Khóc cho một tai họa mới: Hôn nhân đồng tính

Oneway.vn – Chúa Jêsus đã chết để những tội nhân về tính dục và đồng tính có thể được cứu. 

Chúa tạo ra tình dục và có ý muốn rõ ràng cho việc nó phải được trải nghiệm trong sự thánh khiết và vui mừng.

Ý muốn của Ngài là “người nam phải lìa cha mẹ mình và kết hợp với vợ, và hai người trở nên một thịt” (Mác 10:6–9). Trong sự hiệp nhất đó, tình dục tìm thấy ý nghĩa mà Đức Chúa Trời định cho nó, dù là ý nghĩa của sự hợp nhất về thể xác cá nhân, ý nghĩa biểu trưng, sự thăng hoa khoái cảm, hay sự kết quả sinh sản.  

Đối với những người đã từ bỏ đường lối của Đức Chúa Trời dành cho tình dục mà bước vào quan hệ tình dục đồng giới, hoặc gian dâm ngoài hôn nhân, hoặc ngoại tình, Chúa Jêsus bày tỏ lòng thương xót đáng kinh ngạc dành cho họ.

Một số người trong chúng ta cũng vậy. Nhưng chúng ta “đã được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính” nhân danh của Đức Chúa Jêsus Christ và bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 6:11).

Tội lỗi được thể chế hóa

Thế nhưng, vào ngày 26/6/2015, sự cứu rỗi khỏi các hành vi tình dục tội lỗi đã không còn được theo đuổi nữa. Thay vào đó, đã có một sự thể chế hóa rộng lớn dành cho tội lỗi.

Sau một biểu quyết 5 thuận-4 chống, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng các bang không được đưa ra luật cấm kết hôn đồng giới.

Kinh Thánh không hề im lặng trước những quyết định như thế. Bên cạnh lời giải thích rõ ràng nhất về tội quan hệ tình dục đồng giới, còn có bản cáo trạng dành cho việc chấp thuận và thể chế hóa nó (Rô-ma 1:24–27). 

Mặc dù dựa vào trực giác, người ta biết rằng các hành vi đồng tính (cùng với những hành vi nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót…) là tội lỗi, nhưng “chẳng những họ làm những điều đó, lại còn tán thành cho người khác làm nữa” (Rô-ma 1:29–32)

“Vì tôi đã thường nói điều nầy với anh em, bây giờ tôi lại khóc mà nói nữa: Có nhiều người đã sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ … lấy xấu hổ làm vinh quang” (Phi-líp 3:18-19).

Đây là điều mà Tòa án Tối cao của đất nước chúng ta đã làm ngày nay – biết những việc làm này là sai, nhưng vẫn phê chuẩn “cho người khác làm”.

Điều tôi muốn nói đó là chúng ta không nhận ra đây là một tai họa đang diễn ra xung quanh mình. Đồng tính luyến ái không phải là điều mới – không mới với nước Mĩ hay với lịch sử loài người. Sự hư hoại đó vẫn luôn tồn tại vì tất cả chúng ta đều ở trong bản chất sa ngã của loài người. (Có một sự khác biệt rất lớn giữa xu hướng và hành động – giống như có sự khác biệt lớn giữa xu hướng kiêu ngạo của tôi với thái độ khoe khoang.)

Những cái mới thậm chí cũng không phải là sự ăn mừng hay sự chấp thuận tội đồng tính. Hành vi đồng tính đã được khai thác, say mê, được tôn vinh trong nghệ thuật suốt hàng thiên niên kỷ. Điều mới ở đây chính là sự bình thường hóa và thể chế hóa nó. Đây là tai họa mới.

“Điều mới ở đây chính là sự bình thường hóa và thể chế hóa hành vi đồng tính. Đây là tai họa mới.”

Lời kêu gọi hãy than khóc

Lý do chính của tôi khi viết những điều này không phải để khơi mào một cuộc phản công chính trị. Tôi cũng không nghĩ đó là sự kêu gọi của Hội thánh. Lý do của tôi là giúp Hội thánh thật sự đau buồn trước tai họa này, cũng như tính nghiêm trọng của sự tấn công vào Đức Chúa Trời và hình ảnh của Ngài trong con người mà Ngài tạo dựng.

Hơn bất cứ ai khác, Cơ Đốc nhân có thể nhìn thấy cơn sóng đau đớn đang ập đến. Tội lỗi tự nó mang theo sự khốn khổ: “đàn ông làm điều đồi bại với đàn ông, và chính họ phải chịu sự sửa phạt tương xứng với sự lầm lạc của mình” (Rô-ma 1:27).

Không chỉ là sự tự hủy hoại của tội lỗi đang đến, mà cuối cùng sẽ là cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời: “gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng; bởi những điều nầy, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên những con không vâng phục” (Cô-lô-se 3:5-6).

“Chúng ta khóc vì tội lỗi của mình. Chúng ta không ăn mừng. Chúng ta không thể chế hóa, hợp pháp hóa chúng.”

Cơ Đốc nhân biết rõ điều gì đang đến, không chỉ bởi vì chúng ta nhìn thấy nó trong Kinh Thánh, nhưng vì chính chúng ta cũng đã nếm trái đau buồn của tội lỗi mình. Chúng ta không thoát khỏi một sự thật rằng “ai gieo giống gì thì gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7). Hôn nhân, con cái, hội thánh, đoàn thể… tất cả đều gánh chịu hậu quả của tội lỗi chúng ta.  

Sự khác biệt là: Chúng ta khóc vì tội lỗi của mình. Chúng ta không ăn mừng, chúng ta không thể chế hóa, hợp pháp hóa chúng. Chúng ta tìm đến Chúa Jêsus để được tha thứ và cứu giúp. Chúng ta kêu khóc với Ngài, “là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10).

Trong những ngày tháng tươi đẹp nhất, chúng ta vẫn khóc cho thế giới và cho dân tộc mình. Trong thời của tiên tri Ê-xê-chi-ên, Đức Chúa Trời đánh một dấu hy vọng “trên trán những người nào than thở, khóc lóc về mọi điều kinh tởm đã phạm giữa thành nầy [Giê-ru-sa-lem]” (Ê-xê-chi-ên 9:4).

Đây là lý do mà tôi viết, không phải như một hành động mang tính chính trị, nhưng vì tình yêu đối với Danh Đức Chúa Trời và lòng thương xót đối với thành phố hủy diệt.

“Nước mắt con tuôn ra như suối, vì người ta không vâng giữ luật pháp Chúa” (Thi-Thiên 119:136).

 

Tác giả: John Piper (@JohnPiper) là nhà sáng lập và giáo sư của tổ chức desiringGod.org, hiệu trưởng của Trường Cao đẳng & Viện thần học Bết-lê-hem. Mục sư John cũng là mục sư quản nhiệm của Hội thánh Bethlehem Baptist Church ở Minneapolis, Minnesota, trong suốt 33 năm. Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách, trong đó có Desiring God: Meditations of a Christian Hedonist (tạm dịch: Khao Khát Chúa: Những Suy Ngẫm Của Một Người Khoái Lạc Nơi Đấng Christ), và gần đây nhất là Coronavirus and Christ (tạm dịch: Vi-rút Corona và Đấng Christ).

 

Tác giả: John Piper; Dịch: Blessie

(Nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *