cho chúng ta tự ý làm những gì mình muốn?”

Thật vậy, Chúa đã ban cho con người cùng một ý chí tự do, bất kể là ai. Tuy nhiên, có người sử dụng sự tự do của mình để kính Chúa, yêu người (Ma-thi-ơ 22:37-39); nhưng cũng có người sử dụng sự tự do này để làm điều ác. Và chính điều ác đã loại bỏ sự tự do trong chúng ta. Mục đích Đức Chúa Trời tạo dựng con người chúng ta theo hình ảnh Ngài (Sáng Thế Ký 1:26-27) từ lâu đã không còn nữa.

Hậu quả của sự tự do

Vào Chủ Nhật, khi Chúa Jesus cưỡi lừa vào thành Jerusalem để trực tiếp làm trọn lời tiên tri (Xa-cha-ri 9:9), dẫu biết các lãnh đạo tôn giáo đang tìm cách bắt giam và tử hình Ngài. Vào thứ hai, Ngài đạp đổ các bàn đổi tiền trong đền thờ, tiếp tục làm kẻ thù nổi giận. Ngày thứ ba, Ngài nhiều lần đánh bại họ trong các cuộc tranh luận công khai. Vào thứ năm, Ngài cầu nguyện trong vườn Gethsemane (Ghết-sê-ma-nê) và đợi họ đến bắt giữ. Vào thứ sáu, Đấng có quyền năng làm dịu cơn bão biển và khiến kẻ chết sống lại cho phép những tên lính La Mã đóng đinh Ngài trên thập tự giá.

Và đây là lý do mấu chốt: Chúa chứng kiến tình trạng sa ngã của nhân loại và vì thế Ngài đã gánh lấy hậu quả của sự tự do dành cho chúng ta trên chính mình Ngài. Ngài không xóa bỏ tự do của chúng ta, Ngài cứu chuộc nó. Do đó, bằng quyền năng thánh hóa của Thánh Linh ngự trong chúng ta, ý chí tự do của con người có thể được sử dụng để mở mang Nước Trời, vì vinh quang đời đời của Ngài và lợi ích đời đời của chúng ta.

Vậy, thay vì than khóc các nạn nhân ở Ai Cập và gia đình họ, Chúa kêu gọi chúng ta hãy cứ đau buồn. Ngài sẽ yên ủi tấm lòng tan nát của gia đình các nạn nhân qua Thánh Linh, đồng thời kêu gọi chúng ta hãy yên ủi họ bằng lời cầu thay. Bằng cách đó, Ngài dấy lên những cơn thức tỉnh thuộc linh trong thế giới Hồi giáo, lan rộng những cơn tỉnh thức trong văn hoá của họ và của cả chúng ta thông qua sự cầu nguyện, thờ phượng và làm chứng.

Đừng hỏi tại sao con người lại thích những hành động tội lỗi. Vì con người vốn là tội nhân. Những câu hỏi như thế hoàn toàn có thể hiểu, thậm chí rất đúng với Kinh Thánh. Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta dịch chuyển từ suy nghĩ sang hành động, từ việc đặt câu hỏi tại sao bi kịch xảy ra, đến chỗ đặt câu hỏi về cách làm thế nào để giúp đỡ, cứu vớt thể xác lẫn linh hồn của các nạn nhân và gia đình họ, đất nước, dân tộc họ.

Khi kẻ đánh bom ISIS thứ hai đến gần Nhà thờ St. Mark, một nhân viên an ninh đã nhìn thấy và cố gắng ôm chặt hắn lại để che chở cho đám đông trong khoảnh khắc trước khi vụ nổ bùng phát. Người đàn ông dũng cảm đã hy sinh mạng sống mình để những người khác có thể sống sót. Anh đã hành động theo đúng tấm gương của Đức Chúa Jesus Christ.

Và thay vì hỏi tại sao tội ác vẫn cứ liên tục xảy ra, Chúa ở đâu trong những lúc như thế… thiết nghĩ chúng ta nên tự hỏi chính mình: Hôm nay chúng ta đã học, kinh nghiệm và làm theo gương Chúa thế nào?

Tác giả: Jim Denison; Thảo Nguyên dịch

Nguồn: christianheadlines.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *