Làm thế nào để giúp trẻ đọc Kinh Thánh

Oneway.vn – Hầu hết các bậc cha mẹ Cơ Đốc thật sự nghiêm túc muốn giúp con mình học cách đọc, hiểu, tin cậy, và yêu mến Kinh Thánh. Nhưng phần lớn chúng ta đều thấy đây là một thách thức không hề nhỏ, thậm chí làm nhụt chí không ít người!

Kinh Thánh đủ vĩ đại và phức tạp để “dọa dẫm” cả những người lớn. Vậy thì làm thế nào có thể giúp con cái chúng ta hiểu được quyển sách quan trọng nhất trên thế giới này, và bắt đầu phát triển thói quen thưởng thức, chiêm nghiệm nó hằng ngày?

Không có phương pháp đơn giản mà dễ thành công ở đây. Mỗi đứa trẻ đều khác biệt, và Đức Thánh Linh hành động theo những cách khác nhau, ở những thời điểm khác nhau trên mỗi người. Nhưng tôi đã tìm ra phương cách của ân điển nhất định, và nhìn chung nó hiệu quả. Là cha của 5 đứa con và cũng là Mục sư, tôi xin chia sẻ 6 điều mà tôi cảm thấy hữu ích.

1- Tặng con quyển Kinh Thánh chúng thích

Bạn đã bao giờ tặng cho con quyển Kinh Thánh của riêng chúng chưa? Nếu con chưa sở hữu 1 quyển, hãy tặng chúng. Hãy mua quyển Kinh Thánh tốt nhất, đẹp nhất mà bạn có thể, một đứa trẻ sẽ thích cầm lên, nhìn vào nó, đặc biệt đó là một quyển sách thực sự giá trị.

Các nhà xuất bản Kinh Thánh đã thiết kế những quyển rất đẹp dành cho trẻ em. Ví dụ Crossway vừa xuất bản những bản Kinh Thánh thếp vàng, và khi các con tôi nhìn thấy nó, tất cả chúng đều muốn cầm giữ, lướt qua, đọc nó.

Hãy tặng con bạn một cuốn Kinh Thánh giá trị, đẹp đẽ, chất lượng và ghi vào đó những thông điệp yêu thương, gửi gắm, tin cậy…

2- Hãy làm gương

Có người nói rằng những cuốn Kinh Thánh cuối cùng cũng chỉ ở trên những cái kệ đầy bụi nếu con cái không thấy chúng ta đọc Kinh Thánh một cách thích thú, hứng khởi và vui mừng.

Khi còn nhỏ, tôi không thể hiểu nổi tại sao cha tôi lại thức dậy sớm hơn mọi người để đọc Kinh Thánh trước khi đi làm. Tôi cũng nhớ thói quen đọc Kinh Thánh của bà ngoại tôi – một người hay đau ốm – trong mọi lúc bà có thể. Tại sao những người già lại ham đọc Kinh Thánh nhiều như thế? Mặc dù chỉ là một đứa trẻ và không hiểu điều này, nhưng cả 2 ví dụ đó đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi, nó ảnh hưởng đến tôi một cách có ý thức và vô thức cho đến ngày nay.

3- Cho con động lực

Một trong những chàng trai của tôi cảm thấy rất khó ra khỏi giường vào buổi sáng. Đôi khi tôi nghe con nhấn lại chuông hẹn giờ đến 6 lần. Chúng tôi đã nói chuyện đó, và mặc dù nó là đứa chăm chỉ. Nó vẫn chưa đủ lớn để có thể thức dậy khi tiếng chuông báo thức đầu tiên vang lên.

Nếu muốn con đọc Kinh Thánh, chúng ta cần cho chúng một lý do đủ lớn. “Chỉ cần đọc thôi!” Chưa đủ. Tại sao phải đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Bởi vì, cùng với lời dạy của Chúa, đọc Kinh Thánh thường xuyên là cách chính yếu và thông thường mà Đức Chúa Trời “nói” với chúng ta. Kinh Thánh không chỉ là những lời khôn ngoan làm cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn, mà còn là những lời vĩnh cửu khiến chúng ta “khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ” (II Timothy/II Ti-mô-thê 3:15).

4- Hướng dẫn con có kế hoạch đọc Kinh Thánh rõ ràng

Một khi nói lý do tại sao, chúng ta cũng cần nói cần thực hiện nó thế nào, bắt đầu từ đâu, nên đọc bao nhiêu mỗi ngày, nên đọc Cựu Ước hay chỉ Tân Ước?

Chúng ta cần cung cấp cho chúng kế hoạch rõ ràng, có thể lượng giá được, nếu không chúng sẽ “nhảy quanh” Kinh Thánh, không có ý thức về mục đích hoặc sự tiến bộ, cuối cùng chúng sẽ từ bỏ. Lý tưởng hơn, kế hoạch sẽ dần đưa chúng qua những phần quan trọng nhất của Kinh Thánh trong các bài đọc hàng ngày. Hiện, có rất nhiều lịch đọc Kinh Thánh, hoặc bạn có thể lập kế hoạch riêng mình cho phù hợp với con.

Đừng nghĩ bạn cần đạt được kế hoạch hoàn hảo ngay. Xin cầu nguyện cho sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, giúp con cái bạn thử nghiệm cho đến khi bạn tìm ra một kế hoạch phù hợp nhất với chúng.

5- Đặt câu hỏi

Khi còn nhỏ, bố tôi đã thử nhiều cách khác nhau để tôi đọc Kinh Thánh, nhưng hiệu quả nhất là đặt câu hỏi. Đôi khi ông đưa cho tôi một câu hỏi đơn giản để trả lời liên quan đến những gì tôi đang đọc. Điều này đảm bảo rằng tôi phải đọc mới có câu trả lời, và nó đã huấn luyện tôi việc đặt câu hỏi về Kinh Thánh, xây dựng thói quen tương tác với Kinh Thánh để không đọc nó một cách thụ động. Các câu hỏi thường về nội dung của đoạn văn, nhưng khi lớn lên, những câu hỏi sẽ chuyển sang ý nghĩa và ứng dụng.

Sau đây là một số câu hỏi mà tôi đã cố gắng huấn luyện con: Đoạn này dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời? Về tội lỗi? Về ơn cứu rỗi? Về Đấng Christ? Về phúc âm? Về cuộc sống trên thế giới này và thế giới sau?…

Bạn có thể có những câu hỏi khác, nhưng hãy dạy cho con cách truy vấn.

6- Cho con câu trả lời

Con bạn sẽ có những thắc mắc riêng mình về văn bản mà chúng không hiểu hoặc về độ tin cậy của Kinh Thánh. Bạn nên hoan nghênh điều này. Thường xuyên yêu cầu con nếu chúng thắc mắc về những gì chúng đang đọc. Hãy cho con biết rằng bạn muốn con đến với bạn cùng những câu hỏi về Kinh Thánh và đặc biệt về cách nó liên quan đến cuộc sống riêng chúng.

Nếu con bạn chưa được tái sinh, chúng sẽ làm bạn thất vọng trong lãnh vực này nhiều lần. Đừng bỏ cuộc. Hãy hiệp lòng với con. Chỉ cho con cách tìm đến ân sủng của Đấng Christ và Tin Lành của Ngài để tránh xa tội lỗi và thúc đẩy sự vâng phục của chúng.

Một trong những món quà tốt nhất bạn có thể cho con là trở nên quen thuộc với Kinh Thánh và thông điệp của nó. Tặng con quyển Kinh Thánh mà chúng thích, trở thành tấm gương để con noi theo, mang đến cho con một động lực hấp dẫn, mang đến một kế hoạch đọc Kinh Thánh có lượng giá rõ ràng, đưa ra những câu hỏi và khích lệ con đặt câu hỏi về Kinh Thánh, cung cấp cho con câu trả lời cho những câu hỏi của chúng về Kinh Thánh, khích lệ con tiếp tục đọc và chia sẻ với con trong những vấp ngã, thất bại.

Diệu Trang dịch

(Nguồn: desiringgod.com

David Murray là tác giả của Exploring the Bible/Kế hoạch đọc Kinh Thánh cho trẻ em (2017) và “Một cuộc sống ân điển, bình an trong một nền văn hoá chán nản” (2017). Đã kết hôn và có 5 con; là giáo sư về Cựu Ước và Thần học Thực tế tại Chủng viện Puritan Reformed, là Mục sư của Hội Thánh Grand Rapids Free Reformed – Grand Rapids.

____________________

Bạn đã tin nhận Chúa Jesus chưa? Bạn muốn tìm hiểu về Chúa? Vui lòng bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, inbox Fanpage) hay liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *