Một người qua đời không ai tiếc thương

Oneway.vn – Khi người lên ngôi, thì tuổi được ba mươi hai, và người cai trị tám năm tại Giê-ru-sa-lem; người qua đời chẳng ai tiếc người; người ta chôn người trong thành Đa-vít, song chẳng phải tại mồ các vua.” (2 Sử ký 21:20)

Hôm nay tôi muốn nói về một người đàn ông mà khi ông ta chết không một ai tiếc thương. Đó là vua Giô-ram của nước Giu-đa. Chắc hẳn trong chúng ta đã đi dự rất nhiều lễ tang rồi phải không? Trong lễ tang, mọi người thường thấy gia đình và bạn bè khóc thương cho người đã mất, hối tiếc về những điều đã làm hay chưa làm được cho họ. Nhưng với vua Giô-ram, mọi chuyện hoàn toàn khác! 2 Sử ký 21:20 nói về ông: “người qua đời chẳng ai tiếc người”. Đây thật là một cách “tưởng nhớ” tồi tệ!

Đặt vấn đề

Bạn sẽ được tiếc thương vào ngày bạn qua đời?

Tên Giô-ram có nghĩa là “Đức Giê-hô-va được tôn cao”. Nhưng điều gì đã khiến người có cái tên cao trọng như vậy lại trở thành người khi chết không ai tiếc thương?

Từ 2 Sử ký đoạn 21, tôi muốn chia sẻ về hai điều mà tôi tin rằng đó là nguyên nhân khiến vua Giô-ram có một kết cục bi thảm đến như vậy.

1. Vua Giô-ram đầu hàng trước tội lỗi (2 Sử ký 21:4-6, 10-11)

2 Sử ký 21:4 thuật lại rằng khi Giô-ram lên ngôi, “lấy gươm giết các em mình và mấy người quan trưởng của Y-sơ-ra-ên.” Điều này nói lên cách tàn bạo mà vua Giô-ram đã làm để bảo vệ ngôi vua của mình. Trước đó, để tránh những sự tranh giành hoàng vị, cha của vua Giô-ram, vua Giô-sa-phát đã ban cho các con trai vua nhiều của cải bằng bạc và vàng, những bửu vật với các thành vững bền trong xứ Giu-đa; nhưng người ban ngôi nước cho Giô-ram, bởi vì là con trưởng (câu 3). Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn ngôi vị mình không bị ai giành lấy, vua Giô-ram đã lập mưu thực hiện cuộc thảm sát. Vợ của vua, A-tha-li cũng theo gót vua, sau đó chỗi dậy muốn diệt cả dòng dõi vua Đa-vít (2 Sử ký 22:10).

Câu 6 cho chúng ta biết rằng vua Giô-ram “theo điều nhà A-háp đã làm”. Thật tiếc là vua đã đi theo đường lối tội lỗi của cha vợ mình thay vì đi theo sự kính sợ Chúa của cha mình là vua Giô-sa-phát. Câu 6 còn nói thêm: “người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”. Câu 10 cho chúng ta thấy vua đã có một quyết định tệ hại đó là “lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ người”, điều này dẫn tới sự lầm lạc của cả dân sự được nhắc đến trong câu 11.

Thật là một điều bất ngờ khi quyền lực của tội lỗi có thể khiến một người đầu hàng trước nó, bao gồm cả người được thừa hưởng một di sản thuộc linh to lớn như vua Giô-ram. Sự độc hại của tội lỗi có thể nhìn thấy qua sự tàn phá của nó trong cách ứng xử của con người trong thế giới ngày nay. Là một Cơ Đốc nhân, hãy thừa nhận rằng tội lỗi cũng có thể trói buộc chúng ta như vậy nếu chúng ta không cẩn thận trước những cám dỗ. Hậu quả của tội lỗi lúc nào cũng là đau đớn như cuộc đời của vua Giô-ram ngày xưa.

Bị cám dỗ là một chuyện, nhưng chiều theo tội lỗi là một chuyện khác!

Ngay hôm nay, bạn có đang bị tội lỗi ràng buộc không? Hãy quay về với Chúa Jesus bằng cả tấm lòng của mình và để Ngài phá bỏ những xiềng xích ấy cho bạn.

2. Vua Giô-ram từ chối lời cảnh báo của Chúa

Vua Giô-ram nhận được ba lời cảnh báo. Thứ nhất, câu 8-10 nói về Ê-đôm, là một quốc gia trước kia chịu phục Giu-đa, nay nổi dậy phản nghịch suốt những năm tại vị của vua Giô-ram. Nhưng Chúa cũng đã cứu ông trong cuộc chiến mà cái chết đã đến rất gần khi quân của vua bị bao vây bởi đạo binh của người Ê-đôm. Đây có thế là một lời cảnh báo để vua Giô-ram có thể ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời.

Thứ hai, lời cảnh báo đến từ thông điệp của tiên tri Ê-li. Lời cảnh báo này dự ngôn về kết cục tội lỗi của vua và cả nhà vua nữa. Đây quả là một cơ hội nữa để vua Giô-ram có thể ăn năn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy chẳng có sự ăn năn nào ở trong lòng của vua Giô-ram cả.

Thứ ba, vua Giô-ram xem thường lời phán dặn của Chúa về việc cưới gả với dân ngoại (Phục truyền 7:1-3). Vua lấy A-tha-li làm vợ, một người khét tiếng xấu xa và sinh trưởng trong gia đình thờ hình tượng! Bà là con gái của vua A-háp. Không nghi ngờ gì nữa, A-tha-li chắc hẳn đã góp phần khiến vua Giô-ram bội nghịch với Chúa. Những hành động tàn ác của bà cũng được ghi lại trong 2 Sử ký 22:10-12.

Chúa có thể cảnh báo chúng ta để chúng ta sửa sai giống như chúng ta có GPS để chỉ đường vậy. Có thể bài học bạn đang đọc là lời nhắc nhở bạn. Nếu đúng là như vậy, đây là cơ hội để làm mới lại mối liên hệ giữa bạn với Chúa.

3. Vua Giô-ram mất hết mọi vinh quang của mình

Bởi vì vua từ bỏ và không vâng lời Chúa, bỏ qua những lời cảnh báo của Ngài, nên những tai họa và sự phán xét đã ập đến vua Giô-ram như lời tiên tri Ê-li đã nói.

– Vua bị đánh bại bởi dân Phi-li-tin và dân A-rập (câu 16-17).

– Vua mất hết tất cả thành viên trong gia đình trừ ra đứa con trai út và bà vợ A-tha-li (câu 17).

– Vua mất hết tất cả của cải (câu 17).

– Vua bị bệnh nan y trong ruột (câu 18-19).

– Sau 2 năm bệnh tật, vua chết cách rất đau đớn (câu 19).

– Mặc dù là vua, nhưng dân sự không xông thuốc thơm cho vua khi chết (câu 19).

– Vua không được chôn với tổ phụ mình trong lăng mộ hoàng tộc (câu 20).

– Cuối cùng, “người qua đời chẳng ai tiếc người” (câu 20).

Hãy chắc chắn rằng chúng ta không để những tham muốn điều khiển và làm cho chúng ta trở nên lụn bại! Đừng để ai nói về mình rằng “Anh/chị ấy ra đi mà không ai hối tiếc”. Điều cao trọng nhất mà Chúa Jesus ban cho chúng ta được chép trong Giăng 1:12 “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài”. Phải, bạn có thể trở thành con của Đức Chúa Trời hằng sống!

Cuối cùng, có một điều chắn chắn như thế này, nếu bạn sống cho Chúa, thậm chí bạn không được nhớ đến trên Trái đất này thì phần thưởng vẫn sẽ đợi bạn ở Thiên Đàng!

Jael dịch

(Nguồn: preaching.com)

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *