Nếu Bạn Là Một Cơ Đốc nhân Thì Bạn Cũng Là Một Nhà Truyền Giáo

Oneway.vn: Điều ngạc nhiên nhất, những từ như “truyền giáo” hay “nhà truyền giáo” không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, định nghĩa và khái niệm về truyền giáo lại là chủ đề trung tâm trong Lời Chúa.

Giải thích đơn giản về truyền giáo, đó là chúng ta có một vị Vua vinh hiển đã đến và giải cứu để chúng ta được vào nước Chúa, giờ đây chúng ta yêu thương Ngài, hầu việc và rao truyền cho thế gian về Ngài để người khác cũng sẽ yêu mến, thờ phượng và chia sẻ về Ngài.

Vậy, nhà truyền giáo là gì?

Nếu Bạn Là Một Cơ Đốc nhân Thì Bạn Cũng Là Một Nhà Truyền Giáo

Thông thường, hình ảnh xuất hiện trong đầu chúng ta là những Cơ Đốc nhân “siêu sao” có hình treo trên tường trong các nhà thờ, họ là những người lên máy bay và trở về mỗi năm một lần để trình bày trên Power Point.

Chúng ta không hề nên coi nhe quan điểm đó về những nhà truyền giáo. Tạ ơn Chúa vì có những người dâng cuộc đời mình để chia sẻ tình yêu của Chúa Giê-xu trên những vùng đất xa lạ. Họ chắc chắn là nhà truyền giáo, nhưng không phải là những người duy nhất.

Dù tin hay không thì tôi cũng thấy Wikipedia đưa ra một trong những định nghĩa hay nhất về đời sống truyền giáo: “Trong Cơ Đốc giáo, đời sống truyền giáo chiếm hữu khi các tín đồ bắt chước tư thế, suy nghĩ, hành vi và thói quen của một nhà truyền giáo để chia sẻ sứ điệp phúc âm cho người khác.”

Thật đáng tiếc, từ “truyền giáo” đã bị hiểu lầm và dùng sai như vậy trong cả thập kỷ qua. Tuy nhiên, về cốt lõi, thuật ngữ này nhấn mạnh sự thật rằng TẤT CẢ Cơ Đốc nhân nên thực hiện Đại Mạng Lệnh của Đức Chúa Giê-xu Christ, chứ không chỉ một nhóm những nhà truyền giáo “chuyên nghiệp”.

Thánh Kinh chép rõ ràng rằng mọi Cơ Đốc nhân đều là nhà truyền giáo. Đây là lý do:

Sự cứu rỗi là lời kêu gọi trở thành nhà truyền giáo.

Tâm trí của Cơ Đốc nhân không được tồn tại ý nghĩ: “Đức Chúa Trời đã gọi tôi đến sự cứu rỗi nhưng không gọi tôi vào việc truyền giáo.”

Lời kêu gọi bước vào mối tương giao với vị vua cũng là lời kêu gọi rao truyền cho thế gian về vị vua này.

Và điều này nên khiến chúng ta vui mừng tột bực. Cuối cùng, tạ ơn Chúa rằng làm một Cơ Đốc nhân có nhiều điều thú vị hơn là được “cứu”, hay ngồi vào sự bảo đảm phước hạnh trên băng ghế nhà thờ, tham dự nhiều bữa ăn, và chờ đợi Chuyến Xe Cất Lên đến đón chúng ta về quê hương trong phút chốc.

“Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giêsu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:8-10)

“Vậy nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì người ấy là một tạo vật mới; những gì cũ đã qua đi; nầy, mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều ấy đều đến từ Ðức Chúa Trời, Ðấng đã giải hòa chúng ta với chính Ngài qua Ðấng Christ và đã ban cho chúng ta chức vụ giải hòa; hay nói cách khác, trong Ðấng Christ, Ðức Chúa Trời đang giải hòa thế gian với chính Ngài, không kể đến các vi phạm của họ nữa, và đã trao cho chúng ta sứ điệp giải hòa. Vậy chúng ta là những đại sứ của Ðấng Christ, như thể Ðức Chúa Trời đang mời gọi qua chúng ta. Thay cho Ðấng Christ chúng tôi nài xin anh chị em: hãy làm hòa với Ðức Chúa Trời. Vì cớ chúng ta, Ðức Chúa Trời đã khiến Ðấng không biết tội lỗi thành người có tội, để nhờ ở trong Ngài, chúng ta trở nên những người công chính trước mặt Ðức Chúa Trời.” (2 Cô-rinh-tô 5:17-21)

Lẽ thật đẹp đẽ trong Thánh Kinh là lời dạy dỗ rằng “chúng ta không chỉ được kêu gọi KHỎI điều gì đó; chúng ta còn được gọi ĐẾN điều gì đó”.

Đúng là chúng ta được cứu khỏi tội lỗi, địa ngục, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và vương quốc của sự tối tăm; nhưng chúng ta cũng được kêu gọi vào nước Chúa, cộng đồng, Hội Thánh và mục vụ của Ngài.

Truyền giáo là một trong các lý do chúng ta được gia nhập vào Gia Đình của Đức Chúa Trời. Là những người tin Chúa, chúng ta không thể ích kỉ với phúc âm. Chúng ta phải chia sẻ với thế gian, gồm trường học, công việc, gia đình, hàng xóm và dân tộc. Chúng ta truyền giáo ở đâu và như thế nào sẽ được Thánh Linh Chúa bày tỏ, nhưng sự thật chúng ta là những nhà truyền giáo được nói chắc chắn trong Kinh Thánh. Rao truyền cho thế gian về Chúa Giê-xu là mục đích, khát khao và động lực sống của chúng ta.

Những nhà truyền giáo mang theo mình một sứ điệp.

Nếu Bạn Là Một Cơ Đốc nhân Thì Bạn Cũng Là Một Nhà Truyền Giáo

Đức Chúa Trời phán với tiên tri Ê-sai, “Hãy đi và nói” (Ê-sai 6:9).

Sứ đồ Phao-lô nói với tín hữu ở Cô-rinh-tô “…đã trao cho chúng ta sứ điệp giải hòa. Vậy chúng ta là những đại sứ của Ðấng Christ, như thể Ðức Chúa Trời đang mời gọi qua chúng ta. Thay cho Ðấng Christ chúng tôi nài xin anh chị em: hãy làm hòa với Ðức Chúa Trời.” (2 Cô-rinh-tô 5:19b-20)

Vậy, bất kỳ hình thức truyền giáo nào mà không công bố Phúc âm bằng lời nói rất có thể không phải là sứ mạng của Chúa – mà chỉ là các dự án phục vụ tạm thời. Sơn hàng rào, trồng vườn hay phân phát bánh không có gì là sai. Tuy nhiên, nếu không có thông điệp gắn liền, chúng ta không nên gọi đó là truyền giáo. Những nỗ lực này không khác gì với việc làm của các câu lạc bộ, tổ chức, hay các nhà hảo tâm.

Sự truyền giáo đúng với Kinh Thánh sử dụng các phương pháp như công bằng xã hội, các mục vụ nhân đạo, và công việc phục vụ để đưa con người đến với Đấng Cứu Thế tên Giê-xu. Để một người bị đói về thuộc thể trong khi chúng ta có thể giúp họ trong khả năng của mình không phải là yêu thương; cũng vậy, chúng ta không hề yêu thương khi để mặc một người bị đói thuộc linh trong khi chúng ta có thể nói cho họ về sự điệp sự sống.

Địa ngục luôn khao khát linh hồn của người no đủ cũng như người đói kém. Tấm lòng quan tâm thực sự cho một người giống như thế này: Chúng ta trao một miếng bánh vì tình yêu thương và cùng lúc vì tình yêu chúng ta nói cho họ nghe về Bánh Sự Sống.

“Họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân người rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Rô-ma 10:14-15)

Nhà Cải Cách Martin Luther từng nói, “Chúa Giê-xu có chết hàng ngàn lần cũng không là gì nếu không có ai nghe về điều đó”.

Đây là một thực tế thường trực, nó là động lực để chúng ta nhận thấy và ghi nhớ: truyền giáo không phải là một trong nhiều mục vụ khác của Hội Thánh địa phương, hay cũng không phải là niềm đam mê và sự kêu gọi của “một số người.” Rao truyền về Chúa là lý do duy nhất khiến Hội Thánh tồn tại.

Nếu bạn là một Cơ Đốc nhân, thì bạn cũng là một nhà truyền giáo. Vậy, hãy đi và rao báo cho thế gian biết về Vua của chúng ta.

Dịch: CTV.

Nguồn: Christian Post.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *