“Vâng phục cha mẹ” & những giới hạn

Oneway.vn – Hỏi: Tôi đã qua 18 tuổi, tôi có còn cần vâng phục cha mẹ? Kinh Thánh nói con cái phải vâng phục cha mẹ (Ephesians/Ê-phê-sô 6:1; Colossian/Cô-lô-se 3:20), nhưng khi nào tôi có thể hoàn toàn không phụ thuộc vào sự điều khiển của cha mẹ?

Đáp: Trong cuộc sống, có thời điểm chúng ta bước qua ngưỡng, trở thành người trưởng thành. Thời điểm đó có thể được quyết định tùy văn hoá. Ví dụ theo truyền thống Do Thái, một đứa trẻ được xem là trưởng thành khi bước sang tuổi 13. Ngày nay ở Mỹ, một người trẻ có quyền bầu cử ở tuổi 18. Ranh giới rõ ràng để bước sang tuổi trưởng thành tùy thuộc vào từng xã hội, và sự trưởng thành của mỗi người có vai trò quan trọng trong hành trình này. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nguyên tắc nền tảng được chép trong Kinh Thánh: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (I Corinthians/1 Cô-rinh-tô 13:11).

Một khi con cái đã sang tuổi trưởng thành, mối quan hệ cha mẹ – con cái sẽ có những thay đổi cơ bản. Bạn đang trên đường giống như cha mẹ: bình đẳng về trách nhiệm và không phụ thuộc. Trên thực tế, điều này có nghĩa bạn sẽ thay đổi để trở nên có trách nhiệm với thẩm quyền cao hơn – thẩm quyền của chính Chúa. Trong mắt Ngài và thẩm quyền Ngài, bạn sẽ là một cá nhân tồn tại độc lập. Dù nhận lấy đặc quyền này hay không, bạn vẫn có quyền sống độc lập và tạo ra con đường cho riêng mình.

Kết quả là bạn không cần phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của cha mẹ để đưa ra những quyết định cá nhân. Thay vào đó, bạn sẽ quyết định dựa trên nền tảng những sự khôn ngoan mà cha mẹ đã dạy dỗ qua bao năm tháng trước đó, quyết định ấy dựa vào nhận thức của bạn khi đối diện với Đấng Tạo Hoá. Nếu bạn đi nhà thờ, đó là vì bạn thành tâm mong muốn được kết nối với Đấng Christ và con dân Ngài chứ không phải vì cha mẹ bắt buộc. Nếu bạn muốn tránh xa rượu bia, thuốc lá, đó là vì bạn nhận thức được hệ quả của việc nghiện và muốn trân trọng thân thể – đền thờ của Chúa Thánh Linh chứ không phải vì bạn vâng theo lời khuyên của cha mẹ. Nếu bạn muốn đi ngủ đúng giờ vào tối cuối tuần, đó là vì bạn muốn có tinh thần tốt nhất vào sáng mai chứ không phải vì tuân lệnh.

Điều này có đồng nghĩa với việc bạn được thái độ tuỳ tiện với cha mẹ, không quan tâm đến mong muốn hay những giá trị và ý kiến của cha mẹ? Hoàn toàn không. Là Cơ Đốc nhân, bạn biết không điều gì có thể bào chữa cho việc không tôn trọng người khác. Hơn nữa, vì trở nên bình đẳng với cha mẹ, nên bạn vẫn ở trong mối quan hệ vâng phục không phải vì họ là người sinh ra bạn, nhưng vì cha mẹ là người được Chúa dựng nên và là anh chị em trong Chúa (Ephesians/Ê-phê-sô 5:21; Philippians/Phi-lip 2:3; I Peter/1 Phi-e-rơ 5:5) – sự vâng phục này có giá trị và kéo dài suốt đời bạn.

Lời phán từ Kinh Thánh về việc tôn kính cha mẹ không hề phân biệt hay giới hạn tuổi tác. “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ephesians/Ê-phê-sô 6:2,3). Từ “tôn kính” hàm ý bày tỏ sự tôn trọng và quan tâm đến người khác – không miễn cưỡng, nhưng xuất phát từ nguyên tắc của tình yêu thương và từ khát vọng chân thật muốn làm điều phải trước mặt Chúa. Sự tôn kính thật sự là khi chúng ta xem điều này được ưu tiên trong mối quan hệ với những người mình yêu thương, dù có cùng quan điểm với họ hay không. Điều này có nghĩa cần xoá bỏ nghi ngờ. Không thể tránh khỏi những bất hoà, tuy nhiên hầu hết các trường hợp, bạn có thể chắc chắn rằng cha mẹ luôn cố gắng ủng hộ điều bạn mong ước.

Mặt khác, “tôn kính” cha mẹ không có nghĩa bạn phải làm bất kỳ điều gì họ muốn. Ví dụ, cha mẹ mong muốn con mình đồng tình với mọi lời khuyên của họ – điều này rõ ràng không thực tế. Cha mẹ có thể yêu cầu con cái hành xử cách không lành mạnh, không thích hợp hoặc không tốt cho họ, như yêu cầu con phải dùng bữa mỗi tối cuối tuần tại nhà bố mẹ, mặc cho những mối bất hoà tiềm tàng với người phối ngẫu của con mình. Trong trường hợp này, bạn cần học cách quyết đoán và giữ vững lập trường trong tình yêu thương.

Điều cuối cùng rất quan trọng: bạn phải đưa ra được giới hạn của từ  “kiểm soát”. Khi mâu thuẫn về việc kiểm soát giữa cha mẹ và con cái đã trưởng thành, vấn đề tiềm tàng, sâu sắc hơn: sự tôn trọng và giới hạn trong cuộc sống cá nhân. Bạn đã qua tuổi 18 bao lâu, và bạn thật sự có khả năng tự lập? Bạn đang sống chung với cha mẹ? Bạn phụ thuộc vào sự cung cấp tài chính của cha mẹ? Bạn còn độc thân hay đã lập gia đình? Câu trả lời của bạn sẽ giúp bạn xác định rõ hơn trách nhiệm của bạn với cha mẹ.

Lâm Thảo dịch

(Nguồn: focusonthefamily.com)

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình, để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Bạn vui lòng liên lạc với chúng tôi bằng cách để lại bình luận, hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected].
Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải Huyền 3:20).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *