‘Chúa ở đâu khi doanh nghiệp của tôi bị đóng cửa?’

Oneway.vn – Steve lớn lên trong một gia đình không có cha. Mẹ anh phải làm hai công việc để các con có đủ cơm ăn áo mặc.

Anh ý thức được những thiếu thốn của gia đình. Điều đó đôi khi khiến anh xấu hổ. Steve tự hứa rằng khi trưởng thành, anh sẽ có được mọi thứ mình muốn.

Khi cầu hôn Rebecca, Steve nói rằng anh sẽ dành trọn cuộc đời để đảm bảo gia đình mình luôn được sống đủ đầy. Mười năm đầu, cuộc hôn nhân của họ thật viên mãn và thịnh vượng. Công việc kinh doanh của Steve phát triển, và Rebecca chỉ cần làm việc bán thời gian khi nào cô muốn. Đức Chúa Trời luôn trung tín và nhu cầu vật chất không bao giờ là thiếu trong ngôi nhà khang trang của họ.

Nhưng không ai biết rằng COVID-19 sẽ đến.

Trong vài tuần ngắn ngủi, đại dịch đã làm khuynh đảo xã hội. Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà bệnh tật rình rập khắp ngõ ngách, và đối với những người yếu đuối, cái chết không hề xa xôi. Chúng ta phải tự cách ly và giãn cách xã hội, dẫn đến những khó khăn lớn về tài chính cho chủ các doanh nghiệp.

COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn là các mối quan hệ cá nhân. Khi mà nguồn thu nhập, các mối quan hệ và nhịp sống hàng ngày đều bị đảo lộn, thì giá trị bản thân của một người cũng hoàn toàn thay đổi.

Hãy thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra khi một người như Steve phải trải qua cảm giác mất mát lớn lao này?

Trong hai tuần qua, doanh thu từ việc kinh doanh của Steve sụt giảm đáng kể; và những tác động tiêu cực của vi-rút đang đe dọa sự tồn tại của công ty anh. Steve và Rebecca đã từng có tiền dư dả vào cuối mỗi tháng. Bây giờ tiền lại cạn kiệt trước cả khi ngày cuối tháng đến.

Trong một tháng, lợi nhuận của Steve đã giảm mạnh và anh buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Giờ đây, anh phải thức khuya, tìm hiểu về các nguồn hỗ trợ tài chính dành cho chủ doanh nghiệp. Anh có nên đăng ký một khoản vay của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp không? Hay anh nên chờ xem liệu nhà nước có hỗ trợ gì thêm không?

Chúng ta nên làm gì khi COVID-19 đe dọa công việc của mình? Steve rồi sẽ đi về đâu khi nỗi sợ hãi lớn nhất của anh ấy – những thiếu thốn về tài chính – đã ập đến trên gia đình anh?

Hãy cùng khám phá cách Chúa sử dụng những thử thách, thậm chí là đại dịch toàn cầu, để đưa chúng ta vào một hành trình đức tin: nghi ngờ – yếu đuối – và mục đích tối thượng.

  1. Nghi ngờ

Khi tài khoản ngân hàng cạn dần, trong đầu Steve bắt đầu nảy ra hàng loạt câu hỏi tại sao. Tại sao Chúa cho phép điều này xảy ra? Steve và Rebecca đã dâng hiến rộng rãi cho Hội thánh và các mục vụ Cơ Đốc, họ đã luôn phục vụ cách trung thành!

Steve thật sự cảm thấy bất công và tức giận. Anh nổi cáu với Rebecca và các con, và trở nên xa cách Chúa hơn. Steve không thể hiểu được tại sao Chúa lại cho phép điều này xảy ra, đặc biệt là khi mọi thứ đang diễn ra rất tốt.

“Tại sao?” là một câu hỏi chỉ Chúa mới có thể trả lời, nhưng chúng ta vẫn lãng phí một lượng cảm xúc khổng lồ để mổ xẻ nó. Mọi Cơ Đốc nhân trong đại dịch này đều đứng trước một “băng chuyền” chứa hàng nghìn câu hỏi “tại sao?” và phải quyết định xem liệu mình có nên bước lên băng chuyền đó hay không: nó rốt cuộc chỉ là một vòng lặp đánh cắp thời gian và cuối cùng đưa chúng ta trở lại vị trí cũ.

Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi tại sao: đức tin. Đức tin bắt nguồn từ Lời Chúa, rằng Ngài là Đấng tốt lành và Ngài đang tích cực làm việc giữa những thử thách, ngay cả khi chúng ta không nhận được câu trả lời. Những nghi ngờ gây xôn xao trong đại dịch phải được đáp trả bằng đức tin, “tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Có thể các bạn đang ở trong tình trạng doanh thu cạn kiệt. Chúa không giải thích về việc Ngài làm, và bạn vẫn đang mắc kẹt trong vòng lặp tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi tại sao. Chúa hiểu những nghi ngờ của bạn. Ngài mời gọi chúng ta đến gần Ngài và cảm nghiệm Ngài như một Đấng có thật, một Đức Chúa Trời tốt lành và sẵn sàng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài.

  1. Yếu đuối 

Khi vi-rút mới bắt đầu tàn phá các nước khác, Steve tự hỏi liệu nó có ảnh hưởng đến nước mình và công việc kinh doanh của mình không. Rồi anh tự trấn an: Có lẽ mình đang phản ứng thái quá.

Khi nỗi sợ hãi ấy trở thành hiện thực, Steve biết vợ chồng anh cần phải cùng nhau vượt qua điều này. Nhưng thành thật mà nói, Steve cảm thấy xấu hổ: “Nếu tôi để vợ biết mình đang gặp khó khăn tài chính, cô ấy sẽ thấy rằng tôi đã thất bại. Tôi đã không giữ được lời hứa, rằng gia đình tôi sẽ luôn sung túc. Rebecca sẽ không còn tôn trọng tôi. Tôi không thể nói với cô ấy!”

Rebecca cũng lo lắng. Cho đến hôm qua, Steve vẫn đảm bảo với cô rằng họ sẽ ổn. Tuy nhiên, đêm qua, Steve đã cầu nguyện, mở lòng, lấy can đảm, và lặng lẽ nói với Rebecca, “Chúng ta cần nói chuyện.” Steve giải thích về những khó khăn tài chính, nỗi sợ hãi và xấu hổ mà anh cảm thấy.

Rebecca chăm chú lắng nghe và nhận định tình hình khá nhanh. Cô nhắc Steve nhớ đến Chúa, Đấng đã mang nỗi hổ thẹn của họ đến trước thập tự giá (Hê-bơ-rơ 12:2; 2 Cô-rinh-tô 3:4–5). Rebecca nhắc Steve rằng, nhờ Chúa Jêsus, anh được giải thoát khỏi sự hổ thẹn.

Rebecca cũng bắt đầu nghĩ cách để giúp chồng. Nhìn cách vợ mình phản ứng, Steve thấy rằng Phúc Âm thật sự có quyền năng, ngay cả khi đang trong cơn đại dịch, và Chúa có hiện diện với họ giữa tình trạng hỗn loạn này. Qua sự yếu đuối của họ, Đức Chúa Trời dạy họ biết nương dựa vào Ngài và thành thật với nhau.

  1. Ghi nhớ lời hứa của Đức Chúa Trời

Trong 2 Cô-rinh-tô 1: 3–4, Phao-lô nói:

Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!”

Đức Chúa Trời hứa sẽ yên ủi chúng ta giữa lúc đau khổ và hoạn nạn lớn. Ngài đã yên ủi Steve và Rebecca và ban quyền năng để họ có thể tiếp tục yên ủi những người khác.

Để giúp đỡ cho việc kinh doanh của chồng, Rebecca đã nhận một số công việc bán thời gian trực tuyến, trong khi Steve và các con giúp cô làm thêm việc nhà. Steve cũng đang tập hợp các chủ doanh nghiệp nhỏ lại để trao đổi ý tưởng, cầu nguyện và khuyến khích lẫn nhau. Anh cũng làm tình nguyện viên ở Hội thánh, giúp đỡ trong các công tác phòng dịch.

Nhờ cảm biết được sự yếu đuối của mình, Steve có được quyền tự do mới để chia sẻ những nỗi sợ hãi và điểm yếu của mình với người khác. Steve trở nên trung thực hơn.

Rebecca đang nhìn thấy một khía cạnh mới của chồng mình – điều mà cô chưa bao giờ thấy trong suốt bao năm qua. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng những thất bại trong công việc lại mang một sức mạnh kỳ diệu, giúp kết nối Steve với quyền năng Chúa khi anh kinh nghiệm sự yên ủi từ Ngài và lan tỏa điều đó cho những người khác.

Điều tốt hơn những câu hỏi “tại sao”

Mở đầu 2 Cô-rinh-tô 1 nhắc nhở chúng ta rằng: ngay cả trong lúc đau khổ và bất an, ngay cả khi không có câu trả lời cho câu hỏi tại sao, chúng ta vẫn có được sự bình an trong cánh tay yên ủi và sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Khi dâng những nghi ngờ và yếu đuối mình cho Ngài, chúng ta sẽ khám phá ra mục đích tối thượng cho nỗi đau đại dịch. Trong những lúc thế này, hãy ghi nhớ lời Chúa hứa, và biết rằng Ngài hiện diện để yên ủi và ban cho chúng ta quyền yên ủi người khác, bằng chính sự an ninh mà chúng ta nhận được từ Ngài. Dù đại dịch có đau đớn đến đâu chăng nữa.

Bài: DAVE HARVEY; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *