Chúa ở đâu trong vũ trụ?

Oneway.vn – Liệu bạn có thể chứng minh được sự tồn tại của Đức Chúa Trời?  Nếu có? Nếu không?

“Bạn không thể chứng minh Chúa có thật, cũng không thể chứng minh ngược lại: Ngài không hiện hữu”. Đây là câu trả lời khá ‘huề vốn’, nhưng thường gặp của những cuộc tranh luận về Thượng Đế – Đức Chúa Trời.

Nếu theo nghĩa “chắc chắn tuyệt đối”, thì con người không thể chứng minh hay bác bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Nhưng cũng không phải không có bằng chứng về Chúa. Kiến thức con người rất hạn hẹp so với vũ trụ bao la, vậy “chắc chắn tuyệt đối” không phải là tiêu chuẩn cần và đủ, nhưng với những gì con người biết, việc chứng minh Đức Chúa Trời tồn tại là hoàn toàn có thể.

Nên nhớ một luận điểm đơn thuần không thể chiến thắng một cuộc tranh luận, con người cần nhiều hơn. Ví dụ hầu hết đều tin trái đất hình cầu nhưng vẫn có người khăng khăng trái đất phẳng. “Đội hình cầu” có bỏ qua lý luận của mình vì “đội hình phẳng”? Tất nhiên không. Cách duy nhất là “Đội hình phẳng” cung cấp bằng chứng áp đảo, khả thi hơn, dù không có gì tuyệt đối.

Lý luận đa dạng

Alvin Plantinga – một trong số nhà triết học xuất sắc nhất thế giới – đưa ra phác thảo hơn 20 lý luận thần học, có thể chia thành 2 ý chính:

#1: Đức Chúa Trời là lời giải thích tốt nhất cho sự khởi đầu của vũ trụ.

#2: Đức Chúa Trời là lời giải thích tốt nhất cho sự sống của vũ trụ.

Lý luận #1

Tiền đề 1: Bất cứ điều gì tồn tại đều có nguyên nhân.

Tiền đề 2: Vũ trụ tồn tại.

Kết luận: Sự tồn tại của vũ trụ là có nguyên nhân.

Bất cứ điều gì tồn tại đều có nguyên nhân. Hầu hết con người chấp nhận #1 trong mọi khía cạnh cuộc sống. Nhưng thật ngạc nhiên khi các nhà triết học vẫn chưa chứng minh được tính xác thực của nó, dù đây luôn là nguyên tắc cơ bản đầu tiên của triết học và khoa học. Ngay cả triết gia vô thần David Hume, người khẳng định chúng ta không thể chứng minh quy luật nhân quả là đúng hoàn toàn, nhưng vẫn tin và nghĩ nó chắc chắn đúng. Tiền đề này chắc chắn hợp lý hơn là tin rằng mọi thứ tồn tại một cách ngẫu nhiên, không mục đích.

Khoa học xác nhận:

Thứ hai, chúng ta có các xác nhận khoa học và lập luận logic cho sự khởi đầu của vũ trụ. Theo mô hình chuẩn của thuyết Big Bang, không gian, thời gian, vật chất và năng lượng đều tồn tại đồng thời khoảng 15 tỷ năm trước.

Hơn nữa, theo định luật thứ 2 về Nhiệt động lực học, cần có đủ thời gian để vũ trụ đạt đến trạng thái cân bằng – khi nó là một hành tinh lạnh lẽo, không có ánh sáng hay sự sống và bất động. Rõ ràng nếu vũ trụ không có bắt đầu, thì đã có một khoảng thời gian vô hạn trước thời điểm hiện tại. Nếu thật vậy thì vũ trụ lẽ ra phải ở trạng thái cân bằng. Không thể có thiên hà, hệ mặt trời, các hành tinh… – chưa kể đến sinh vật sống. Vậy nhất định có rất nhiều thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng, chuyển động và sự sống, quá khứ hữu hạn. Vũ trụ đã có một khởi đầu.

Phần thứ ba và là phần mạnh nhất ủng hộ cho sự khởi đầu của vũ trụ là sự bất khả xâm phạm của một quá khứ vô hạn. Vì bất cứ vật gì vô hạn cũng không thể tồn tại trong thế giới thực. Chúng ta có thể nghĩ, vì chúng ta sử dụng khái niệm vô cực trong toán học nên không hề có vấn đề gì. Nhưng các nhà toán học sử dụng khái niệm vô cực để áp dụng một số quy tắc nhằm tránh lý giải về sự vô lý và mâu thuẫn về số lượng vô hạn của một điều gì đó. Và những quy tắc này không áp dụng cho thế giới thực. Vô cực chỉ hoạt động trong lĩnh vực trừu tượng và một số quy tắc đặc biệt.

Để thấy được sự phi lý và mâu thuẫn về số lượng vô hạn trong thế giới thực, hãy tưởng tượng một thư viện có vô số sách màu đen và xanh xếp xen kẽ trên kệ, được đánh số liên tục trên gáy. Liệu có ý nghĩa không khi nói số lượng sách đen bằng số sách đen xếp cùng số sách xanh? Không hẳn, nhưng bạn phải nói vậy để tuyên bố vô cực là có thể trong thế giới thực.

Giả sử chúng ta lấy tất cả sách xanh đi, thì bao nhiêu cuốn còn lại trong thư viện? Vẫn còn một lượng sách vô hạn trong thư viện, dù một lượng vô hạn khác đã được đưa đi! Giả sử chúng ta rút các cuốn sách được đánh số 4,5,6… Cứ thế, và bây giờ còn bao nhiêu cuốn sách? 3 cuốn? Chắc có điều gì đó sai sai! Lần đầu chúng ta lấy một số sách vô hạn và còn lại một số vô hạn; lần sau chúng ta lại lấy đi một lượng vô hạn và bị bỏ lại với mâu thuẫn logic rõ ràng. Vì giả thuyết của chúng ta có mâu thuẫn, một giả thuyết sai – một thư viện với số sách vô hạn không thể tồn tại.

Dù chúng ta có thể tránh mâu thuẫn trong lĩnh vực toán học bằng cách tạo ra các quy tắc như không cho phép trừ hoặc phân chia khi sử dụng vô cực, cũng không thể ngăn người ta lấy sách khỏi thư viện trong thế giới thực. Do đó, một quá khứ vô tận sẽ là một lượng vô hạn của sự vật (sự việc) và vô số thứ không thể tồn tại trong thế giới thực, vậy chỉ có một logic rằng quá khứ không phải vô hạn. Vũ trụ đã có một khởi đầu.

Thêm vào đó, quá khứ vô hạn là không thể, vì vô hạn thực sự không được hình thành bằng cách thêm một cái này hay cái khác vào. Nó như một điểm cực hạn mà chúng ta không bao giờ đạt được. Cũng như chúng ta không bao giờ có thể đếm đến vô cùng, lại càng không thể đếm ngược từ âm vô cùng. Và để tồn tại một vũ trụ không có bắt đầu, sẽ cần một số lượng vô hạn các sự kiện trong quá khứ để có được hiện tại. Nhưng điều đó bất khả thi vì nó đồng nghĩa với việc hiện tại không tồn tại. Vì vậy, thuyết Big Bang, luật thứ 2 về Nhiệt động học và sự bất khả xâm phạm của một quá khứ vô hạn, tất cả đều khẳng định vũ trụ có khởi đầu.

Bất cứ điều gì tồn tại đều phải có nguyên do, vậy vũ trụ tồn tại cũng có nguyên do của nó. Vậy điều gì tạo ra Đức Chúa Trời? Một lập luận phản đối phổ biến nhất là câu hỏi “Vậy điều gì tạo ra Đức Chúa Trời?”. Nhưng câu hỏi “Điều gì tạo ra X?” chỉ có nghĩa nếu có lập luận cho thấy “X” có khởi đầu. Trong trường hợp này, không gì củng cố cho nguyên nhân của vụ nổ Big Bang. Trên thực tế, nếu thời gian chỉ tồn tại sau khi Big Bang xảy ra, nguyên nhân của vụ nổ chắc hẳn đã tồn tại trong vô tận. Vì vậy nó không thể tồn tại, vì không hề có một nguyên nhân nào. Chúng ta có thể muốn quy điều này về vũ trụ, nhưng không thể, vì các bằng chứng chỉ ra vũ trụ có khởi đầu.

Lý luận #2: Đức Chúa Trời – giải thích tốt nhất cho một vũ trụ sống

Các nhà thiên văn học phát hiện rằng Big Bang dường như đã được quản lý rất tốt. Các giá trị của các lực tự nhiên như lực hấp dẫn, lực điện từ, các lực hạ nguyên tử và điện tích của các electron “vừa tạo ra” rơi vào một phạm vi cực kỳ có lợi để tạo ra sự sống. Một chút thay đổi bất kỳ trong các lực này sẽ phá hủy khả năng tạo ra sự sống và có thể là cả vũ trụ.

Ông Stephen Hawking – một tên tuổi trong ngành vật lý đương đại viết: “Các định luật khoa học mà chúng ta biết hiện nay chứa đựng rất nhiều số cơ bản như kích thước điện tích electron, tỷ lệ khối lượng proton, electron… Thật đáng chú ý là giá trị của những con số này dường như đã được điều chỉnh tốt nhất để có thể phát triển sự sống” (A Brief History of Time/Bản tóm tắt lịch sử của thời gian, 1988, tr. 125).

Ông Fred Hoyle – nhà vật lý thiên văn nổi tiếng chống thuyết Big bang cho biết: “Sự hiểu biết thông thường về các sự kiện cho thấy một siêu năng lực có liên hệ mật thiết với vật lý cũng như hóa học, sinh học, và không có một lực nào không rõ ràng về bản chất. Những con số tính toán từ những sự kiện đối với tôi dường như quá áp đảo để đưa ra một một câu hỏi hơn là một kết luận” (Engineering and Science/Kỹ thuật & Khoa học, 11/1981, trích The World Treasury of Physics/Kho bạc Vật lý Thế giới, Timothy Ferris, 1991, tr. 392).

Hãy cùng xem xét các ví dụ sau:

1- Nếu điện tích của proton và electron trong nguyên tử hydro không trái dấu, cả vũ trụ chắc hẳn không thể tồn tại.

2- Nếu tương quan lực giữa 4 lực cơ bản – hấp dẫn, điện từ, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh – khác đi một chút, không sự sống nào có thể hình thành. Nếu lực hạt nhân mạnh (lực liên kết các proton và neutron trong nhân) thấp hơn 2%, nó sẽ phá hủy tất cả hạt nhân cần thiết hình thành sự sống. Nếu hơn 2%, nó sẽ ngăn cản sự hình thành các proton và do đó không tồn tại vật chất.

3- Nếu tỷ lệ khối lượng electron/proton không phải là 1/1836, sẽ không có hóa học.

4- Nếu sự cân bằng giữa lực hấp dẫn và lực điện từ trong các ngôi sao lệch đi một chút, sẽ tạo ra một vũ trụ toàn bộ là các ngôi sao khổng lồ xanh và sao lùn đỏ không hỗ trợ cho sự sống.

5- Theo định luật thứ 2 về nhiệt động lực học, vụ nổ lớn đã tạo ra một vũ trụ với trật tự bằng không (entropy tối đa), nhưng vũ trụ của chúng ta xuất hiện rất có trật tự (entropy thấp).

6- Nếu tốc độ mở rộng của vũ trụ chậm hơn 1 phần triệu triệu, vũ trụ sẽ sụp đổ rất sớm. Nếu tỷ lệ mở rộng lớn hơn 1 phần một triệu, các thiên hà và các hành tinh không thể hình thành.

7- Nếu lực ly tâm không hoàn toàn cân bằng với lực hấp dẫn, thì mỗi thiên hà và hệ mặt trời sẽ tự hút vào chính nó.

8- Nếu mức cộng hưởng (năng lượng) của hạt nhân carbon 12 thấp hơn một chút, thì carbon sẽ không hình thành. Một mức cao hơn một chút sẽ lập tức phá hủy nó. Carbon, oxy, nitơ và các nguyên tố quan trọng khác cần thiết cho cuộc sống đều phụ thuộc vào điều này.

Nếu Big Bang là ngẫu nhiên thì không thể khiến giá trị của tất cả các lực này đủ chính xác để đảm bảo sự tồn tại của vũ trụ và cho phép sự sống. Với giá trị vô hạn mà các lực này được sắp xếp, không nhiều khả năng chúng sẽ rơi vào phạm vi có lợi cho cuộc sống. Như John Leslie, nhà triết học – khoa học nói: “Sự sống không cho phép vũ trụ làm nhiều hơn những gì mà sự sống cần”. Đây là bằng chứng về một Đấng Sáng Tạo khôn ngoan đứng sau Big Bang, người đảm bảo rằng nó đã xảy ra theo cách mà vũ trụ sẽ hỗ trợ cuộc sống.

Phản đối

Có một lập luận phản đối chính với quan điểm này, đó là: “Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nhìn thấy những điều kiện ban đầu của vũ trụ có lợi cho sự sống, vì rõ ràng đó là điều kiện duy nhất cho sự tồn tại của chúng ta”.

Trường hợp này chỉ có thể giả định khi sự tồn tại của chúng ta không có gì đáng chú ý. Nhưng lập luận của chúng ta là, với số lượng vô hạn các giá trị được cân bằng, thật quá đỗi ngạc nhiên khi viễn cảnh chính xác đó đã diễn ra, cả về điều kiện ban đầu lẫn sự tồn tại của con người. Nếu người ta giả định vế thứ hai không đáng ngạc nhiên, thì tất nhiên vế đầu  cũng vậy. Nhưng rõ ràng nó đặt ra quá nhiều nghi vấn.

Tóm tắt và kết luận

Giống như 2 dây quấn lại với nhau sẽ trở thành 1 sợi rắn chắc, vậy, sự bổ sung của 2 lý luận này cho ra 1 kết luận mạnh mẽ về sự tồn tại của Đức Chúa Trời.

Kết hợp với nhau, 2 lý lẽ này cho chúng ta biết nguyên nhân và người đã thiết kế vũ trụ là một Đấng khôn ngoan, phi vật chất, mạnh mẽ, không thay đổi, tồn tại vĩnh hằng ngoài thời gian và không gian. Tôi nghĩ điều này đã gần giống với thần học Cơ đốc truyền thống về Đức Chúa Trời để chúng ta có thể kết luận chính xác rằng, Đức Chúa Trời tồn tại.

Jane Nguyễn dịch

(Nguồn: thoughts-about-god.com)

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *