Nghịch cảnh: gánh nặng hay cầu nối?

Oneway.vn – Trong cuộc sống, nghịch cảnh không thể tránh khỏi và thường xảy ra thình lình. Nghịch cảnh làm đức tin thêm sâu đậm, hoặc có thể là cách nhanh nhất hủy hoại niềm tin. Và, sự khác biệt nằm ở thái độ, cách phản ứng trước nghịch cảnh.

Nghịch cảnh xảy đến dưới mọi hình thức. Và cho dù bạn ở đâu, màu da, sắc tộc nào cũng không hề khác biệt.

Nghịch cảnh làm bạn có cảm giác bị nhấn chìm trong gánh nặng: lo lắng, buồn chán, mệt mỏi, mất ngủ, kiệt sức… Nhưng nó cũng có thể là chiếc cầu dẫn bạn đến gần hơn trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời.

Định nghĩa nghịch cảnh hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và cách hiểu về những gì Đức Chúa Trời đang làm. Vậy, đối với bạn nghịch cảnh là chiếc cầu hay gánh nặng? Làm sao chúng ta có thể giữ được thái độ đúng đắn để hiểu điều Đức Chúa Trời đang làm, hay chỉ biết than thở: “Chúa ơi, con phải chịu đựng bao lâu nữa?”.

Nghịch cảnh là sức lực

Paul/Phao-lô học biết rằng ông có thể hài lòng, mãn nguyện ngay cả trong mớ hỗn độn của nghịch cảnh:“Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy” (Philippians/Phi líp 4:11).

II Corinthians/II Cô-rinh-tô 12:10 chép: “Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ”. Ông kinh nghiệm được sức mạnh siêu nhiên của Đức Chúa Trời trong chính sự yếu đuối của mình. Nghịch cảnh có thể khiến chúng ta lo lắng, mệt mỏi, kiệt sức. Riêng Phao-lô nhận biết mình kinh nghiệm được sức mạnh siêu nhiên của Đức Chúa Trời để vượt qua. Ngài trang bị và ban cho ông khả năng giải quyết bất kỳ hoàn cảnh nào xảy đến.

Trong nghịch cảnh, Phao-lô không chăm về bản thân, nhưng hướng đến Chúa. Những điều ông nhận biết và học được về mối liên hệ giữa ông với Chúa giúp ông vượt qua khó khăn hiện hữu.

Nghịch cảnh giúp tin cậy Chúa hơn

Không ít người trải qua hoàn cảnh bất lợi, đa phần từ vấn đề tài chính, việc làm. Đó là những điều họ chưa từng gặp phải, và luôn nghĩ rằng tất cả nhu cầu của mình sẽ được thỏa mãn, chưa bao giờ mường tượng mình sẽ nhận được thông báo: “Chúng tôi không cần bạn cho công việc này nữa”…

Phao-lô trong lúc thiếu thốn tin rằng Chúa là nguồn tiếp trợ của ông. Ông trông cậy sự thành tín của Chúa, và tin Ngài sẽ thực hiện những lời đã hứa trong Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jesus Christ” (Philippians/Phi-líp 4:19).

Và bởi Đức Chúa Trời là thành tín, nên chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi Ngài. Bất kể hoàn cảnh nào, hãy tin cậy Ngài. Trông cậy điều Chúa làm, xem cách Ngài giúp chúng ta vượt qua điều đó.

Nghịch cảnh trở nên ích lợi

Phao-lô nhìn nhận mọi thứ đều đến từ Đức Chúa Trời. Đây là nguyên tắc căn bản giúp tránh cảm giác cay đắng, căm giận… khi nghịch cảnh xảy đến: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (II Corinthians/II Cô-rinh-tô 1:3-4).

Trong nghịch cảnh, Đức Chúa Trời giúp ông trở nên người yên ủi người khác bằng chính cách Ngài đã an ủi ông! Ông nhận biết Đức Chúa Trời có mục đích cụ thể cho nghịch cảnh xảy đến. Ngài là Đấng tốt lành, toàn hảo. Bất cứ điều gì Ngài cho phép xảy đến, Ngài đều định sẵn mục đích. Và mục đích ấy dĩ nhiên tốt cho con cái Ngài: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời…” (Romans/Rô-ma 8:28).

Khi nghĩ về điều đó và hoàn toàn tin cậy, Phao-lô biết mình có thể vui mừng trong nghịch cảnh.

Chúng ta càng có khả năng trở thành những người an ủi kẻ khác, khi chính mình từng trải qua nghịch cảnh và được an ủi. Khi được an ủi, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của việc an ủi người khác.

Bạn tự tin để an ủi người khác khi trải qua tổn thương, cảm nhận sự đau đớn khi bị ruồng bỏ, đối diện khó khăn, bản thân từng sai trật, thất bại… Và Đức Chúa Trời bằng cách nào đó đã hành động bằng sự an ủi tuyệt vời của Ngài.

Bạn tin cậy, vượt qua nghịch cảnh, để rồi cuối cùng nó dẫn bạn đến gần Chúa hoặc chống lại, nhưng nó sẽ chỉ đem lại tổn thương, đau đớn. Hãy đầu phục Chúa và nhìn xem Ngài, Đức Chúa Trời biết bạn cần gì để trở thành người mà Ngài muốn bạn trở thành.

Hãy để nghịch cảnh là cầu nối giữa bạn với Đức Chúa Trời, chứ không phải gánh nặng khiến bạn buông xuôi, từ bỏ. Amen!

Kiều Diễm

Bạn đã tin nhận Chúa Jesus chưa? Bạn muốn tìm hiểu về Chúa? Vui lòng bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, inbox Fanpage) hay liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *